Vĩnh biệt huyền thoại Fernando “Corby” Corbató, cha đẻ của mật khẩu máy tính

Một trong những nhà khoa học máy tính huyền thoại của MIT, đồng thời cũng là cái tên được kính trọng bậc nhất trong thế giới công nghệ thông tin: Fernando “Corby” Corbató đã từ trần ở tuổi 93, trong vòng tay đồng nghiệp và người thân tại nhà riêng ở Newton, Massachusetts, Hoa Kỳ.

Đây là một sự mất mát lớn lao với không chỉ gia đình, bạn bè của Fernando “Corby” Corbató, mà còn với cả những người yêu công nghệ trên toàn thế giới. Để gửi lời tri ân đến nhà khoa học máy tính thiên tài với những đóng góp lớn lao cho nhân loại này, hãy cùng điểm qua những cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời và sự nghiệp đáng trân trọng của ông.

Fernando “Corby” CorbatóFernando “Corby” Corbató (1926 - 2019)

Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của Fernando “Corby” Corbató

Corbató sinh ngày 1 tháng 7 năm 1926 tại Oakland, California. Cha ông chính là Hermenegildo Corbató, một giáo sư văn học nổi tiếng gốc Tây Ban Nha, và mẹ là Charlotte (nhũ danh Carella Jensen) Corbató. Đến năm 1930, ông Hermenegildo được bổ nhiệm về công tác tại Đại học California (UCLA), gia đình Corbató chuyển đến sinh sống tại Los Angeles để phục vụ cho công việc của cha ông. Chính lần chuyển nhà này đã có ảnh hưởng khá lớn đến Fernando “Corby” Corbató, cũng như giai đoạn học tập và sự nghiệp sau này của ông.

Corbató được giữ lại làm việc tại Trung tâm Khoa học Máy tính của MITCorbató được giữ lại làm việc tại Trung tâm Khoa học Máy tính của MIT

Năm 1943, Corbató trúng tuyển UCLA, tuy nhiên chưa kịp nhập học thì Thế chiến II nổ ra, ông được Hải quân tuyển dụng và phục vụ nhiều chiến dịch quan trọng. Việc phải bảo lưu kết quả học tập và gia nhập quân đội vô hình chung lại là bước ngoặt mang tính tích cực trong cuộc đời của Corbató. Trong những năm tháng thuộc biên chế Hải quân Hoa Kỳ, Fernando “Corby” Corbató đã được tiếp cận với vô số trang thiết bị, hệ thống máy tính tối tân nhất. Với bản tính ham học hỏi, ưa khám phá và sở hữu bộ óc cực kỳ thông minh, Corbató đã nhanh chóng biết cách vận hành và làm chủ hầu hết hệ thống máy tính phức tạp sử dụng trong đơn vị, nhờ đó, ông đã được cấp trên cất nhắc giao thêm nhiệm vụ vận hành và bảo trì hệ thống máy tính của đơn vị, và chính “nghề tay trái” này đã truyền cảm hứng mãnh liệt cho sự nghiệp tương lai của ông.

Chiến tranh kết thúc, Corbató rời Hải quân năm 1946 và lao ngay vào học tập. Ông theo học tại Học viện Công nghệ California và nhận bằng cử nhân vật lý năm 1950. Sau đó 6 năm (1956), Corbató lấy tiếp bằng tiến sĩ vật lý tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) - một trong những cơ sở giáo dục đại học và sau đại học uy tín nhất thế giới.

Ngay sau khi có bằng tiến sĩ, Corbató được giữ lại làm việc tại Trung tâm Khoa học Máy tính của MIT, và chính thức trở thành giáo sư vào năm 1965. Ông đã dành gần như toàn bộ sự nghiệp của mình tại viện công nghệ danh tiếng này.

Fernando “Corby” Corbató là cựu chiến binh của Hải quân Hoa Kỳ, và là cựu sinh viên của Viện Công nghệ California, cũng như MIT. Ông có cuộc sống gia đình viên mãn với người vợ Emily Corbató, 2 cô con gái Carolyn và Nancy, 2 con trai David và Jason Gish; anh trai Charles; và 5 người cháu.

Fernando “Corby” Corbató và hành trình phát minh ra password

Nhà khoa học máy tính sinh năm 1926 chính là người góp công lớn nhất trong một số tiến bộ quan trọng về lĩnh vực không gian khoa học máy tính, trong đó đáng chú ý nhất là sự ra đời của mật khẩu (password) - thành tựu mà ông đã phát minh ra ngay trong dự án nghiên cứu đầu tiên mà ông chủ trì, có liên quan đến chia sẻ thời gian trên máy tính (computer time sharing).

Fernando “Corby” Corbató tại Viện Công nghệ MassachusettsFernando “Corby” Corbató tại Viện Công nghệ Massachusetts

Corbató là người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của Hệ thống chia sẻ thời gian máy tính (Computer Time-Sharing System - CTSS). Đây được coi là một trong những “hệ điều hành” đầu tiên trên thế giới, cho phép nhiều người có thể sử dụng máy tính cùng một lúc, đồng thời góp phần đẩy nhanh tốc độ làm việc của các lập trình viên. Ngoài ra, CTSS cũng được ghi nhận là hệ thống máy tính đầu tiên sử dụng password.

Sự ra đời của password cho phép các nhà phát triển làm việc trên các hệ thống máy tính dùng chung thông qua tài khoản riêng của mình. Trong tài khoản này, họ có thể tùy ý lưu trữ và sao lưu dữ liệu của mình một cách hoàn toàn bảo mật.

CTSS cũng được coi là hệ thống tiên phong trong lĩnh vực nhắn tin trên máy tính - phiên bản đầu của email, hỗ trợ khả năng nhắn tin tức thời và xử lý văn bản nhanh chóng. Các lập trình viên có thể viết mã bằng trình soạn thảo văn bản có tên QED, tiền thân của ed, vi và vim. Ken Thompson, người sau này đã thiết kế ra ngôn ngữ lập trình Go của Google, cũng góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của QED. Ông đã bổ sung thêm khả năng chọn và chỉnh sửa văn bản bằng các biểu thức thông thường.

Sau sự thành công của dự án CTSS, Fernando “Corby” Corbató không nghỉ ngơi mà tiếp tục khởi động một dự án khác gọi là Multics, và sự thành công của dự án này có ảnh hưởng rất lớn đến các hệ thống máy tính ngày nay. Multics lấy cảm hứng một phần từ Unix và được sử dụng bởi Dennis Ritchie, người đã cùng với Brian Kernighan, phát triển ra ngôn ngữ lập trình C hiện vẫn còn được sử dụng rộng rãi cho đến tận ngày nay.

Các dự án thành công của Corbatóà nguồn cảm hứng cho nhiều dự án khác tại MITCác dự án thành công của Corbatóà nguồn cảm hứng cho nhiều dự án khác tại MIT

Các dự án của Corbató tại MIT được cho là nguồn cảm hứng rất lớn cho sự ra mắt của Project MAC - tiền thân của Phòng thí nghiệm Khoa học Máy tính (Laboratory for Computer Science) - sau đó đã kết hợp với Phòng thí nghiệm Trí tuệ Nhân tạo (Artificial Intelligence Lab) tạo thành Phòng thí nghiệm Khoa học Máy tính và Trí tuệ Nhân tạo (CSAIL) nổi tiếng thế giới mà chắc hẳn bất cứ ai yêu công nghệ cũng đã từng nghe qua.

MIT CSAIL hiện sở hữu hơn 600 nhà nghiên cứu xuất sắc nhất thế giới, là cái nôi của nhiều tiến bộ ấn tượng bậc nhất trong lĩnh vực khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo.

Giải thưởng và di sản

Với những đóng góp lớn lao của mình trong lĩnh vực khoa học máy tính, Fernando “Corby” Corbató đã được vinh danh với vô số giải thưởng lớn nhỏ, trong đó nổi bật nhất là giải thưởng Turing năm 1990 "với tư cách là người tiên phong trong việc tổ chức các khái niệm và dẫn dắt sự phát triển của hệ thống máy tính đa năng, chia sẻ thời gian và chia sẻ tài nguyên".

Fernando “Corby” Corbató được vinh danh với giải thưởng Turing cao quý vào năm 1990 Fernando “Corby” Corbató được vinh danh với giải thưởng Turing cao quý vào năm 1990

Năm 2012, ông đã trở thành thành viên của Bảo tàng Lịch sử Máy tính "với sự nghiệp tiên phong về chia sẻ thời gian và hệ điều hành Multics".

Bên cạnh những thành tựu đã được biết đến rộng rãi, có lẽ di sản lớn nhất mà Fernando “Corby” Corbató để lại cho hậu thế chính là Bộ luật Corbató (Corbató's Law), trong đó nêu rõ:

"Số dòng mã mà lập trình viên có thể viết trong một khoảng thời gian cố định là như nhau, không phụ thuộc vào ngôn ngữ được sử dụng".

Đồng thời Corbató cũng được công nhận là người giúp tạo ra mật khẩu máy tính đầu tiên trên thế giới.

Tuy nhiên đối với Fernando “Corby” Corbató, có lẽ sự kính trọng từ đồng nghiệp và sự công nhận của người yêu công nghệ trên toàn thế giới đối với những thành tựu nêu trên mới là giải thưởng cao quý nhất trong cuộc đời ông.

Thứ Ba, 16/07/2019 14:40
55 👨 541
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Trí tuệ Thiên tài