Apple vừa mới phát hành phiên bản mới nhất cho máy tính Mac, iMac và MacBook và trong khi nó mang đến nhiều tính năng mới hấp dẫn, hệ điều hành này cũng có một số vấn đề. Do đó bài viết này sẽ hướng dẫn các bạn cách khắc phục một số lỗi phổ biến khi nâng cấp lên macOS 10.14 Mojave.
Cách khắc phục các vấn đề khi nâng cấp lên macOS 10.14 Mojave
- Không thể tải macOS Mojave
- Các vấn đề khi cài đặt macOS Mojave
- macOS Mojave không cài đặt từ ổ đĩa ngoài
- Bluetooth không hoạt động trên MacOS Mojave
- Mac không thể khởi động sau khi cài đặt macOS 10.14 Mojave
- Mac chạy chậm sau khi cài đặt macOS 10.14 Mojave
- Một số ứng dụng không hoạt động trong macOS 10.14 Mojave
- Các vấn đề về pin với máy Mac chạy MacOS Mojave
Không thể tải macOS Mojave
Một vấn đề phổ biến người dùng báo cáo là không thể tải bản macOS 10.14. Khi tải họ sẽ thấy thông báo lỗi ghi “macOS Mojave download has failed” (Không thể tải macOS Mojave) hoặc “Installation of macOS could not continue. Installation requires downloading important content. That content can’t be downloaded at this time. Try again later” (Không thể tiếp tục cài đặt macOS. Quá trình cài đặt này yêu cầu tải nội dung quan trọng tuy nhiên hiện giờ không thể tải nội dung này, hãy thử lại lần sau).
Có một vài lý do khiến bạn gặp phải vấn đề này như có quá nhiều người tải hệ điều hành này cùng một lúc. Trong trường hợp này, hãy thử tải lại sau hoặc có thể kiểm tra tình trạng máy chủ Apple trực tiếp để đảm bảo mọi thứ đều ổn.
Nguyên nhân dẫn đến không thể tải macOS Mojave còn do bạn không có đủ dung lượng lưu trữ trên máy Mac. Do đó, hãy kiểm tra dung lượng còn trống bằng cách mở menu Apple, click vào About This Mac, chọn Storage và sau đó kiểm tra dung lượng trên ổ cứng. Bạn cần ít nhất 12,5GB dung lượng để nâng cấp lên phiên bản macOS Mojave. Nếu đang dùng phiên bản OS X Yousemite trở xuống, bạn cần 18,5GB.
Bạn cũng cần chuyển đổi sử dụng Wi-Fi sang mạng dây để đảm bảo kết nối Internet không bị gián đoạn. Nếu vẫn gặp sự cố khi tải macOS Mojave, hãy thử tìm các file macOS được tải một phần và file có tên là Install macOS 10.14 trên ổ cứng, xóa chúng sau đó khởi động lại máy Mac và tải lại một lần nữa.
Nếu cách trên không giải quyết được vấn đề khi tải macOS Mojave, mở App Store, click vào View My Account và xem có thứ gì đó trong phần Unfinished Downloads không, xóa chúng đi và thử đăng xuất khỏi Store để xem điều này có khởi động lại quá trình tải hay không.
Các vấn đề khi cài đặt macOS Mojave
Nếu gặp sự cố khi cài đặt macOS Mojave, trước tiên bạn cần kiểm tra máy Mac đang chạy có tương thích với macOS Mojave không. Dưới đây là danh sách các máy Mac tương thích.
- MacBook (đầu năm 2015 hoặc mới hơn)
- MacBook Air (Giữa năm 2012 hoặc mới hơn)
- MacBook Pro (Giữa năm 2012 hoặc mới hơn)
- Mac mini (Cuối năm 2012 hoặc mới hơn)
- iMac (Cuối năm 2012 hoặc mới hơn)
- iMac Pro (2017)
- Mac Pro (Cuối năm 2013, model giữa năm 2010 và giữa năm 2012 với CPU có khả năng Metal)
Nếu máy Mac của bạn tương thích và đã hoàn tất quá trình tải macOS Mojave, nhưng không thấy thông báo cài đặt, hãy tìm kiếm thư mục ứng dụng của Mac để tìm file có tên là Install macOS 10.14, click đúp vào file này để bắt đầu cài đặt.
Nếu gặp vấn đề cài đặt macOS Mojave do dung lượng ổ đĩa thấp, hãy khởi động lại máy Mac và nhấn Ctrl + R trong khi nó khởi động để truy cập vào menu Recover. Chọn Disk boot để khởi động như bình thường, sau đó xóa file bạn không sử dụng nữa.
Nếu gặp khó khăn trong việc giải phóng dung lượng ổ đĩa, hãy tìm file Time Machine ẩn và xóa nó đi vì file này chiếm một lượng lớn dung lượng. Sau khi giải phóng đủ không gian, hãy thử cài đặt lại.
Nếu gần kết thúc quá trình cài đặt macOS Mojave, bạn thấy xuất hiện thông báo lỗi, hãy khởi động lại máy Mac và nhấn Command + Options + R trên bàn phím trong khi khởi động để kích hoạt hệ thống khôi phục qua Internet. Bạn cũng có thể nhấn Shift + Option + Command + R.
macOS Mojave không cài đặt từ ổ đĩa ngoài
Đã có một số người dùng báo cáo rằng Mojave không thể cài đặt được từ ổ cứng ngoài và trở về phiên bản macOS trước đó. Họ cho rằng nguyên nhân là do sử dụng ổ cứng ngoài kết nối với máy Mac thông qua adapter USB-C. Do đó, hãy thử cắm nó trực tiếp vào cổng Thunderbolt 3 hoặc thử adapter khác. Bạn cũng có thể thử cài đặt High Sierra (phiên bản trước của macOS) trên ổ đĩa ngoài trước, sau đó nâng cấp lên Mojave.
Bluetooth không hoạt động trên MacOS Mojave
Một số người đã gặp phải sự cố Bluetooth không hoạt động khi Mac chạy macOS Mojave. Để khắc phục vấn đề này, mở Finder và sau đó click vào Go trên menu, sau đó chọn Go to Folder…, gõ /Library/Preferences. Từ đây bạn sẽ thấy một file có tên là com.apple.Bluetooth.plist, chọn nó và khởi động lại máy Mac và thử kết nối lại với thiết bị Bluetooth.
Mac không thể khởi động sau khi cài đặt macOS 10.14 Mojave
Nếu sau khi cài đặt macOS Mojave, nhưng máy Mac không thể khởi động, hãy thử khởi động lại máy Mac và giữ phím Command, Option, P và R để reset lại NVRAM. Khi ở chế độ Safe Mode, chạy Disk Utility để thử khắc phục vấn đề khởi động macOS Mojave.
Mac chạy chậm sau khi cài đặt macOS 10.14 Mojave
Nếu máy Mac của bạn chạy chậm sau khi cài đặt MacOS Mojave, có thể nguyên nhân là do các ứng dụng bên thứ ba khởi chạy tự động cùng hệ thống. Nhiều ứng dụng tải cùng một lúc sẽ khiến máy Mac bị chậm.
Để khắc phục sự cố này, hãy gỡ cài đặt các ứng dụng không cần thiết khi máy Mac khởi động. Bạn cũng có thể mở menu Apple và chọn System Preferences. Từ cửa sổ xuất hiện, click vào User & Group, chọn Login Items và sau đó chọn ứng dụng không muốn khởi động cùng hệ thống và click vào dấu trừ nhỏ bên dưới danh sách.
Ngoài ra, bạn cũng nên đảm bảo tất cả các ứng dụng của mình được cập nhật bằng cách kiểm tra trong Apple Store hoặc truy cập vào trang web ứng dụng.
Một cách khắc phục nữa là bạn có thể khởi động lại máy Mac hoặc dừng bắt buộc các ứng dụng sử dụng nhiều RAM. Bạn có thể xác định các ứng dụng sử dụng nhiều tài nguyên hệ thống với tiện ích Activity Monitor (trong /Applications/Utilities). Tab CPU sẽ liệt kê các tiến trình đang hoạt động với thời gian thực. Để dừng bắt buộc một tiến trình, click vào nó trong danh sách Activity Monitor, click vào dấu X ở bên trái thanh công cụ, sau đó xác nhận lại.
Bộ nhớ cache đầy cũng là nguyên nhân khiến máy Mac bị chậm. Để xóa bộ nhớ cache, mở cửa sổ Finder, chọn Go từ menu trên cùng và chọn Go to Folder. Trong hộp văn bản xuất hiện, gõ /Library/Caches.
Xóa dữ liệu bên trong các thư mục. Bây giờ lặp lại quá trình với /Library/Caches (không có ký hiệu). Chạy công cụ Repair Disk từ Disk Utility để giải quyết vấn đề.
Một số ứng dụng không hoạt động trong macOS 10.14 Mojave
Một lỗi phổ biến khi nâng cấp lên hệ điều hành macOS Mojave là một số ứng dụng không còn hoạt động được nữa. Điều này là vấn đề bình thường khi bạn sử dụng các chương trình cũ. Nếu ứng dụng không hoạt động trong macOS 10.14 Mojave, bạn nên kiểm tra và cài đặt phiên bản mới nhất của các ứng dụng này trên trang web của nó. Trong trường hợp phần mềm đó quá cũ và không tương thích với hệ điều hành Mojave, bạn nên xem xét mua phiên bản mới hơn hoặc tìm các ứng dụng thay thế.
Hệ điều hành macOS Mojave ưu tiên sử dụng các ứng dụng 64 bit, do đó bạn nên sử dụng phiên bản 64 bit của các ứng dụng trên hệ điều hành này. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể chạy các ứng dụng 32 bit nhưng nó sẽ xuất hiện cảnh báo nói rằng ứng dụng này không được tối ưu hóa cho Mac chạy macOS Mojave.
Để kiểm tra ứng dụng bạn đã cài đặt là 32 bit hay 64 bit, truy cập vào menu Apple và chọn About This Mac, click vào System Report, sau đó trên menu bên trái, click vào Applications. Bạn sẽ thấy một cột ghi 64 bit, tìm ứng dụng ghi No để nâng cấp lên phiên bản 64 bit nếu có thể hoặc tìm các ứng dụng thay thế nếu không có phiên bản 64 bit.
Các vấn đề về pin với máy Mac chạy MacOS Mojave
Nhiều người dùng nhận thấy rằng tuổi thọ pin của MacBook ngắn hơn khi cài đặt macOS Mojave. Bạn có thể kiểm tra nguyên nhân dẫn đến vấn đề này bằng cách mở Finder, truy cập vào Applications > Utilities > Activity Monitor > Energy.
Bạn sẽ thấy một biểu đồ hiển thị mức năng lượng các chương trình sử dụng. Nếu thấy bất kỳ ứng dụng nào tiêu tốn nhiều năng lượng, kiểm tra xem có thể cập nhật nó được không hoặc gỡ cài đặt và sử dụng phần mềm thay thế.
Ngoài ra, bạn nên tắt các dịch vụ định vị, không sử dụng các hình động và hiệu ứng đồ họa khi không cần thiết để kéo dài tuổi thọ pin. Bạn có thể tham khảo bài viết 8 cách tiết kiệm pin cho máy MacBook.
Chúc các bạn thực hiện thành công!
Xem thêm: