Nhà truyền bá công nghệ Apple Macintosh nổi tiếng một thời Guy Kawasaki đã đưa ra ít nhất 2.000 bài phát biểu kể từ năm 1987. Trong đó Kawasaki tiết lộ rằng nhiều kỹ thuật thuyết trình mà ông sử dụng để thu hút sự chú ý của khán giả đã được học tập và lấy cảm hứng từ Steve Jobs.- người mà Kawasaki coi là “ông chủ có tầm ảnh hưởng nhất” mà mình từng cộng tác. Vậy thì lý do gì có thể khiến Steve Jobs trở thành một người có tầm ảnh hưởng lớn với một người vốn cũng cục kỳ có tầm ảnh hưởng trong thế giới công nghệ như Guy Kawasaki?
Mới đây, Guy Kawasaki đã tổ chức một buổi gặp mặt thân mật với một số người bạn có quen biết lâu năm tại ngôi nhà của mình ở Thung lũng Silicon để nói về cuốn sách mới nhất do ông chắp bút có tiêu đề: "Wise Guy". Cuộc nói chuyện chủ yếu xoay quanh những chiến lược thuyết trình trước công chúng mà tất cả các doanh nhân cũng như nhà lãnh đạo trên toàn thế giới nên tuân thủ nếu họ muốn bài diễn thuyết của mình gây được sự chú ý và quan trong là có thể đọng lại được trong lòng người nghe - một vấn đề không không hề dễ dàng ngay cả với những diễn giả đại tài.
Chiến lược mà Guy Kawasaki đúc kết được nghe có vẻ khá đơn giản, và đúng là nó đơn giản thật, nhưng lý do đằng sau việc sử dụng chiến lược này mới thực sự sâu sắc. Và bí quyết mà Guy Kawasaki sử dụng đó là: “Tăng kích thước phông chữ trong các trang trình chiếu”.
Kawasaki đề xuất mọi người nên để kích thước phông chữ trên trang slide tối thiểu ở mức 30. Tuy nhiên ông cũng tiết lộ rằng người “thầy” Steve Jobs của mình thậm chí còn sử dụng văn bản có cỡ chữ lên tới 190 trong các bài thuyết trình của mình, và lý do thì đương nhiên là chẳng có gì đặc biệt: "Cỡ chữ lớn hơn sẽ giúp người ngồi dưới dễ đọc và bị ấn tượng hơn”.
Đó là lý do chính, còn nói một cách sâu xa hơn thì đây là một chiến lược thông minh bởi cỡ chữ lớn sẽ buộc bạn phải sử dụng ít từ hơn trên một slide, từ đó khiến bạn phải tinh tế hơn trong khâu lựa chọn từ ngữ sử dụng, làm sao để chọn những câu từ xúc tích, cô đọng nhất, và đặc biệt là dễ khiến khán giả cảm thấy ấn tượng, qua đó họ sẽ nhớ lâu hơn. Bên cạnh đó, việc “nhét” ít chữ trên slide cũng sẽ có tác dụng hướng sự chú ý của khán giả dành cho người nói nhiều hơn, thay vì phải “dán mắt” lên màn hình để đọc chữ và để rồi “nghe tai này, ra tai kia”.
Tác giả của cuốn sách nổi tiếng “The Presentation Secrets of Steve Jobs” (tạm dịch: Những bí mật trong nghệ thuật thuyết trình của Steve Jobs) Carmine Gallo đã từng dành không ít thời gian trò chuyện với các nhà trợ lý của Steve Jobs tại Apple, những người chịu trách nhiệm thiết kế slide thuyết trình cho vị CEO quá cố, cho biết rằng trong khi hầu hết mọi người - từ các bạn sinh viên đến thậm chí cả một số diễn giả chuyên nghiệp - đều cố gắng nhồi nhét càng nhiều từ càng tốt trên một slide, thì Steve Jobs lại chọn làm điều ngược lại. Jobs có thói quen tự mình đọc và kiểm duyệt mỗi trang slide rất nhiều lần và sau mỗi lần như vậy, ông lại lược bỏ bớt từ hoặc chuyển sang sử dụng cách diễn đạt khác hàm xúc mà lại ngắn gọn hơn, thậm chí trong nhiều bài thuyết trình quan trọng, Jobs chỉ để lại 1 từ trên 1 slide.
Thông thường, slide thuyết trình thường có khoảng 40 từ. Tuy nhiên khi xem xét đến một số bài thuyết trình nổi tiếng nhất của Steve Jobs, trong đó đáng chú ý là bài diễn thuyết trong buổi ra mắt của iPhone vào năm 2007, cây bút Carmine Gallo đã nhận ra rằng đa số các slide của cố CEO đều không chứa đến 40 từ, cho đến trang thứ 10 hoặc hơn.
Theo các nhà sinh học nhận thức, bộ não con người có khả năng nhớ lại thông tin nhiều và hiệu quả hơn khi những thông tin đó được trình bày dưới dạng hình ảnh với sự kết hợp của số lượng nhỏ từ mô tả - có thể là 1 hoặc 2 từ để kèm với bức ảnh. Nếu bạn đã từng xem qua một số bài thuyết trình của Jobs, bạn sẽ thấy ông ấy tuân thủ đúng theo quy tắc khoa học này.
Ví dụ: Khi Jobs nói về sự yếu kém của các đối thủ cạnh tranh của Apple trong danh mục điện thoại thông minh, chỉ có một slide duy nhất với tiêu đề “Smartphone”. Các slide tiếp theo cho thấy hình ảnh hoặc biểu tượng, logo của các đối thủ cạnh tranh mà ông nhắc tới chứ không hề có một chút văn bản nào. Hoặc là khi Jobs giới thiệu về giao diện người dùng màn hình cảm ứng mới, slide của ông chỉ có vỏn vẹn tiêu đề: “Revolutionary U.I”, và các slide tiếp theo cho thấy hình ảnh những hình ảnh mô tả về giao diện này chứ không có thêm chút từ ngữ nào khác. Kết quả thì như chúng ta đã biết, hầu hết các bài diễn thuyết của Steve Jobs đều “đi vào lòng người” và được giới chuyên môn đánh giá rất cao, còn cá nhân ông thì được coi là một diễn giả huyền thoại.
Nếu bạn muốn đi theo cách làm của Steve Jobs - ít văn bản, phông chữ lớn hơn - hãy ghi nhớ một điều: Bạn sẽ cần phải thực hành rất nhiều, đặc biệt là ở kỹ năng nói. Không có gì là cao siêu ở đây cả, tất cả là ở sự chăm chỉ và khổ luyện, đối với cả một thiên tài như Steve Jobs. Guy Kawasaki cho biết vị CEO quá cố luôn luyện tập rất nhiều lần trước một buổi diễn thuyết dù là lớn hay nhỏ, “một Steve Jobs tự tin, nhiệt huyết, và đầy cảm hứng mà bạn nhìn thấy trên sân khấu được xây dựng lên bởi sự cần cù và phong cách làm việc khoa học. Jobs đã phải tập luyện hàng tuần và đó là thành quả xứng đáng của sự chăm chỉ, không có phép màu nào ở đây cả”.
Sau tất cả, cách làm của Steve Jobs có thể trái ngược hoàn toàn so với điều mà bạn vẫn thường làm trước đây, nhưng hãy thử chỉ đặt một vài từ trên mỗi slide xem sao, tôi cam đoan rằng khán giả sẽ lắng nghe ý tưởng của bạn một cách chăm chú hơn nhiều. Ý tưởng của bạn xứng đáng được lắng nghe và thấu hiểu nhiều hơn!