Linux là một hệ điều hành máy tính và cũng là tên hạt nhân (kernel) của hệ điều hành. Nó có lẽ là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về khái niệm phần mềm tự do và của việc phát triển mã nguồn mở.
Kể từ khi được viết vào năm 1991 và chính thức ra mắt vào năm 1994 bởi lập trình viên “huyền thoại” Linus Torvalds khi ông còn là một sinh viên của Đại học Helsinki tại Phần Lan, hệ điều hành giống như Unix phiên bản mã nguồn mở này đã đóng vai trò như là một trong những nhân tố chính thúc đẩy cuộc cách mạng nguồn mở trong thế giới công nghệ, trao quyền phát triển nhiều hơn cho các công ty khởi nghiệp, khai sinh những ngành công nghiệp mới và đồng thời mở ra một chương phát triển bùng nổ của nhiều loại thiết bị, sản phẩm công nghệ thay đổi thế giới.
Tính đến thời điểm hiện tại, Linux đã có được sự hỗ trợ bởi nhiều công ty lớn như IBM và Hewlett-Packard, đồng thời nền tảng này cũng đã bắt kịp được các phiên bản Unix độc quyền và thậm chí trở thành kẻ thách thức đối với sự thống trị của Microsoft Windows trong một số lĩnh vực. Hiện tại số lượng phần cứng hỗ trợ bởi Linux vẫn còn rất khiêm tốn so với Windows vì các trình điều khiển thiết bị tương thích với Windows nhiều hơn là với Linux. Thế nhưng trong tương lai, số lượng phần cứng hỗ trợ cho Linux chắc chắn sẽ tăng lên.
Trên thực tế, Linux hiện đang là nền tảng đi đầu trong trong lĩnh vực đám mây, trong IoT và trên cả thiết bị di động. Và mặc dù có thể không (hoặc cũng có thể là chưa) có được chiến thắng trong cuộc chiến ở lĩnh vực máy tính để bàn, thế nhưng không thể phủ nhận rằng bản chất hợp tác, tự do, và luôn có sẵn của Linux đã, đang và sẽ còn tạo ra những ảnh hưởng rất lớn đến các đối thủ cạnh tranh cũng như phương hướng phát triển của toàn thị trường.
Thế giới hiện đại nói chung và lĩnh vực công nghệ nói riêng luôn vận động không ngừng, và Linux chính là một trong những thực thể có đóng góp quan trọng trong guồng quay phát triển đó. Linux xuất hiện ở khắp mọi nơi trong thế giới ngày nay, bạn sẽ tìm thấy sự góp mặt của Linux trên những siêu máy tính cao cấp cũng như điện thoại thông minh, robot không gian và router siêu an toàn, hay thậm chí trên cả phương tiện giao thông từ đơn giản đến phức tạp.
Linux - đứa con tinh thần của Linus Torvalds, sẽ bước sang tuổi 28 trong năm nay. Và để kỷ niệm cho những đóng góp mà nền tảng nguồn mở quan trong này đã đem đến cho thế giới công nghệ trong suốt 3 thập kỷ qua, chúng tôi xin được giới thiệu đến bạn đọc danh sách 28 sự thật thú vị về Linux cũng cũng như lập trình viên huyền thoại Linus Torvalds. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ngay sau đây.
Những sự thật về thú vị về Linux
1. Có tổng cộng 20.323.379 dòng code trong nhân Linux tính đến năm 2018. Điều này nghe có vẻ “vĩ đại”, vượt ngoài sức tưởng tượng của nhiều người nhưng trên thực tế, Linux đã từng có thời gian là nhân nhỏ nhất! Mặc dù đã được tinh gọn trong vài năm trở lại đây, tuy nhiên số lượng code khổng lồ lên đến hơn 20 triệu dòng vẫn “giúp” Linux an vị với “danh hiệu” dự án nguồn mở lớn nhất hành tinh.
2. Cái tên Linux suýt chút nữa đã không được sử dụng! Mới đầu, Linus Torvalds muốn đặt tên cho dự án “con cưng” của mình là FreaX, như một cách chơi chữ, kết hợp giữa 3 từ Free (miễn phí), freak (kỳ lạ), và Unix (nền tảng hệ điều hành để phát triển Linux). Công bằng mà nói thì cái tên FreaX cũng khá ngầu, tuy nhiên lại hơi khó đọc, đặc biệt là đối với những người không nói tiếng Anh. May mắn thay, cuối cùng thì Torvalds đã bị thuyết phục bởi một cái tên dễ nhớ và đương nhiên dễ đọc hơn: Linux, một sự kết hợp giữa từ “Lin” trong Linus (tên của tác giả) và Unix.
3. Mặc dù là tác giả của 100% các dòng code trong bản phát hành đầu tiên, thế nhưng tính đến phiên bản phát hành kernel mới nhất hiện nay của Linux, Torvalds chỉ sở hữu chưa đến 1% số dòng code còn được giữ lại. Điều này cho thấy Linux luôn là một nền tảng không ngừng phát triển và thay đổi qua từng phiên bản. Mặc dù chứng kiến “di sản” của mình đang ngày càng “mai một”, thế nhưng có lẽ Linus Torvalds cũng chẳng có thời gian để chạnh lòng bởi ông đang bận rộn với nhiệm vụ quản lý và hợp nhất các đoạn mã được viết bởi nhiều nhà phát triển khác nhau, và đặc biệt, họ đều là những con người thực sự tài năng.
4. Không phải Windows mà chính Linux mới là nền tảng được sử dụng bởi gần như tất cả các chương trình, dự án phát triển lớn trên thế giới liên quan đến lĩnh vực không gian, hàng không vũ trụ, bao gồm cả NASA và ESA. Bên cạnh đó, các tập đoàn không gian tư nhân như SpaceX cũng rất tích cực tận dụng lợi ích mà Linux mang lại. SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã hoàn thành tổng cộng 65 nhiệm vụ không gian (và sẽ tiếp tục trong tương lai) với sự hỗ trợ của hệ thống chống lỗi Linux trong tên lửa Falcon 9 mạnh mẽ của mình.
5. Sẵn tiện nói về vũ trụ rộng lớn, có thể bạn không biết nhưng đã có một vài tiểu hành tinh được đặt tên theo Linux và Linus Torvalds. Như vậy có thể thấy Torvalds và đứa con tinh thần của mình đã có những đóng góp cực kỳ quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn đối với không chỉ thế giới công nghệ mà còn cả trong lĩnh vực khám phá vũ trụ - không gian.
6. Tux, biểu tượng chính thức của nhân Linux được Larry Ewing tạo ra vào năm 1996, là một chú chim cánh cụt mũm mĩm dễ thương trông có nét ngộ nghĩnh, hài lòng, và thoả mãn. Ý tưởng về biểu tượng chim cánh cụt cho Linux do Linus Torvalds, cha đẻ của nhân Linux, đưa ra. Thế nhưng bạn có bao giờ tự hỏi tại sao lại là chim cánh cụt chứ không phải loài động vật nào khác chưa? Câu trả lời ở đây cũng hết sức ngộ nghĩnh. Trong một lần đi du lịch tới Canberra, Úc, Linus Torvalds đã bị một chú chim cánh cụt “nóng tính” tấn công, tất nhiên đó chỉ là vết thương ngoài da, không có gì nguy hiểm nhưng lại khiến ông thấy khó chịu trong một thời gian. Torvalds nói vui rằng ông đã mắc "bệnh viêm từ chim cánh cụt" (penguinitis), "bệnh viêm từ chim cánh cụt khiến bạn mất ngủ nhiều đêm chỉ nghĩ về chúng và tự nhiên cảm thấy chúng đáng yêu vô cùng". Từ ý tưởng đó, cha đẻ Linux đã tổ chức một cuộc thi thiết kế logo cho đứa con tinh thần của mình, và kết quả thì như chúng ta đã biết, hình ảnh về một chú chim cánh cụt thân thiện và vui vẻ đã được chọn làm biểu tượng gắn liền với Linux trong suốt 28 năm qua.
7. Linux là nền tảng thống trị tuyệt đối trong lĩnh vực siêu máy tính. Tính đến năm 2018, 100% các mẫu siêu máy tính trong top 500 siêu máy tính nhanh nhất thế giới đều chạy Linux. Đây thực sự là một thành tích ấn tượng!
8. Cộng đồng phát triển Linux là một trong những cộng đồng hoạt động tích cực nhất thế giới công nghệ. Theo số liệu thống kê của tổ chức phi lợi nhuận The Linux Foundation, một thay đổi đối với kernel Linux được hợp nhất với tốc độ trung bình là 7.8 bản vá mỗi giờ, cứ như vậy trong suốt 15 tháng gần đây.
9. Các kế hoạch phát triển Linux ban đầu diễn ra trên hệ điều hành MINIX. Linus Torvalds khi đó đã chấp nhận ứng dụng bố cục hệ thống tệp tương tự như Minix trên dự án non trẻ của mình. Tuy nhiên sau một thời gian ngắn, kiểu bố cục này dần tỏ ra kém hiệu quả, dẫn đến việc Linus Torvalds quyết định thay thế bằng Hệ thống tệp mở rộng (Extended file system), hay còn gọi là ext. Kiểu bố cục tệp này hiện vẫn đang được sử dụng cho đến ngày nay.
10. Linux 1.0 được phát hành vào ngày 14 tháng 3 năm 1994, hơn 3 năm sau thông báo đầu tiên của Linus Torvalds về dự án mã nguồn mở mà ông đang ấp ủ. Linux 1.0 bao gồm 176.250 dòng code. Phiên bản 2.0 tiếp theo được phát hành vào năm 1996.
11. Linux chạy trên mọi thiết bị công nghệ, từ điện thoại thông minh, máy chủ cho đến tàu ngầm hay tên lửa không gian… với hiệu quả đã được kiểm chứng. Bộ quốc phòng Mỹ sử dụng Linux rất tích cực, các tàu ngầm nguyên tử của Mỹ đang sử dụng Redhat Linux để vận hành hệ thống. Bên cạnh đó, Linux cũng được ứng dụng trên các hệ thống tàu siêu tốc dạng ống của Nhật bản, trong các hệ thống thông tin giải trí của nhiều hãng xe hơi nổi tiếng.
12. Steve Jobs đã đề nghị Linus Torvalds “về với đội của mình” vào năm 2000. Tất nhiên mức đãi ngộ là cực kỳ tốt nhưng đi kèm với điều kiện ông phải ngừng phát triển dự án Linux. Vị cha đẻ của Linux (rất may) đã từ chối lời đề nghị "hấp dẫn "này.
13. Bạn từng hoài nghi về việc Linux đã và đang thành công như thế nào? Đơn giản, hãy nhìn vào đối thủ truyền kiếp Microsoft với quân bài Windows. Trong khoảng thời gian cuối những năm 90 đầu 2000, Microsoft là một “ông kẹ” trong thế giới công nghệ với việc nắm trong tay nền tảng hệ điều hành nổi tiếng Windows. Thời điểm đó, manh nha nhận ra sự đe dọa tiềm tàng của Linux, Bill Gates và các cộng sự đã không ít lần bày tỏ ý định loại bỏ kẻ ngáng đường này. Không ít lời qua tiếng lại đã được cả 2 bên đưa ra (CEO Microsoft Steve Ballmer đã từng nói “Linux là một căn bệnh ung thư”). Thế nhưng trong khi kế hoạch “tiêu diệt” Linux của nhiều thế hệ CEO Microsoft vẫn chưa thể thu về hiệu quả mong muốn, thì nền tảng này đã thành công trong việc trở thành một thế lực với chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Còn ở thời điểm hiện tại, Linux đã có thể đường hoàng “ngồi chung mâm” với Microsoft. Trong vài năm trở lại đây, các chính sách của gã khổng lồ Redmond đối với đối thủ Linux cũng đã thay đổi 180 độ, từ đối địch sang mô hình hợp tác cùng có lợi. Microsoft thậm chí còn góp phần phát triển kernel Linux!
14. Nói về sự đóng góp, các tập đoàn công nghệ lớn hiện nay như Google, Intel, Huawei, Samsung, Red Hat, Canonical và Facebook đều có những đóng góp cực kỳ quan trọng cho việc phát triển nhân Linux trong những năm gần đây. Như vậy có thể thấy, Linux luôn sở hữu mối quan hệ hợp tác và đầy tính xây dựng đối với các doanh nghiệp lớn trong thế giới công nghệ.
15. Linus Torvalds sinh ra ở Phần Lan, một quốc gia song ngữ và coi tiếng Thụy Điển là tiếng mẹ đẻ của mình. Vị cha đẻ của Linux cho biết ông cảm thấy cực kỳ khó chịu, đến mức cực đoan khi phải nói tiếng Anh bởi sự khác biệt về mặt phát âm. Tuy nhiên, Torvalds lại đặc biệt thích đọc sách tiếng Anh.
16. Linux là dự án phần mềm miễn phí lớn nhất thế giới hiện nay. Thế nhưng ít ai biết rằng vào thời điểm hạt nhân đầu tiên được phát hành vào năm 1991, nền tảng này chỉ được tạo thành từ khoảng 10.000 dòng code — baby Linux!
17. Theo kế hoạch phát triển và phát hành đã thống nhất, một phiên bản mới của nhân Linux hiện được phát hành định kỳ cứ sau 66 ngày hoặc lâu hơn một chút.
18. Linux không phải là công trình sáng tạo nổi tiếng duy nhất của Linus Torvalds. Kỹ sư lập trình kỳ cựu này cũng là người chịu trách nhiệm cho hệ thống Git. Chức năng chính của Git là kiểm soát phiên bản phân tán để theo dõi các thay đổi của mã nguồn trong quá trình phát triển phần mềm. Nó cũng được thiết kế để phối hợp công việc giữa các lập trình viên, đồng thời có thể được sử dụng để theo dõi mọi thay đổi xuất hiện trong bất kỳ tập hợp tệp nào. Ngoài ra, Linus Torvalds cũng là tác giả của ứng dụng lặn biển Suburface.
19. Bạn có phải là fan hâm mộ của những bộ phim hành động bom tấn? Những hiệu ứng đặc biệt ngoạn mục mà bạn thấy trong nhiều bộ phim Hollywood ăn khách được tạo ra nhờ vào sự giúp sức của Linux. Theo ước tính, có đến 90% hiệu ứng hình ảnh của các tựa phim Hollywood đều được xây dựng dựa vào Linux ở một số giai đoạn trong quy trình sản xuất. Titanic và phim 3D đầu tiên là Avatar cũng được dựng trên hệ điều hành Linux.
20. Theo dữ liệu được trích dẫn bởi trang web openhub.net, hơn 95% thành phần cấu thành lên Linux được viết bằng ngôn ngữ lập trình C.
21. Khoảng 13.3% thành phần trong nhân Linux mới nhất được tạo thành từ... những dòng code trống. Điều này nghe có vẻ kỳ quái và vô nghĩa, thế nhưng việc sử dụng dòng code trống lại là một phần quan trọng của phong cách mã hóa nghiêm ngặt, giúp nhân Linux luôn gọn gàng, hiệu quả và tuân thủ theo trật tự.
22. Android là hệ điều hành thành công nhất trên hành tinh tính đến thời điểm hiện tại. Theo thống kê từ Google, có đến hơn 2 tỷ người sử dụng Android thường xuyên trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ít ai biết rằng Android thực sự được chạy trên nhân Linux.
23. Mỗi bản phát hành nhân Linux mới đều sẽ được cung cấp một tên mã riêng biệt. Các tên mã gần đây của nhân Linux đều được đặt tên khá “kêu” bao gồm Fearless Coyote (tạm dịch: Chú sói dũng cảm - v4.13) và Dick Merciless Moray (đặt theo tên một loài cá chình cực kỳ hung dữ - v4.18).
24. Theo thống kê từ Red Hat - một trong những công ty Linux thành công nhất trong lịch sử, có đến 9 trong số 10 dịch vụ đám mây công cộng hàng đầu thế giới hiện nay chạy trên nền tảng Linux, cho thấy sự thống trị gần như tuyệt đối của Linux trong lĩnh vực nền tảng dịch vụ đám mây.
25. Ubuntu là hệ điều hành máy tính để bàn dựa trên Linux phổ biến nhất thế giới. Hệ điều hành này hiện sở hữu khoảng 20 triệu người dùng trên toàn thế giới. Linux chỉ chiếm 2% thị phần sử dụng trên máy tính để bàn.
26. Cuốn sách đầu tiên nói về Linux được xuất bản vào năm 1993 với tựa đề: “‘Linux Installation and Getting Started” của tác giả Matt Welsh. Trong khi đó, tạp chí đầu tiên dành riêng cho Linux chính là cuốn Linux Journal, được xuất bản một năm sau đó, vào tháng 3 năm 1994. Linux Journal mở đầu bằng một cuộc phỏng vấn với chính cha đẻ của nền tảng này, kỹ sư Linus Torvalds.
27. Linux là ví dụ nổi tiếng nhất về phần mềm nguồn mở nhưng bạn có biết rằng không phải lúc nào nó cũng “miễn phí” 100%? Các phiên bản ban đầu của Linux đã được phân phối kèm theo giấy phép cấm sử dụng với mục đích thương mại hoặc phân phối lại.
28. Hiện có khoảng hơn 4.100 lập trình viên đang ngày đêm ngồi code cho nhân linux.
Trên đây là những sự thật thú vị về Linux mà không phải ai cũng biết tới. Bạn có đang sử dụng Linux không? Bạn nghĩ gì về nền tảng này? Hãy để lại ý kiến bình luận bên dưới nhé!