Các chuẩn WiFi luôn thay đổi sau vài năm. Một tiêu chuẩn mới ra đời có nghĩa là mạng không dây sẽ trở nên tốt hơn, kèm theo đó là một số ký hiệu mới sẽ xuất hiện trên bao bì của router hay điện thoại thông minh.
WiFi Alliance không muốn người dùng bị bó buộc với những ký hiệu kỹ thuật phức tạp, nên thay vì chỉ tuân thủ kiểu đặt tên theo chuẩn 802.11 của IEEE, tổ chức này đã đơn giản hóa tên chuẩn Wifi theo cách của riêng mình. Tiêu chuẩn Wifi tiếp theo có tên là Wifi 6. Vậy thì WiFi 6 là gì, so với các tiêu chuẩn Wifi cũ hơn nó có gì nổi bật? Hãy cùng Quantrimang.com tìm hiểu về Wifi 6 trong bài viết này nhé.
Những điều bạn cần biết về WiFi 6
WiFi 6 là gì?
WiFi 6 là bản cập nhật mới nhất cho chuẩn mạng không dây. WiFi 6 dựa trên tiêu chuẩn IEEE 802.11ax, với tốc độ nhanh hơn, dung lượng lớn hơn và hiệu suất năng lượng được cải thiện hơn so với chuẩn 802.11ac tiền nhiệm (hiện còn được gọi là WiFi 5).
Theo tiêu chuẩn đặt tên cũ, Wifi 5 là 802.11ac, còn Wifi 6 sẽ là 802.11ax. Nhưng WiFi Alliance đã nhận ra rằng việc thay đổi hai chữ cái phía sau không mang lại cho người tiêu dùng nhiều thông tin về chuẩn Wifi mới. Nếu không có kiến thức về kỹ thuật, người dùng có thể không hiểu 802.11n khác gì so với 802.11ac.
Ông Edgar Figueroa, chủ tịch và CEO của WiFi Alliance cho biết: "Trong gần hai thập kỷ qua, người dùng WiFi đã phải sắp xếp các quy ước đặt tên kỹ thuật để xác định xem các thiết bị của họ có hỗ trợ WiFi mới nhất hay không. WiFi Alliance vui mừng giới thiệu WiFi 6 và trình bày kế hoạch đặt tên mới để giúp các ngành công nghiệp và người dùng WiFi dễ dàng hiểu được thế hệ WiFi mới, được hỗ trợ bởi thiết bị hoặc kết nối của họ”.
Hệ thống đặt tên mới sẽ chạy song song với hệ thống hiện tại. Nghĩa là quy ước đặt tên 802.11 vẫn có hiệu lực, nhưng các nhà sản xuất có thể ghi cả hai tiêu chuẩn đặt tên trên các sản phẩm của mình. Điều này, về mặt lý thuyết, làm cho quá trình mua một thiết bị mới có kết nối tốt hơn trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Đây là cách mà các tiêu chuẩn tương ứng được đặt tên:
- WiFi 6: 802.11ax (dự kiến xuất hiện trong năm 2019)
- WiFi 5: 802.11ac (2014)
- WiFi 4: 802.11n (2009)
- WiFi 3: 802.11g (2003)
- WiFi 2: 802.11a (1999)
- WiFi 1: 802.11b (1999)
WiFi 6 tốt hơn như thế nào?
Đúng theo quy luật chung, tiêu chuẩn không dây mới nhất cung cấp cho người dùng tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn. Về lý thuyết, Wifi 6 mang đến tốc độ lên tới 10Gbps, và đạt 12Gbps ở tần số phát sóng không dây cao nhất và trong khoảng cách rất ngắn. Đây là một cải tiến khá lớn về tốc độ (tăng 30-40% so với chuẩn Wifi 5 cũ).
Nó cũng mang lại một vài cải tiến đáng chú ý khác cho mạng không dây.
Nâng cấp MU-MIMO
Nhiều router mới hiện sử dụng MU-MIMO để cung cấp luồng dữ liệu không đổi cho nhiều người dùng. Công nghệ MU-MIMO được tung ra thị trường trong thời kỳ WiFi 5 hiện tại, trên các router cao cấp (hiện tại nó cũng bắt đầu xuất hiện trên router tầm trung). Với chuẩn WiFi 6, cho phép MU-MIMO đa hướng (cả uplink và downlink) sẽ khiến MU-MIMO có mặt trên hầu hết các router mới.
Tần số vô tuyến tốt hơn, nhiều kênh hơn
Một tính năng quan trọng khác của WiFi 6 là Orthogonal Frequency Division Multiple Access - OFDMA (Phân chia tần số trực giao nhiều người truy cập). OFDMA sử dụng 2 tần số truyền có sẵn: 2.4GHz và 5GHz tốt hơn.
Về mặt lý thuyết, việc nâng cấp này tăng tốc độ bằng cách chia phổ khả dụng thành các đơn vị nhỏ hơn, nhờ đó làm tăng thông lượng và hiệu suất mạng.
Hiện tại, các router băng tần kép thông thường hoạt động trên phổ tần 2.4GHz và 5GHz. Trong đó, các phổ này phân bổ theo bộ kênh với độ rộng 20MHz. Các kênh 20MHz này nhóm lại với nhau thành các block (khối) 160MHz.
Tất cả các thiết bị phát sóng trên một block trong phổ tần nhất định. Khi nhiều thiết bị đang sử dụng cùng một kênh, trên cùng một phổ, trong một khu vực hạn chế, hiện tượng nghẽn mạng sẽ xuất hiện.
WiFi 6 thay đổi sự phân bổ các kênh 20MHz này thành 256 kênh phụ riêng lẻ, đây là một sự gia tăng đáng kể, so với 64 kênh hiện tại. Không chỉ gia tăng về mặt số lượng các kênh thuần túy, WiFi 6 còn sửa đổi các kết nối dữ liệu trong những kênh được tăng thêm đó.
Trước đây, tất cả các kênh phụ được sử dụng song song để liên lạc với một thiết bị được kết nối, có nghĩa là một thiết bị duy nhất có thể độc quyền kênh cho đến khi nó nhường quyền cho thiết bị khác.
WiFi 6 phân bổ các kênh phụ bổ sung mới dưới dạng các Resource unit (RU) - Đơn vị tài nguyên. Chúng được sử dụng để giao tiếp đồng thời với một số thiết bị 802.11ax. Trên một kênh riêng lẻ có thể có 9 thiết bị cùng giao tiếp hiệu quả, tương đương với 74 thiết bị trên một block 160MHz.
Nhiều luồng đồng thời hơn
Một thay đổi lớn khác trong tiêu chuẩn WiFi 6 là bản cập nhật cho tính năng 256 Quadrature Amplitude Modulation (QAM) 802.11ac hiện tại. WiFi 6 tăng lên 1024 QAM, cho phép phát sóng lên đến 8 luồng đồng thời.
Khi nào người dùng có thể mua router hoặc các thiết bị không dây WiFi 6?
Một vài router WiFi 6 đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường, như TR-AX88U của ASUS được quảng cáo là đã sẵn sàng hỗ trợ cho các thiết bị 802.11ax thế hệ mới (mặc dù kết quả thực tế rất khó để đánh giá). Nó sử dụng tiêu chuẩn router của AX6000, có nghĩa là tuân thủ các thông số kỹ thuật không dây mới và tốt nhất.
Nighthawk AX8 của Netgear là một router WiFi 6 khác mà bạn có thể mua ở thời điểm hiện tại. AX8 có kiểu dáng đẹp mặt và tương lai hứa hẹn sẽ là một router có đặc điểm kỹ thuật tương tự như AX6000. Cả Netgear Nighthawk AX8 và Asus TR-AX88U đều có giới hạn thông lượng khoảng 6Gbps, và vẫn chưa đạt mức cao nhất của WiFi 6 (khoảng 10Gbps). Tốc độ này chỉ có thể đạt được ở router đạt chuẩn AX11000.
Có rất ít router sử dụng thông số kỹ thuật AX11000. Nhãn hiệu router Archer cao cấp của TP-Link sẽ có sản phẩm router AX11000 trong thời gian sắp tới. D-Link cũng đang chuẩn bị để phát hành router AX11000 Ultra WiFi, hãng sản xuất thiết bị chơi game Asus ROG cũng sẽ tung Rapture GT-AX11000 ra thị trường.
Bạn có nên nâng cấp lên WiFi 6?
Cho đến khi công nghệ này được sử dụng rộng rãi hơn, câu trả lời là không. Như bạn có thể thấy ở trên, có rất ít thiết bị trên thị trường hỗ trợ WiFi 6. Cũng có khả năng các thông số kỹ thuật sẽ thay đổi, nhưng nó sẽ chỉ là những tinh chỉnh nhỏ để tối ưu hiệu suất thôi, vì phần nền tảng của các đặc điểm kỹ thuật về cơ bản là đã hoàn thành.
Việc quyết định mua một router mới ở thời điểm hiện tại cũng là một quyết định khó khăn. Sự ra đời của WiFi 6 kéo theo sự xuất hiện sắp tới của WPA3, giao thức bảo mật không dây mới. Việc áp dụng rộng rãi WPA3 sẽ không thể phổ biến nhanh chóng cho đến giai đoạn cuối năm 2019.
Với những thông tin đó, rất nên kiểm tra xem router mà bạn sắp mua có thể nhận được bản cập nhật firmware theo tiêu chuẩn WPA3 an toàn hơn không.
Với WiFi 6, sức mạnh của một mạng sẽ lớn nhất khi mọi thiết bị đều tuân theo chuẩn mới này. Vội vã mua một router WiFi 6 mới là điều hoàn toàn không cần thiết vào thời điểm này.
Tuy nhiên, nếu bạn đang cần mua một router mới, bạn có thể tham khảo bài viết của Quản Trị Mạng về các router giá rẻ tốt nhất ở thời điểm hiện tại.
Chúc bạn chọn được sản phẩm phù hợp!
Xem thêm: