Cảm cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp do virus gây nên. Bệnh này rất phổ biến và dễ lây lan cho những người khác đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Thông thường mọi người thường điều trị bằng thuốc tây hoặc đông y nhưng nếu không điều trị đúng cách sẽ để bệnh nặng thêm, gây ra những biến chứng rất nghiệm trọng.
Vậy, bệnh cúm thường xảy ra khi nào, cách điều trị và phòng bệnh ra sao? Hãy cùng tìm hiểu để có thêm những kiến thức bổ ích giúp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Bệnh cúm thường xảy ra khi nào?
Thời điểm chúng ta dễ mắc bệnh cảm cúm nhất là khi thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, nhiệt độ thay đổi thất thường lúc nóng, lúc lạnh, lúc nắng, lúc mưa khiến cho cơ thể không thích ứng kịp.
Đó lại là điều kiện thuận lợi để các loại virus gây bệnh sinh sôi mạnh. Khi đó, hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu đi khiến virus dễ dàng xâm nhập và gây bệnh.
Bệnh cúm lây lan như thế nào?
Virus gây cảm cúm có thể sống và di chuyển trong không khí nên bệnh này rất dễ lây lan. Virus cúm có trong nước mũi, nước bọt người bệnh nên bệnh có thể lây qua các trường hợp sau:
- Người bệnh hắt hơi, ho trực tiếp vào không khí khiến virus phát tán ra môi trường xung quanh và dễ dàng xâm nhập vào đường hô hấp của những người gần đó.
- Do chúng ta tiếp xúc với những đồ vật có chứa virus gây bệnh mà người bệnh vừa mới tiếp xúc.
Triệu chứng của bệnh cảm cúm
Bệnh cảm cúm thường bị nhầm lẫn với một số bệnh khác như bệnh cảm lạnh, bệnh viêm dạ dày ruột nên chúng ta cần nhận biết rõ triệu chứng của bệnh cảm cúm để có cách điều trị chính xác nhất.
- Sốt cao từ 38 - 39 độ C kèm theo cảm giác ớn lạnh.
- Toàn thân mệt mỏi và đau nhức.
- Nhức đầu, chóng mặt.
- Sổ mũi, đau rát họng.
- Ở trẻ em có thêm triệu chứng sưng họng, đau tai hoặc tiêu chảy và nôn mửa.
Cách phòng bệnh cảm cúm
Bệnh cảm cúm rất dễ lây lan nên chúng ta cần nắm rõ và thực hiện các biện pháp phòng chống để tránh bị mắc bệnh.
- Uống nhiều nước, nhất là nước ấm.
- Súc miệng bằng nước muối ấm không chỉ giúp bạn chăm sóc răng miệng mà còn loại bỏ những vi khuẩn gây bệnh qua đường răng miệng từ đó góp phần phòng bệnh cúm hiệu quả.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng: trước và sau bữa ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi chăm sóc người già và trẻ nhỏ...
- Thường xuyên sử dụng những thực phẩm giúp phòng bệnh cúm như trà gừng, tỏi...
- Nâng cao hệ miễn dịch và sức đề kháng cho cơ thể bằng cách tập thể dục thường xuyên, ăn nhiều rau củ quả nhằm cung cấp đầy đủ các vitamin B, C, D, E...
- Mang khẩu trang y tế khi ra đường, ở nơi công cộng đông người.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm đặc biệt là với trẻ nhỏ, những người có sức đề kháng yếu hay phụ nữ chuẩn bị có thai.