Thị trường PC toàn cầu có một năm 2019 tuyệt vời, lần đầu tiên chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ sau gần một thập kỷ bước vào giai đoạn “bão hòa” và chịu sự cạnh tranh lớn từ các sản phẩm công nghệ cầm tay. Thành công này phần lớn bắt nguồn từ “cái chết” đã được dự báo của Windows 7, khiến nhu cầu đổi PC cũng vì thế mà tăng vọt. Xu hướng tăng trưởng này được nhiều chuyên gia cho là sẽ còn duy trì trong năm 2020, với việc nhiều doanh nghiệp ở các khu vực mới nổi như Trung Quốc, Eurasia và châu Á/Thái Bình Dương đang có nhu cầu nâng cấp hệ thống rất lớn.
Tuy nhiên báo cáo mới đây của công ty phân tích thị trường uy tín Canalys đã đưa ra nhận định trái ngược hoàn toàn: Mức tăng trưởng của thị trường PC toàn cầu sẽ giảm 3,4% vào năm 2020, trong trường hợp khả quan nhất.
Nhận định của Canalys được tổng hợp từ nguồn thông tin có sẵn ở nhiều nguồn, bao gồm nhưng không giới hạn ở các nhà cung cấp thiết bị, ODM, OEM, công ty chuỗi cung ứng, đối tác, nhà bán lẻ và ISV, đặc biệt là tác động bất ngờ của đợt bùng phát dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều quốc gia trên thế giới, khiến hoạt động sản xuất và giao thương bị đình trệ.
Trong báo cáo, Canalys đưa ra 2 kịch bản, cho các trường hợp khả quan nhất và tồi tệ nhất, thể hiện mức độ ảnh hưởng tối thiểu và tối đa của dịch COVID-19 với ngành công nghiệp PC thể giới. Sự khác biệt chính giữa 2 kịch bản nằm ở khoảng thời gian cần thiết để các hoạt động sản xuất và kinh doanh bình thường trở lại ở Trung Quốc cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Điều này phụ thuộc nhiều vào công tác ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh của từng quốc gia.
Trung Quốc được coi là công xưởng khổng lồ của cả thế giới, gần như mọi nhà sản xuất máy tính, linh kiện máy tính lớn đều có xưởng sản xuất tại Trung Quốc. Việc dịch bệnh bùng phát và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở đất nước đông dân nhất thế giới khiến hoạt động sản xuất không thể diễn ra như dự kiến, dẫn đến nguồn cung thị trường giảm mạnh, kéo theo đó là thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Bất chấp việc các nhà lắp ráp PC lớn, như Foxconn, Quanta, Compal và Wistron đã báo cáo việc nối lại một phần lắp ráp PC trong các nhà máy Trung Quốc của họ, giá bán linh kiện PC hiện nay vẫn đang tăng lên từng ngày.
Hoa Kỳ, thị trường PC số một thế giới, có khả năng bị thiệt hại nhiều nhất bởi sự thiếu hụt nguồn cung này. Ảnh hưởng sẽ trở nên rõ rệt nhất xuất hiện từ cuối quý 2 năm 2020, do hầu hết các nhà cung cấp PC đã dự trữ hàng từ năm 2019 và hiện vẫn đủ để cung cấp ra thị trường. Đây cùng là thời điểm nhu cầu tiêu thụ PC toàn cầu tăng mạnh do học sinh, sinh viên bắt đầu bước vào năm học mới. Sự thiếu hụt nguồn sẽ khiến giá bán tăng cao, dẫn đến nhu cầu nâng cấp của người dùng giảm bớt.
Theo kịch bản khả quan nhất, hoạt động sản xuất dự kiến sẽ trở lại bình thường vào tháng 4 năm 2020, do đó, tác động lớn nhất sẽ chỉ ảnh hưởng tới các lô hàng bán ra trong hai quý đầu tiên, thị trường sẽ dần phục hồi trong quý 3 và quý 4.
Ngược lại trong trường hợp xấu nhất, hoạt động sản xuất sẽ không trở lại bình thường cho đến ít nhất là cuối tháng 6 năm 2020. Do đó, sẽ có sự sụt giảm đáng kể các lô hàng bán ra trong 3 quý đầu tiên so với năm 2019. Thị trường sau đó dự kiến sẽ phục hồi vào quý 4 năm 2020. Như vậy, số lô hàn bán ra trên toàn thế giới dự kiến sẽ giảm trong 3 quý liên tiếp, với mức giảm 21% trong Q1, 23% trong quý 2 và 6% trong quý 3. Sự khởi sắc chỉ xuất hiện ở quý 4 khi thị trường trở lại ổn định, với mức tăng 13%.
Tóm lại, thị trường PC trên toàn thế giới sẽ chịu sự sụt giảm nặng nề, tới 9% so với năm 2019, do ảnh hưởng bất ngờ từ dịch COVID-19.