Cách đây khoảng 10.000 năm, ngựa Mông Cổ đã được thuần hóa tại Trung Á, và đã được con người sử dụng trong ít nhất là 4000 năm. Từ lâu, ngựa Mông Cổ đã nổi tiếng trên khắp thế giới về sự dẻo dai, giỏi chịu đựng và có sức chiến đấu cao.
Nhìn bên ngoài, ngựa Mông Cổ trông khá nhỏ bé, chúng chỉ cao khoảng 1,6 - 1,8 mét, nặng khoảng 300 - 400 kg. Một thân hình khá khiêm tốn so với ngựa phương Tây. Do chiều cao của ngựa Mông Cổ khá thấp nên trọng tâm của người cưỡi cũng thấp, giúp cho việc giữ thăng bằng dễ dàng hơn.
Giống ngựa Mông Cổ rất khỏe và cực kỳ bền bỉ, có thể phi nước kiệu trên đoạn đường dài mà không cần nghỉ quá nhiều. Theo nhiều chuyên gia, ngựa Mông Cổ có thể chạy 10h liên tục nên chúng được mệnh danh là 'thiên lý mã'.
Móng của giống ngựa Mông Cổ cũng rất cứng, thậm chí không cần phải đóng thêm móng sắt. Ngựa Mông Cổ rất gan dạ, thích hợp để làm chiến mã, không hoảng sợ khi thấy đao kiếm hay đám đông.
Ngựa Mông Cổ từ khi sinh ra đã được rèn luyện ở những khu vực thời tiết rất khắc nghiệt ở thảo nguyên, nơi có nhiệt độ trong năm dao động từ 30 độ C vào mùa hè đến -40 độ C vào mùa đông. Vì vậy, khả năng chịu đựng của giống ngựa này rất tốt, dễ dàng thích nghi được nhiều môi trường sống. Chúng vẫn có thể sống tốt khi chỉ ăn cỏ và ăn ít hơn khá nhiều so với giống ngựa châu Âu. Trong những tháng đông lạnh giá, chúng có thể tự đào tuyết tìm cỏ.