Trên dòng sản phẩm iPhone 14 chính thức ra mắt mới đây, Apple đã có quyết định gây nhiều tranh cãi khi chỉ trang bị con chip A16 Bionic mới trên các biến thể Pro. Trong khi iPhone 14 và iPhone 14 Plus thường sẽ vẫn chạy trên mẫu CPU của năm ngoái là A15 Bionic. Vậy A16 mang lại những cải tiến gì so với A15? Liệu có đáng để người dùng nâng cấp?
Đến hẹn lại lên, AnTuTu vừa công bố kết quả benchmark chính thức cho dòng CPU A16 Bionic mới, được trang bị trên các mẫu iPhone 14 Pro và 14 Pro Max. Bên cạnh các tính năng mới như màn hình Always-On và Dynamic Island, đây là điều được người dùng cực kỳ quan tâm bởi Apple đã không đi sâu vào chi tiết về hiệu suất của A16 Bionic trong buổi ra mắt iPhone 14. Công ty Cupertino chỉ tuyên bố rằng hiệu suất CPU của A16 tốt hơn đáng kể so với A13 của 2019, chứ hoàn toàn không đề cập đến A15. Điều này ngụ ý rằng khoảng cách giữa 2 thế hệ chip này có lẽ không quá lớn.
Theo đó, kết quả AnTuTu cho thấy A16 Bionic trên iPhone 14 Pro đạt điểm số tổng thể là 978.147 trên iPhone 14 Pro và 972.936 trên iPhone 14 Pro Max. Trong đó, con chip mới của Apple đạt điểm số trung bình ấn tượng 246.572, 241.999 trong bài kiểm tra CPU và 408,723, 403.717 với GPU. Tuy chỉ có dữ liệu cho các model Pro và Pro Max được tiết lộ, nhưng điều đó là đủ để mang đến bức tranh rõ ràng về những gì người dùng có thể mong đợi cũng như có nên bỏ thêm tiền nâng cấp lên bộ xử lý mới hay không.
Để đánh giá sự cải thiện về hiệu năng của A16 Bionic so với phiên bản tiền nhiệm, AnTuTu cũng đã so sánh kết quả benchmark của A16 với A15 trang bị trên iPhone 13 Pro và Pro Max.
Như vậy nếu xét trên tổng thể A16 và A15, mặc dù mức tăng hiệu suất CPU gần như không quá đáng kể (chỉ khoảng 15%), nhưng mức cải thiện về phương diện GPU lại cực kỳ ấn tượng. A16 thực sự cho thấy một bước nhảy vọt tới gần 30% so với A15 về khả năng xử lý đồ họa.
Tất nhiên, điểm benchmark chỉ nên được sử dụng cho mục đích tham khảo, chưa chắc phản ánh đúng hiệu suất của thiết bị trong sử dụng thực tế. Nhiều mẫu smartphone có điểm benchmark rất cao nhưng không đem lại trải nghiệm tốt cho người dùng và ngược lại.