Vài ngày trước, Facebook thông báo rằng họ có kế hoạch kết hợp một phần các ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất của mình, điều này cho phép người dùng các ứng dụng này có thể nhắn tin chéo cho nhau. Và đúng theo dự đoán của chúng ta, một số nhà lập pháp Hòa Kỳ đã ngay lập tức bày tỏ thái độ không hài lòng về điều này.
Cụ thể, vào hôm thứ sáu tuần trước, tờ New York Times đã đưa ra thông tin rằng CEO Mark Zuckerberg đang thúc giục đội ngũ của mình hoàn tất việc liên thông ba ứng dụng nhắn tin - trò chuyện lớn của Facebook là Messenger, WhatsApp và Instagram, nhằm cho phép các ứng dụng này có thể tương tác chéo với nhau. Sự thay đổi này có nghĩa là người dùng của một ứng dụng sẽ có thể nhắn tin cho người dùng của một ứng dụng khác và nó sẽ gắn kết các sản phẩm thuộc sở hữu của Facebook hiện tại gần nhau hơn, như một hệ sinh thái rộng lớn.
Tuy nhiên, sự thay đổi này lại diễn ra sau khi Facebook đã vướng phải hàng loại những vụ bê bối nghiêm trọng về quyền riêng tư và phải đang đối mặt với sự kiểm tra gắt gao của các cơ quan hành pháp về việc xử lý dữ liệu của người dùng. Do đó, cũng có thể hiểu được phần nào sự quan tâm của các nhà lập pháp trước quyết định được cho là “mang lại những lợi ích thiết thực cho người dùng” này của Facebook.
Và trong bối cảnh như vậy, kế hoạch liên thông các ứng dụng nhắn tin của Facebook đã nhanh chóng làm dấy lên lo ngại rằng mạng xã hội gây tranh cãi này có thể trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết và có khả năng “gây nguy hiểm” trên quy mô lớn hơn, bằng cách sử dụng thị phần cực áp đảo của mình để đè bẹp các đối thủ, và quan trọng hơn là định hướng thị trường theo cách mà họ muốn.
Nghị sĩ đảng Dân chủ California Ro Khanna là một trong những chính trị gia đầu tiên bình luận về quyết định mới này của Facebook. Ông cho rằng động thái này đã làm dấy lên mối lo ngại về việc cạnh tranh không lành mạnh, có thể dẫn đến hậu quả “cá lớn nuốt cá bé” như việc Facebook mua lại Instagram và WhatsApp vào các năm 2012 và 2014.
"Đây là lý do tại sao chúng ta cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn quá trình mua lại Instagram và WhatsApp của Facebook, điều mà giờ đây rõ ràng giống như một sự hợp nhất có thể vi phạm vào luật chống độc quyền. Hãy tưởng tượng thế giới sẽ khác biệt như thế nào nếu Facebook phải cạnh tranh với Instagram và WhatsApp. Điều đó sẽ khuyến khích sự cạnh tranh thực sự, đồng thời thúc đẩy việc tôn trọng quyền riêng tư và cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng", ông Ro Khanna chia sẻ trên Twitter.
Trong một tuyên bố gửi qua email, thượng nghị sĩ Dân chủ Ron Wyden, một người vốn nổi tiếng trong việc luôn bày tỏ ý kiến một cách thẳng thắn về các vấn đề, chính sách công nghệ cũng chia sẻ rằng ông đặc biệt lo ngại về vấn đề riêng tư và bảo vệ dữ liệu dữ liệu nếu kế hoạch mới này của Facebook được triển khai. Trong thư gửi trang tin nổi tiếng Business Insider, ông viết:
"Tôi có rất nhiều câu hỏi về cách thức mà Facebook dự định sẽ kết hợp các dịch vụ này ra sao. Giả sử sự thay đổi này làm suy yếu khả năng bảo mật và mã hóa của WhatsApp, đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào an toàn dữ liệu của hàng triệu người trên thế giới. Còn nếu Facebook có ít định thông qua sự thay đổi này để có thể thu thập thêm thông tin cá nhân của người dùng nhằm mục đích lợi nhuận, thì đó là một lý do chính đáng để chúng ta phải lo ngại về cái cách mà các tập đoàn công nghệ sử dụng dữ liệu của người dùng, và các nhà lập pháp không chỉ ở Hoa Kỳ, mà trên toàn thế giới cũng cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc bảo đảm quyền lợi cho người dùng”.
Suy cho cùng thì những bình luận có phần hơi “hình thức” trên có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quyết định của Facebook. Tuy nhiên, với những quan tâm ngày càng tăng đối với vấn đề quyền riêng tư trên Internet cũng các dự thảo luật hướng đến việc siết chặt quản lý không gian mạng xã hội, Facebook cũng không thể bỏ ngoài tai những lời cảnh báo của các chính trị gia.
Theo báo cáo của New York Times, Facebook có kế hoạch sử dụng mã hóa đầu cuối trên cả ba ứng dụng sau khi việc sáp nhập được hoàn tất. Không rõ nó sẽ hoạt động như thế nào trong thực tế và người phát ngôn của Facebook Jennifer Hakes cũng đã từ chối cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào ngoài một tuyên bố ngắn như sau:
“Chúng tôi muốn xây dựng lên những trải nghiệm nhắn tin, trò chuyện tốt nhất có thể cho người dùng, và quan trọng là sự nhanh chóng, đơn giản, đáng tin cậy và đặc biệt là quyền riêng tư sẽ được Facebook đặt lên hàng đầu. Các ứng dụng này cũng sẽ được mã hóa đầu cuối để việc đăng nhập và sử dụng tính năng mới được đồng bộ và dễ dàng hơn”.
Nhìn chung, những lời chỉ trích là biểu hiện cho sự hoài nghi to lớn mà Facebook hiện đang phải đối mặt từ các nhà lập pháp, các chính trị gia, đặc biệt là cả người dùng nữa, và cuộc đấu tranh khó khăn mà họ sẽ phải vượt qua trong thời gian sắp tới chính là thuyết phục mọi người tin rằng bất kỳ thay đổi nào mà Facebook hướng tới đều có mục đích lớn nhất là mang lại lợi ích cho người dùng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có suy nghĩ bi quan về hậu quả tiềm tàng của sự thay đổi này. Alex Stamos, cựu giám đốc bảo mật của Facebook, đã ca ngợi rằng nếu Facebook thực hiện mã hóa đầu cuối thì đó sẽ là "sự nâng cao mạnh mẽ nhất về quyền riêng tư trên các nền tảng ứng dụng cộng đồng trong lịch sử của thế giới công nghệ, và chúng ta nên ủng hộ những ý tưởng cũng như đòi hỏi về sự minh bạch trong an toàn thông tin - quyền riêng tư".
Xem thêm:
- Chỉ vì nút Reply All, 11.543 nhân viên Microsoft bị chính người trong công ty spam email
- YouTube Vanced đã có khả năng vuốt để thay đổi độ sáng và âm lượng, mời tải về và trải nghiệm
- Kevin Mitnick - hacker nổi tiếng nhất thế giới nói gì về an ninh mạng?
- Google nộp phạt 50 triệu euro sau cáo buộc vi phạm Bộ luật bảo vệ dữ liệu chung ở Pháp