Cây lá ngón hay còn gọi là cây rút ruột, hồ mạn trường, hồ mạn đằng, hoàng đằng, đoạn trường thảo… là một loại cây chứa chất kịch độc. Chỉ cần ăn từ 3 lá ngón trở lên, nạn nhân sẽ mất mạng ngay lập tức.
Lá ngón là một loại cây leo thân quấn thường xanh, dài tới 12m. Loài cây này thường mọc ở miền rừng núi nước ta, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La…
Độc tính ở lá ngón mạnh như thế nào?
Ở Việt Nam, lá ngón là một trong bốn loại cây có độc tính hàng cao nhất (thuốc độc bảng A), bên cạnh cây củ chi, trúc đào và cây sui.
Chất kịch độc trong lá ngón là hoạt chất alkaloid, một loại độc tố nguy hiểm, một lượng nhỏ cũng có thể giết người ngay lập tức. Alkaloid ngấm rất nhanh qua đường tiêu hóa, chỉ mất 5 – 30 phút và có thể cướp đi mạng sống của con người trong khoảng từ 1 - 7 tiếng.
Chất độc alkaloid có trong toàn bộ cây. Độc tính giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây. Thậm chí chỉ cần bị dính nhựa độc khi ngắt lá, bẻ cành rồi vô tình tiếp xúc với đồ ăn, vết thương hở, nạn nhân sẽ bị trúng độc và có triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn dẫn đến ngừng hô hấp rất nhanh.
Theo nghiên cứu, giã lá ngón thành nước (10g lá, 10ml nước), lấy 3 giọt cho chuột uống, sau 9 phút chuột chết vì co giật. Với con người, chỉ cần ăn ba lá hoặc một lá với một chút rượu sẽ bị chết rất nhanh.
Triệu chứng ngộ độc lá ngón
Người bị ngộ độc lá ngón có các triệu chứng: Khát nước, đau họng, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, sau đó dẫn đến mỏi cơ, huyết áp hạ, thân nhiệt hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, khó thở, tim đập yếu, đồng tử giãn và ngừng hô hấp rất nhanh.