Mozilla cáo buộc Apple, Google và Microsoft can thiệp sâu vào thị trường trình duyệt, tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng

Mozilla, nhà phát triển đứng sau nền tảng trình duyệt web nổi tiếng Firefox, mới đây đã công khai chia sẻ quan điểm về việc những gã khổng lồ công nghệ như Microsoft, Apple và Google, đang có những chính sách can thiệp, tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng cho các sản phẩm của mình trong thị trường trình duyệt.

Cụ thể, Mozilla cho rằng các ông lớn nên trên đã tận dụng hệ sinh thái phần mềm rộng lớn và phong phú của mình để cố gắng “ép buộc”, hướng người dùng đến với các nền tảng trình duyệt của riêng họ. Công ty chỉ ra rằng Apple, Google và Microsoft đều đang sở hữu những nền tảng hệ điều hành lớn cũng như các dịch vụ web phổ biến, và sử dụng chúng như một dạng “quyền lực mềm” để tước đi sự lựa chọn của người dùng về trình duyệt web. Chẳng hạn, Microsoft sẽ cố gắng hướng người dùng Windows sử dụng Edge, Google làm mọi cách để người dùng Android chọn Chrome, hay điều tương tự cũng xảy ra với Safari trên iOS.

Trong một báo cáo phát hành gần đây với tiêu đề “Five Walled Gardens: Why Browsers are Essential to the Internet and How Operating Systems Are Holding Them Back”, Mozilla đã chỉ đích danh việc các trình duyệt web phổ biến nhất hiện nay là Chrome, Safari và Edge có cơ sở người dùng lớn chủ yếu nhờ hệ sinh thái phần mềm và sự can thiệp từ các công ty mẹ. Bản thân Firefox không hề cho trải nghiệm thua kém những cái tên nêu trên, nhưng dần mất đi thị phần do bị “cạnh tranh không lành mạnh”.

Trình duyệt web

Mozilla cũng cho rằng các gã khổng lồ công nghệ sử đang áp dụng nhiều mánh lới khác nhau để khiến việc chuyển đổi trình duyệt web trên các nền tảng hệ điều hành của họ trở nên khó khăn hoặc không thể. Điều này không chỉ làm giảm chất lượng và trải nghiệm người dùng, mà còn có thể làm tăng rủi ro. Mozilla đã nêu ra 5 ví dụ về "tác hại mà sự can thiệp không lành mạnh này có thể gây ra cho người dùng”:

  • Lựa chọn hạn chế hoặc gây khó chịu: Nhà cung cấp hệ điều hành khiến người dùng khó hoặc không thể chuyển đổi trình duyệt web, và cuối cùng là loại bỏ khả năng tự lựa chọn của họ. Điều này về lâu dài sẽ cản trở các đối thủ cạnh tranh hiện tại, và ngăn cản những sản phẩm mới tham gia vào thị trường, bóp nghẹt sự cạnh tranh và sức sáng tạo.
  • Giảm chất lượng: Khi tính cạnh tranh được duy trì, các nhà cung cấp sẽ phải cạnh tranh về chất lượng. Do đó, nếu không có sự cạnh tranh hiệu quả từ các trình duyệt độc lập, người tiêu dùng có thể sẽ phải trải nghiệm các sản phẩm có chất lượng thấp hơn theo thời gian.
  • Nghèo nàn trong đổi mới: Sự đổi mới và chất lượng có mối liên kết chặt chẽ. Dự độc quyền làm giảm động lực đổi mới, từ đó khiến chất lượng trải nghiệm không thể được cải thiện.
  • Quyền riêng tư bị ảnh hưởng: Người dùng có thể bị bỏ rơi với một sản phẩm khiến họ phải chia sẻ dữ liệu bắt buộc, sử dụng sai dữ liệu hoặc các tác hại khác về quyền riêng tư. Những kết quả này có thể là dấu hiệu của chất lượng thấp do cạnh tranh không hiệu quả.
  • Những ràng buộc bất lợi: Nếu không có sự lựa chọn thích hợp, người dùng có thể bị buộc phải chấp nhận các thỏa thuận có thể bất lợi hoặc không công bằng.

Nhìn chung, những cáo buộc mà Mozilla đưa ra không phải là mới. Microsoft với Windows, Apple với iOS và macOS, và Google với Android đã từng không lần bị chỉ trích về việc gián tiếp hạn chế khả năng lựa chọn trình duyệt web của người dùng. Các công ty này cũng đã phải đối mặt với nhiều vụ kiện liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn không có gì thay đổi. Mozilla có lẽ sẽ cần làm nhiều hơn để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình.

Thứ Hai, 26/09/2022 10:27
52 👨 347
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ