Danh sách các quốc gia đi đầu thế giới về công nghệ 5G: Hàn Quốc và phần còn lại

Thế hệ mạng di động 5G mới đang được triển khai mạnh mẽ tại các quốc gia phát triển, mang đến những lời hứa hẹn về tương lai của một tiêu chuẩn kết nối thông suốt và liền mạch giữa tất cả các tiện ích của thế giới công nghệ, từ cảm biến, hệ thống phần mềm, cho tới robot và các nền tảng IoT. Với độ tin cậy, tính ổn định cao, công suất lớn và đặc biệt là độ trễ thấp chưa từng có. 5G đang góp phần hình thành lên nền tảng của một hệ thống điều khiển tự động toàn diện, hoạt động trong môi trường rộng lớn mang tính toàn cầu quan trọng.

Không quá khi nói rằng 5G đã trở thành một “dấu ấn đặc trưng” của những nước phát triển, với việc các quốc gia trên toàn thế giới đang chạy đua quyết liệt để áp dụng nền tảng băng thông mới hơn và nhanh hơn cho nền tảng viễn thông di động của mình. Báo cáo mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường Omdia đã tiết lộ vị thế toàn cầu của nhiều quốc gia dựa trên sự tiến bộ trong việc phổ cập 5G, trong đó những “điểm nóng” đáng chú ý nhất chủ yếu tập trung ở châu Âu và châu Á.

Theo báo cáo của Omdia, có 5 yếu tố chính được tính đến để tổng hợp cũng như đánh giá quy mô phổ cập mạng 5G của một quốc gia. Trong đó, Hàn Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu toàn cầu (và tất nhiên là cả Châu Á) về quy mô phổ cập 5G trong phạm vi lãnh thổ, trong khi Thụy Sĩ xuất sắc vượt mặt Kuwait để vươn lên vị trí thứ hai, đồng thời cũng là quốc gia đi đầu châu Âu khi nói tới 5G. Thụy Sĩ đã vượt qua Kuwait với 426 thành phố và thị trấn có ít nhất 80% vùng phủ sóng 5G, và con số này tiếp tục mở rộng lên 535 tính đến tháng 5 vừa qua.

Các quốc gia đi đầu thế giới về quy mô 5G
Các quốc gia đi đầu thế giới về quy mô 5G

Các vị trí tiếp theo trong top 10 lần lượt bao gồm Kuwait, Hoa Kỳ, Qatar, Trung Quốc, Anh, Phần Lan, Nhật Bản, Đức - chủ yếu là những quốc gia đến từ châu Á và châu Âu.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng tính khả dụng của thiết bị hỗ trợ 5G hiện nay vẫn còn rất hạn chế ở gần như tất cả các quốc gia, đây là yếu tố chính cản trở mọi người tiếp cận với thế hệ mạng viễn thông mới ưu việt này. Một ví dụ điển hình là điện thoại thông minh, mặc dù các mẫu smartphone 5G mới liên tục được ra mắt thời gian gần đây, nhưng số lượng người dùng sở hữu các mẫu smartphone này vẫn không thực sự nhiều, trong khi những thiết bị cầm tay bổ biến như điện thoại sẽ là yếu tố đóng vai trò rất lớn khi xem xét đến quy mô phổ cập 5G ở một quốc gia. Báo cáo của Omdia tiết lộ Hàn Quốc hiện đang dẫn đầu thế giới về tỉ lệ dân số sở hữu thiết bị hỗ trợ 5G, với khoảng 5,88 triệu thiết bị, tương đương 10% tổng số smartphone đang được sử dụng tại quốc gia này.

Ngoài ra, không thể không nói đến vai trò từ các chính sách đầu tư của chính phủ đối với việc mở rộng quy mô mạng 5G. Omdia cho rằng yếu tố giúp Anh vươn lên vị trí số 2 châu Âu về quy mô 5G nằm ở sự mạnh tay của chính phủ trong các dự án đầu tư mở rộng phạm vi phủ sóng Gigabit trên toàn quốc. Quốc gia này đã cam kết đầu tư 1,1 tỷ bảng cho 5G, bao gồm cả 400 triệu bảng cho cơ sở hạ tầng hỗ trợ các mạng di động và cố định mới. Đồng thời, các nhà cung cấp dịch vụ trong nước cũng đang sẵn sàng ra mắt mạng 5G của riêng mình, đẩy mạnh phổ cập 5G bất chấp những tác động lớn đến nền kinh tế khác nhau do đại dịch COVID-19.

5G

Có thể nói, chuẩn kết nối 5G sẽ đặt nền móng cho một mô hình tiếp theo trong sự phát triển của nền tảng công nghệ toàn cầu, cũng như cách thức chúng ta kiểm soát cuộc sống. Những lợi ích về kinh tế và xã hội sẽ cho phép mang đến một mức độ dịch vụ mang tính cách mạng, với khả năng kết nối sâu rộng và ưu việt hơn. Đồng thời sẽ giúp tạo ra các mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, không chỉ cải thiện năng suất, tính hiệu quả, mà còn góp phần mở đường cho sự ra đời của nhiều ngành công nghiệp hoàn toàn mới mẻ.

Theo các nhà phân tích, chỉ riêng chuỗi giá trị di động 5G đã có thể tạo ra doanh thu lên tới 3.5 nghìn tỷ đô la vào năm 2035. Nó sẽ mở đường cho sự kết hợp rộng rãi giữa các ngành công nghiệp, với động lực phát triển chính là hàng hóa và dịch vụ, và đồng thời sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào tăng trưởng GDP toàn cầu. Vì vậy, đặt cược vào lĩnh vực viễn thông như một tập hợp con của lĩnh vực công nghệ rộng lớn hơn, để qua đó đưa ra những phương án phát triển bền vững và hợp lý là điều mà các Chính phủ, hay những nhà hoạch định chính sách nên tính đến.

Thứ Sáu, 09/10/2020 22:26
31 👨 1.270
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ