Vào tháng 11 năm 2019, Google tuyên bố sẽ hợp tác với hệ thống y tế Ascension. Hai bên sẽ cùng nhau quản lý dữ liệu bệnh nhân trên đám mây. Công ty này đảm bảo với bệnh nhân rằng họ sẽ tuân thủ các quy định của ngành về dữ liệu bệnh nhân như HIPPA. Tuy nhiên, nhiều người không khỏi lo ngại về các vấn đề bảo mật và quyền riêng tư, khi Google nắm giữ dữ liệu của khoảng 50 triệu bệnh nhân.
Vậy đâu là ưu và nhược điểm của việc lưu trữ dữ liệu y tế trên đám mây?
Sẽ ra sao nếu dữ liệu y tế được lưu trữ trên đám mây?
Ưu điểm của lưu trữ dữ liệu y tế dựa trên đám mây
Chắc chắn có một số lợi thế của việc lưu trữ dữ liệu bệnh nhân trực tuyến, chẳng hạn như có thể dễ dàng truy cập. Việc này thậm chí có thể giúp các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe mang đến cho bệnh nhân của họ một dịch vụ tốt hơn.
Chia sẻ file giữa các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe
Một vấn đề thường gặp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là những gì xảy ra với hồ sơ của ai đó, khi họ chuyển đến một thành phố hoặc khu vực mới. Khi họ đến gặp bác sĩ ở nơi ở mới, bác sĩ đó có thể khó tiếp cận những dữ liệu y tế trước đó của bệnh nhân. Nguyên nhân là bởi vì các địa phương và tổ chức khác nhau có những cách sắp xếp và lưu trữ file khác nhau.
Không có quyền truy cập vào dữ liệu y tế trước đây của bệnh nhân, bác sĩ mới có thể không nắm được hết lịch sử y tế của người bệnh. Bác sĩ cũng có thể không biết về tình trạng hiện tại hoặc những loại thuốc mà bệnh nhân đang dùng. Điều này có thể gây ra vấn đề nếu, ví dụ, bác sĩ mới của bạn không biết về chứng dị ứng mà bạn buộc phải dùng một loại thuốc cụ thể.
Một vấn đề tương tự xảy ra với việc chia sẻ dữ liệu giữa các chuyên gia y tế. Bạn có thể phải thường xuyên ghé thăm bác sĩ đa khoa và bác sĩ tim mạch. Lý tưởng nhất, bạn sẽ muốn hai bác sĩ này có cơ hội trao đổi với nhau. Nếu một trong số họ phát hiện ra vấn đề nào đó, thì vị bác sĩ kia cũng sẽ nhanh chóng nắm được thông tin. Tuy nhiên, việc chia sẻ thông tin giữa các nhà cung cấp dịch vụ y tế có thể hơi khó khăn.
Các bệnh viện hoặc phòng khám khác nhau có thể không có khả năng trao đổi thông tin tốt. Điều này có thể dẫn đến thông tin không được chuyển đến tất cả các nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe có liên quan.
Việc thiếu khả năng chia sẻ dữ liệu này làm nảy sinh vấn đề. Ví dụ, nếu các nhà cung cấp dịch vụ y tế khác nhau đang thực hiện những xét nghiệm trùng lặp, thì điều đó vừa gây lãng phí tiền bạc vừa là nguyên nhân khiến cho bệnh nhân thấy căng thẳng. Với hệ thống dựa trên đám mây, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chia sẻ hồ sơ với nhau dễ dàng hơn nhiều.
Đặc biệt trong trường hợp hệ thống của Google, hãng này dự định hợp nhất các hồ sơ thành một định dạng có thể đọc được. Điều đó sẽ giúp các bác sĩ và y tá dễ dàng tìm thấy những dữ liệu mà họ cần.
Sao lưu file trong trường hợp khẩn cấp
Cũng giống như sao lưu các file trên máy tính, những file chứa thông tin y tế dễ bị tổn hại nếu không được sao lưu. Giả sử hồ sơ được lưu giữ trên giấy, hỏa hoạn hoặc lũ lụt có khả năng phá hủy chúng hoàn toàn.
Vấn đề tương tự phát sinh nếu một hệ thống bệnh viện lưu giữ các file điện tử nhưng không sao lưu chúng. Trong trường hợp này, một sự cố với phần mềm hoặc máy chủ của bệnh viện có thể phá hủy hồ sơ y tế.
Lưu trữ các file trong đám mây làm cho chúng ít bị ảnh hưởng bởi thảm họa. Lưu trữ đám mây không phải là sự thay thế cho một bản sao lưu thực sự, nhưng nó chắc chắn an toàn hơn trước các thảm họa.
Truy cập file từ bất kỳ vị trí nào
Nếu sống trong một thành phố lớn, bạn có thể không gặp vấn đề gì khi tìm bác sĩ hoặc bệnh viện gần nơi mình sống. Tuy nhiên, nếu bạn sống ở một vùng nông thôn, điều này có thể khó khăn hơn nhiều. Một số người sống cách nhà cung cấp dịch vụ y tế gần nhất hàng giờ di chuyển.
Đối với những người này, cũng như người già hoặc những người có vấn đề về di chuyển, eHealth là một lĩnh vực đang phát triển. Lĩnh vực này đề cập đến việc sử dụng viễn thông để chăm sóc sức khỏe. Ví dụ, bạn có thể có một cuộc hẹn với bác sĩ ảo bằng cách sử dụng công nghệ trò chuyện video như Skype. Ngoài ra còn có mHealth, sử dụng điện thoại di động để chăm sóc sức khỏe.
Trong những trường hợp này, việc có thể truy cập các file y tế từ một địa điểm cách xa nhà bệnh nhân là điều rất quan trọng. Lưu trữ đám mây các file y tế có nghĩa là việc bạn ở cách nhà cung cấp dịch vụ y tế bao xa không quan trọng. Các bác sĩ vẫn có thể xem hồ sơ y tế của bạn khi cần.
Nhược điểm của lưu trữ dữ liệu y tế dựa trên đám mây
Việc lưu trữ các file y tế dựa trên đám mây không phải toàn ưu điểm. Vẫn có những hạn chế cần xem xét.
Rủi ro bảo mật tiềm năng
Bất kỳ khi nào thông tin được lưu trữ kỹ thuật số, nó đều dễ bị rủi ro bảo mật. Tin tặc có thể truy cập các file y tế, trong đó có chứa nhiều thông tin mang tính riêng tư cao.
Khi các tổ chức lưu trữ file một cách tập trung, nhà cung cấp dịch vụ có thể không đủ khả năng kiểm soát những biện pháp bảo mật cho toàn bộ dữ liệu đó. Nếu dự án giữa Google và Ascension bị tấn công, một lượng lớn dữ liệu cá nhân có thể rơi vào tay kẻ xấu.
Vấn đề riêng tư
Một mối quan tâm lớn khác là liệu một công ty như Google có thể được tin cậy để nắm giữ những dữ liệu rất nhạy cảm như vậy hay không. Trước đây, công ty này đã thừa nhận rằng các ứng dụng của bên thứ ba có thể đọc Gmail của bạn.
Và đã có trường hợp các công ty như Amazon có nhân viên lắng nghe về những điều mọi người cho là ghi âm riêng tư.
Rất nhiều người lo lắng rằng điều tương tự có thể xảy ra với dữ liệu y tế. Chuyện một nhân viên Google có thể xem hồ sơ y tế của bạn thật khó chịu. Mọi người tin tưởng bác sĩ, chứ không phải một công ty công nghệ, trong việc lưu giữ thông tin sức khỏe của mình.
Thêm vào thực tế là nhiều bệnh nhân không biết dữ liệu của họ có thể được chuyển giao cho Google. Về mặt pháp lý, Ascension không bắt buộc phải thông báo về kế hoạch với Google cho bệnh nhân của mình. Nhưng nhiều người đã bị sốc khi biết rằng các file y tế của họ có thể được truy cập bởi một công ty như Google.
Kiếm tiền từ dữ liệu chăm sóc sức khỏe
Cuối cùng, có một vấn đề khác nổi lên bởi sự số hóa trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nói chung. Hãy nghĩ về một thiết bị như Fitbit. Đó là một cách tuyệt vời để khuyến khích mọi người tập thể dục nhiều để trở nên khỏe mạnh hơn.
Một số công ty bảo hiểm y tế đã giảm giá cho những khách hàng sử dụng các công cụ theo dõi thể chất như Fitbit. Và chủ lao động nơi bạn làm việc có thể sớm bắt buộc bạn phải sử dụng những vòng tay theo dõi sức khỏe như thế, nếu muốn bạn đủ điều kiện để nhận những quyền lợi liên quan đến y tế. Hoặc thậm chí một công ty bảo hiểm có thể từ chối thanh toán các yêu cầu bồi thường, nếu khách hàng không hoạt động đủ mức theo dữ liệu trên vòng đeo tay theo dõi sức khỏe.
Những rủi ro này trở nên trầm trọng hơn khi lưu trữ dữ liệu chăm sóc sức khỏe trên đám mây. Việc này tạo ra nhiều khả năng các công ty bảo hiểm hoặc sử dụng lao động có thể truy cập dữ liệu y tế của khách hàng/nhân viên.
Có một số mặt tích cực trong việc di chuyển dữ liệu y tế lên đám mây, bao gồm việc giao tiếp tốt hơn giữa các bác sĩ và cho phép những dịch vụ như eHealth hoạt động. Tuy nhiên, cũng có những hạn chế về bảo mật và quyền riêng tư đối với phương pháp này.