Cơ quan quản lý bảo vệ dữ liệu của Pháp, CNIL, hôm qua đã quyết định ban hành một khoản phạt lên đến 50 triệu euro (khoảng 56.8 triệu USD) đối với Google vì hành vi không tuân thủ các điều khoản của Bộ luật bảo vệ dữ liệu chung (GDPR). Đây là khoản tiền phạt GDPR lớn nhất được ban hành bởi một cơ quan quản lý châu Âu và cũng là lần đầu tiên gã khổng lồ công nghệ Google bị phát hiện vi phạm nghiêm trọng các quy định mới chặt chẽ hơn của GDPR, vốn đã bắt đầu có hiệu lực vào tháng 5 năm ngoái.
Đại diện của CNIL cho biết mức tiền phạt kỷ lục trên được ban hành vì Google không đã cung cấp đầy đủ thông tin về các chính sách quản lý dữ liệu cho người dùng, cũng như không cung cấp cho người dùng đủ quyền kiểm soát cách công ty này sử dụng thông tin của họ. Quan trọng hơn, một trong những nguyên nhân chính khiến CNIL quyết tâm áp mức phạt nặng cho Google là bởi công ty này đã quá chậm trễ trong việc khắc phục các vi phạm đã nêu trên.
Theo như các điều khoản được quy định trong GDPR, các công ty bắt buộc phải có được sự đồng ý tuyệt đối từ người dùng trước khi được phép khi thu thập bất cứ thông tin cá nhân nào của họ, điều đó có nghĩa là sự đồng ý này phải trải qua một quy trình lựa chọn, tham gia rõ ràng, hoàn toàn không có bất cứ ép buộc hay mập mờ nào từ phía người dùng. Ngoài ra, người dùng cũng có thể từ chối cung cấp thông tin bất cứ khi nào họ cảm thấy quyền riêng tư cá nhân của mình bị xâm phạm.
Mặc dù khoản tiền phạt 50 triệu euro có vẻ lớn, nhưng tính ra thì vẫn chưa là gì so với mức giới hạn tối đa khoản tiền phạt mà GDPR được phép áp lên một doanh nghiệp, tổ chức. Cụ thể, mức phạt tối đa cho một doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng các điều khoản của GDPR có thể lên tới 4% doanh thu toàn cầu của công ty đó trong vòng một năm. Con số này nếu được áp cho các công ty công nghệ lớn như Google hay Facebook thì số tiền phạt chắc chắn sẽ không dừng lại ở mức triệu USD. Đơn cử như trường hợp của Google, theo báo cáo, công ty này đã thu về được 33.74 tỷ đô la chỉ trong quý cuối cùng của năm 2018, do đó doanh thu hàng năm của Google là cực kỳ lớn, có thể dẫn đến việc bị phạt hàng tỷ đô la.
Đây không phải là khoản tiền phạt GDPR đầu tiên được ban hành. Vào tháng 12, năm ngoái, một bệnh viện ở Bồ Đào Nha đã bị phạt 400.000 euro sau khi nhân viên của họ sử dụng tài khoản không có thật để truy cập vào hồ sơ của bệnh nhân, trong khi một dịch vụ truyền thông xã hội của Đức đã bị phạt 20.000 euro vào tháng 11 vì hành vi lưu trữ mật khẩu tài khoản người dùng dưới dạng văn bản mà chưa được sự đồng ý của họ. Một doanh nghiệp địa phương ở Áo cũng đã bị phạt 4.800 euro vào tháng 10 năm ngoái vì có sử dụng camera an ninh trái phép ở khu vực công cộng.
Trả lời về khoản tiền phạt này, một phát ngôn viên của Google nói rằng công ty đã cam kết một cách sâu sắc với việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao về tính minh bạch và kiểm soát của các nhà điều hành như mọi người mong đợi, và Google hiện đang xem xét kỹ lưỡng quyết định của CNIL để xác định các bước tiếp theo.
Trong một động thái khác, Google cũng đã bị các nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại bảy quốc gia châu Âu cáo buộc vi phạm quyền riêng tư đã được quy định trong GDPR. Cụ thể, các nhóm này đã cáo buộc Google quanh co, “lừa đảo” người dùng xung quanh việc theo dõi vị trí và sử dụng các dữ liệu về vị trí của họ.
*GDPR là Bộ luật bảo vệ dữ liệu chung (General Data Protection Regulation) vừa mới được ban hành và bắt đầu có hiệu lực tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Từ ngày 25 tháng 5 năm 2018, bộ luật mới này sẽ bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư đối với các công dân EU nhưng đồng thời cũng sẽ được áp dụng tại nhiều quốc gia khác theo những cách khác nhau. Do phần lớn các công ty công nghệ lớn đều hoạt động đa quốc gia nên GDPR sẽ tác động đến những thứ chúng ta dùng hàng ngày.
Xem thêm:
- Google Maps sẽ có thêm tính năng hiển thị giới hạn tốc độ trên ứng dụng dành cho Android và iOS
- Google sẽ hiển thị kết quả tìm kiếm tẻ nhạt như thế này khi luật bản quyền của EU có hiệu lực
- Google lần đầu tăng giá G Suite - động thái hâm nóng cuộc cạnh tranh với Microsoft Office 365
- Google sẽ nhắc bạn về các liên kết đã truy cập lần gần đây nhất trước khi bắt đầu một tìm kiếm mới