Đối với nhiều người, lời chia tay của Jony Ive với Apple sau hơn 20 năm ngắn bó là một sự ra đi đầy bất ngờ, đồng thời để lại nhiều niềm tiếc nuối cũng như hụt hẫng cho các iFan trên toàn thế giới. Tuy nhiên với những ai theo sát tình hình nội bộ của Táo khuyết và đặc biệt am hiểu những vấn đề trong mối quan hệ giữa Jony Ive và CEO Tim Cook đều biết trước rằng sự ra đi này là điều tất yếu sau những mâu thuẫn đã cháy âm ỉ trong mối quan hệ của 2 con người có tầm ảnh hưởng bậc nhất Cupertino này.
Jony Ive và các cộng sự tại công ty mới - LoveFrom
Đó là câu chuyện đã bắt đầu từ nhiều năm trước, sau khi Tim Cook lên nắm quyền điều hành Apple thay cho vị CEO quá cố Steve Jobs, vốn là người có tầm ảnh hưởng rất lớn tới Jony Ive. Trái với phương thức điều hành của người tiền nhiệm, Tim Cook tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến phương án kinh doanh thu lời cho công ty thay vì thiết kế sản phẩm như trước đây, và điều này vô hình chung đã khiến Jony Ive mất dần đi tiếng nói trong công ty - điều mà một vị giám đốc thiết kế giàu kinh nghiệm, đồng thời là người có công cực lớn trong việc kiến tạo nên kỷ nguyên phát triển rực rỡ của thương hiệu đắt giá nhất hành tinh đương nhiên không thể hài lòng.
Cây bút Tripp Mickle đến từ tờ báo nổi tiếng Wall Street Journal, vừa công bố một báo cáo mới về những sự mâu thuẫn “tàn bạo” đã góp phần vẽ ra một bức tranh bất mãn bên trong nội bộ giới lãnh đạo tại Cupertino, và chính điều này là nguyên nhân tạo ra cái gọi là “sự xói mòn của những yếu tố quyến rũ ma thuật trong các sản phẩm của Apple”. Đương nhiên không cần phân tích sâu cũng có thể hiểu rằng 2 phe tạo ra sự mâu thuẫn này được dẫn dắt bởi Jony Ive và Tim Cook.
Cùng với Wall Street Journal, một báo cáo khác của Bloomberg công bố vào cuối tuần trước cũng đã mô tả về việc một nhóm các nhà thiết kế của Apple, dẫn đầu bởi Jony Ive, ngày càng tỏ ra thất vọng với chính sách điều hành công ty của Tim Cook. Câu chuyện chỉ thực sự bắt đầu từ việc uy tín cũng như tầm ảnh hưởng của vị giám đốc thiết kế ngày càng đi xuống sau buổi ra mắt Apple Watch vào năm 2015 khi ông vắng mặt ở sự kiện này, và nguyên nhân tất nhiên vẫn là việc CEO Tim Cook gần như chỉ tập trung vào nhiệm vụ tối ưu hóa lợi nhuận thu về trên từng sản phẩm, thay vì tạo ra những sản phẩm có thiết kế tuyệt vời như “triều đại” của Steve Jobs trước đây. Điều này dần khiến tầm ảnh hưởng của bộ phận thiết kế ngày càng thu hẹp và họ cảm thấy “không được tôn trọng”.
Theo Wall Street Journal, sự vắng mặt của Jony Ive tại sự kiện năm 2015 đã làm căng thẳng thêm cho mối quan hệ gắn kết trung tâm trong phát triển sản phẩm vốn đã rất lỏng lẻo ở Apple, từ đó biến thành nguyên nhân khiến một số thành viên chủ chốt của đội ngũ thiết kế quyết định rời khỏi Cupertino trong vài năm qua.
Tim Cook không ít lần bị bắt gặp thao tác lóng ngóng với sản phẩm mới
Dưới đây là một số sự kiện nổi bật được đúc kết từ báo cáo của Wall Street Journal về những mâu thuẫn tại Apple trong vài năm qua và đỉnh điểm là sự ra đi của nhà thiết kế thiên tài Jony Ive sau hơn 20 năm gắn bó:
- Theo các nguồn tin xác thực mà Wall Street Journal thu thập được, đôi lúc Jony Ive cảm thấy mình như “người thừa”, ý tưởng của ông không được coi trọng bởi Tim Cook dường như không mặn mà đến việc cải thiện thiết kế sản phẩm, cũng như dành ít sự quan tâm đến quá trình phát triển sản phẩm mới. Điều này giúp giải thích lý do tại sao trong khu vực trải nghiệm sau các sự kiện của Apple (như ảnh chụp phía trên), không ít lần các phóng viên bắt gặp tình huống Tim Cook thao tác lóng ngóng như thể lần đầu tiên được cầm trên tay những sản phẩm mới.
- Jony Ive tỏ ra ngày càng thất vọng khi hội đồng quản trị Apple chiếm đa số bởi những cá nhân vốn không có nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức liên quan đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty trong nhiều năm qua.
- Apple sẽ vẫn tiếp tục hợp tác cùng Jony Ive thông qua công ty mới của ông: LoveFrom, với những bản hợp đồng có thể có giá trị đạt đến hàng triệu đô la mỗi năm.
- Jony Ive đã từng mâu thuẫn gay gắt với một số nhà lãnh đạo của Apple về cách định vị Apple Watch trên thị trường. Vị giám đốc thiết kế ủng hộ việc Apple Watch nên được bán ra như một phụ kiện thời trang, không phải là “thiết bị hỗ trợ” của iPhone như hiện nay. Và doanh số bán ra của thiết bị này trong thời gian đầu đã chứng minh tầm nhìn của Jony Ive là hoàn toàn đúng đắn. Trong năm đầu tiên, Apple chỉ bán được lượng Apple Watch bằng 1/4 so với dự đoán ban đầu của công ty. Trong đó phải kể tới sự ế ẩm của hàng ngàn chiếc Apple Watch “Gold Edition” trị giá 17.000 USD mỗi chiếc, khiến Apple chịu thiệt hại nặng nề.
Jony Ive và Tim Cook tại sự kiên ra mắt iPhone 5c
Như vậy kỷ nguyên của Jony Ive tại Apple đã chính thức kết thúc. Sau sự ra đi đầy tiếc nuối của Steve Jobs, có lẽ đây sẽ là sự kiện có tầm ảnh hưởng thứ 2 tại Cupertino trong suốt một thập kỷ qua. Dù ảnh hưởng đó là tích cực hay tiêu cực, sự vắng bóng của nhà thiết kế thiên tài vẫn sẽ để lại những hụt hẫng lớn cho các iFan trên toàn thế giới.