Cuộc sống bận rộn của xã hội hiện đại khiến “căng thẳng” hay “stress” trở thành một thuật ngữ phổ biến ở khắp mọi nơi. Bất cứ ai đều đã, đang, và sẽ có thể rơi vào trạng thái stress. Trái với suy nghĩ của nhiều người, stress không chỉ gây ra những tổn thương tâm lý, mà còn tác động cực kỳ tiêu cực đến sức khỏe thể chất của chúng ta.
Trạng thái căng thẳng kéo dài có thể thúc đẩy hiện tượng hình thành các bó tế bào thần kinh lớn trong não, phá vỡ quá trình hình thành trí nhớ, khiến chúng ta có cảm giác sợ trước những tình huống mà trên thực tế là vô hại. Điều này có thể giúp giải thích tại sao những người bị stress “mãn tính” thường cảm thấy bị đe dọa ngay trong môi trường an toàn.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu từ lâu đã biết rằng căng thẳng hoặc chấn thương có thể dẫn đến trạng thái tâm lý sợ những tình huống vô hại. Ví dụ, sau khi bị bỏng ngón tay trên chảo nóng, một trạng thái căng thẳng sẽ xuất hiện thôi thúc chúng ta cảm thấy sợ hãi không chỉ chiếc chảo mà còn tránh bếp hoặc không muốn nấu ăn. Loại sợ hãi tổng quát này thường gặp ở những người mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) và rối loạn lo âu tổng quát.
Một nghiên cứu mới được công bố gần đây trên tạp chí Cell đã mô tả cách thức mà chứng căng thẳng phá vỡ quá trình hình thành trí nhớ, và đặc biệt là hồi tưởng về những sự kiện đáng sợ. Kết quả có thể cung cấp thông tin cho sự phát triển các liệu pháp chữa trị dành cho những người mắc chứng PTSD và rối loạn lo âu.
Về cơ bản, ký ức được đóng gói thành các nhóm tế bào thần kinh, được gọi là engram. Engram hoạt động khi ký ức được hình thành. Sheena Josselyn, một nhà khoa học thần kinh tại Bệnh viện Nhi đồng Toronto, Canada, và các cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu xem xét liệu hiện tượng căng thẳng có phá vỡ quá trình hình thành engram hay không, và tập trung vào một vùng não gọi là hạch hạnh nhân. Đây là khu vực có liên quan đến phản ứng căng thẳng và cảm xúc của não bộ.
Nghiên cứu bao gồm một thí nghiệm 3 bước phức tạp trên chuột. Đầu tiên, Sheena Josselyn và các cộng sự đưa một số con chuột trưởng thành vào trạng thái căng thẳng bằng cách tiêm cho chúng hormone gây căng thẳng corticosterone, hoặc nhốt chúng trong một ống nhỏ trong 30 phút, làm tăng mức corticosterone trong cơ thể.
Tiếp theo, họ đặt những con chuột — một số bị căng thẳng, và một số thì không — vào một căn phòng và phát ra âm thanh có âm vực trung bình trong 30 giây — sự kiện trung tính. Sau khi nghỉ giải lao, những con chuột quay trở lại căn phòng và trải nghiệm âm thanh huýt sáo có âm vực cao trong 30 giây, kết thúc bằng một cú sốc điện kéo dài 2 giây vào chân, nhằm bắt chước một sự kiện đáng sợ với chúng.
Để kiểm tra cách chuột lưu trữ ký ức về những trải nghiệm này, các nhà nghiên cứu đã đưa chúng vào một môi trường mới và phát 2 loại âm thanh nêu trên — quan sát phản ứng của chúng.
Những con chuột không bị căng thẳng chỉ cứng đờ khi nghe thấy tiếng huýt sáo the thé, trong khi những con chuột bị căng thẳng có hiện tượng cứng đờ khi nghe thấy cả hai âm thanh, điều này cho thấy chúng không thể phân biệt được giữa những sự kiện trung tính và đáng sợ.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để hình mô phỏng hoạt động thần kinh ở loài gặm nhấm. Họ phát hiện ra rằng, trong quá trình hình thành trí nhớ, những con chuột không bị căng thẳng đã hình thành các engram nhỏ để phản ứng với tiếng còi và cú sốc điện ở chân, và chúng chỉ được kích hoạt lại khi tiếp xúc với tiếng còi. Nhưng những con chuột bị căng thẳng đã hình thành các engram lớn hơn, được kích hoạt lại khi tiếp xúc với cả hai âm thanh.
Các thí nghiệm tiếp theo ghi nhận sự xuất hiện của chuỗi sự kiện trong não tạo ra engram lớn hơn ở những con chuột bị căng thẳng. Ở điều kiện bình thường, các tế bào thần kinh cụ thể trong hạch hạnh nhân ngăn chặn hoạt động của tế bào thần kinh thông qua việc giải phóng các chất truyền tin hóa học được gọi là axit gamma-aminobutyric (GABA). Điều này đảm bảo rằng một engram nhỏ được tạo ra để đáp ứng với ký ức tiêu cực. Nhưng khi bị căng thẳng, các tế bào thần kinh kích thích sẽ bơm chất dẫn truyền thần kinh được gọi là endocannabinoid vào não, chất này liên kết với các thụ thể glucocorticoid trên các tế bào thần kinh ức chế đó và ngăn chúng giải phóng GABA, dẫn đến các engram lớn hơn. Nói cách khác, nhiều tế bào thần kinh có thể tham gia vào câu lạc bộ độc quyền này, Josselyn cho biết.
Nhóm nghiên cứu đã có thể đảo ngược tác động của căng thẳng lên quá trình hình thành trí nhớ bằng hai loại thuốc, một trong số đó được chấp thuận để chấm dứt thai kỳ sớm, mifepristone. Các loại thuốc này chặn các thụ thể glucocorticoid hoặc sản xuất endocannabinoid, và những con chuột bị căng thẳng nhớ lại ký ức theo cách mà những con chuột không bị căng thẳng đã làm. Nhưng các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng những loại thuốc này sẽ gây ra tác dụng phụ ngoài não, và chỉ có tác dụng nếu chúng được dùng vào thời điểm trí nhớ được hình thành, do đó rất khó có khả năng sử dụng trên người, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Nhóm nghiên cứu hiện đang cố gắng tìm hiểu xem liệu engram có thể bị thay đổi sau khi ký ức đã hình thành, hoặc có cách nào khác để giảm thiểu tác động của căng thẳng lên trí nhớ hay không.