Cách cấu hình địa chỉ IP tĩnh trên Linux

Khi bạn cần hệ thống Linux có địa chỉ IP tĩnh thay vì một địa chỉ được cài đặt động bởi DHCP, tất cả những gì cần làm là thực hiện một số thay đổi cấu hình và khởi động lại hệ thống. Hãy thực hiện theo các bước sau đây để thực hiện chuyển đổi.

Địa chỉ IP trên các hệ thống Linux thường được gán tự động bởi các máy chủ Dynamic Host Configuration Protocol (DHCP). Chúng được gọi là "địa chỉ động" và có thể thay đổi bất cứ khi nào hệ thống được khởi động lại. Tuy nhiên, khi một hệ thống đóng vai trò là máy chủ hoặc được quản lý từ xa, sẽ thuận tiện hơn nếu có địa chỉ tĩnh. Địa chỉ IP tĩnh cung cấp kết nối ổn định và nhất quán cho người dùng và ứng dụng.

May mắn thay, các bước cần thiết để thay đổi địa chỉ IP của hệ thống Linux từ động sang tĩnh khá dễ dàng. Tuy nhiên, quy trình sẽ khác nhau một chút tùy thuộc vào bản phân phối đang sử dụng. Bài viết hôm nay sẽ xem xét cách quản lý tác vụ này trên cả hai hệ thống Red Hat (RHEL) và Ubuntu.

Không có lệnh đơn giản nào để xác định xem địa chỉ IP trên hệ thống Linux được gán bởi DHCP hay là địa chỉ tĩnh. Nếu địa chỉ IP trên hệ thống Linux thay đổi khi hệ thống khởi động lại, rõ ràng đây là địa chỉ động. Nhưng ngay cả địa chỉ động cũng có thể không thay đổi. Cách tốt nhất là nhìn vào file cấu hình.

RHEL 8

Để cấu hình địa chỉ IP tĩnh trên hệ thống Red Hat, hãy bắt đầu bằng cách liệt kê kết nối của Network Manager (Trình quản lý mạng). Lệnh nmcli hiển thị bên dưới sẽ liệt kê các kết nối mạng và thiết bị trên hệ thống. Lưu ý rằng tên thiết bị và tên kết nối không giống nhau.

$ nmcli dev status
DEVICE TYPE STATE CONNECTION
wlo1 wifi connected Comtrend7FB9
virbr0 bridge connected virbr0
enp3s0 ethernet unavailable --
lo loopback unmanaged --
virbr0-nic tun unmanaged --

Để thay đổi giao diện mạng từ động sang tĩnh, bạn cần chỉnh sửa file trong thư mục /etc/sysconfig/network-scripts, đại diện cho giao diện chung. Trong ví dụ này, file đó được gọi là ifcfg-Comtrend7BF9 (ifcfg- theo sau là tên của kết nối). Dòng giao thức khởi động "BOOTPROTO = dhcp" cần được thay đổi thành "BOOTPROTO = static". Ngoài ra, địa chỉ IP được sử dụng phải được thêm vào file. Kết quả cuối cùng sẽ trông giống như thế này:

HWADDR=7C:67:2A:CF:EF:9F
ESSID=Comtrend7FB9
MODE=Managed
KEY_MGMT=WPA-PSK
SECURITYMODE=open
MAC_ADDRESS_RANDOMIZATION=default
TYPE=Wireless
IPADDR=192.168.0.22
PROXY_METHOD=none
BROWSER_ONLY=no
BOOTPROTO=static
DEFROUTE=yes
IPV4_FAILURE_FATAL=no
IPV6INIT=yes
IPV6_AUTOCONF=yes
IPV6_DEFROUTE=yes
IPV6_FAILURE_FATAL=no
IPV6_ADDR_GEN_MODE=stable-privacy
NAME=Comtrend7FB9
UUID=2f5a6217-37c7-449f-bfaa-1d3fa5283482
ONBOOT=yes

Chạy lệnh systemctl restart NetworkManager để thay đổi có hiệu lực.

Ubuntu 18.10

Lệnh nmcli (giao diện dòng lệnh của trình quản lý mạng) có thể được sử dụng để liệt kê các giao diện mạng trên hệ thống Ubuntu. Trong đầu ra bên dưới, chúng ta thấy cả giao diện loopback và mạng công cộng được liệt kê. Thiết bị trên hệ thống có thể có một tên khác, phản ánh vị trí của phần cứng.

Ubuntu> nmcli d
DEVICE TYPE STATE CONNECTION
enp0s25 ethernet unmanaged --
lo loopback unmanaged --

Để kiểm tra cài đặt cấu hình giao diện mạng trên hệ thống Ubuntu, bạn sẽ sử dụng lệnh sau:

Ubuntu> cat /etc/network/interfaces
# interfaces(5) file used by ifup(8) and ifdown(8)
auto lo
iface lo inet loopback
auto enp0s25
iface enp0s25 inet dhcp

Như bạn có thể thấy từ dòng cuối cùng trong đầu ra này, giao diện eth0 hiện được gán bởi DHCP. Để thay đổi cài đặt thành động, bạn sẽ thay đổi "dhcp" thành "static" và thêm một số dòng khác. Ví dụ, trong file như hình bên dưới, “dhcp” đã được thay đổi thành “static” và chỉ định địa chỉ IP muốn sử dụng cùng với các cài đặt khác:

# interfaces(5) file used by ifup(8) and ifdown(8)
auto lo
iface lo inet loopback
auto enp0s25
iface enp0s25 inet static
address 192.168.0.11
netmask 255.255.255.0
network 192.168.0.0
broadcast 192.168.0.255

Khởi động lại dịch vụ mạng hoặc hệ thống để các thay đổi đã thực hiện có hiệu lực.

Thay đổi cài đặt mạng chỉ nên được thực hiện khi chúng không ảnh hưởng đến các kết nối hiện tại và bạn có thể sao lưu các thay đổi nếu cần. Hãy tạo một bản sao của bất kỳ file cấu hình nào trước khi bạn thay đổi. Sau đó đặt cho file đó một tên gọi dễ nhận biết.

Chúc bạn thực hiện thành công!

Thứ Năm, 04/04/2019 10:32
52 👨 4.377
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Linux