Rắn Chàm Quạp hay còn gọi là rắn cà tên, rắn lục nưa, rắn lục Malaysia (Tên khoa học: Calloselasma rhodostoma) là loài rắn có răng nanh dài nhất trong số các loài rắn sinh sống ở Việt Nam.
Theo một nghiên cứu có tên 'A Study of 225 Malayan Pit Viper Bites in Thailand' thì loài rắn Chàm Quạp sở hữu cặp răng nanh có chiều dài từ 1,6 đến 1,7 cm, dài hơn nhiều so với răng nanh của rắn hổ mang chúa (khoảng 8 đến 10 mm, tức là gần 1 cm). Răng của loài rắn này có cấu tạo như một móc câu dài giúp tiêm nọc độc vào sâu cơ thể nạn nhân.
Rắn Chàm Quạp cũng là một trong số những loài rắn độc nhất Việt Nam. Loài rắn độc này là thủ phạm gây ra tới 19,4% các trường hợp rắn độc cắn phải nhập viện tại Chợ Rẫy và tỷ lệ tử vong mỗi năm là 20%.
Triệu chứng khi bị rắn Chàm Quạp cắn là sưng phồng, đau nhức, xuất hiện bóng nước ở vết cắn; toàn thân mệt mỏi, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, tụt huyết áp…
Rắn Chàm Quạp có chiều dài khoảng 100cm, đầu hình tam giác, mỏ rắn nhọn và chĩa lên phía trên. Trên lưng của chúng có hoa văn hình tam giác màu xám nâu nhạt, đối xứng giống cánh bướm. Rắn thường nằm cuộn tròn trong lá cây khô cùng hoa văn cơ thể hòa trộn với môi trường lá khô nên rất khó phát hiện và tránh. Rắn Chàm Quạp săn mồi về đêm.
Ở Việt Nam, rắn Chàm Quạp được phát hiện sinh sống chủ yếu ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Đồng Nai, An Giang.