Cùng chiêm ngưỡng sự diệu kỳ của tự nhiên qua những bức ảnh đẹp nhất tại cuộc thi Nhiếp ảnh Động vật hoang dã 2019

Cuộc thi Nhiếp ảnh Động vật hoang dã (Wildlife Photographer of the Year contest) là một sự kiện được tổ chức thường niên và ngày càng thu hút được sự quan tâm của không chỉ các nhiếp ảnh gia, giới chuyên môn, mà còn cả công chúng - những người bình thường. Với thực trạng tình hình biến đổi khí hậu, nạn săn bắt trái phép và môi trường sống tự nhiên của các loài động vật đang bị thu hẹp với tốc độ chóng mặt như hiện nay, những cuộc thi như thế này chính là dịp không thể tuyệt vời hơn để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi người về thực trạng môi trường tự nhiên, cũng như khuyến khích sự chung tay của cả cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường sống của các loài động vật và cũng là môi trường sống của chính chúng ta.

Như thông lệ, Wildlife Photographer of the Year contest 2019 vẫn được tổ chức bởi Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, đã thu hút được sự quan tâm của không chỉ người dân địa phương mà còn trên khắp thế giới. Sự kiện năm nay khiến khán giả kinh ngạc với hàng ngàn bức ảnh dự thi đã khắc họa những khoảnh khắc vô cùng đẹp, ấn tượng, và kỳ vĩ về thế giới tự nhiên trong suốt 53 năm qua. Bên cạnh đó, cũng không thể thiếu những bức ảnh xúc động như lời kêu cứu của các loài động vật, của mẹ thiên nhiên khiến mỗi người trong số chúng ta phải suy nghĩ.

Tác phẩm "Swim gym" của nhiếp ảnh gia người Pháp Laurent BallestaTác phẩm "Swim gym" của nhiếp ảnh gia người Pháp Laurent Ballesta

Tiêu chí chấm điểm của ban giám khảo sẽ đặc biệt đề cao những bức ảnh có sự sáng tạo, độc đáo và sở hữu kỹ thuật xuất sắc. Ngoài ra sẽ có cả hạng mục cho những bức ảnh có thể kể lên một câu chuyện rộng mở, sâu sắc hơn về những thách thức hiện tại đối với việc bảo tồn sự đa dạng sinh học, các loài động vật hoang dã và môi trường sống của chúng.

"Khi chúng ta suy ngẫm về vai trò quan trọng của mình trong tương lai của Trái đất, những bức ảnh này sẽ cho thấy sự đa dạng và vẻ đẹp đáng kinh ngạc của sự sống trên hành tinh này, và nhu cầu thiết yếu để toàn nhân loại cùng chung tay tạo dựng một tương lai bền vững hơn", đại diện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London cho biết trong một thông cáo báo chí trước sự kiện.

Hãy cùng đến với những bức ảnh ấn tượng nhất tại cuộc thi năm nay để qua đó hiểu hơn về thông điệp mà các nhiếp ảnh gia, hay nói đúng hơn là mẹ thiên nhiên muốn gửi gắm đến toàn nhân loại.

Những bức ảnh ấn tượng nhất

Kho báu Bắc cực - Arctic treasure

Arctic treasureTác phẩm "Arctic treasure" của nhiếp ảnh gia người Nga Serge Gorshkov, chung kết hạng mục Chân dung động vật

Bức ảnh trên có tên Arctic treasure (tạm dịch: Kho báu Bắc cực) và là tác phẩm của nhiếp ảnh gia người Nga Serge Gorshkov, cho thấy hình ảnh một chú cáo tuyết Bắc Cực đang ngậm trong miệng “chiến lợi phẩm” gặt hái được từ một “cuộc đột kích” vào tổ ngỗng tuyết. Số lượng cá thể cáo Bắc Cực đang suy giảm nhanh chóng trong vài năm trở lại đây do nạn săn bắn trái phép và môi trường sống ngày càng bị thu hẹp bởi hiện tượng nóng lên của trái đất. Nguồn thức ăn tự nhiên ngày càng trở nên khan hiếm hơn với loài cáo tuyết Bắc Cực, và có lẽ quả trứng ngỗng này sẽ giúp chú cáo lấp đầy chiếc dạ dày đang trống rỗng.

Vào thời điểm tháng sáu trong năm, các đàn gia cầm lớn (chủ yếu là ngỗng tuyết) sẽ di cư đến vùng Viễn Đông để giao phối và đẻ trứng. Đây có thể được coi là một trong những chuyến “du lịch” vĩ đại nhất trong thế giới tự nhiên bởi nó kéo dài tới hơn 3.000 dặm, bắt đầu ở khu vực British Columbia và California.

Sự xuất hiện của các “phượt thủ” ngỗng tuyết sau chuyến đi mệt mỏi kéo dài hơn 3000 dặm sẽ là dịp không thể thuận lợi hơn để loài cáo tuyết Bắc Cực lấp đầy những cái bụng trống và tích trữ đủ lượng mỡ cần thiết giúp chúng sống sót qua mùa đông lạnh giá. Cáo tuyết Bắc Cực sẽ ăn thịt những con ngỗng yếu hoặc ốm, tuy nhiên trứng ngỗng tuyết mới là món ăn khoái khẩu của chúng bởi hàm lượng dinh dưỡng, chất béo cực cao. Những con cáo tuyết Bắc Cực có thể ăn cắp tới 40 quả trứng mỗi ngày trong thời kỳ cao điểm sinh sản của loài ngỗng tuyết.

Tuy nhiên chúng không thể ăn hết một lượng trứng lớn như vậy trong thời gian ngắn. Hầu hết số trứng sau đó sẽ được cáo tuyết Bắc Cực chôn trong những chiếc hang mà chúng đã đào sẵn ở vùng lãnh nguyên. Nhiệt độ thấp sẽ biến những chiếc hang này thành một chiếc tủ lạnh hoàn hảo, giúp bảo quản toàn bộ số trứng còn lại trong một thời gian dài.

Những quả trứng này vẫn có thể ăn được rất lâu sau khi mùa hè ngắn ngủi của Bắc cực kết thúc và loài ngỗng tuyết đã di cư về phía nam một lần nữa. Khi những chú cáo non cai sữa và bắt đầu chuyến hành trình khám phá thế giới của mình, chúng cũng sẽ được hưởng lợi từ “những kho báu ẩn giấu trong lòng đất” mà cha mẹ để lại.

Bức ảnh được chụp trên đảo Wrangel, Viễn Đông Nga.

Bear hug - Cái ôm từ tình mẫu tử

Bear hugTác phẩm "Bear hug" của nhiếp ảnh gia người Mỹ Ashleigh Scully, chụp tại Công viên quốc gia Alaska Lake Clark

Bức ảnh này được đặt tên rất đơn giản “Bear hug”, nhưng ẩn chứa trong đó thật nhiều ý nghĩa về tình mẫu tử trong thế giới tự nhiên. Bức ảnh cho thấy một chú gấu nâu mẹ và đứa con tinh nghịch của nó, được chụp bởi nhiếp ảnh gia người Mỹ Ashleigh Scully tại Công viên quốc gia Lake Clark, Alaska, Hoa Kỳ.

Sau buổi kiếm ăn, khi thủy triều xuống, chú gấu nâu mẹ này đang dẫn đàn con non của mình trở lại khu vực đồng cỏ gần đó, nhưng một chú gấu con dường như chỉ muốn ở lại và tiếp tục nô đùa. Chú ta chạy lên trước, ôm lấy đầu của gấu mẹ như muốn thuyết phục mẹ rằng “trời vẫn còn sớm, chúng ta hãy ở lại chơi thêm lúc nữa”. Một khoảnh khắc đáng yêu của thế giới tự nhiên.

Để có được tác phẩm nghệ thuật này, nhiếp ảnh gia Ashleigh Scully đã phải “mật phục” nhiều ngày liền nhằm quan sát cuộc sống các gia đình gấu nâu tại Công viên quốc gia Lake Clark. Đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản và thậm chí còn có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu gấu mẹ phát hiện ra và cho rằng Scully là mối đe dọa cho các con của nó.

"Tôi rất yêu quý loài gấu nâu và tính cách của chúng. Những chú gấu nhỏ này dường như nghĩ rằng chúng đã đủ lớn để vật lộn với gấu mẹ. Chúng tinh nghịch, đáng yêu và luôn tò mò như một đứa trẻ”, nhiếp ảnh gia Ashleigh Scully cho biết.

Loài gấu nâu ở Công viên quốc gia Lake Clark chủ yếu ăn cỏ, cá hồi và nghêu. Khi trưởng thành chúng có thể có thể nặng tới 130 - 700kg và đạt chiều cao từ 2.4 – 3m khi đứng thẳng. Cứ mỗi năm gấu cái lại sinh được từ 1 - 4 gấu con, chúng chỉ nặng khoảng 454g khi mới sinh.

Bold eagle - Sự uy nghiêm của chúa tể bầu trời

Bold eagle"Tác phẩm "Bold eagle" của nhiếp ảnh gia người Đức Klaus Nigge, chụp tại đảo Amaknak, Alaska, chung kết hạng mục Chân dung động vật

Alaska là mảnh đất sáng tạo nghệ thuật màu mỡ cho các nhiếp ảnh gia tại cuộc thi năm nay, và Bold eagle chính là một tác phẩm tuyệt vời trong số đó. Bức ảnh này được chụp bởi nhiếp ảnh gia người Đức, Klaus Nigge, tại khu vực Dutch Harbor trên đảo Amaknak, Alaska.

Amaknak là một trong những địa danh nổi tiếng nhất đối với những người yêu thích loài đại bàng đầu trắng. Hàng ngàn con đại bàng đầu trắng tụ hội trên hòn đảo này mỗi ngày để “dọn dẹp” phần thức ăn thừa còn sót lại sau hoạt động mua bán, trao đổi hải sản của cộng đồng ngư dân trên đảo.

“Để chụp được bức ảnh này, tôi đã phải nằm sấp trên bãi biển nhiều giờ, trong nhiều ngày liên tục, và xung quanh là hàng ngàn con đại bàng với móng vuốt sắc như dao cạo và sải cánh lên tới hơn 2m. Nhưng dường như chúng biết rằng tôi không phải là mối nguy hiểm”, nhiếp ảnh gia người Đức chia sẻ.

Sau nhiều ngày “mật phục” cơ hội cuối cùng cũng đã đến với Klaus Nigge khi một chú đại bàng đầu trắng đực với bộ lông ướt đẫm sau những ngày trời mưa tầm tã, nhưng vẫn tỏ rõ vẻ uy nghiêm của vị chúa tể bầu trời, sà xuống gần anh ta. "Tôi cúi đầu, nhìn qua camera để tránh ánh mắt trực tiếp”. Con đại bàng ở gần Klaus đến nỗi cả 2 gần như đối mặt, và vị nhiếp ảnh gia giàu kinh nghiệm đương nhiên đã không bỏ lỡ khoảnh khắc hiếm có này.

Đại bàng đầu trắng là một loài chim săn mồi đứng đầu chuỗi thức ăn tại Bắc Mỹ. Đây đồng thời cũng là quốc điểu và biểu tượng của nước Mỹ. Sau thời gian dài gần như biến mất khỏi lục địa Hoa Kỳ, số lượng cá thể đại bàng đầu trắng đang có dấu hiệu gia tăng trở lại, phát triển mạnh ở Alaska và Canada. Sải cánh tối đa của loài này có thể dài tới 2.5m với cân nặng từ 3 đến 6.5kg.

Resplendent delivery - Những bậc phụ huynh tận tụy của tự nhiên

Resplendent deliveryTác phẩm "Resplendent delivery" của nhiếp ảnh gia người Israel Tyohar Kastiel, chụp tại rừng San Gerardo de Dota, Costa Rica, chung kết hạng mục Hành vi của loài chim

Nhiếp ảnh gia người Israel Tyohar Kastiel đã theo dõi nhất cử nhất động cặp chim nuốc nữ hoàng (quetzals) rực rỡ với bộ lông tuyệt đẹp này gần như 24/24 giờ trong hơn một tuần tại khu rừng nguyên sinh San Gerardo de Dota, Costa Rica để có được tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời trên.

Sở dĩ bức ảnh được đặt tên Resplendent delivery (tạm dịch: Những bậc phụ huynh tận tụy của tự nhiên) bởi nó ghi lại khoảnh khắc một chú quetzal trống đang mang thức ăn về cho con non của mình. Loài quetzal là những bậc phụ huynh tận tụy nhất trong thế giới các loài chim. Chúng sẽ đi kiếm trái cây, côn trùng hoặc thằn lằn và mang về cho con non sau 1 - 2 tiếng, cứ đều đặn như vậy cho đến khi chú chim non đủ lớn để tự đi kiếm mồi.

Vào ngày thứ tám trong “chiến dịch mật phục” của nhiếp ảnh gia Tyohar Kastiel, 2 chú quetzal bố mẹ vẫn cho chim con ăn vào lúc bình minh như thường lệ nhưng sau đó chúng đã không quay trở lại tổ trong vài giờ. Đến 10 giờ sáng, những chú chim non bắt đầu thấy đói, chúng phát ra những tiếng gọi bố mẹ trong tuyệt vọng, và Kastiel bắt đầu thấy lo lắng về kịch bản xấu nhất: Chim bố mẹ đã bị đánh bẫy hoặc ăn thịt.

Tuy nhiên sau đó chừng 10 phút, một khoảnh khắc tuyệt vời đã diễn ra. Chim trống bay về với một quả bơ rừng ngậm trong mỏ, nhưng nó không vội vã bay vào tổ mà đáp xuống một cành cây gần đó, cẩn thật quét xung quanh lớp vỏ của quả bơ, rồi mới mang thức ăn về tổ cho chim non. Ít phút sau, chim mái trở về với chiến lợi phẩm tương tự và nó cũng làm giống hệt như chim trống - quả là những ông bố bà mẹ tận tụy của thế giới tự nhiên.

Quetzal chính là quốc điểu của Guatemala, hình ảnh của nó xuất hiện trong quốc kỳ và quốc huy của nước này. Loại chim đặc biệt với bộ lông tuyệt đẹp này phân bố chủ yếu ở khu vực từ Nam Mexico đến Panama. Hiện chúng được luật pháp bảo vệ ở Mexico, Guatemala, Costa Rica và Panama, mọi hình vi săn bắt, giết hại loài chim này sẽ đều bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Romance among the angels - Sự lãng mạn của các thiên thần biển cả

Romance among the angelsTác phẩm "Romance among the angels" của nhiếp ảnh gia người Nga Andrey Narchuk, chung kết hạng mục Động vật không xương sống

Ban đầu, nhiếp ảnh gia người Nga Andrey Narchuk không có ý định đi chụp ảnh. Anh đang tham gia vào một chuyến thám hiểm để tìm hiểu về đặc tính của loài cá hồi khi ở trong môi trường biển. Tuy nhiên ngay khi nhảy xuống nước, Andrey Narchuk đã thực sự bị choáng váng bởi cảnh tượng vô cùng kỳ vĩ, có một không hai trước mắt mình. Một đàn thiên thần biển trong mùa giao phối đang thực hiện những điệu nhảy huyền bí ngay xung quanh Andrey Narchuk. Sẵn có máy ảnh bên mình cùng với cảm quan thiên bẩm về nghệ thuật, nhiếp ảnh gia này đã nhanh chóng chụp lại một trong những khoảnh khắc kỳ diệu của đại dương.

Thiên thần biển, hay còn được biết đến với tên gọi Clione Limacina, là một loài động vật thân mềm vô cùng đặc biệt. Chúng có kích thước khá nhỏ, chỉ dài hơn một inch, nhưng sở hữu vẻ đẹp mê hoặc, bơi rất giỏi và là loại ăn thịt khá nguy hiểm, thức ăn chủ đạo của nó là loài động vật thân mềm có tên bướm biển.

Tuy nhiên điều khiến loài thiên thần biển trở nên đặc biệt và bức ảnh Andrey Narchuk trở thành “vô giá” nằm ở chỗ loài này thường chỉ xuất hiện một vài tuần ở biển Trắng rồi sau đó biến mất trong suốt quãng thời gian còn lại của năm, do đó việc có thể giáp mặt loài này đã là khó chứ chưa nói đến việc có thể thoải mái chụp ảnh về chúng.

Loài thiên thần biển thường được tìm thấy trong khu vực từ mặt biển đến độ sâu 350m, chủ yếu phân bổ ở khu vực Bắc Băng Dương và biển Nam Cực. Vào mùa giao phối, loài sinh vật hiếm gặp này sẽ tập trung ở khu vực ngay dưới mặt nước để tán tỉnh nhau. Tuy là loài động vật lưỡng tính (mỗi cá thể đều mang trên mình cả cơ quan sinh dục đực và cái), nhưng loài này vẫn ghép cặp để giao phối. Trong một cặp sẽ có một con có kích thước nhỏ hơn, và quá trình giao phối sẽ diễn ra trong khoảng 20 phút.

Glimpse of a lynx - Khoảnh khắc linh miêu

Glimpse of a lynxTác phẩm "Glimpse of a lynx" của nhiếp ảnh gia người Tây Ban Nha Laura Albiac Vilas, chụp tại Công viên tự nhiên Sierra de Andújar

Khoảnh khắc chân thực đến hiếm hoi về một loài động vật đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng đã được nhiếp ảnh gia người Tây Ban Nha Laura Albiac Vilas ghi lại một cách xuất sắc. Trong ảnh là một chú Linh miêu Iberian. Loài linh miêu Iberian được cho là sẽ biến mất khỏi trái đất trong vòng chưa đầy 1 thập kỷ tới nếu các biện pháp bảo tồn không được đưa ra và triển khai kịp thời. Hiện loài mèo lớn này chỉ còn được tìm thấy với số lượng ít ỏi, rải rác ở khu vực miền nam Tây Ban Nha.

Trong chuyến du lịch với gia đình đến Công viên tự nhiên Sierra de Andújar, Tây Ban Nha, nhiếp ảnh gia Laura Albiac Vilas chỉ định đem theo máy để chụp một vài tấm ảnh lưu niệm, tuy nhiên vào ngày thứ 2 của chuyến đi, cô đã gặp may khi bắt gặp một đôi linh miêu Iberian đang kiếm ăn - một hiện tượng khá hiếm thấy bởi linh miêu là loài sống và đi săn đơn độc.

Với cảm quan của một người cầm máy ảnh lâu năm, Laura đã nhanh chóng chụp được những bức ảnh không thể tuyệt vời hơn về loài động vật bí hiểm này. “Có một vài nhiếp ảnh gia khác cũng có mặt ở khoảnh khắc đó, nhưng tôi có thể cảm nhận rõ một bầu không khí tôn trọng vì âm thanh duy nhất mà tôi nghe được chỉ là những tiếng bấm máy lách tách khi con vật nhìn về phía chúng tôi. Hơn nữa thái độ của loài động vật tưởng chừng như dữ tợn này khiến tôi cảm thấy ngạc nhiên. Chúng không có biểu hiện gì là lo sợ hay bực tức, mà chỉ đơn giản là phớt lờ chúng tôi. Tôi cảm thấy thực sự xúc động khi được gần gũi với loài động vật kỳ bí này", Laura kể lại.

Linh miêu Iberian là loài bản địa ở bán đảo Iberia, Nam Âu. Nó là một trong những loài mèo bị đe dọa nhiều nhất trên thế giới. Trong văn hóa dân gian của nhiều quốc gia, khái niệm linh miêu thường được dùng để ám chỉ một loài sinh vật thần bí có liên quan đến tâm linh. Trong nhiều câu chuyện truyền miệng ở Việt Nam, linh miêu là một loại mèo ma, được sinh ra từ cuộc hôn phối hiếm có giữa một con mèo cái đen tuyền với một con rắn hổ mang chỉ ăn duy nhất thịt cóc.

Tuy nhiên trên thực tế, linh miêu chỉ là một chú mèo rừng cỡ lớn mà thôi.

The power of the matriarch - Sức mạnh mẫu hệ

The power of the matriarchTác phẩm "The power of the matriarch" của nhà sinh vật học người New Zealand David Lloyd, chụp tại khu bảo tồn quốc gia Kenya Maasai Mara, chung kết hạng mục Chân dung động vật

Giữa năm 2018, nhà sinh vật học người New Zealand David Lloyd có chuyến công tác đến khu bảo tồn quốc gia Kenya Maasai Mara. Tại đây, trong chuyến đi dạo quanh khu vực hồ nước gần khu bảo tồn, ông đã chụp được bức ảnh cận cảnh về một con voi mẹ già nua, mệt mỏi nhưng có đôi mắt ẩn chứa nhiều ý nghĩa.

Ánh hoàng hôn êm dịu như tô điểm từng nếp nhăn trên cơ thể con voi già, chiếc ngà chằng chịt vết “sẹo”, cặp tai lớn lấm lem bùn đất và một đôi mắt biết nói… tất cả đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật lột tả không thể chân thực hơn vẻ đẹp xù xì của một con vật có lẽ đã chứng kiến quá nhiều thăng trầm trong suốt cuộc đời phiêu bạt của nó.

“Đây là con voi cái đứng đầu một đàn hơn chục con voi khác. Gánh nặng của cả đàn đè lên cơ thể già nua của nó, trách nhiệm lớn lao khiến khó quên đi mệt mỏi, với một đôi mắt tỏ rõ sự tôn trọng, thông minh, và chứa chan tình cảm như một người mẹ vị tha”.

Saguaro twist - Kỳ quan trên hoang mạc

Saguaro twistTác phẩm "Saguaro twist" của nhiếp ảnh gia người Mỹ Jack Dykinga, chụp tại hoang mạc Sonoran Desert National Monument, chung kết hạng mục Plants and Fungi

Saguaro là một loài xương rồng cỡ lớn, thường được tìm thấy tại các hoang mạc Bắc Mỹ, tuy nhiên “chiếc cổng chào” Saguaro khổng lồ này lại là một kỳ quan tự nhiên có một không hai, và nó đã đưa nhiếp ảnh gia người Mỹ Jack Dykinga lên bục giành giải thưởng trong hạng mục Plants and Fungi.

Bức ảnh được chụp tại hoang mạc Sonoran Desert National Monument thuộc bang Arizona, Hoa Kỳ. Những cây xương rồng Saguaro ở đây có thể sống đến gần 200 tuổi và cao tới 12m, Loài xương rồng này phát triển rất chậm và không phải lúc nào cũng đứng thẳng như thường thấy, chúng mất đến 75 năm để phát triển một nhánh phụ, và tốc độ tăng trưởng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào lượng mưa. Một cây xương rồng Saguaro có thể có tới 15 đến 50 chân.

Jack Dykinga đã mô tả về bức ảnh đặc biệt này như sau:

“Trong một cây xương rồng Saguaro, hầu hết nước được sẽ lưu trữ trong các mô giống như bọt biển, được bảo vệ khỏi các loài động vật bằng những chiếc gai cứng bên ngoài và lớp vỏ phủ sáp để hạn chế tình trạng mất nước. Các nếp gấp trên bề mặt thân cây sẽ căng mọng theo lượng nước cây hấp thụ được, các nếp này cũng sẽ hóa gỗ để tăng thêm sự vững chãi cho thân cây. Tôi đã dành hầu hết cuộc đời mình cho những chuyến khám phá thiên nhiên, và điều này đã cho phép tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều kiệt tác hiếm có. Chiếc cổng chào Saguaro lớn và vững chãi đến mức tôi có thể thoải mái đứng bên trong để chụp ảnh, hoặc đơn giản là phóng tầm mắt ra xa và tận hưởng sự ngọt ngào đầy thi vị của hoàng hôn trên hoang mạc”.

Saved but caged - chúa tể trong lồng sắt

Saved but cagedTác phẩm "Saved but caged" của nhiếp ảnh gia người Mỹ Steve Winter, chung kết Giải thưởng Phóng viên ảnh Động vật hoang dã

Bức ảnh nhiều ý nghĩa này đã giúp nhiếp ảnh gia người Mỹ Steve Winter lọt vào vòng chung kết cho Giải thưởng Phóng viên ảnh Động vật hoang dã: Thể loại ảnh đơn, nhưng lại ẩn chứa trong đó một cốt truyện buồn.

Trong ảnh là một chú hổ Sumatra con 6 tháng tuổi. Chú được các nhân viên bảo tồn tự nhiên giải cứu sau khi chân sau bị mắc kẹt trong một chiếc bẫy tự chế tại khu rừng nhiệt đới tỉnh Aceh trên đảo Sumatra của Indonesia. Chú được tìm thấy trong một cuộc tuần tra chống nạn săn trộm thú rừng, nhưng chân bị thương nặng đến nỗi các bác sĩ phải cắt bỏ, cuộc sống hoang dã gần như chấm dứt hoàn toàn với chú hổ tội nghiệp. Chú sẽ phải dành phần còn lại của cuộc đời mình trong một sở thú.

Hổ Sumatra là loài được xếp loại ở mức Cực kỳ nguy cấp (IUCN 3.1). Quần thể hổ Sumatra hoang dã hiện chỉ có khoảng 400 đến 500 cá thể, nằm chủ yếu ở 5 vườn quốc gia trên đảo. Đây chính là hệ quả của nạn săn bắt trái phép, buôn bán bất hợp pháp các bộ phận của hổ Sumatra diễn ra trong suốt hàng chục năm qua.

Sewage surfer - Kẻ dọn rác

Sewage surferTác phẩm "Sewage surfer" của nhiếp ảnh gia người Mỹ Justin Hofman, chung kết Giải thưởng Phóng viên ảnh Động vật hoang dã

Justin Hofman đã mất nhiều ngày ròng rã lặn xuống một rạn san hô gần đảo Sumbawa, Indonesia, để chụp được bức ảnh có một không hai này. Và chính bức ảnh đặc biệt đã giúp nhiếp ảnh gia người Mỹ góp mặt trong vòng chung kết Giải thưởng Phóng viên ảnh Động vật hoang dã: Thể loại ảnh đơn.

Loài cá ngựa thường “quá giang” trên các dòng hải lưu bằng cách nắm lấy những vật thể trôi nổi trong nước như rong biển bằng chiếc đuôi nhỏ tinh tế của chúng. Justin Hofman nói rằng ông đã dành hàng giờ để quan sát một cách thích thú khi chú cá ngựa nhỏ bé này "gần như nhảy" từ một mảnh rong biển này sang mảnh rong biển tiếp theo. Tuy nhiên, khi thủy triều bắt đầu lên, nước tràn vào bờ biển và cuốn các loại rác thải như mảnh nhựa, ống hút ra ngoài khơi, chẳng mấy chốc, chú cá ngựa đã tìm ra được một chiếc “ván lướt sóng” hàng xịn với độ bền cực cao, đó chính là một chiếc que ngoáy tai 2 đầu nhỏ gọn, màu hồng - thứ sẽ giúp chú cá ngựa này lướt theo những dòng hải lưu một cách nhanh chóng mà không tốn chút sức lực nào.

Thì ra không phải lúc nào rác thải cũng gây hại cho đại dương như chúng ta vẫn tưởng. Nhưng dù sao thì việc vứt rác bừa bài cũng là hành vi đáng lên án, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

The insiders - Ký sinh trùng

The insidersTác phẩm "The insiders" của nhiếp ảnh gia người Trung Quốc Qing Lin, chụp tại eo biển Lembeh,Bắc Sulawesi, Indonesia, chung kết hạng mục Dưới nước

Đây chính là tác phẩm đã giúp nhiếp ảnh gia người Trung Quốc Qing Lin góp mặt tại vòng chung kết ở hạng mục ảnh chụp dưới nước.

Bức ảnh trên đã được sáng tác một cách tình cơ khi Qing Lin đang tham gia vào một buổi lặn ở eo biển Lembeh ở Bắc Sulawesi, Indonesia. Những chú cá hải quỳ này đã ngay lập tức thu hút được sự chú ý của Qing, và trực giác của một nhiếp ảnh gia thôi thúc cô không nên bỏ qua khoảnh khắc ấn tượng đó. “Những chú cá này có khuôn mặt thật kỳ lạ, và sự hài hòa đến khó tin của màu sắc cơ thể”.

Tuy nhiên sau một lúc quan sát, Qing phát hiện ra điều gì đó bất thường: Những cặp mắt xuất hiện bên trong miệng mỗi chú cá. Thì ra đó là một loài ký sinh trùng thường xâm nhập vào cơ thể cá thông qua mang, di chuyển đến miệng của con cá và gắn hai chân của nó vào đáy lưỡi nạn nhân. Ký sinh trùng sẽ hút máu của vật chủ để lớn lên và cái chết là không thể tránh khỏi với con cá.

Đằng sau một bức ảnh đẹp lại là cái kết buồn đã được báo trước, tự nhiên vốn kỳ vĩ nhưng vẫn thường nhẫn tâm như vậy!

Winter pause - Một thoáng mùa đông

Winter pauseTác phẩm "Winter pause" của nhiếp ảnh gia người Thụy Điển Mats Andersson, chung kết hạng mục Ảnh đen trắng

Nhiếp ảnh gia người Thụy Điển Mats Andersson nói với Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London rằng anh đã đi bộ hàng ngày trong khu rừng gần nhà, và trong mỗi chuyến đi đó, anh thường dừng lại nhiều giờ để quan sát xem những chú sóc đỏ đang tìm kiếm gì trong các bụi cây vân sam. Mùa đông thường là quãng thời gian khó khăn trong năm đối với các loài động vật. Nhiều loài sóc chọn cách ngủ đông để vượt qua thời kỳ này, nhưng sóc đỏ thì không.

Sóc đỏ chọn cách tích trữ thức ăn cho mùa đông, do đó khoảng thời gian cuối thu luôn là thời điểm bận rộn nhất trong năm của loài động vật này. Bên cạnh việc kiếm đủ lượng thức ăn cần thiết, chúng còn phải lo tích trữ “lương thảo” cho suốt 3 tháng mùa đông.

Nhiếp ảnh gia Mats Andersson đã may mắn chụp lại được khoảnh khắc chợp mắt ngắn ngủi của một chú sóc đỏ, chú ta chải chuốt bộ lông xù, rồi lại tiếp tục miệt mài tìm kiếm thức ăn. Bức ảnh gợi lên sự yên bình hiếm hoi trong cuộc sống đầy vội vã của thế giới động vật.

Những tác phẩm giành chiến thắng

Memorial to a Species - Phút tưởng niệm

Memorial to a SpeciesTác phẩm "Memorial to a Species" của nhiếp ảnh gia người Nam Phi Brent Stirton, chụp tại khu bảo tồn Hluhluwe Imfolozi, giải thưởng Bức ảnh của năm

Bức ảnh mà có lẽ ngay cả những người cứng rắn nhất cũng phải cảm thấy đau lòng này được đặt tên “Memorial to a Species” và chụp bởi nhiếp ảnh gia người Nam Phi Brent Stirton trong khu bảo tồn Hluhluwe Imfolozi. Những kẻ săn trộm bất lương đã bắn chú tê giác, chặt lấy sừng, sau đó bỏ mặc con vật chết dần trong sự đau đớn và trốn thoát trước khi đội tuần tra của khu bảo tồn xuất hiện.

Tệ hơn, đây chỉ là hiện trường điển hình trong hơn 30 vụ việc khác mà Brent Stirton đã chứng kiến trong cuộc chiến chống lại nạn săn trộm.

Memorial to a Species đã được trao tặng giải thưởng “Bức ảnh của năm” bởi những ý nghĩa lớn lao mà nó gửi gắm. Loài tê giác đã gần như biến mất hoàn toàn trong tự nhiên bởi nạn săn trộm lấy sừng. Đây rõ ràng là một lời cảnh tỉnh cho cả nhân loại, chúng ta quá ích kỷ và nhẫn tâm. Nhân loại sẽ phải làm điều gì đó để không còn bất cứ loài nào khác phải chịu chung số phận với tê giác. Đây sẽ là cuộc chiến dai dẳng và đầy cam go, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ làm được nếu đồng lòng.

The Good Life - Cuộc sống tươi đẹp

The Good LifeTác phẩm "The Good Life" của nhiếp ảnh gia người Hà Lan Daniël Nelson, chụp tại khu vực vùng núi thấp phía tây Nam Phi, giải thưởng Nhiếp ảnh gia động vật hoang dã trẻ tuổi của năm.

Trái ngược hoàn toàn với màu sắc u ám, nặng nề của Memorial to a Species chính là sự năng động, vui tươi của một chú khỉ đột trong tác phẩm The Good Life của nhiếp ảnh gia người Hà Lan Daniël Nelson. Bức ảnh này đã giúp Daniël Nelson đoạt giải Nhiếp ảnh gia động vật hoang dã trẻ tuổi của năm.

The Good Life nói về một chú khỉ đột có tên Caco sống ở khu vực vùng núi thấp phía tây Nam Phi. Nelson đã có cuộc gặp gỡ gần gũi với Caco sau chuyến đi kéo dài 3 giờ xuyên qua thảm thực vật dày đặc đến nơi một gia đình khỉ đột 16 thành viên đang kiếm ăn. Nhiếp ảnh gia trẻ tuổi đã chia cho Caco một mẩu bánh mỳ của mình, chú khỉ đón nhận và thoải mái thưởng thức món quà thơm ngon từ một người bạn xa lạ.

Caco đã hơn 9 tuổi, chú sẽ sớm tách khỏi gia đình để bắt đầu một cuộc sống cô độc hoặc hợp tác với những “người đàn ông khác”, cuối cùng bắt đầu cuộc sống gia đình riêng của mình.

Ban giám khảo cho rằng "trong bức chân dung tuyệt vời về thần thái của chú khỉ đột Caco và cảnh sắc tươi vui của môi trường xung quanh, nhiếp ảnh gia trẻ Daniël Nelson đã nắm bắt rất tốt sự tương đồng không thể tách rời giữa loài vượn hoang dã này và con người, cũng như tầm quan trọng của khu rừng mà mọi người cùng sinh sống”.

Polar pas de deux - những bước chân tan chảy

Polar pas de deuxTác phẩm "Polar pas de deux" của nhiếp ảnh gia người Luxembourg Eilo Elvinger, chụp tại Svalbard, Bắc Cực Na Uy, giải nhất hạng mục Ảnh đen trắng

Nhiếp ảnh gia người Luxembourg Eilo Elvinger đã phát hiện ra một chú gấu Bắc cực mẹ và đàn con 2 tuổi của nó từ chiếc tàu thám hiểm đang neo đậu neo đậu ngoài khơi Svalbard, Bắc Cực Na Uy. Do gần như toàn bộ mặt biển đã đóng băng nên đàn gấu có thể dễ dàng chi chuyển đến khu vực mà tàu của Eilo đang neo đậu, có lẽ đàn gấu đói bụng gửi thấy mùi thức ăn tỏa ra từ khu bếp của con tàu. Gấu Bắc Cực là loài rất thính, chúng có thể đánh hơi thấy mùi thức ăn từ khoảng cách hàng km.

Tuy nhiên Eilo đã quan sát thấy hiện tượng lạ, những con gấu có thói quen dừng lại liếm bàn chân sau một quãng đường di chuyển, phải chăng có gì đó bất thường trên băng? Eilo Elvinger đã quyết định chụp lại bàn chân của những chú gấu trên băng tuyết.

"Tôi cảm thấy xấu hổ về sự đóng góp tệ hại của con người vào cảnh quan Bắc Cực. Sự xâm lấn của chúng ta vào môi trường tự nhiên nơi đây ngày càng ảnh hưởng đến hành vi của những con gấu”, nữ nhiếp ảnh gia chia sẻ.

Và chẳng bao lâu nữa thôi, dưới tác động của biến đổi khí hậu và sự ấm lên của trái đất, những tảng băng này rồi cũng sẽ tan, dấu chân của loài gấu Bắc Cực cũng sẽ hòa lẫn vào làn nước đại dương sâu thẳm, mang theo cả sự sống của chúng.

Tác phẩm của Eilo Elvinger đã xuất sắc đoạt giải nhất trong hạng mục ảnh đen trắng.

Giant gathering - Chật chội

Giant gatheringTác phẩm "Giant gathering" của nhiếp ảnh gia người Mỹ Tony Wu, chụp tại bờ biển phía đông bắc Sri Lanka, giải nhất hạng mục Động vật có vú

Nhiếp ảnh gia người Mỹ Tony Wu đã dành 17 năm nghiên cứu, chụp ảnh cá nhà táng. Và công sức của ông đã được đền đáp xứng đáng khi bức ảnh “Giant gathering” đã xuất sắc giành chiến thắng ở hạng mục "Động vật có vú". Tác phẩm cho thấy hàng chục con cá nhà táng khổng lồ đang hòa mình ở một vùng nước nông thuộc bờ biển phía đông bắc Sri Lanka.

Wu nhận ra đây là một đàn cá nhà táng khá lớn, với quy mô có thể lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm cá thể. Đây là tín hiệu tốt bởi một cuộc tụ họp lớn như thế này của cá nhà táng là rất hiếm gặp, và có thể là "một dấu hiệu cho thấy mật độ cá thể đang phục hồi".

Không giống với đa số các loài cá voi khác, cá nhà táng không thường xuyên giao tiếp bằng “tiếng hát”, thay vào đó chúng sử dụng xúc giác. Những cụ chạm người, cọ xát cơ thể chính là chìa khóa trong đời sống xã hội của loài động vật có vú khổng lồ này. Để có được bức ảnh hiếm có trên, Tony Wu đã phải theo sát đàn có voi trong hơn 1 giờ, bơi giữa đống chất nhờn và cả phân thải ra từ những con cá nặng tới vài chục tấn, trong khi vẫn phải đảm bảo sự xuất hiện của mình không khiến chúng thấy khó chịu.

Cá nhà táng chính là loài động vật có răng lớn nhất trên thế giới. Một con cá nhà táng đực trưởng thành có thể dài tới 20.5m với cân nặng tối đa 40 tấn. Chúng chủ yếu ăn mực, cá và phân bổ ở khắp các đại dương trên toàn thế giới.

Trong tự nhiên cá nhà táng gần như không có thiên địch, “cơn ác mộng” đối với chúng chính là con người.

Trong suốt khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 20, săn cá nhà táng đã trở thành một nghề phổ biến trên thế giới, thậm chí trở thành một trong những ngành công nghiệp lớn của thế kỷ 19. Người ta săn bắt chúng để lấy các sản phẩm như dầu cá - dùng làm nến, xà phòng, mỹ phẩm, dầu máy… khiến số lượng loài này sụt giảm nghiêm trọng.

Mật độ cá nhà táng mới chỉ có dấu hiệu gia tăng dần trong vài chục năm trở lại đây sau khi một loạt các đạo luật nghiêm cấm săn bắt cá voi trái phép được ban hành và nhận được sự đồng thuận của đa số các nước trên thế giới. Hiện nay, IUCN xếp cá nhà táng vào danh sách loài dễ thương tổn.

Trên đây là những bức ảnh ấn tượng nhất tại cuộc thi Nhiếp ảnh Động vật hoang dã 2019. Sự kiện năm nay đã thu hút gần 50.000 tác phẩm đến từ 92 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang đến cho người xem những cảm xúc cũng như suy nghĩ riêng về thực trạng môi trường tự nhiên hiện nay và trách nhiệm của chúng ta trong việc làm cho thực trạng đó trở nên tốt đẹp hơn.

Mẹ thiên nhiên đang cất lên từng tiếng kêu cứu và nếu con người, hay nói đúng hơn là bản thân mỗi chúng ta, nếu không có ý thức bảo vệ thiên nhiên tức là chúng ta đang tự giết chết đi tương lai của chính mình. Đó là một sự độc ác, không chỉ với tất cả các sinh vật trên hành tinh, mà còn đối với chính con cháu chúng ta mai sau!

Hãy cùng hành động vì một thế giới tốt đẹp hơn!Hãy cùng hành động vì một thế giới tốt đẹp hơn!

Thứ Ba, 01/10/2019 12:00
52 👨 631
0 Bình luận
Sắp xếp theo