Có lẽ không cần phải nói thêm nhiều về sự hụt hẫng của các iFan trước sự ra đi đầy bất ngờ của Jony Ive, giám đốc thiết kế của Apple. Nhà thiết kế thiên tài rời khỏi Cupertino với một di sản “phức tạp” nhưng cũng không kém phần đồ sộ - một kho tàng thiết kế phần cứng đã làm nên kỷ nguyên phát triển rực rỡ nhất của Táo khuyết, các sáng kiến đáng nhận được những phần thưởng cao quý nhất. Tuy nhiên Jony Ive cũng chỉ là con người, ông có sở trường, có điểm yếu, và đương nhiên là cả những quyết định sai lầm.
Jony Ive và Tim Cook
Song hành với những thành công của Jony Ive về mặt sáng tạo và triết lý thiết kế sản phẩm phần cứng chính là những thất bại và quyết định sai lầm của ông về mặt thiết kế phần mềm cũng như độ bền của thiết bị phần cứng. Các phiên bản giao diện phần mềm đáng quên, hay những sản phẩm nhận đủ “gạch đá" về việc sử dụng vật liệu dễ vỡ, cấn móp, tróc sơn sau thời gian ngắn… Đó đều là những điều vốn không phải là hiếm gặp trong suốt hơn 2 thập kỷ trên cương vị người đứng đầu bộ phận thiết kế của Jony Ive tại Apple.
Lấy ví dụ đơn giản, giờ đây, có lẽ những người sở hữu chiếc MacBook mỏng “sang chảnh” thế hệ mới đang như “ngồi trên đống lửa” trước những vấn đề về độ bền của bàn phím cũng như việc màn hình “đột tử” do dây cáp quá mỏng. Tương tự, ngay cả các phiên bản hệ điều hành mới nhất của Apple cũng vẫn phần nào đó mang trong mình những "vết sẹo" trong thiết kế UI từ dư âm “tệ hại” của iOS 7 đã được ra mắt từ 6 năm trước.
Những vấn đề về độ bền của sản phẩm phần cứng
Sự tuyệt vời mà Ive tạo ra đã lôi kéo nhiều người trở về với Mac sau nhiều năm “ăn nằm” cùng Windows PC, giới thiệu cho hàng trăm triệu người những chiếc máy nghe nhạc, điện thoại và máy tính bảng tốt nhất thế giới, và thậm chí còn thuyết phục được những người bảo thủ nhất chuyển sang sử dụng đồng hồ thông minh thay cho đồng hồ truyền thống. Khó có nhà thiết kế sản phẩm nào dành được nhiều sự ngưỡng mộ hơn Jony Ive ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta nhắm mắt làm ngơ với những vấn đề cố hữu đối với thiết kế sản phẩm của Apple trong “triều đại” Jony Ive, đặc biệt là trong 1 thập kỷ qua. Trái với triết lý “xương sống” vốn đã được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới của nhà thiết kế huyền thoại người Đức Dieter Rams, về việc một thiết kế sản phẩm tốt phải đảm bảo được 2 yếu tố, khả năng hoạt động lâu dài (độ bền) và thân thiện với môi trường, Jony Ive dường như ngày càng có xu hướng tạo ra những sản phẩm dễ hư hỏng hơn, và một khi đã gặp vấn đề, các sản phẩm này thường sẽ bị ném ra ngoài thay vì có thể sửa chữa được dễ dàng và ít tốn kém như trước.
Bàn phím của Macbook gặp vấn đề về độ bền do thiết kế quá mỏng
Có thể liên tưởng ngay đến trường hợp của iPhone 4 - một thiết bị đẹp và đáng nhớ, được coi là mang tính bước ngoặt, tạo nền móng cho sự thành công của những chiếc iPhone thế hệ sau - chỉ là sản phẩm đầu tiên trong loạt điện thoại thông minh thế hệ mới của Apple mà ngay cả các nhà đánh giá nội bộ của công ty cũng vô tình làm vỡ nhiều lần trong quá trình thử nghiệm đầu tiên. Hay trường hợp của iPod, những chiếc máy nghe nhạc đa năng này rất dễ bị trầy xước dù người dùng đã cố gắng giữ gìn cẩn thận, đến nỗi công ty phải đối mặt với các vụ kiện tập thể về vấn đề này. Trường hợp của những chiếc iPhone 6, 6s cũng tương tư, hiện tượng bong tróc sơn ở mặt lưng không phải do tác động ngoại lực trên dòng sản phẩm này đã được ghi nhận phổ biến trên toàn thế giới.
Đó chắc chắn là những vấn đề về mặt thiết kế (bao gồm cả khâu lựa chọn vật liệu). Tuy nhiên cũng sẽ có đôi chút tác động từ những quyết định kinh doanh - bộ phận mà Tim Cook đứng đầu. Có lẽ bất cứ ai trong số chúng ta đều thừa thông minh để hiểu được logic kinh doanh đằng sau việc tạo ra những thứ đẹp đẽ ở thời gian đầu và nhanh chóng xuống cấp về ngoại hình hoặc chức năng.
Hiện tượng bong tróc không rõ nguyên nhân trên iPhone 6s
Lý thuyết ở đây là một khách hàng không có nhiều chuyên môn, quá hài lòng hoặc yêu thích sản phẩm (lượng khách hàng này của Táo khuyết cực kỳ đông đảo) sẽ tự đổ lỗi cho bản thân mình vì đã sử dụng và bảo quản sản phẩm không đúng cách, và quay lại cửa hàng Apple để mua sản phẩm thay thế. Trong thực tế, lý thuyết này chắc chắn đúng với không ít trường hợp, nhưng nói chung chỉ trong một khoảng thời gian giới hạn. Sau khi sự việc tương tự xảy ra đến lần thứ 2 hoặc thậm chí là thứ 3, người dùng sẽ bắt đầu nhận ra vấn đề thực sự mà họ đang gặp phải. Những câu hỏi nghi vấn bắt đầu xuất hiện, và mọi người sẽ dần để ý hơn xem chuyện gì đã thực sự xảy ra với sản phẩm của họ.
Nhưng trí tuệ tuyệt vời của những nhà kinh doanh tài năng như Tim Cook luôn biết cách “tỏa sáng” đúng lúc. Apple thừa thông minh và kinh nghiệm để làm chủ cuộc chơi này. Họ bảo đảm rằng không có gì “quá giới hạn” xảy ra đối với trải nghiệm người dùng, và họ sẽ vẫn là những fan hâm mộ trung thành của logo quả táo cắn dở. Về điểm này, có thể nói Apple là một trong những nhà tái chế hàng đầu thế giới, và luôn chu đáo về việc giữ cho các thiết bị hoạt động ổn định cũng như được hỗ trợ đầy đủ trong nhiều năm - nhưng thực tế lại không hề đơn giản.
2 năm sau khi chiếc iPhone mặt lưng kính đầu tiên ra mắt (iPhone 4), Apple chuyển sang dùng vỏ nhôm nguyên khối từ chiếc iPhone 5 (2013) cho đến tận năm 2017, họ mới quay lại bán iPhone lưng kính một lần nữa (iPhone 8). Đây có thể là loại kính cứng cáp nhất hoặc dễ tái chế nhất mà Apple từng sử dụng, nhưng trên thực tế nó vẫn rất dễ vỡ nếu bạn vô tình làm rơi, hay nứt trong quá trình sử dụng, và sẽ tiêu tốn hàng trăm đô la để thay thế. Bất kể Apple có gọi đây là “quy trình tái chế hay không”, có một sự thật hiện hữu là nhân viên bán lẻ của hãng vẫn ngày đêm rót vào tai người dùng những câu nói khuyến khích họ cân nhắc đổi sang sử dụng máy mới thay vì sửa máy cũ và dùng tiếp.
Apple đã quay lại với chất liệu kính trên iPhone 8
Ở đây chúng ta không bàn luận đến việc chiến lược kinh doanh này thực sự là di sản của Steve Jobs, Jony Ive, hay Tim Cook, mà phải nhìn vào sự thật rằng đó là một trong những vấn đề nhức nhối nhất đối với Apple ngày nay, và đã quá muộn để khắc phục. Gần như bất cứ báo cáo nào về tác động của rác thải công nghệ đối với môi trường đều đề cập đến việc hàng trăm triệu thiết bị mới đang được sản xuất theo cái cách khiến chúng sẽ tự “dở chứng” sau một thời gian sử dụng nhất định và ngay cả việc sửa chữa cũng trở nên cực kỳ khó khăn và đắt đỏ, người dùng sẽ chỉ còn một phương án tối ưu nhất là mua mới. Hơn bất cứ điều gì khác, đây là vấn đề mà có lẽ tất cả những người yêu công nghệ trên toàn thế giới đều muốn Apple thay đổi ngay trong thời gian tới, khi mà kỷ nguyên của Jony Ive đã chính thức chấm dứt.
Làm ra sản phẩm bền hơn đồng nghĩa với việc doanh số bán ra đối với các thiết bị mới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng? Cũng có thể, và nhiều khả năng sẽ là như vậy. Nhưng bấy lâu nay Apple đã không còn báo cáo doanh số sản phẩm theo đơn vị nữa. Và doanh số bán hàng của Apple có lẽ cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều nếu công ty quay trở lại kế hoạch cho ra mắt sản phẩm ở mọi mức giá, mọi phân khúc thị trường như trước đây, thay vì chỉ tập trung vào các sản phẩm thuộc phân khúc tầm trung và cao cấp như hiện nay. Nguyên nhân nằm ở chỗ các sản phẩm giá rẻ hơn có xu hướng bán được nhiều hơn so với những sản phẩm đắt tiền, do vậy bất kỳ sự sụt giảm nào về mặt doanh số mà Apple có thể phải hứng chịu với lượng khách hàng hiện tại hoàn toàn có thể được bù đắp bằng cách thu hút thêm những khách hàng mới.
Những vấn đề về thiết kế phần mềm
Phần mềm cũng là yếu tố giúp mạng lại thành công cho các sản phẩm của Apple thậm chí còn nhỉnh hơn so với thiết kế phần cứng. Nếu thiết kế sản phẩm giúp Apple thu hút được khách hàng đến với mình thì sự tuyệt vời của phần mềm chính là nhân tố giúp họ giữ chân người dùng ở lại vĩnh viễn với hệ sinh thái.
Tuy nhiên, các giao diện người dùng trên phần mềm của Táo khuyết đã bắt đầu bị phàn nàn và tỏ ra “chuệch choạc” kể từ khi Jony Ive đảm nhiệm thêm cả mảng thiết kế UI nhiều năm trước. Ive tiếp nhận vị trí này từ phó chủ tịch Scott Forstall, trợ thủ đắc lực của Steve Jobs, người nổi tiếng bị ám ảnh bởi các pixel biểu tượng ứng dụng riêng lẻ sắc nét, các icon được thiết kế nổi, sinh động, và bóng bẩy như quan điểm cả Steve Jobs trước kia, và đồng ý rằng phong cách thiết kế skeuomorphic - sử dụng họa tiết và vật thể thế giới thực trong thiết kế UI - có thể đem lại sự trực quan tối ưu cho người dùng.
Giao diện iOS 6 theo phong cách skeuomorphism
Jony Ive đã ném gần như toàn bộ triết lý thiết kế đó của Apple ra ngoài cửa sổ khi ông đảm nhận nhiệm vụ thiết kế lại giao diện cho iOS 7, với quan điểm rằng tại thời điểm đó, người dùng đã vượt qua nhu cầu về ẩn dụ trực quan và sẽ được hưởng lợi từ các giao diện đơn giản hơn, “sạch sẽ” hơn. Và thế là tất cả các chi tiết đều bị làm phẳng và mọi thứ từ văn bản đến glyphs (bao gồm cả mũi tên) đều trở nên mỏng manh đến bất thường, trái ngược hoàn toàn với giao diện trước đó. Và kết quả ngay lập tức là một giao diện trông giống như bộ phim hoạt hình xấu xí, không còn bất kỳ sắc thái đặc trưng nào khiến thế giới smartphone phải ghen tỵ với iOS như trước đây, đã được ra đời.
Trên iOS 7, sự rút lui của Apple trong phong cách thiết kế skeuomorphism vốn rất thành công trước đó đã nhận được sự ủng hộ một phần bởi những “fan cuồng” của họ - các Apple Kool-Aid chính hiệu. Nhưng việc công ty tiếp tục lặp lại thiết kế giao diện đó sau nhiều năm là quyết định sai lầm mà chính họ phải chịu trách nhiệm.
Có lẽ Apple cũng phần nào nhận thức được vấn đề mà họ đang gặp phải, đó là lý do kể từ iOS 8, những góc cạnh “gồ ghề” trong giao diện của iOS 7 đã được “đánh bóng” đôi chút. Tuy nhiên về cơ bản, cả hệ điều hành và ứng dụng của bên thứ ba đều đã mất hết những nét đặc trưng đã làm nên sự khác biệt về giao diện người dùng trước đó của iOS.
Giao diện người dùng iOS 7
Với những iFan lâu năm và có phần khắt khe, họ không ngần ngại nhận xét rằng đã không còn bất cứ điều gì thú vị hay quyến rũ có thể tìm thấy được trên giao diện phần mềm của Apple nữa. Ngay cả các bản beta iOS 13 mới nhất cũng khiến không ít người cảm thấy buồn tẻ so với trải nghiệm mà họ đã từng có được trên các giao diện người dùng trước iOS 7. Cùng với đó là việc tiếp tục sử dụng đồ họa UI không bóng, phẳng khiến giao diện không thể tận dụng được lợi thể của màn hình có độ phân giải cao, tương phản màu sắc tốt như trên những chiếc iPhone thế hệ mới ngày nay.
Jony Ive có thể hoặc không phải là người chịu trách nhiệm duy nhất cho toàn bộ mớ hỗn độn liên quan đến UI này, nhưng cùng với những nhược điểm về độ bền của sản phẩm phần cứng, sự ra đi của ông vô hình chung sẽ mang đến cho Apple cơ hội hoàn hảo để thay đổi đáng kể, thậm chí là toàn diện đối với những vấn đề hiện tại, thay vì chỉ “dám” thực hiện những điều chỉnh nhỏ qua từng năm như trước đây.
Apple đã quay lại sử dụng những miếng kim loại “chải chuốt, bóng mượt” trên Mac, và điều này đã giúp họ thu hút được một lượng đáng kể khách hàng sau thời gian dài trì trệ. Do vậy, việc thiết kế lại UI, sử dụng các icon bóng bẩy và sinh động hơn - sẽ là bước tiếp theo rất đáng hoan nghênh.
So với iOS 6, giao diện trên iOS 7 đã "bị" thiết kế lại hoàn toàn
Xem xét tình hình trong 6 tháng qua, rõ ràng là Apple đang hy vọng kiếm được nhiều tiền từ mảng kinh doanh dịch vụ hơn bao giờ hết, điều đó có nghĩa là họ sẽ không phụ thuộc quá nhiều vào doanh số phần cứng hoặc phần mềm để tiếp tục cân đối doanh thu và bỏ túi lợi nhuận. Tuy nhiên, để bán dịch vụ, nhiệm vụ của Apple cũng sẽ rất nặng nề. Họ không những phải tìm ra cách giữ chân khách hàng hiện tại, mà còn phải đưa ra được kế hoạch hiệu quả để lôi kéo thêm khách hàng mới. Nhưng với một doanh nghiệp đã có chỗ đứng vững chắc và uy tín đã được khẳng định trên toàn cầu như Apple, các nhiệm vụ nêu trên sẽ không quá khó khăn, miễn là họ đảm bảo mang đến cho khách hàng những sản phẩm có thiết kế bền bỉ, và đặc biệt là giao diện phần mềm vẫn trực quan, dễ sử dụng.
Trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh đang tiến gần hơn bao giờ hết đến việc thu hẹp thành công khoảng cách về thiết kế và trải nghiệm người dùng, cải thiện độ bền phần cứng cũng như giao diện người dùng phần mềm là giải pháp tối ưu và phù hợp nhất với khả năng của Apple. Hiện tại, chỉ có thời gian mới có thể cho chúng ta biết liệu Apple có đủ can đảm để hy sinh lợi nhuận trước mắt mà thực hiện những thay đổi lớn, mang lại lợi ích tối đa cho khách hàng của mình hay không.
Bạn có suy nghĩ thế nào về sự ra đi của Jony Ive? Hãy để lại ý kiến bình luận bên dưới nhé!