Khi đến đổ xăng ở các cửa hàng xăng dầu, ta thường thấy một số trạm đặt những thùng cát lớn gần các trụ bơm xăng. Tác dụng của các thùng cát này là chữa cháy trong trường hợp có hỏa hoạn.
Vậy, tại sao lại là cát?
Cát có khả năng hấp thụ nhiệt rất lớn bởi có thành phần chính là silic điôxit (SiO2) có nhiệt độ nóng chảy lên đến khoảng 1.650oC và nhiệt độ sôi khoảng 2.230oC.
Trong các vụ hỏa hoạn xăng dầu, việc sử dụng cát sẽ giúp làm hạ nhiệt độ của đám cháy, và giúp hình thành màn ngăn cách khí ôxy góp phần làm cho lửa tắt.
Xăng dầu có tỉ trọng nhẹ hơn nước nên sẽ nổi lên trên mặt nước. Vì vậy, không dùng nước dập lửa trong đám cháy xăng, không làm tắt được lửa mà còn làm cho diện tích đám cháy càng lan rộng.
Trong các đám cháy xăng dầu cũng có thể dùng các bình bọt chữa cháy vì bọt nhẹ hơn xăng dầu nên sẽ nổi trên bề mặt chất cháy, đồng thời liên kết tạo thành màng ngăn ôxy tiếp xúc chất cháy, giúp dập tắt lửa nhanh chóng.
Tại sao không dùng bình khí CO2 chữa cháy trong các đám cháy xăng dầu
Khí CO2 khuyếch tán nhanh trong không khí nên việc dùng bình khí CO2 ở những nơi thoáng gió như trạm xăng dầu sẽ không có hiệu quả.
Các bình khí CO2 là chất chữa cháy hiệu quả, đối với các đám cháy trong không gian nhỏ, chữa cháy hiệu điện thế 380V trở xuống, chữa cháy cho máy móc và thiết bị, hồ sơ giấy tờ vì không làm hỏng các vật dụng.
Tuy nhiên, trong những không gian kín khí CO2 vì có thể gây ngạt thở cho người sử dụng. Vì vậy trước khi phun khí CO2 ở phòng kín phải báo cho mọi người ra hết khỏi phòng và phải tính trước được lối thoát ra sau khi phun.
Với các đám cháy than hay kim loại nóng đỏ cũng không nên dùng bình khí CO2 để dập. Bởi khi gặp than, phần lớn khí CO2 trong bình sẽ biến đổi thành khí CO rất độc.
Khí CO2 có nhiệt độ rất thấp nên tránh phun trực tiếp vào người vì dễ gây bỏng lạnh.