Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh viêm phế quản

Cách điều trị viêm phế quản hiệu quả tại nhà

Viêm phế quản cấp tính là tình trạng nhiễm trùng các ống phế quản chính dẫn đến phổi kéo dài trong thời gian ngắn, thường ít hơn vài tuần lễ. Bệnh thường xuất hiện sau khi bị nhiễm vi-rút cảm lạnh hay vi-rút cúm, khi hệ miễn dịch suy yếu và phổi đã bị kích ứng. Niêm mạc phế quản bị kích thích sẽ phồng và dầy lên làm hẹp hoặc tắc các phế quản gây ra ho và có thể kèm theo đờm.

Để điều trị viêm phế quản, bạn cần dùng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc thuốc xoa dịu cổ họng, đồng thời nghỉ ngơi, uống nước ấm và xông hơi xoa dịu ống phế quản. Nếu triệu chứng nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn 1 tuần, bạn nên đi khám bác sĩ để được điều trị phù hợp.

Bệnh viêm phế quản nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới viêm phổi, áp xe phổi, tràn mủ màng phổi… khi đó việc điều trị thường sẽ khó khăn hơn và bệnh cũng nặng hơn.

Triệu chứng hay gặp khi bị viêm phế quản cấp tính: ho liên tục, có đờm, thường xuất hiện từ 24-48 giờ sau khi ho; sốt cao, lạnh run; đau hay cảm giác thắt ngực, đau dưới xương ức khó thở, thở ngắn. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh viêm phế quản trong bài viết này nhé!

Phần 1: Giảm viêm phế quản tức thời

1. Uống nước ấm

Uống nước ấm

Việc bổ sung đủ nước là bước quan trọng khi cơ thể đang chống lại nhiễm trùng. Uống nước ấm giúp xoa dịu cổ họng đau, giúp đờm - chất mà bạn ho ra khi bị viêm phế quản – trở nên lỏng hơn và dễ ho ra hơn. Hãy thử uống các thức uống ấm dưới đây để giúp cơ thể vượt qua bệnh viêm phế quản:

  • Nước ấm hòa mật ong và nước cốt chanh. Đun nóng một cốc nước ấm, hòa thêm nước cốt chanh và mật ong để tăng thêm hương vị. Mật ong giúp bảo vệ và xoa dịu cổ họng, còn nước cốt chanh cung cấp vitamin C cùng các dưỡng chất khác.
  • Trà hoa cúc, trà bạc hà hay các loại trà thảo mộc khác. Trà thảo mộc, đặc biệt là trà chuyên dùng điều trị đau họng, vừa có tác dụng cung cấp nước cho cơ thể, vừa hỗ trợ điều trị triệu chứng viêm phế quản.
  • Súp ấm. Súp gà nóng là thức ăn giàu chất dinh dưỡng và có tác dụng xoa dịu. Súp tỏi cũng là một lựa chọn giúp điều trị triệu chứng viêm phế quản. Ngoài ra, bạn có thể phi tỏi băm nhuyễn trong một ít dầu ô liu, cho thêm nước dùng gà hoặc nước hầm rau củ, đun nhỏ lửa và uống khi còn nóng.
  • Nước muối. Nước muối không dùng để uống mà để súc miệng giúp xoa dịu màng nhầy cổ họng bị kích ứng. Khuấy 1 thìa cà phê muối vào 240 ml nước ấm. Súc miệng bằng nước muối rồi nhổ ra.

2. Nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi

Viêm phế quản là tình trạng nhiễm trùng ở phổi có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Lúc này, bạn cần lắng nghe cơ thể và nghỉ ngơi nhiều, đặc biệt trong những ngày đầu nhiễm bệnh, khi cảm thấy tức ngực và khó thở. Đó là dấu hiệu phổi cần thời gian phục hồi.

  • Thời gian đầu viêm phế quản mãn tính, khi bệnh ở mức độ tồi tệ nhất, bạn nên nghỉ ngơi vài ngày. Nằm trên giường hoặc trên ghế, cố gắng không đi lại nhiều để tránh khiến cơ thể kiệt sức.
  • Tập thể dục khi đang bị nhiễm trùng phổi có thể khiến bệnh trở nên nặng hơn. Tránh bơi lội, chạy bộ, đạp xe hay bất kỳ bài tập nào khiến bạn thở dốc trong khi bị viêm phế quản.

3. Chườm nóng lên ngực

Chườm nóng lên ngực

Viêm phế quản có thể khiến bạn cảm thấy ngực nặng, đau, đặc biệt khi ho thường xuyên. Chườm nóng có thể giúp xoa dịu áp lực ở ngực. Hãy thử một trong các phương pháp chườm nóng sau:

  • Đổ nước nóng vào chai rồi đặt lên ngực.
  • Chườm miếng giữ nhiệt lên ngực. Nên đặt trên lớp áo để tránh làm bỏng da ngực.
  • Đắp chăn điện.
  • Tắm nước nóng.

4. Hít thở không khí ẩm, ấm

Hít thở không khí ẩm, ấm

Khi phổi bị kích ứng, không khí ẩm, ấm có thể giúp xoa dịu ống phế quản. Nếu cổ họng bị khô, phổi sẽ trở nên kích ứng hơn và khiến tình trạng nhiễm trùng kéo dài. Hãy thử các phương pháp hít không khí ẩm sau:

  • Dùng máy tạo độ ẩm. Máy tạo độ ẩm có tác dụng tăng thêm độ ẩm cho không khí trong phòng, được bán ở các hiệu thuốc lớn.
  • Đun sôi một nồi nước trên bếp lửa. Hơi nước sôi có thể làm tăng độ ẩm trong phòng.
  • Dùng ống phun để hít hơi sương từ muối sinh lý và hơi sương từ nước lọc.
  • Đặt bát nước lên máy tản nhiệt. Độ nóng từ máy tản nhiệt sẽ khiến nước bốc hơi và làm ẩm không khí.
  • Tắm bồn hoặc tắm vòi sen nước ấm. Đóng kín cửa phòng tắm để có thể hít được nhiều không khí ẩm.

5. Tránh khói thuốc và các tác nhân gây kích ứng phổi

Tránh khói thuốc và các tác nhân gây kích ứng phổi

Khi bị viêm phế quản, việc hít phải khói thuốc có thể gây ra các cơn ho đau đớn. Khói thuốc làm chậm quá trình hồi phục của phổi. Vì vậy, nên tránh hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc. Ngoài ra, tránh các tác nhân kích ứng phổi sau:

  • Khu vực ô nhiễm quá mức như đường phố quá nhiều xe cộ;
  • Khu mực có mùi hóa chất nồng như trong các nhà máy, salon chăm sóc tóc và trạm xăng.

6. Ho

Ho

Khi bị viêm phế quản, ho có thể giúp đẩy tác nhân gây nhiễm trùng ra khỏi phổi. Ho ra đờm là triệu chứng bình thường. Mặt khác, uống thuốc không kê đơn ức chế cơn ho có thể khiến phổi lâu hồi phục hơn.

  • Nếu cảm thấy quá đau khi ho hoặc ho liên tục, bạn nên đi khám bác sĩ để chắc chắn không gặp vấn đề nào khác ngoài viêm phế quản. Thông thường, viêm phổi và viêm phế quản có triệu chứng giống nhau. Vì vậy, nên đi khám bác sĩ để xác định đúng bệnh.
  • Tuyệt đối không uống thuốc không kê đơn ức chế cơn ho khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.

Xem thêm: 11 cách trị ho dứt điểm cho trẻ không dùng tới kháng sinh

Phần 2: Điều trị bằng thuốc tại nhà

1. Uống thuốc giảm đau không kê toa

Uống thuốc giảm đau không kê toa

Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) chứa aspirin hoặc ibuprofen có thể xoa dịu cơn đau do nhiễm trùng trong phổi.

  • Lưu ý: Không uống quá liều được khuyến nghị.

2. Uống thuốc xoa dịu cổ họng

Uống thuốc xoa dịu cổ họng

Nên tránh uống thuốc ức chế ho nếu có thể. Mặt khác, bạn vẫn có thể uống thuốc dùng để điều trị đau họng. Tìm mua thuốc không kê đơn có chứa benzocaine giúp xoa dịu mô cổ họng bị kích ứng. Thuốc có ở dạng sirô và kẹo ngậm.

Dùng kẹo ngậm trị ho tự nhiên. Kẹo ngậm trị ho từ nguyên liệu tự nhiên như mật ong và chanh có bán ở các cửa hàng thực phẩm chăm sóc sức khỏe. Nếu muốn, bạn có thể tự làm kẹo ngậm trị ho theo hướng dẫn sau:

  • Đổ 1/2 cốc mật ong và vài giọt chiết xuất bạc hà hoặc tinh dầu khuynh diệp vào nồi nhỏ.
  • Đặt nồi lên bếp dưới ngọn lửa vừa đủ, không quá to. Khuấy liên tục đến khi hỗn hợp sôi.
  • Dùng nhiệt kế chuyên dụng (nhiệt kế kẹo, mứt) để kiểm tra nhiệt độ hỗn hợp mật ong. Tắt bếp khi hỗn hợp đạt 150 độ C - nhiệt độ mật ong cứng lại khi nguội.
  • Múc một thìa mật ong và cho lên khay nướng đã được xếp giấy nến phết dầu. Chờ hỗn hợp cứng lại thì dùng để ngậm giúp xoa dịu cổ họng.

3. Dùng nguyên liệu tự nhiên để chống lại viêm phế quản mãn tính

Dùng nguyên liệu tự nhiên để chống lại viêm phế quản mãn tính

Nguyên liệu tự nhiên có thể góp phần hỗ trợ những trường hợp viêm phế quản mãn tính, khi vấn đề kéo dài dai dẳng. Trong những trường hợp đó, thảo mộc như cang mai (Adhatoda vasica), ngải tiên (Hedychium spicatum), nghệ (Curcuma longa), bàng mốc (Terminalia belerica), hương nhu tía (Ocimum sanctum) và cam thảo (Glycyrrhiza glabra) có thể xoa dịu niêm mạc phế quản, làm loãng dịch nhầy và đẩy dịch nhầy ra khỏi phổi, đồng thời giảm triệu chứng ho liên tục do tác nhân kích ứng.

Ngoài ra, thảo mộc như gừng (Zingiber officinale), hồ tiêu (Piper nigrum), hồ tiêu dài (Piper longum), dây thần thông (Tinospora cordifolia) có thể giúp cải thiện hệ miễn dịch ở bệnh nhân viêm phế quản mãn tính. Các thảo mộc này ngăn ngừa viêm phế quản thường xuyên.

  • Lưu ý: Nguyên liệu tự nhiên chưa được thí nghiệm và kiểm tra như thuốc và có thể không chứa thành phần được liệt kê trên bao bì.

Phần 3: Đi khám bệnh để được điều trị

1. Biết khi nào nên đi khám bệnh

Biết khi nào nên đi khám bệnh

Khi bị viêm phế quản, cơ thể thường tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, cũng có trường hợp phổi không thể đẩy tác nhân gây nhiễm trùng ra ngoài. Do đó, bạn nên đi khám bác sĩ ngay nếu gặp trường hợp sau:

  • Bạn đang mắc vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến khả năng tự hồi phục sau nhiễm trùng của cơ thể;
  • Ho quá nhiều đến mức không ngủ được;
  • Ho ra máu;
  • Cảm thấy yếu đến mức không thể ho;
  • Ho liên tục nhưng không có hoặc ít đờm;
  • Chú ý thấy đờm dần đặc hơn;
  • Ho kéo dài hơn 1 tuần và có vẻ không thuyên giảm;
  • Sốt kéo dài hơn vài ngày;
  • Cảm thấy mất tỉnh táo hoặc khó hít thở.

2. Uống thuốc ức chế cơn ho nếu không ngủ được

Uống thuốc ức chế cơn ho nếu không ngủ được

Nếu ho khiến bạn không ngủ được hoặc gây đau dữ dội, bác sĩ có thể kê đơn hoặc khuyến nghị dùng thuốc không kê toa để ức chế cơn ho. Ho liên tục trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể mệt mỏi nên bác sĩ có thể quyết định dùng thuốc ức chế ho tốt cho tình trạng của bạn hơn.

3. Xác định xem có bị nhiễm khuẩn không

Xác định xem có bị nhiễm khuẩn không

Viêm phế quản thường do nhiễm vi-rút nhưng vì kích ứng phổi nên bệnh có thể khiến cơ thể dễ nhiễm khuẩn trong thời gian bệnh. Nếu xác định bị nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh giúp điều trị nhiễm khuẩn nhưng không điều trị được nguyên nhân gây viêm phế quản.

  • Hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn trong phổi.

4. Xác định xem có bị viêm phế quản mãn tính không

Xác định xem có bị viêm phế quản mãn tính không

Viêm phế quản mãn tính là tình trạng nhiễm trùng phổi kéo dài vài năm, triệu chứng bệnh có thể thuyên giảm hoặc trầm trọng hơn. Viêm phế quản mãn tính thường do hút thuốc hoặc liên tục hít phải tác nhân khác gây kích ứng phổi.

  • Nếu bị viêm phế quản mãn tính, bác sĩ có thể kê đơn thuốc làm giãn phế quản kháng cholin hoặc thuốc steroid giúp giãn các ống phổi bị co lại.
  • Nếu cơ thể không thể đưa oxy đến máu, bác sĩ có thể đề nghị áp dụng liệu pháp oxy như dùng bình oxy tại nhà.
  • Ngoài ra, bác sĩ có thể khuyến nghị phương pháp phục hồi chức năng phổi - chương trình tập hít thở do chuyên viên trị liệu hướng dẫn.

Xem thêm: 3 cách đơn giản phòng ngừa sốt xuất huyết hiệu quả

Chúc các bạn vui vẻ!

Thứ Bảy, 18/11/2017 10:20
51 👨 1.524
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Sức khỏe gia đình