Steve Jobs và 8 lời "sấm truyền" đã trở thành sự thực trong thế giới công nghệ

Đã 8 năm sau ngày Steve Jobs - một huyền thoại của thế giới công nghệ - chia tay nhân loại, thế nhưng tên tuổi của ông vẫn không ngừng được nhắc đến, được vinh danh tại mọi hội nghị, hay thậm chí cả những cuộc tranh cãi về tương lai của thế giới công nghệ. Đơn giản bởi Steve Jobs, với tầm hiểu biết cực kỳ sâu rộng và đam mê, và khảo sát cháy bỏng với sứ mệnh thay đổi cuộc sống con người, đã từng đưa ra những lời tiên đoán sâu sắc về tương lai của lĩnh vực công nghệ, và thực tế đã chứng minh hầu hết quan điểm mà nhà đồng sáng lập Apple đưa ra là hoàn toàn chính xác, hay thậm chí còn có giá trị dẫn dắt, định hướng tương lai phát triển dài hạn của thế giới công nghệ.

Từ năm 1976, tức là vào thời điểm Steve Jobs trở thành nhà đồng sáng lập của Apple, ông được coi là vị “lãnh tụ” trong cuộc cách mạng về điện toán vi mô, với tầm nhìn mở rộng sang cả lĩnh vực di động và dịch vụ người dùng. Những thành tựu về điện thoại thông minh, máy tính bảng, dịch vụ chia sẻ âm nhạc, ứng dụng cũng như mọi thứ khác đã và đang đóng góp tích cực vào trải nghiệm người dùng di động mà chúng ta được chứng kiến ngày nay đều có dấu ấn của Steve Job với tầm nhìn xa trông rộng của ông.

Steve Jobs

Bằng việc sáng tạo ra các sản phẩm công nghệ tiên phong mang tính cách mạng, Steve Jobs đã từng bước tự biến mình thành một nhà tiên tri thực thụ. Rốt cuộc, giống như một trong những câu nói yêu thích của ông: "Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là phát minh ra nó", tương lai đối với Steve Jobs chính là sự kiến tạo bắt nguồn từ ngay ngày hôm nay.

Tuy nhiên Steve Jobs cũng chỉ là một người đàn ông bình thường, ông vẫn có những nhận định sai lầm như bao người khác. Vậy những lời “sấm truyền” nổi tiếng mà Steve Jobs để lại cho hậu thế là gì? Chúng đã diễn ra như thế nào? Đúng sai ra sao? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ngay sau đây.

Steve Jobs và những lời tiên tri ứng nghiệm

“Chúng ta sẽ sử dụng máy tính để giải trí mỗi ngày ở nhà, ngay trong không gian riêng tư của mình.”

“Chúng ta sẽ sử dụng máy tính để giải trí mỗi ngày ở nhà"

Năm 1985, trong một cuộc phỏng vấn với Playboy, Steve Jobs đã từng nói rằng việc sử dụng máy tính cá nhân trong tương lai sẽ lan tỏa vào từng con phố, gian nhà, chứ không chỉ đơn thuần là một công cụ làm việc tại các văn phòng ngột ngạt nữa. Tại thời điểm bấy giờ, máy tính gần như chỉ được sử dụng chủ yếu bởi các công ty, trường học, và các cơ quan công sở. Chỉ có một số ít các nhà điều hành doanh nghiệp lớn chấp nhận đầu tư lắp đặt dàn máy tính để có thể làm việc ngay tại nhà khi cần thiết.

Theo thống kê từ Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, ngay cả ở nước Mỹ - quốc gia đi đầu thế giới về năng lực phát triển và ứng dụng công nghệ vào cuộc sống hàng ngày - cũng chỉ có khoảng 8% hộ gia sở hữu máy vi tính tại nhà. Trong khi đến năm 2015, con số này đã tăng lên 79%.

Và đúng như Steve Jobs dự đoán, máy tính hiện đã là nguồn giải trí thường nhật không thể thiếu đối với hàng triệu người, cho dù là xem phim và TV, chơi game hay nhắn tin, trò chuyện với bạn bè. Đồng thời những cỗ máy đa năng này thậm chí ngày càng trở nên nhỏ gọn, mạnh mẽ hơn và trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại.

"Tất cả chúng ta sẽ được kết nối với nhau thông qua máy tính”

"Tất cả chúng ta sẽ đều được kết nối với nhau thông qua máy tính”

Cũng trong cuộc phỏng vấn đó, ông chủ Apple đã đưa ra lời giải thích thuyết phục nhất cho câu hỏi tại sao trong tương lai, mọi người sẽ phải trang bị máy tính ngay tại không gian sống của mình, đó là "để kết nối với một không gian mạng truyền thông cực kỳ rộng lớn trên quy mô toàn quốc, thậm chí đa quốc gia."

Đến nay có thể thấy rằng nhận xét của Jobs là hoàn toàn chính xác. Không chỉ trong một tổ chức, cộng đồng hay quốc gia, mức độ kết nối ở đây đã được đẩy lên một tầm cao mới, trên quy mô toàn cầu. Chỉ chưa đầy 4 năm sau “lời tiên tri” của nhà đồng sáng lập Apple, Tim Berners-Lee đã phát triển thành công World Wide Web và chỉ một năm sau đó, năm 1989, trang web đầu tiên cũng đã được đăng tải trực tuyến, báo hiệu kỷ nguyên kết nối internet toàn cầu hóa đã thực sự được bắt đầu, và đạt đỉnh cao như chúng ta chứng kiến hiện nay.

“Tất cả các chức năng thiết yếu trên máy tính, chẳng hạn như cắt và dán tài liệu... sẽ được thực hiện nhanh chóng bằng một thiết bị gọi là chuột máy tính.”

Steve và chuột máy tính

Trước khi Steve Jobs cho ra mắt mẫu máy tính Lisa của mình vào năm 1983, hầu hết các máy tính cá nhân ở thời điểm đó đều yêu cầu người dùng phải gõ mạnh vào bàn phím, cũng như sử dụng nhiều thao tác bàn phím khác nhau để thực hiện những tác vụ xử lý tài liệu cơ bản, rất mất thời gian. Khi Jobs giới thiệu về con chuột máy tính của mình, ông đã khiến cả thế giới phải ngạc nhiên với việc thực hiện tất cả các thao tác lệnh nêu trên thông qua chuột một cách trực quan, đơn giản, và vô cùng nhanh chóng. Đồng thời Jobs tin rằng việc sử dụng chuột cũng rất dễ dàng ngay cả đối với những người ít được đào tạo về máy tính, và niềm tin này của ông đã hoàn toàn chính xác.

35 năm sau, những con chuột máy tính vẫn giữ vai trò nhất định, quan trọng trong công việc hàng ngày của không ít người, nhưng đang dần bị thay thế bởi những tiến bộ mới trong công nghệ màn hình cảm ứng, được chính Apple cùng nhiều công ty công nghệ khác phát triển và phổ biến, đi liền với sự bùng nổ của các thiết bị di động. Trong tương lai gần, rất có thể chính sự phổ biến của Apple về công nghệ màn hình cảm ứng thông qua iPhone và iPad một ngày nào đó sẽ đặt “dấu chấm hết” cho chuột máy tính.

"Tín hiệu quay số dùng để truy cập web sẽ xuất hiện ở khắp mọi nơi"

"Tín hiệu quay số dùng để truy cập web sẽ xuất hiện ở khắp mọi nơi"

Trong một cuộc phỏng vấn được biết đến rộng rãi giữa Steve Jobs và tạp chí công nghệ Wired vào năm 1996, ông chủ Apple đã đưa ra dự đoán rằng nền tảng web sẽ được rất nhiều người trên toàn thế giới đón nhận và sử dụng.

Hiện tại, thế giới đã bước qua thời kỳ dựa vào truy cập internet quay số, thế nhưng Steve Jobs lại một lần nữa cho thấy tầm nhìn mang hơi thở thời đại của mình khi nói về sự phổ biến của web. Cho đến tháng 4/2019, theo ước tính, có tới khoảng 4.4 tỷ người trên toàn thế giới sử dụng Internet thường xuyên, tương đương với khoảng 56% dân số toàn cầu.

“Bạn có thể sẽ không còn phải tự mình quản lý kho lưu trữ cá nhân nữa"

“Bạn có thể sẽ không còn phải tự mình quản lý kho lưu trữ cá nhân nữa"

Rất lâu trước khi tất cả chúng ta bắt đầu lưu trữ ảnh, video và dữ liệu trong các dịch vụ đám mây của Apple, Google, hoặc Amazon như hiện nay, Steve Jobs đã từng nhấn mạnh đến sự cần thiết trong việc cung cấp cho người dùng nhiều phương thức phân phối lưu trữ cá nhân mới.

Cũng trong khuôn khổ bài phỏng vấn với tạp chí Wired vào năm 1996, Jobs cho rằng: “Quản lý lưu trữ là một công việc cực kỳ quan trong khi sử dụng máy máy tính nói chung. Chúng ta mất nhiều thời gian mỗi ngày cho công việc này, và điều đó có thể biến mất trong tương lai. Trong vài năm tới, bạn sẽ không phải mất quá nhiều thời gian cho việc quản lý bộ nhớ, kho lưu trữ của mình, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ giúp bạn”.

Steve Jobs cũng cho biết thêm rằng ông gần như không lưu trữ bất cứ thứ gì trên thiết bị của mình. Đổi lại vị CEO sẽ sử dụng thư điện tử và web, và vì thế, ông sẽ không phải mất quá nhiều thời gian cho việc quản lý lưu trữ. Thậm chí, cách nhắc nhở công việc ưa thích mà ông thường sử dụng đó là gửi email cho chính mình.

Chiến lược của Apple trong việc “biến một chiếc máy tính tuyệt vời thành thiết bị nhỏ gọn như một cuốn sách”

“Biến một chiếc máy tính tuyệt vời thành thiết bị nhỏ gọn như một cuốn sách”

Có thể bạn không biết nhưng vào thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, máy tính là những cỗ máy cồng kềnh theo đúng nghĩa đen. Chúng to lớn, nặng chịch và cực kỳ chiếm diện tích, do đó gần như chỉ được sử dụng trong các phòng thí nghiệm hay nhà xưởng, văn phòng. Thế nhưng trong bài phát biểu tại Hội nghị Thiết kế Quốc tế tổ chức vào năm 1983, Steve Jobs đã cho thấy tầm nhìn chiến lược của ông về một chiếc máy tính sở hữu khả năng di động cao, thậm chí đến mức có thể mang theo bên mình. Cụ thể, Jobs đã nói về một chiếc máy tính với kích thước chỉ bằng cuốn sách mà “bạn có thể mang theo bên mình và đọc trong 5 phút” - điều gần như chỉ xuất hiện trong những câu chuyện tưởng tượng vào thời điểm đó.

Trong một cuộc phỏng vấn với Newsweek vài tuần sau, ông nói thêm: "Tôi luôn nghĩ rằng sẽ thật tuyệt vời khi mỗi người có thể sở hữu một chiếc hộp nhỏ, với kích thước chỉ như một cuốn sách hoặc chiếc bảng học sinh mà bạn có thể mang theo bên mình và làm việc mọi lúc mọi nơi".

Quay trở về với thực tại của năm 2019, có lẽ chúng ta không cần nói gì thêm về lời tiên chi này nữa. Thứ mà Jobs mô tả cách đây 35 năm rất giống những chiếc máy tính bảng iPad, Kindle, hay chiếc điện thoại thông minh đang nằm trong túi quần của bạn.

Máy móc sẽ có thể dự toán được suy nghĩ, mong muốn của con người

Máy móc sẽ có thể dự toán được suy nghĩ, mong muốn của con người

Theo Steve Jobs, sẽ có những “người nhỏ bé sống bên trong chiếc hộp có thể dự đoán những gì bạn muốn". Đó là câu nói của nhà đồng sáng lập Apple trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Newsweek vào năm 1983. Cụ thể hơn, vị CEO đã mô tả trong tương lai, máy tính sẽ là những “trợ lý”, có khả năng tìm hiểu sở thích của chúng ta, sau đó phân tích, lưu trữ thông tin, và sử dụng chính thông tin đó để tương tác với chúng ta cũng như học cách lường trước mọi nhu cầu của chủ nhân - thứ mà Jobs gọi là "một người bạn bé nhỏ sống trong chiếc hộp".

Gần 30 năm sau, Alexa, Siri hay Google Assistant đã xuất hiện và trở thành những trợ lý ảo không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người, đúng như những gì mà Steve Jobs đã dự đoán. Và mối tình lãng mạn giữa Joaquin Phoenix với một cô nàng trợ lý ảo AI trong bộ phim "Her" có lẽ sẽ không còn là một giấc mơ giả tưởng nữa.

“Thay vì đi đến cửa hàng, mọi người sẽ ngồi nhà lướt web và mua sắm”

“Thay vì đi đến cửa hàng, mọi người sẽ ngồi nhà lướt web và mua sắm”

Trong bài phát biểu trước Tổ chức Giải thưởng Công nghệ Thông tin Máy tính vào năm 1995, Steve Jobs đã từng cho rằng nền tảng web toàn cầu sẽ có tác động cực kỳ sâu rộng đến mọi mặt của đời sống con người, và nhân loại sẽ cảm nhận sự thay đổi rõ rệt nhất xuất hiện trong lĩnh vực thương mại - tiêu dùng. Theo vị CEO huyền thoại, internet sẽ cho phép các công ty khởi nghiệp nhỏ cắt giảm tối đa chi phí duy trì hệ thống và phân phối sản phẩm, đồng thời có thể cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn lớn hơn bằng hình thức giao dịch trực tiếp với người tiêu dùng mà không phải thông qua bất cứ khâu trung gian tốn kém nào (cửa hàng, đại lý phân phối sản phẩm).

Kết quả như chúng ta đã thấy, có thể nói thế kỷ 21 là kỷ nguyên của thương mại điện tử. Ngày nay, có hàng triệu công ty giao dịch trên internet, từ các nhà cung cấp nhỏ lẻ đến những gã khổng lồ thương mại điện tử như Amazon, Alibaba hay eBay. Đồng thời, hình thức giao thương tiện lợi này cũng nhận được sự hưởng ứng của hàng tỷ người trên toàn thế giới.

Trước khi lĩnh vực thương mại điện tử nở rộ như hiện nay, Jobs đã từng đưa ra lời cảnh báo cho những doanh nghiệp bảo thủ, “không dám” thay đổi để tham gia vào mảng kinh doanh online rằng: “Mọi người sẽ không đi đến các cửa hàng nữa mà thay vào đó, họ sẽ mua đồ trên web. Các công ty lớn nếu không chú ý đến sự thay đổi này sẽ bị tụt hậu và dần đánh mất thị trường”.

Tiên đoán trên của Jobs đã ứng nghiệm ở Mỹ. Trong khi các cửa hàng thuộc chuỗi bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart vẫn đang “rủ nhau” đóng cửa, những doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu như Amazon, eBay, BestBuy đã dần trở thành những ông trùm trong thế giới mua sắm, thu về hàng tỷ USD doanh số bán hàng qua Internet, và vẫn đang không ngừng mở rộng quy mô từng ngày.

“Nguồn thông tin trong tương lai sẽ trở nên dồi dào đến mức vượt quá khả năng tiếp nhận của con người”

Nguồn thông tin trong tương lai sẽ trở nên dồi dào đến mức vượt quá khả năng tiếp nhận của con người

Vào năm 1996, khi nhân loại vẫn đang háo hức với các thử nghiệm gửi và nhận email đầu tiên mới xuất hiện, dường như ít ai có thể tưởng tượng được rằng chúng ta sẽ sớm bước vào kỷ nguyên mà lượng thông tin được tạo ra thậm chí sẽ vượt quá khả năng tiếp nhận của con người. Steve đã nhìn ra được thực tế này và nói về nó trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Wired vào năm 1996, đề cập đến việc tình trạng quá tải thông tin có thể khiến cuộc sống của không ít người bị đảo lộn.

Theo một cuộc khảo sát trên diện rộng được thực hiện bởi Deloitte, hiện tại, mỗi người Mỹ mở điện thoại để kiểm tra thông tin gửi đến hơn 52 lần một ngày. Đó có thể là tin nhắn SMS, thư điện tử, hay thông báo từ các ứng dụng nhắn tin trò chuyện, mạng xã hội.

Tác động của công nghệ lên con người sẽ ngày càng trẻ hóa theo sự phát triển chung trong lĩnh vực này

Tác động của công nghệ lên con người sẽ ngày càng trẻ hóa

Đây có lẽ là một trong những dự đoán đáng kinh ngạc nhất của Steve Jobs, liên quan đến khả năng tiếp cận của giới trẻ đối với thị trường công nghệ mới nổi - lĩnh vực mà theo truyền thống chỉ được dành riêng cho những người trưởng thành.

Trong cuộc phỏng vấn với Newsweek's Access, ông đã giải thích rằng trong tương lai, rất có thể những đứa trẻ sẽ được tiếp xúc và sử dụng công nghệ ngay từ năm 10 tuổi và điều này phần nào đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển thể chất cũng như hoàn thiện nhân cách cho trẻ, đặc biệt là khi chúng quá ham mê các thiết bị công nghệ mà làm ngơ việc học tập cũng như giải trí bằng các hoạt động thể chất bổ ích.

Và nhận định của Steve Jobs là hoàn toàn chính xác, một nghiên cứu của Influence Central đã báo cáo rằng hiện nay, độ tuổi trung bình mà một đứa trẻ ở Mỹ sở hữu chiếc điện thoại đầu tiên của chúng là 10.3 tuổi. Trong khi đó, tác hại về việc trẻ nhỏ quá ham mê công nghệ là thứ mà chúng ta vẫn nghe ra rả hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Steve Jobs và những tiên đoán “trượt vỏ chuối”

"Sẽ có nhiều đổi mới trong lĩnh vực phần mềm chứ không phải về phần cứng."

"Sẽ có nhiều đổi mới trong lĩnh vực phần mềm chứ không phải về phần cứng."

Như đã nói, Steve Jobs cũng là con người và vì thế, dù có sở hữu tầm tư duy vượt thời đại đi chăng nữa, không phải lúc nào ông cũng đưa ra được những dự đoán chính xác 100%.

Trong cuộc phỏng vấn với Playboy vào năm 1983, Jobs cho rằng phần mềm mới là lĩnh vực nhận được sự đổi mới nhiều nhất chứ không phải phần cứng. Khi đó, đối thủ lớn nhất của Apple trong mảng sản xuất PC là IBM. Jobs nói: "Hầu hết các công ty mới, sáng tạo, đang tập trung nhiều vào việc đổi mới phần mềm. Tôi nghĩ sẽ có nhiều đổi mới diễn ra trong lĩnh vực phần mềm chứ không phải về phần cứng".

Thế nhưng trên thực tế, chính phần mềm mới là mảnh đất ít có sự cạnh tranh hơn so với phần cứng. Trong hàng chục năm, Microsoft luôn là cái tên đi đầu trong lĩnh vực phần mềm máy tính để bàn, dẫn đến sự kìm kẹp “nghẹt thở” đối với các doanh nghiệp ít tên tuổi hơn trong lĩnh vực này, đến mức chính phủ Mỹ phải mở cuộc điều tra về hành vi độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh đối với Microsoft.

Ngày nay, cuộc chiến trên mảnh đất mang tên phần mềm tuy đã “dễ thở” hơn, nhưng nhìn chung vẫn chỉ bị chi phối bởi 3 tên tuổi lớn: Microsoft, Apple và Google. Trong khi cuộc chiến phần cứng đang diễn biến khốc liệt hơn rất nhiều với sự góp mặt của các tên tuổi lớn như Samsung, Dell, HP, Acer, Lenovo, Huawei, Asus, và nhiều nhà sản xuất khác. Đây là một trong những dự đoán sai lầm của Steve Jobs.

“Sự ra đời của web có phải là sự kiện sẽ thay đổi cuộc sống của hàng triệu người không? Không!”

“Sự ra đời của web có phải là một sự kiện sẽ thay đổi cuộc sống của hàng triệu người không? Không!”

Đây là một dự đoán khá mâu thuẫn của nhà sáng lập Apple. Sau tất cả những thành tựu mà Jobs đã đạt được, có vẻ như ông đã đánh giá quá thấp tác động tổng thể của web đối với đời sống con người. Hoặc, cũng có thể là vị CEO chỉ đang tỏ ra khiêm tốn khi trả lời phỏng vấn với tờ Wired vào năm 1996 như vậy.

"Web sẽ rất quan trọng. Nhưng liệu đây có phải là sự kiện thay đổi cuộc sống của hàng triệu người không? Tôi e là không, có lẽ vậy. Tôi không dám chắc về điều đó nhưng có lẽ trong tương lai gần, một sự thay đổi toàn diện mà web tạo ra đối với đời sống con người sẽ khó mà xảy ra”.

Và kết quả thì như chúng ta đã biết. Web đã len lỏi vào từng hơi thở, khía cạnh của đời sống toàn cầu. Có bao nhiêu người trong chúng ta không truy cập vào internet mỗi ngày để phục vụ cho nhu cầu thương mại, tương tác xã hội, giải trí, kiến ​​thức và tin tức của mình? Có lẽ là không nhiều. Và Steve Jobs lại một lần nữa sai lầm.

Trên đây là những lời tiên tri đã thành sự thực cũng như tiên đoán sai lầm của Steve Jobs về mọi khía cạnh của thế giới công nghệ. Qua đó, chúng ta có thể hiểu hơn về tư duy sâu sắc cũng như tầm nhìn vượt thời đại của ông - một trong những kỹ sư công nghệ thiên tài, người có đóng góp vô giá cho sự phát triển của khoa học công nghệ toàn cầu, cũng như góp phần mang đến cho nhân loại một cuộc sống tốt đẹp hơn!

Chủ Nhật, 02/06/2019 08:31
59 👨 3.516
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ