4 mặt trăng băng giá của sao Thiên Vương có thể tồn tại đại dương nước lỏng

Nước được coi là một trong những nhân tố thiết yếu cấu thành nên sự sống trên Trái đất, đồng thời cũng là hợp chất hóa học được con người nghiên cứu nhiều nhất trong vũ trụ. Khi nói đến việc khám phá các hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta, hầu hết sự chú ý đều tập trung vào những hành tinh gần Trái đất nhất, nơi tàu vũ trụ của con người có thể ghé thăm hay theo dõi dễ dàng hơn. Với các hệ thống kính thiên văn cực mạnh như hiện nay, các nhà khoa học thường xuyên quan sát các hành tinh khí khổng lồ như Sao Mộc, Sao Thổ, và liên tục tìm thấy những điều mới mẻ.

Tuy nhiên, các hành tinh xa hơn như Thiên vương tinh (Uranus) và Hải vương tinh (Neptune) thường nhận được ít sự quan tâm do giới hạn khoa học kỹ thuật. Khi công nghệ dần trở nên phát triển, và ngày càng có nhiều nhà khoa học ủng hộ việc thực hiện một sứ mệnh ghé thăm hành tinh này. Quyết tâm đó càng được củng cố khi một nghiên cứu gần đây cho thấy bốn trong số các mặt trăng của hành tinh này có thể chứa nước ở dạng lỏng.

Theo đó, các nhà nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA đã phân tích lại dữ liệu thu thập từ sứ mệnh Voyager 2 đi ngang qua Sao Thiên Vương vào những năm 1980 để xem xét 5 mặt trăng lớn nhất trong số 27 mặt trăng của hành tinh này: Ariel, Umbriel, Titania, Oberon và Miranda. Sử dụng mô hình máy tính về mức độ xốp của các bề mặt, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bốn trong số các mặt trăng này có thể chứa các đại dương nước lỏng bên dưới lớp vỏ băng giá.

Biểu đồ dưới đây cho thấy các mảng thành phần bên trong của năm mặt trăng lớn nhất của Sao Thiên Vương, được cho là bao gồm các lớp băng, đá và nước. Mặc dù sao Thiên Vương và các mặt trăng của nó ở rất xa mặt trời và do đó có nhiệt độ bề mặt rất lạnh, nhưng sự tồn tại của các đại dương mặn là hoàn toàn khả thi vì chúng được cách nhiệt bởi một lớp băng dày, và dường như có amoniac trong đó hoạt động giống như chất chống đông tự nhiên. Trong một số trường hợp, các mặt trăng có thể tự làm ấm bằng cơ chế nhiệt bên trong từ lớp phủ đá của chúng.

Hiệu ứng cách nhiệt này tương tự như những gì được nhìn thấy ở các mặt trăng băng giá xung quanh Sao Mộc và Sao Thổ, cũng được cho rằng có chứa các đại dương và là mục tiêu nghiên cứu khả năng tồn tại sự sống. Dường như có rất nhiều nơi trong hệ mặt trời có thể chứa các đại dương nước, ngay cả khi chúng nằm ngoài vùng mà con người có thể sinh sống được.

Thứ Sáu, 26/05/2023 15:42
31 👨 172
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ