Sự kết thúc của một kỷ nguyên rực rỡ: Dấu ấn không thể xóa nhòa của Jony Ive đối với Apple và toàn bộ thế giới công nghệ

Jony Ive - hay còn gọi là Sir Jonathan Ive, người mà trong hơn 2 thập kỷ qua luôn là bộ óc sáng tạo chịu trách nhiệm đằng sau gần như toàn bộ triết lý thiết kế phần cứng mang tính biểu tượng của Apple - đã chính thức quyết định chia tay Táo khuyết để thành lập một công ty thiết kế của riêng mình có tên LoveFrom, điều mà ông đã ấp ủ từ rất lâu.

Và mặc dù Jony Ive cho biết công ty của ông sẽ vẫn tiếp tục hợp tác với Apple như một đối tác đặc biệt, đây vẫn là sự kết thúc của một kỷ nguyên rực rỡ đối với Apple, với sự cống hiến không biết mệt mỏi của Jony Ive, Apple đã vực dậy mạnh mẽ trên bờ vực thẳm và trở thành một trong những công ty công nghệ lớn nhất và có ảnh hưởng sâu rộng bậc nhất hành tinh.

Jony Ive và chiếc iPadJony Ive và chiếc iPad

Jony Ive bắt đầu cuộc phiêu lưu của mình tại Apple vào năm 1992, với tư cách là một trong những thành viên quan trọng của bộ phận thiết kế, nơi ông đóng vai trò rất lớn cho sự ra mắt và thành công của mẫu máy tính cầm tay độc đáo Apple Newton.

5 năm sau, Jony Ive đã từng có ý định ra đi do không tìm được tiếng nói chung với giới lãnh đạo chủ chốt của Apple vào thời điểm đó. Tuy nhiên sự trở lại cực kỳ quan trọng của Steve Jobs đã khiến nhà thiết kế tài ba thay đổi quyết định. Steve tái nắm quyền điều hành tại Apple và ông đã dành ra một ngày để thuyết phục Jony Ive ở lại cộng tác với mình.

Vị CEO huyền thoại đã quyết định bổ nhiệm Jony Ive làm phó chủ tịch cấp cao về thiết kế công nghiệp của Apple không lâu sau đó, chính thức bắt đầu một thời kỳ phát triển rực rỡ của gã khổng lồ Cupertino trên mọi phương diện, giúp thương hiệu này leo lên vị trí thống trị trong cuộc chơi của những công ty công nghệ lớn nhất hành tinh.

Steve Jobs đã thuyết phục Jony Ive ở lại với AppleSteve Jobs đã thuyết phục Jony Ive ở lại với Apple

Jony Ive đã từng kể lại trong một câu chuyện nổi tiếng, từng được đăng trên tờ The New Yorker rằng ông và Steve Jobs đã bắt tay vào phát triển dự án iMac từ ngay những ngày đầu 2 người chính thức cộng tác với nhau. Sau sự thành công của iMac, 2 người đàn ông có ảnh hưởng bậc nhất Apple này không ngủ quên trong chiến thắng mà ngay lập tức khởi động thêm một loạt các dự án mới, những sản phẩm không chỉ biến Apple trở thành một thế lực thực sự trong làng công nghệ, mà điều quan trọng hơn là họ đã đặt ra được một tiêu chuẩn vàng trong thiết kế đối với các sản phẩm công nghệ hiện đại như điện thoại thông minh (iPhone), máy tính bảng (iPad), đến máy tính xách tay (Macbook). Đây có lẽ cũng là thành tựu quan trọng nhất, làm nên tên tuổi của Jony Ive trong “biên niên sử” quá trình phát triển của lĩnh vực công nghệ toàn cầu.

Trở lại với cuộc phiêu lưu của Jony Ive tại Apple. Thành công của iMac đã sớm được tiếp nối bởi một sự thành công khác thậm chí còn lớn, có thể được coi là một trong những “kỳ quan” trong lĩnh vực thiết bị công nghệ cầm tay: iPod.

iPod là một dự án hợp tác hiệu quả khác của Jobs với Ive, và sự thành công của dự án này đã có tác động rất lớn đến vị thế của Ive tại Cupertino với tư cách là cánh tay phải của Steve Jobs, nhân vật quan trọng thứ nhì tại Apple, và đồng thời là “viên ngọc” quý giá nhất mà công ty sở hữu.

Nếu Steve Jobs là người sở hữu tầm nhìn vượt thời đại, cũng như những ý tưởng có thể thay đổi hoàn toàn sự phát triển của thế giới điện toán, thì Jony Ive lại là một kiến trúc sư “phù thủy”, sử dụng “ma thuật” của mình để biến những ý tưởng của Jobs thành các tác phẩm nghệ thuật có thể sờ, nắm được, khiến người tiêu dùng không thể cưỡng lại, và móc hầu bao trong sự mãn nguyện.

Ở giai đoạn đỉnh cao của iPod, các thiết kế của mẫu máy nghe nhạc - giải trí đa năng này đã trở nên phổ biến đến nỗi ngay cả chiếc tai nghe màu trắng đi kèm với thiết bị cũng sở hữu mức độ nhận diện thương hiệu gần như tuyệt đối ở Hòa Kỳ. Có thể nói ở thời điểm đó, iPod đã trở thành một phong cách sống, một “tôn giáo” của giới trẻ tại nhiều quốc gia trên thế giới.

iPod đã trở thành một phong cách sống của giới trẻiPod đã trở thành một phong cách sống của giới trẻ

Và tất nhiên nhắc đến sự phát triển đỉnh cao của Apple, không thể không kể đến một trong những nhân tố chính tạo ra thành công đó: iPhone. Có rất nhiều thế hệ iPhone đã được ra mắt, nhưng kể từ khi xuất hiện lần đầu vào năm 2007 cho đến nay, iPhone vẫn luôn là sản phẩm quan trọng nhất của Apple, là yếu tố quyết định đến doanh thu của Táo khuyết trong suốt cả năm. Quan trọng hơn, nó còn là dòng sản phẩm thay đổi cách thức nhân loại trải nghiệm cũng như suy nghĩ về một chiếc điện thoại thông minh.

Tất cả thiết kế của iPhone, từ màn hình cảm ứng, nút home, đến những yếu tố hình thức quan trọng khác như chất liệu mặt lưng hay cạnh viền… đều là sản phẩm sáng tạo của Jony Ive. Và có lẽ không cần phải nói thêm nhiều, chúng ta đều biết rằng tầm ảnh hưởng của triết lý thiết kế mà Jony Ive mang lên iPhone đã tạo ra những chiến thắng vang dội khắp ngành công nghiệp smartphone, đến mức nhiều mẫu điện thoại ngày nay vẫn đi theo triết lý đó. Đặc biệt là các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc, họ luôn biết cách học hỏi hiệu quả phong cách thiết kế của những chiếc iPhone mới ra mắt, áp dụng lên sản phẩm của mình và gặt hái thành công đáng kể.

Thiết kế của iPhone có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn ngành công nghiệp smartphoneThiết kế của iPhone có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn ngành công nghiệp smartphone

Vào năm 2012, Ive được ban lãnh đạo Apple trao quyền phụ trách tất cả các dự án Human Interface (Giao diện con người) của Táo khuyết, thay thế Scott Forstall. Với quyết định này, nhà thiết kế thiên tài đã nắm trong tay toàn bộ chìa khóa về giao diện của tất cả sáng kiến phần cứng và phần mềm của Apple.

Vai trò của Jony Ive tại Apple thực sự đạt đến đỉnh cao vào khoảng thời gian phát hành phiên bản iOS 7 vào năm 2013. Bản cập nhật này đã mang lại thành công lớn cho Apple nói chung và cá nhân Jony Ive nói riêng khi trở thành giao diện trực quan đóng vai trò nền tảng cho gần như toàn bộ các phiên bản phần mềm sau này của iPhone và iPad. Và dấu ấn này vẫn tồn tại cho đến tận ngày nay với tư cách là triết lý thẩm mỹ dẫn đường trên tất cả các sản phẩm phần mềm của công ty Cupertino.

Sau sự thành công đó, có một điều kỳ lạ là tầm ảnh hưởng của Ive tại Apple bất chợt giảm dần và “xói mòn” qua từng năm, mặc dù vẫn thăng tiến trong công việc. Năm 2015, ông được bổ nhiệm làm 'giám đốc thiết kế' của Apple trong vai trò thuận lợi hơn. Ive giao lại nhiệm vụ quản lý hàng ngày đối với các nhóm phần cứng và phần mềm riêng biệt tại Apple cho người khác. Thay vào đó, ông sẽ vẫn chịu trách nhiệm cho tất cả ý tưởng thiết kế của Táo khuyết, cũng như dành thời gian tập trung hoàn toàn vào các dự án thiết kế hiện tại, ý tưởng mới và những sáng kiến trong tương lai. Nhiều người lúc đó đã đánh giá động thái này là bước đệm để Jony Ive nói lời chia tay chính thức với Apple.

Tuy nhiên vào năm 2017, Jony Ive lại bất ngờ nắm quyền kiểm soát các bộ phận thiết kế một lần nữa, nhưng nếu coi đây là một sự trở lại, thì màn tái xuất này đáng buồn hơn bởi nó không để lại nhiều ấn tượng. Và có lẽ chính điều này đã thôi thúc thêm cho quyết định ra đi của ông vào cuối năm nay. Tất cả sự khó hiểu này cho thấy rằng không dễ để chỉ ra chính xác vai trò thực sự của Jony Ive tại Apple trong vài năm qua.

Jony Ive và CEO Tim Cook trong buổi ra mắt iPhone 5cJony Ive và CEO Tim Cook trong buổi ra mắt iPhone 5c

Tạm gác lại những mâu thuẫn về vai trò của Jony Ive tại Apple, chúng ta nói về sự thay đổi trong triết lý thiết kế sản phẩm của ông. Có thể thấy rõ ràng nhất là sự thay đổi trong cách lựa chọn vật liệu và phong cách thiết kế xoay quanh loại vật liệu đó. Theo thời gian, ông chuyển từ “tình yêu” với nhựa tông màu sáng trên iMac và iBook, sang các thiết kế màu trắng đồng nhất và cuối cùng là nhôm và kính, hiện vẫn còn thống trị trên các dòng sản phẩm của Apple cho đến ngày nay.

Đồng thời cũng có thể thấy thế giới smartphone đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ thế nào từ sự chuyển dịch này, bằng chứng là khi iPhone chuyển sang sử dụng mặt lưng kính (iPhone 4), rất nhiều hãng đã làm theo, đến khi iPhone 5 với nhôm nguyên khối ra mắt, lại có một cơn sốt sử dụng nhôm trong sản xuất smartphone trên toàn thế giới, tương tự với sự xuất hiện trở lại của kính trên iPhone 8 và iPhone X.

Bên cạnh những sự thành công đã được công nhận trên toàn thế giới với iPhone, iPod và iMac, ít người biết rằng Jony Ive cũng đã từng phải nhận không ít chỉ trích với sự “thất bại” trên một số sản phẩm nổi tiếng khác như iPod Hi-Fi, Magic Mouse 2, hay Apple Pencil thế hệ thứ nhất. Ngoài ra còn có một nỗi ám ảnh về độ mỏng của sản phẩm luôn đeo bám Jony Ive, khiến ông dành không ít công sức để hướng tới nó trên từng bản thiết kế. Tuy nhiên sự mỏng không phải lúc nào cũng giúp ích, thiết kế mỏng mang lại cho các sản phẩm của Ive vẻ đẹp thẩm mỹ không thể phủ nhận, nhưng nó cũng dẫn đến hậu quả thời lượng pin không đảm bảo trên iPhone và hiện tượng bàn phím gặp lỗi trên MacBook Pro thời gian gần đây.

MacBook Pro có thiết kế mỏng nhưng gặp phải chính vấn đề với độ mỏng nàyMacBook Pro có thiết kế mỏng nhưng gặp phải chính vấn đề với độ mỏng này

Bên cạnh đó, đã có không ít những lời phàn nàn về sự thiếu sáng tạo trong thiết kế của nhiều đời iPhone, đặc biệt là từ iPhone 6 đến iPhone 8. Một số người gay gắt hơn thậm chí còn đòi CEO Tim Cook “thay máu” đội ngũ thiết kế sản phẩm. Tuy nhiên trên thực tế, dù thiết kế không có nhiều thay đổi nhưng doanh số iPhone bán ra từng năm vẫn khiến tất cả các nhà sản xuất smartphone khác trên thế giới phải ao ước. iPhone vẫn đắt hàng trong khi không phải thay đổi quá nhiều về dây chuyền sản xuất bởi thiết kế gần như được giữ nguyên, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất - đó chính là “ma thuật” của Jony Ive và những bộ óc thiên tài tại Apple.

Và như đã nói, điều quan trọng là bạn phải nhận ra được tầm ảnh hưởng của Jony Ive trên toàn bộ lĩnh vực công nghệ đã trở nên phổ biến như thế nào. Gần như tất cả các mẫu điện thoại thông minh hiện tại đều được lấy cảm hứng từ thiết kế toàn màn hình của iPhone thế hệ đầu tiên, và mọi mẫu máy tính xách tay đều được so sánh với thiết kế MacBook Air mang tính biểu tượng.

Có một tin vui với các fan hâm mộ trung thành của Apple, đó là mặc dù sẽ chính thức rời khỏi Apple trong thời gian tới, nhưng ảnh hưởng của Jony Ive đối với nhà Táo vẫn gần như không thay đổi. Công ty mới LoveFrom của Ive coi Apple là khách hàng đầu tiên, cũng như sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với gã khổng lồ nước Mỹ trong một loạt các dự án lớn của tương lai. Và không còn nghi ngờ gì nữa, đạo đức trong thiết kế và và sự cầu toàn về mặt thẩm mỹ của Jony Ive sẽ vẫn tiếp tục vang vọng khắp các hội trường của Apple - Tầm ảnh hưởng của ông ở thời điểm hiện tại là quá lớn, gần như mang tính biểu tượng.

Sự ra đi của Jony Ive sẽ để lại khoảng trống lớn đối với các iFanSự ra đi của Jony Ive sẽ để lại khoảng trống lớn đối với các iFan

Tuy nhiên dù sao đi nữa, sự ra đi của Jony Ive đã thực sự để lại khoảng trống lớn đối với các iFan lâu năm, những người luôn theo sát mọi thăng trầm của công ty trong hàng thập kỷ qua. Nó đánh dấu sự kết thúc cho một kỷ nguyên rực rỡ của đế chế Apple. Từ đây Apple có lẽ sẽ khoác lên mình một phong cách mới, để bước vào một thời kỳ mới - kỷ nguyên “hậu Jony Ive” - với một sự tự tin cao nhất!

Thứ Bảy, 29/06/2019 08:18
52 👨 309
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ