Rắn lục chúa có màu xanh tưởng rất độc nhưng thực sự chúng không như mọi người vẫn tưởng. Dưới đây là những điều bạn cần biết về rắn lục chúa.
Nhiều người từ lâu đã coi việc tham gia vào quá trình nuôi rắn thuộc chi Gonyosoma là một hành trình nguy hiểm vào vùng đất chưa biết. Đối với nhiều người nuôi rắn chuyên nghiệp, họ biết sự thật không phải như vậy. Thành công với cả Gonyosoma oxycephala (rắn chuột xanh đuôi đỏ) và Gonyosoma janseni (rắn chuột Jansen) đều rất ít và không ổn định. Những cá thể bị bắt ngoài tự nhiên đã đặt ra vô số thách thức cho người nuôi chúng. Người nuôi rắn đã trải qua nhiều giai đoạn từ căng thẳng tâm lý, thích nghi và các vấn đề về thức ăn, đến nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn, nấm và vi-rút chắc chắn dẫn đến cái chết đột ngột và đôi khi không thể lường trước được. Không có gì ngạc nhiên khi những con rắn này được coi là khó nuôi, đầy thử thách và hoàn toàn không dành cho người nuôi thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, khác với quan niệm cho rằng loài rắn lục chúa rất độc, rất nguy hiểm thì thực tế chúng hoàn toàn ngược lại.
Rắn lục chúa (Gonyosoma oxycephalum), còn gọi là thanh xà đuôi đỏ hay rắn chuột xanh là một loại rắn có vẻ bề ngoài đáng sợ và giống rắn độc nhưng thực tế chúng rất hiền lành và hoàn toàn vô hại.
Rắn lục chúa phân bố ở Đông Nam Á. Tại Việt Nam, loài rắn này sống từ khu vực Bắc Trung Bộ trở vào miền Nam. Chúng thường sống trên cây, ăn các loài động vật nhỏ như chim, thằn lằn, chuột, dơi và động vật gặm nhấm.
Rắn lục chúa có thân màu xanh và đuôi đỏ nên dễ bị nhầm với rắn lục đuôi đỏ, loài rắn sở hữu nọc độc nguy hiểm.
Tuy nhiên, rắn lục chúa có kích thước lớn hơn, cá thể cái trưởng thành có thể đạt được chiều dài lên đến 2,4m, trong khi những con đực có kích thước nhỏ hơn. Rắn lục chúa có đầu không phân biệt rõ với cổ, còn rắn lục đuôi đỏ có đầu hình tam giác phân biệt rõ với cổ.
Một đặc điểm để nhận dạng của lục chúa đó là chiếc lưỡi màu xanh lam đặc trưng.
Dù có kích thước lớn và vẻ ngoài giống rắn độc nhưng rắn lục chúa là loài thuộc họ rắn nước, không có nọc độc và nhút nhát, thường lẩn trốn con người.
Do loài rắn này không có độc và sở hữu màu sắc bắt mắt, nên rắn lục chúa được nhiều người yêu thích rắn làm thú cưng.
Tuy nhiên, trong môi trường nuôi nhốt, rắn lục chúa có thể trở nên hung dữ và tính khí trở nên thất thường hơn do cảm thấy căng thẳng. Chúng có thể tấn công con người. Tuy vết cắn của rắn lục chúa không gây nguy hiểm cho con người, nhưng do miệng của các loài rắn nói chung đều chứa nhiều vi khuẩn nên vết cắn này có thể dẫn đến nhiễm trùng. Vì vậy, người nuôi cần phải cẩn thận để tránh bị rắn cắn.