Bão Mặt trời là gì? Bão Mặt trời ảnh hưởng như thế nào tới Trái đất?

Bão Mặt trời hay gió Mặt trời là một vụ nổ năng lượng từ tính trong bầu khí quyển của Mặt trời, gây ra sự bùng nổ dữ dội của ánh sáng. Từ bề mặt Trái Đất, chúng ta có thể quan sát được bão Mặt trời qua kính viễn vọng, tia X không gian và các thiết bị chụp ảnh nhiệt.

Một cơn bão Mặt trời có thể giải phóng lượng năng lượng tương đương với hàng triệu quả bom hydrogen 100-megaton (100 triệu tấn) phát nổ cùng lúc. Mức năng lượng đó cũng lớn hơn 10 triệu lần so với năng lượng do một ngọn núi lửa phun trào giải phóng ra.

Bão Mặt trời

Một cơn bão Mặt trời thường chỉ kéo dài trong vài phút nhưng sức nóng của nó có thể lên đến hàng triệu độ và tạo ra một vụ nổ bức xạ trên phổ điện từ, từ sóng vô tuyến cho đến tia X và tia gamma. Bão Mặt trời cũng có liên hệ trực tiếp đến hiện tượng cực quang ở Trái đất và trên các hành tinh khác.

Sức mạnh của bão Mặt trời tăng dần theo quy mô các mức A, B, C, M, X, mức sau mạnh hơn mức trước 10 lần.

Bão Mặt trời xảy ra khi nào?

Khi năng lượng từ tính tích tụ trong bầu khí quyển của Mặt trời, chủ yếu ở các khu vực xung quanh vùng tối của Mặt trời, đột nhiên được giải phóng sẽ tạo ra bão Mặt trời, khiến bề mặt Mặt trời lóe sáng trong một khoảng thời gian.

Bão Mặt trời có ảnh hưởng gì đến Trái đất và con người?

Các cơn gió Mặt trời sẽ phát ra tia X và tia cực tím (UV) theo mọi hướng. Các loại tia này có thể gây ra các cơn bão bức xạ kéo dài ở tầng cao nhất của bầu khí quyển Trái Đất và gây ra sự cố mất tín hiệu vô tuyến trên toàn thế giới.

Ngoài ra, các luồng hạt có năng lượng cao trong từ trường của Trái đất do gió Mặt trời tạo ra còn có thể gây ra các mối nguy bức xạ cho các tàu vũ trụ và phi hành gia.

Gió Mặt trời

Những lần bão Mặt Trời tàn phá Trái Đất trong lịch sử

Cơn bão kinh khủng ngày Halloween

Vào ngày 28/10/2003, Mặt Trời giải phóng một trận bão khủng khiếp đạt đến cấp X45, khiến những thiết bị cảm biến (sensor) của các tàu quan sát bị rối loạn.

Sự kiện Bastolle Day (Ngày Quốc Khánh của Pháp)

Ngày 14/7/2000, một trận bão Mặt Trời cấp X5 khiến sóng vô tuyến bị gián đoạn tạm thời và một số vệ tinh bị đoản mạch.

Bão Mặt Trời phá hủy hệ thống điện và mạng điện thoại

Vào tháng 3/1989, bão Mặt trời đã khiến hệ thống điện ở Canada bị lỗi khiến 6 triệu người phải sống trong bóng tối suốt 9 tiếng. Trận bão Mặt trời này cũng khiến hệ thống điện thoại đường dài xuyên qua vài bang của nước Mỹ cũng đã bị tàn phá nặng nề.

Sự kiện Carringon

Năm 1859, sự kiện Carrington (Carrington Event) là trận bão Mặt Trời được ghi chép lần đầu tiên trên thế giới và đây cũng là trận bão Mặt Trời được ghi nhận lớn nhất trong suốt 500 năm.

Cơn bão Mặt Trời này đã gây ra một vài gián đoạn trong liên lạc điện báo toàn cầu và những màn cực quang rực rỡ kéo dài tới tận những miền xa phía Nam như vùng Caribe.

Bão Giáng Sinh năm 2006

Một trận bão Mặt Trời cấp X9 đã khiến thiết bị chụp ảnh của vệ tinh GOES 13 bị hư hại và làm gián đoạn việc liên lạc giữa vệ tinh, mặt đất và tín hiệu GPS trong suốt 10 phút.

Chủ Nhật, 31/05/2020 08:09
4,79 👨 23.394
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ