Tham quan Envisioning Center và cùng bàn về tầm nhìn của Microsoft đối với các tiện ích văn phòng và Windows

Cứ sau vài năm, Microsoft lại tung ra một video mô tả những ý tưởng cũng như phương hướng phát triển cho các sản phẩm của mình trong tương lai. Trong các video lần trước, chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của vô số ứng dụng, thiết bị tiềm năng như màn hình khổng lồ, các loại cảm biến, máy tính bảng siêu mỏng, và rất nhiều các loại linh kiện phần cứng cũng như ứng dụng phần mềm có thể thay đổi cách thức nhân loại sử dụng máy tính trong tương lai. Tuy nhiên năm nay sẽ có đôi chút khác biệt. Thay vì tung ra một đoạn video giới thiệu như mọi năm, năm nay Microsoft đã quyết định mở cửa trung tâm Envisioning Center - đại bản doanh của những bộ não hàng đầu Microsoft, nơi khai sinh của những ý tưởng cũng như chính sách không chỉ mang ý nghĩa sống còn đối với Microsoft mà còn có thể tác động đến tương lai của thế giới công nghệ - trong tuần này, và đồng thời gửi lời mời đến một số nhà báo, chuyên gia đầu ngành đến tham quan và đóng góp ý kiến cho những kế hoạch mới nhất về tương lai của Microsoft.

1 góc Envisioning Center

Giới thiệu qua một chút về Envisioning Center, đây chính xác là một phòng thí nghiệm và phát triển ý tưởng rộng khoảng 7.000 mét vuông, tọa lạc ngay trong khuôn viên của công ty tại Redmond, Washington. Bước vào bên trong, nếu không tìm hiểu từ trước, có lẽ bạn sẽ phải nghĩ rằng đây là một khu nghỉ dưỡng cao cấp với đầy đủ tiện nghi cũng như phong cách thiết kế, trang trí bắt mắt, chứ không phải là một trụ sở làm việc ngột ngạt như chúng ta vẫn thường quen thuộc. Bên trong Envisioning Center có những màn hình khổng lồ để mọi người có thể tổ chức những cuộc họp, trình bày ý tưởng ở mọi lúc mọi nơi, có vô số phòng họp với hàng tá các thiết bị tự động nhận diện người tham gia, hay những chiếc bàn làm việc độc đáo, có thể gợi cảm ứng về cách thức mà con người sẽ lao động và sáng tạo trong hàng thập kỷ tới. Gần như tất cả trang thiết bị ở đây đều được điều khiển bởi cảm ứng, giọng nói và thậm chí là tương tác thực tế ảo (augmented reality), với phần mềm mô phỏng lại cách thức hoạt động của Windows và Office ngày nay.

Ông Anton Andrew

“Thế giới mà chúng ta sống và làm việc đang trải qua những giai đoạn thay đổi thực sự với tốc độ chóng mặt, và ở đây, chúng tôi muốn trở thành những người đi tiên phong trong mọi xu thế, mọi sự thay đổi”, ông Anton Andrew, người đứng đầu đội ngũ sáng tạo tại Microsoft chia sẻ.

Lượng dữ liệu khổng lồ hiện có và đang không ngừng gia tăng trên phạm vi toàn cầu có thể khiến nhiều người trong số chúng ta khó mà theo kịp được, và vấn đề này đòi hỏi các công ty như Microsoft phải có cách tiếp cận cơ bản hơn cho bài toán mang tên tương lai của năng suất. Tuy rằng trước đây, Microsoft có thể đã gặt hái được những thành công nhất định khi cố gắng hiện đại hóa Windows, Office và nhiều phần mềm cũng như dịch vụ khác của mình, thế nhưng trong vài năm trở lại đây, công ty rõ ràng là đang ngày càng chuyển hướng quan tâm nhiều hơn đến cộng đồng web và nguồn mở nhằm giải quyết những thách thức công nghệ rộng lớn hơn.

Trọng tâm của tầm nhìn chiến lược này này chính là thứ mà Microsoft gọi là Fluid Framework. Theo họ, có một cách để tăng tốc các công việc cộng tác trên web bằng cách chia nhỏ những cấu trúc tài liệu thành nhiều thành phần, hay nói cách khác là mô-đun hóa cấu trúc tài liệu. Ông Anton Andrew đã mô tả các yếu tố (mô-đun) này giống như những khối Lego nhỏ, cho phép Microsoft phân chia dữ liệu thành nhiều mảng riêng biệt để khách hàng có thể dễ dàng di chuyển từ trải nghiệm này sang trải nghiệm khác một cách nhanh chóng và liền mạch nhất. “Đối với chúng tôi, vấn đề chính suy cho cùng vẫn chỉ nằm ở yếu tố liền mạch nội dung. Và Fluid Framework cho phép chúng tôi kiểm soát hiệu quả yếu tố này”, ông Andrew chia sẻ.

Bức tường Surface Hub

Còn bây giờ, hãy cùng đến với những “tiện nghi” độc đáo khác tại Envisioning Center, tất cả đều liên quan đến mục tiêu cải thiện khả năng hợp tác, làm việc nhằm nâng cao hiệu quả xử lý tài liệu, các cuộc họp và mọi thứ liên quan. Đầu tiên, hãy cùng đến với một bản demo được Microsoft gọi là “bức tường Surface Hub”. Surface Hub là sự kết hợp giữa công nghệ trình chiếu với các cảm biến Surface 100-point để biến các bức tường thông thường thành những bề mặt thông minh hỗ trợ cảm ứng, bút stylus và thậm chí cả ra lệnh giọng nói. Giống như Surface Hub 2, ý tưởng của Microsoft ở đây là giúp các công ty có thể biến những bức tường thành không gian hội họp ở mọi lúc, mọi nơi.

Có thể nói bản demo này đã phần nào đó thay đổi cách thức mà một số sản phẩm của Microsoft như Windows và Office hoạt động ngày hôm nay. Chúng ta sẽ không cần phải sử dụng bàn phím hoặc chuột như truyền thống đã kéo dài hàng chục năm qua nữa. Bức tường Surface Hub này bao gồm một giao diện nguyên mẫu, mô tả cho cách thức mà Windows có thể trở thành một cổng thông tin để mở ra những phương thức làm việc mới theo hướng nâng cao khả năng hợp tác. Hãy tưởng tượng sự xuất hiện của một màn hình khổng lồ với tất cả thông tin, tài liệu cũng như dữ liệu của bạn, và tất cả đều có thể được truy cập theo mô hình nguồn cấp tin tức. Rõ ràng là rất tiện lợi. Microsoft đang làm những điều tương tự cho phần mềm Surface Hub 2, được cho là sẽ ra mắt chính thức vào năm tới, giúp Windows trở nên nhẹ hơn và dựa vào nền tảng web nhiều hơn.

Thực ra thì những ý tưởng này xuất hiện trong mọi kịch bản nguyên mẫu bên trong Envisioning Center của Microsoft. Sở dĩ nói như vậy là bởi trong phòng thí nghiệm sáng tạo này còn chứa đựng bản demo khác liên quan đến những cuộc họp trực tuyến nhiều người, một hoạt động chung trong bất kỳ văn phòng, bộ phận, ở bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào. Chắc hẳn nhiều người trong số chúng ta đã không ít lần gặp phải tình huống khó khăn trong những cuộc họp trực tuyến. Cho dù đó là vấn đề về kết nối, vấn đề về micrô hay chỉ là những sự cố cơ bản trong một cuộc gọi video trực tiếp. Những tình huống như vậy trong các cuộc họp trực tuyến có thể gây khó chịu, khiến những người ở xa không thể theo dõi được thông tin cần thiết, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả chung của cuộc họp.

Envisioning Center nơi các ý tưởng độc đáo được hình thành

Microsoft hy vọng sẽ giải quyết vấn gọn ghẽ được vấn đề này bằng sự kết hợp giữa các cảm biến và camera có khả năng theo dõi tốt hơn những gì diễn ra trong một cuộc gọi video. Với ý tưởng này, trung tâm của một cuộc họp trực tuyến trong tương lai sẽ là một hệ thống phần cứng có thể nhận diện được những người tham gia cuộc họp và sử dụng mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) để chọn lọc và tổng hợp tất cả thông tin, bao gồm cử chỉ và lời nói của tất cả mọi người, từ đó giúp hạn chế tối đa việc bỏ lỡ thông tin trong các cuộc họp trực tuyến. Ngoài ra còn có một dịch vụ sao chép trực tiếp, tích hợp trợ lý ảo Cortana để giúp điều hành cuộc họp và công nghệ tương tác thực tế ảo để giúp những người tham gia có thể tương tác với nhau dễ dàng và hiệu quả hơn.

Một điểm cải tiến lớn khác của bản demo này đó là việc nó có thể cho phép một người tham gia cuộc họp tham chiếu tài liệu và tài liệu đó sẽ được tự động chuyển tới nguồn cấp dữ liệu theo phiên mã của cuộc họp. Nền tảng Graph của Microsoft sẽ cho phép kết nối nhiều dịch vụ và thiết bị, đồng thời nhận biết được đó là tài liệu gì và có thể cung cấp cho các hệ thống AI như Cortana. Đây cũng có thể coi là điều mà Cortana đang hướng tới: Trở thành trợ lý kỹ thuật số giúp nhân viên văn phòng tạo lập một lịch trình làm việc hiệu quả hơn với trọng tâm là các tương tác trò chuyện.

Microsoft đã tiết lộ vào đầu tuần này rằng họ sẽ cho phép các lập trình viên quốc tế truy cập vào bộ phần cứng dành riêng cho nhà phát triển, từ đó góp phần đem những tiện ích nêu trên tiến gần hơn với người dùng trong tương lai gần. Có vẻ như chỉ sau thời gian ngắn nữa thôi, chúng ta sẽ thấy các hệ thống phần cứng của Microsoft, các thiết bị chứa đầy cảm biến xuất hiện nhiều hơn trong mỗi cuộc họp, cùng với đó là việc hiệu quả của các cuộc họp đó cũng sẽ được cải thiện đáng kể.

Bản demo cuối cùng mà chúng ta bắt gặp trong Envisioning Center chính là một chiếc bàn làm việc đặc biệt, hay nói đúng hơn là một màn hình cảm ứng khổng lồ. Nếu bạn để ý thì Microsoft đã bắt đầu hướng người dùng đến ý tưởng này thông qua các thiết bị như Surface Studio. Ý tưởng của Microsoft ở đây có liên quan đến không gian làm việc chứa đầy các hệ thống máy tính màn hình cảm ứng khổng lồ. Trong khi những khái niệm phía trên chủ yếu tập trung vào các kịch bản nhằm nâng cao hiệu quả cho mỗi cuộc họp, thì nguyên mẫu này là nơi các nhân viên có thể hợp tác với nhau chặt chẽ hơn trên nhiều loại hình tài liệu, và kết hợp dữ liệu trong mô hình Fluid Framework mới của Microsoft.

Fluid Framework

Bằng cách chia nhỏ tài liệu thành các thành phần (mô-đun), ý tưởng của Microsoft là cho phép hầu hết mọi thứ có thể được kết hợp với nhau chỉ bằng các thao tác kéo và thả. Nhìn ra rộng hơn, công việc của mỗi cá nhân có thể được liên kết thành một khối tài liệu duy nhất và sau đó Microsoft sẽ sử dụng các mô hình AI để phân tích hình ảnh, văn bản và kết hợp tất cả thành một kiểu duy nhất, đó chính là cách thức mà Microsoft đang nghĩ về Fluid Framework.

“Đó là một kiến trúc cơ bản có thể xử lý toàn bộ mọi loại dữ liệu. Bạn chỉ cần thả một liên kết video được phát trực tiếp vào một tài liệu và nó tự động được sao chép”, Mike Morton, kỹ sư quản lý chương trình Fluid Framework tại Microsoft cho biết.

Microsoft cũng đang lên kế hoạch mở nguồn cho Fluid Framework, vì vậy cộng đồng sẽ có thể đóng góp ý tưởng cũng như ý kiến nhận xét, và giúp công ty sớm hoàn thiện Fluid Framework để tung ra thị trường.

Hiện tại Microsoft đang nỗ lực tập trung vào mảng web, và mục tiêu của CEO Satya Nadella là hướng Microsoft thành một doanh nghiệp có vị thế hơn trong mảng dịch vụ web. Thành công mới nhất phải kể đến đó là sự ra mắt khá thành công của nền tảng trình duyệt Edge phát triển dựa trên nhân Chromium cách đây gần 2 tháng.

Microsoft đang nỗ lực tập trung vào mảng web

Thách thức của Microsoft bây giờ là làm thế nào để vẫn đạt được mục tiêu trên mà không tạo ra quá nhiều thay đổi đối với khách hàng truyền thống, những người đã trung thành với Office và Windows trong nhiều năm qua. Trước đây, Microsoft đã mắc sai lầm với nhiều quyết quá vội vàng cho Windows 8, và bây giờ họ đang xem xét việc điều chỉnh Windows cho nhiều hệ thống phần cứng khác nhau một cách kỹ lưỡng hơn. Kế hoạch này có liên quan đến một phiên bản Windows nhẹ hơn, được gọi là Windows Lite, giúp loại bỏ bớt nhiều sự phức tạp của Windows thông thường, hỗ trợ giao diện người dùng cơ bản hơn và thậm chí có thể tập trung nhiều hơn vào nền tảng web như mục tiêu của công ty.

Microsoft đã không đả động bất cứ điều gì về Windows Lite trong khuôn khổ hội nghị Build 2019 vừa mới diễn ra đầu tuần này, mà chỉ dành thời gian nói đến các tính năng tập trung nhiều hơn vào nhà phát triển như Windows Terminal hoặc nhân Linux đến Windows 10. Ngoài ra, chúng ta cũng đã thấy Windows dần chuyển mình, trở thành một nền tảng cơ bản hơn trên các thiết bị như HoloLens 2 hay Surface Hub 2, và nếu Microsoft muốn đưa ra tầm nhìn chiến lược về các tiện ích văn phòng cũng như công việc được phác thảo trong các bản demo nêu trên, thì khái niệm về Windows cũng sẽ phải thay đổi và thích nghi rất nhiều trong thời gian tới.

Windows Lite

Có vẻ như Microsoft đang ngày càng cởi mở hơn với khái niệm nguồn mở. Nhiều tiện ích, ứng dụng Windows sẽ được mở nguồn để cộng đồng cùng nhận xét và đóng góp ý kiến cải thiện. Gần đây nhất là trường hợp của Windows calculator và PowerToys và dường như đây sẽ là một phương án được Microsoft duy trì trong tương lai gần.

Thứ Sáu, 10/05/2019 14:41
52 👨 159
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Bình luận công nghệ