Một trong những lợi ích của các công việc thuộc ngành công nghệ là khả năng làm việc từ xa. Bạn có thể bàn giao công việc của mình ngay cả khi đang ở một thành phố khác, một đất nước khác, thậm chí là châu lục khác cũng không là vấn đề gì. Vì vậy các công việc về khoa học máy tính như này cũng là một trong những lĩnh vực có tỷ lệ làm việc tại nhà khá cao.
Quantrimang xin tổng hợp top 5 công việc về Khoa học máy tính tốt nhất mà bạn có thể làm ở nhà.
- Web Developer
- User Experience Analysis
- Technical Writer
- Android/IOS Developer
- Software Tester
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một cách khái quát về từng công việc.
1. Nhà phát triển web - Web Developer
Công việc về lập trình/phát triển web là một trong những lựa chọn được các sinh viên mới tốt nghiệp lựa chọn theo đuổi nhiều nhất. Công việc đòi hỏi bạn phải phát triển một trang web từ đầu, sửa đổi bố cục của nó và chắc chắn rằng các chức năng của nó đáp ứng các thông số kỹ thuật của khách hàng, chịu trách nhiệm phát triển web và đảm bảo rằng nó chạy trơn tru.
Là một nhà phát triển web, bạn phải thành thạo với khá nhiều ngôn ngữ phát triển web như: Linux, cơ sở dữ liệu, ngôn ngữ máy chủ và framework, các công nghệ máy khách như HTML, CSS và JavaScript. Trong thực tế, bạn nên giỏi cả về frontend và backend của lập trình web. Ngoài thiết kế và phát triển web, bạn cần nắm bắt các biện pháp bảo mật khác nhau để lập trình web.
2. Chuyên gia Phân tích Trải nghiệm người dùng
Khoa học Máy tính trang bị cho bạn kiến thức và kỹ năng phù hợp để trở thành Chuyên gia phân tích UX (User Experience - Trải nghiệm người dùng). Trải nghiệm người dùng là những gì người dùng cảm nhận được khi sử dụng một sản phẩm như website, ứng dụng, phần mềm. Các chi tiết về thiết kế giao diện – như hiệu năng, bố cục, cấu trúc dàn trang, điều hướng,…đều ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm người dùng, cho dù là tích cực hay tiêu cực. Về cơ bản, vị trí công việc này đòi hỏi bạn phân tích và đo lường sự tương tác giữa người dùng với giao diện người dùng của hệ thống. Bạn có thể được yêu cầu phân tích một trang web, một ứng dụng di động hoặc thậm chí phần cứng.
Hầu như tất cả các công ty muốn khởi chạy một trang web hoặc ứng dụng đều mong muốn sẽ mang lại cho khách hàng mục tiêu của họ những trải nghiệm thú vị. Vì vậy trước khi ra mắt một trang web, họ sẽ thuê các nhà phân tích UX để phân tích các khía cạnh khác nhau của sản phẩm. Ngoài việc phân tích bố cục chung của một ứng dụng hoặc trang web, bạn cũng sẽ được yêu cầu phân tích hành vi của nền tảng.
3. Chuyên viên viết tài liệu kỹ thuật - Technical Writer
Nếu bạn giỏi viết lách thì đây là công việc rất phù hợp và có thể dễ dàng làm việc tại nhà. Công việc này là lý tưởng cho những người muốn thử một cái gì đó khác với việc chỉ ngồi viết code.
Là một Technical Writer, bạn sẽ được yêu cầu viết các loại tài liệu kỹ thuật khác nhau, bao gồm hướng dẫn sử dụng cho các sản phẩm phần mềm, tài liệu hỗ trợ, chuyển thông tin kỹ thuật thành những hướng dẫn hoặc bản tóm tắt dễ hiểu, thông cáo báo chí, báo cáo kỹ thuật, các bản đặc tả, hoặc một loạt các loại tài liệu khác.
Để trở thành một Technical Writer hiệu quả, bạn cần có một sự hiểu biết về những thứ mà bạn đang viết, cho dù đó là một ứng dụng hoặc một tập hợp các bản thiết kế kỹ thuật. Vậy nên nếu bạn có kiến thức về khoa học máy tính nhưng tài năng của bạn nằm trong việc viết ra những đoạn văn bản ngắn gọn, hữu ích chứ không phải tạo ra các ứng dụng hoặc cơ sở dữ liệu, thì technical writing sẽ là một con đường sự nghiệp tuyệt vời đấy.
4. Chuyên gia phát triển ứng dụng Android/iOS
Mặc dù Android và iOS là hai nền tảng khác nhau nhưng đều liên quan đến phát triển ứng dụng di động. Nếu bạn giỏi một trong hai nền tảng, bạn có thể tận dụng các kỹ năng của mình để làm việc tại nhà và kiếm được thu nhập khá.
Nhiều công ty hiện đang tập trung để đưa ra các ứng dụng di động sẽ giúp họ tiếp cận với khách hàng, vậy nên miễn là bạn giỏi phát triển ứng dụng di động, những cơ hội như vậy chắc chắn sẽ tự động tìm đến. Có rất nhiều nhà phát triển ứng dụng di động thành công đang làm việc tự do. Nói cách khác, họ xây dựng mọi thứ bằng việc làm tại nhà.
5. Kiểm thử phần mềm - Tester
Trước khi phần mềm được phát hành ra thị trường thì cần xem xét kỹ lưỡng nhiều khía cạnh khác nhau, có thể là giao diện người dùng, hệ thống cơ sở dữ liệu, bảo mật phần mềm, tốc độ, khả năng phản hồi và kiểm soát phiên bản. Tester là người kiểm thử những phần mềm này để tìm kiếm các lỗi, sai sót, hay bất cứ vấn đề nào có thể ảnh hưởng đến chất lượng phần mềm.
Với kiến thức khoa học máy tính của mình, bạn có thể trở thành nhà phát triển phần mềm full-stack. Bạn sẽ có thể kiểm tra các ứng dụng di động, ứng dụng máy tính để bàn và thậm chí cả phần mềm máy tính để bàn. Bạn sẽ được kiểm tra tất cả các thành phần của phần mềm như cơ sở dữ liệu, bảo mật, tốc độ, chức năng phần mềm và thậm chí cả trải nghiệm người dùng.
Vào cuối mỗi bài kiểm tra, bạn sẽ được yêu cầu đưa ra các khuyến nghị và nêu ra những cải tiến cần thiết nên được thực hiện.
Trên đây chỉ là một số công việc khoa học máy tính mà bạn có thể làm ở nhà. Nếu bạn nghĩ rằng có một công việc "hay ho" nào đã bị bỏ lỡ trong danh sách này thì hãy bình luận bên dưới để Quantrimang bổ sung nhé.