Chúng ta có khá nhiều lựa chọn hệ điều hành cho smartphone nhưng có lẽ người dùng đa phần chỉ quan tâm đến Android của Google và iOS của Apple. Cho dù thích chúng hay không, hiện tại đây vẫn là hai hệ điều hành cho điện thoại được sử dụng nhiều nhất thế giới. Hãy cùng Quantrimang so sánh hai kỳ phùng địch thủ này nhé.
Các lựa chọn phần cứng
Các lựa chọn thiết bị chạy iOS hay Android cũng giống như chọn máy tính chạy macOS hay Windows. Với hệ thống phần mềm của Apple, bạn chỉ có thể chọn từ một nhà sản xuất, đa phần các sản phẩm đều có giá khá cao. Android thì có nhiều nhà sản xuất điện thoại hơn, đa dạng về mẫu mã, chất lượng cũng như giá cả. Vì Android là hệ điều hành có mã nguồn mở (iOS là mã nguồn đóng) nên các nhà sản xuất điện thoại đều có thể sử dụng được.
Giao diện máy và cách sử dụng
Công bằng mà nói, hệ điều hành Android đại diện cho sự phức tạp (ví dụ như nhiều nút điều hướng menu hơn cần thiết, nhiều màn hình chính và nhiều loại giao diện khác nhau,...). iOS của Apple chỉ sử dụng một loại bố cục giao diện, cài đặt và điều hướng đồng nhất, không phức tạp.
Android từ xưa đến nay vẫn cho phép người dùng điều chỉnh nhiều hơn iOS, thậm chí còn cho chọn bố cục giao diện ưa thích để dùng.
Mặc dù Android là “con đẻ” của Google nhưng tính năng tìm kiếm trên iOS lại ổn định hơn rất nhiều so với Android, đặc biệt là khi tìm kiếm ứng dụng đã cài đặt trên thiết bị. Apple có nhóm các kết quả theo ứng dụng, email, danh bạ và hiển thị cả những ứng dụng chưa được cài đặt (còn có cả đường dẫn tới App Store). Nói chung, iOS cho trải nghiệm đồng nhất, đơn giản hơn so với Android.
Công nghệ hỗ trợ
Công nghệ không dây đã xuất hiện mấy năm nay trên thị trường, trở thành một tiêu chuẩn mới cho các sản phẩm công nghệ. Android thường tiên phong áp dụng những cấu hình mới, đi trước iOS khá nhiều. Điện thoại 5G đầu tiên cũng chạy Android, hoàn toàn đánh bại Apple về mảng sạc không dây, 4G LTE và điều khiển bằng giọng nói.
Android cũng bắt đầu hỗ trợ cho các điện thoại gập và hai màn hình. Một lần nữa, vì hệ điều hành này có mã nguồn mở nên các bên thứ ba như Microsoft có thể thêm các tính năng vào để hỗ trợ thiết bị của họ (như Surface Duo).
Ứng dụng đi kèm
Cả Apple và Google đều hỗ trợ rất nhiều ứng dụng đi kèm, được cài đặt sẵn trong máy. Bạn sẽ thấy những ứng dụng như email, trình duyệt web, thư viện ảnh, các công cụ chỉnh sửa, ghi âm, quay video,... Các ứng dụng có sẵn trên Android và iOS đều không thể gỡ cài đặt được, nhưng người dùng được phép sử dụng phần mềm bên thứ ba để thay thế.
Các ứng dụng tin nhắn rất đáng để chú ý đến. Apple đã dẫn trước Android ở trận đấu này với các emoji, thanh toán, trò chơi, gửi tin nhắn trực tuyến tích hợp hết trong tính năng iMessage. Ngoài ra, những người dùng thiết bị của Apple còn có thể gọi điện video qua ứng dụng FaceTime.
Hỗ trợ phần mềm và bảo hành
Nếu mua một chiếc iPhone, bạn được đảm bảo hỗ trợ phiên bản iOS mới nhất trong ít nhất vài năm. Android cũng đang dần cải thiện vấn đề này, đặc biệt là với Android One nhưng vẫn còn kém xa với so với iOS.
Tính bảo mật và riêng tư
Android riêng tư đến mức nào?
Hệ điều hành Android dựa trên Linux kernel. Kể từ khi ra mắt vào năm 2007, Android đã trải qua nhiều phiên bản và vô số thay đổi, cho tới ngày nay, nó là hệ điều hành được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Android có mã nguồn mở và miễn phí, nhưng hầu hết các điện thoại thông minh đều được trang bị phiên bản độc quyền do Google phát triển và đi kèm với một loạt ứng dụng Google được cài đặt sẵn (ví dụ, YouTube, Google Maps).
Vì những lý do này, sẽ là không khôn ngoan nếu đưa ra những tuyên bố chung chung về quyền riêng tư của hệ điều hành Android. Về cốt lõi, bản thân Android không đủ riêng tư nhưng cũng không xâm phạm quyền riêng tư của người dùng. Cần lưu ý rằng đại đa số chủ sở hữu điện thoại thông minh Android không mày mò hệ điều hành mà chỉ sử dụng điện thoại được hỗ trợ bởi hệ điều hành do Google phát triển ngay khi mở hộp. Đó là lý do tại sao hầu hết các điện thoại Android đều có một số vấn đề về quyền riêng tư.
Những vấn đề đó là gì? Ví dụ, nếu bạn đã từng sở hữu điện thoại thông minh Android, bạn sẽ biết việc xử lý các ứng dụng được cài đặt sẵn có thể gây khó chịu như thế nào. Khá nhiều nhà sản xuất cài đặt bộ ứng dụng của riêng họ trên thiết bị và gây khó khăn cho việc gỡ bỏ chúng nếu không có quyền truy cập root. Ngoài ra, thường thì các ứng dụng này không thực sự thân thiện với quyền riêng tư.
Ngoài ra, Google Play không quá khắt khe khi phê duyệt phần mềm. Những kẻ đe dọa cũng nhận thức được điều này, đó là một trong những lý do khiến chúng có xu hướng nhắm mục tiêu vào các thiết bị di động chạy Android.
iOS có thực sự tốt hơn cho quyền riêng tư?
Apple, hãng sở hữu những chiếc iPhone chạy trên iOS, luôn tự hào về việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Nhưng điều này có thực sự đúng hay chỉ là một chiêu trò tiếp thị thông minh?
Trong những năm gần đây, Apple đã nỗ lực thâm nhập vào thị trường phần mềm và dịch vụ, nhưng chủ yếu vẫn là một công ty phần cứng. Điều này không thể xảy ra đối với những gã khổng lồ công nghệ khác, có mô hình doanh thu chủ yếu dựa trên dữ liệu và quảng cáo. Điều này không có nghĩa là Apple không có động cơ thu thập dữ liệu, nhưng dữ liệu không phải là mục tiêu chính của hãng này. Và đó là tin tốt nếu bạn quan tâm đến quyền riêng tư.
iOS là phần mềm nguồn đóng và ít bị tấn công mạng hơn. Tất cả phần mềm trên Apple App Store đều được phê duyệt thủ công và rào cản gia nhập cao hơn nhiều so với trên Google Play, điều đó có nghĩa là bạn ít có khả năng gặp phải phần mềm không an toàn. Nhưng nếu lướt qua chính sách quyền riêng tư của Apple, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra iPhone của mình thu thập đủ loại dữ liệu về bạn.
Mặc dù không hoàn hảo, nhưng về quyền riêng tư, Apple tốt hơn nhiều so với các công ty công nghệ khác. Nhưng nếu Apple chuyển hướng từ phần cứng sang phần mềm và dịch vụ, mọi thứ có thể thay đổi.
Kết hợp với máy tính và các thiết bị khác
Tính năng Continuity của Apple rất khó bị đánh bại, nhưng Your Phone trên Windows 10 đã giúp các điện thoại Android kết nối với các máy tính PC hiệu quả như iPhone kết nối với Mac.
Hệ sinh thái của Apple gắn kết rất nhiều thứ khác ngoài điện thoại và laptop như Apple Watch, Apple TV, HomePod, iPad. Google cũng có Wear Watch OS nhưng chưa có nhiều tính năng bằng Apple Watch, tablet của Android vẫn mải miết đuổi theo iPad.
Trợ lý ảo
Siri của Apple và Google Assistant đều cho phép người dùng ra lệnh bằng giọng nói trên điện thoại. Cả hai đều có thể thực hiện được cái lệnh thông thường.
Theo trải nghiệm cá nhân của nhiều người, Siri thường đưa ra những câu trả lời không cần thiết hoặc không thực hiện đúng như người dùng yêu cầu. Apple nói rằng Siri đã được cải thiện và nâng cấp rất nhiều trên iOS mới nhưng đến giờ vẫn chưa có nhiều phản hồi từ người dùng.
Trải nghiệm chơi game, VR, AR
Apple và Google đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện trải nghiệm chơi game và kích hoạt công nghệ AR/VR trên hệ điều hành smartphone. Cả hai đều có thư viện chứa vô số tựa game, hỗ trợ cả những tựa game cần sử dụng tay cầm. Apple có dịch vụ chơi chơi là Apple Arcade và Android có Google Play Pass, đều có mức giá giống nhau là $4.99/tháng.