Mac không khởi động được và đây là cách khắc phục

Các máy của Apple khá đáng tin nhưng ngay cả máy Mac và MacBook cũng có vấn đề. Khi máy tính Apple của bạn không khởi động chính xác, hãy thực hiện theo một số mẹo sau đây để khắc phục lỗi này từ những thứ đơn giản như kiểm tra kết nối nguồn đến việc thực hiện một power cycle, khởi động ở chế độ Recovery Mode và kiểm tra hệ thống file.

Các cách khắc phục trong bài viết này áp dụng cho hầu hết các phiên bản macOS gần đây, bao gồm macOS High SierramacOS Mojave. Các menu và giao diện có thể trông hơi khác nhau tùy thuộc vào hệ điều hành bạn đang chạy, nhưng về bản chất các chức năng của chúng giống nhau.

1. Kiểm tra máy Mac đã được bật chưa

Trước tiên, hãy kiểm tra xem máy Mac của bạn không khởi động được hay không bật được. Nếu khi nhấn nút nguồn trên máy Mac, bạn không nghe thấy âm thanh khởi động, không nghe thấy tiếng quạt chạy và không thấy bất cứ hình ảnh, video nào trên màn hình, thì có nghĩa là máy tính của bạn không bật được. Trong trường hợp này, bạn cần thực hiện các cách dưới đây.

Kiểm tra kết nối nguồn

Kiểm tra nguồn đã được bật chưa và máy Mac đã được cắm đúng vào nguồn chưa. Nếu là laptop bạn cần đảm bảo máy còn pin và nếu cần sạc, hãy chờ một lúc để pin được nạp và khởi động trước khi kết luận máy không bật được.

Thử adapter hoặc cáp nguồn khác

Có thể lỗi này do cáp nguồn, hãy thử một cáp nguồn khác để xem vấn đề có được giải quyết hay không. Nếu gần đây xảy ra sự cố mất điện khi đang sử dụng máy, adapter của bạn có thể bị hỏng do tăng vọt điện áp, trong trường hợp này, bạn cần một adapter mới. Cuối cùng, hãy kiểm tra dây cáp, nó có thể bị lỏng, hãy tháo nó ra và cắm lại để xem máy có bật được không.

Kiểm tra kết nối nguồn

Ngắt kết nối tất cả các phụ kiện

Tháo tất cả các phụ kiện như máy in, USB gắn vào máy Mac vì có thể một trong những thiết bị ngoại vi này là nguyên nhân dẫn đến máy Mac không thể khởi động.

Nếu cài đặt bộ nhớ hoặc ổ cứng mới, hãy đảm bảo chúng được cài đặt chính xác và tương thích (Nếu có thể hãy cài đặt lại bộ nhớ cũ hoặc ổ cứng để xem có giải quyết được vấn đề không).

2. Thực hiện Power Cycle

Nếu không nghe thấy bất kỳ âm thanh nào cho thấy máy Mac khởi động, hãy tiến hành tắt nguồn hoàn toàn và khởi động lại (Power Cycle).

Trên MacBook, bạn cần ấn giữ nút nguồn trong 10 giây. Khi tắt nguồn điện của Mac, bạn sẽ nghe thấy một tiếng bíp báo hiệu cho việc này. Sau khi chờ 10 giây, hãy khởi động lại. Nếu dùng máy Mac để bàn, bạn cần tháo dây nguồn và đợi 10 giây sau đó cắm và khởi động lại.

3. Kiểm tra màn hình

Với máy tính để bàn Mac, vấn đề không chỉ ở thân Máy, hãy kiểm tra màn hình vì có thể máy tính đã khởi động những không thể hiển thị trên màn hình.

Trong trường hợp này, Apple có một vài lời khuyên dành cho bạn:

  • Kiểm tra nguồn cung cấp cho máy Mac (và nguồn cấp cho màn hình nếu sử dụng một bộ phận riêng).
  • Xác nhận tất cả các cáp được kết nối an toàn.
  • Kiểm tra xem màn hình có tương thích với máy Mac không.
  • Tháo toàn bộ các thiết bị mở rộng màn hình và bộ chuyển đổi hoặc các thiết bị khác kết nối màn hình với máy Mac.
  • Rút cáp video (nếu sử dụng màn hình riêng) và cắm lại.
  • Nếu sử dụng nhiều màn hình, tháo tất cả các màn hình và kiểm tra với một màn hình.
  • Nếu có thể hãy sử dụng một màn hình hoặc adapter khác (ví dụ, sử dụng DVI thay cho VAG)

4. Chạy Disk Utility ở chế độ Recovery Mode

Nếu máy Mac khởi động nhưng không thể tải hệ điều hành, thì có thể drive của bạn đã bị hỏng. May thay bạn hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này bằng cách truy cập vào chế độ Recovery Mode.

Bước đầu tiên bạn cần thực hiện là chạy Disk Utility. Trên máy Mac chạy OS X 10.8 Mountain Lion trở lên, bạn có thể kích hoạt Disk Utility bằng cách khởi động vào Chế độ Recovery Mode.

Hãy đảm bảo máy Mac đã tắt. Nếu máy Mac không phản hồi và chỉ hiện màn hình xám, xanh hoặc trắng, chỉ cần giữ nút nguồn của máy Mac trong vài giây cho đến khi nó tắt.

Xem thêm: Lỗi Mac hiển thị màn hình trắng xóa, đây là cách sửa lỗi

Giữ phím Command + R và cấp nguồn lại cho Mac. Tiếp tục nhấn Cmd + R trong khi máy Mac đang khởi động cho đến khi thấy logo của Apple.

Khi máy Mac khởi động ở Chế độ Recovery Mode, bạn sẽ có quyền truy cập vào Utilities. Click vào Disk Utility.

Click vào Disk Utility

Sau đó, xác định ổ đĩa Mac và chọn nó. Click vào First Aid.

Kiểm tra ổ đĩa trên máy Mac

Disk Utility sẽ tìm kiếm các lỗi trên đĩa của bạn và khắc phục các lỗi đó một cách tự động, nếu không nó sẽ hiện thông báo hỏi bạn, hãy click vào Repair Disk trong trường hợp này.

Khi đã ở chế độ Recovery Mode, thực hiện theo các bước sau:

  • Khôi phục từ bản sao lưu Time Machine
  • Sử dụng Disk Utility để sửa drive đã kết nối
  • Nhận trợ giúp online thông qua Safari
  • Cài đặt hoặc cài đặt lại macOS

5. Khởi động Mac ở chế độ Safe Boot

Safe Boot giới hạn những thứ được kiểm tra, chức năng của Mac trong quá trình khởi động và thực hiện một số chuẩn đoán nhất định.

Để khởi động ở chế độ Safe Boot, hãy tắt máy Mac và khởi động lại trong khi nhấn phím Shift. Chờ trong một vài phút để máy khởi động vào chế độ này. Ở chế độ này bạn sẽ thấy giao diện hơi khác một chút ví dụ các khối màu sẽ thay thế các khối trong suốt.

Khi ở Chế độ Safe Boot, bạn có thể chạy một số kiểm tra nhất định và thực hiện các thay đổi có thể khắc phục máy Mac của bạn.

Máy Mac ở chế độ Safe Boot

6. Kiểm tra hệ thống file

Để kiểm tra hệ thống file, thực hiện tắt máy Mac và khởi động lại trong khi nhấn và giữ phím Cmd + S để truy cập vào chế độ Single User Mode. Bạn có thể nhả phím khi xuất hiện màn hình đen với thông báo với phông chữ màu trắng.

Sau đó chờ đến khi dấu nhắc dòng lệnh xuất hiện và cuộn qua các dòng văn bản, nhập fsck -fy và nhấn Return. Sau khi thực hiện một số kiểm tra bạn sẽ nhận được hai thông báo: "The volume [your Mac's name] appears to be OK" hoặc "FILE SYSTEM WAS MODIFIED". Với thông báo đầu tiên, gõ reboot và nhấn Return. Tuy nhiên với thông báo thứ hai, bạn nên chạy lại lệnh fsck -fy. Bạn có thể nhập lại lệnh và nhấn Return hoặc nhấn mũi tên lên một lần rồi nhấn Return.

7. Reset PRAM/NVRAM

PRAM/NVRAM là các phần bộ nhớ đặc biệt trên máy Mac lưu trữ dữ liệu ngay cả khi tắt máy như cài đặt âm lượng và độ phân giải màn hình.

Để reset dữ liệu này, bạn nhấn tất cả các phím sau: Command, Option (Alt), P, R và bật máy Mac. Vẫn giữ các phím này cho đến khi máy Mac khởi động lại.

Trong một số trường hợp, sau khi thực hiện bước này, máy Mac sẽ khởi động lại bình thường. Một số trường hợp khác, bạn có thể thấy một thanh tiến trình khi khởi động. Nếu thanh tiến trình đầy và sau đó Mac khởi động, vấn đề đã được giải quyết. Tuy nhiên cũng có lúc máy Mac tắt khi mới được nửa thanh tiến trình.

8. Reset SMC

Nếu những cách trên vẫn không thể khắc phục được vấn đề, hãy thử reset SMC của máy Mac. Trên máy tính xách tay Mac, nhấn Shift + Ctrl+ Option/Alt cùng lúc khi cắm cáp nguồn. Với máy tính để bàn Mac, tháo cáp nguồn và chờ 15 giây để cắm lại, sau đó chờ tiếp 5 giây để nhấn nút nguồn.

Reset SMC

9. Sử dụng chế độ Target Disk Mode

Bước này nên được thực hiện trước khi cài đặt lại macOS và cần có bản sao lưu. Thực hiện các bước sau đây để sử dụng Target Disk Mode:

1. Kết nối cả hai máy Mac với nhau bằng cáp Apple Thunderbolt (nó cũng hoạt động với cáp FireWire trên máy Mac cũ).

2. Tắt máy Mac (nhấn và giữ nút nguồn nếu cần).

3. Khởi động máy Mac trong khi giữ nút T trên bàn phím.

4. Tiếp tục giữ nút T cho đến khi nghe thấy âm thanh khởi động và vẫn nhấn nút này khi thấy biểu tượng Thunderbolt xuất hiện trên màn hình của bạn.

Với chế độ này, máy Mac sẽ hoạt động như ổ cứng ngoài. Bạn có thể lấy các file cần từ ổ cứng hoặc thậm chí sao chép toàn bộ dữ liệu ổ cứng sang ổ đĩa ngoài khác.

10. Cài đặt lại macOS

Để cài đặt lại macOS, khởi động vào chế độ Recovery, sau đó click để cài đặt hệ điều hành mới nhất và làm theo lời nhắc trên màn hình.

Xem thêm: Hướng dẫn cách cài mới (clean install) macOS Sierra 10.12 trên Mac

Chúc các bạn thực hiện thành công!

Thứ Hai, 08/04/2019 08:04
52 👨 35.989
0 Bình luận
Sắp xếp theo