Nước rất dễ chảy vào tai khi chúng ta tắm gội hoặc đi bơi gây ù tai, nghe kém và đau tai. Nếu nước ứ lại trong tai trong một thời gian dài có thể dẫn tới bị nhiễm trùng tai, ráy tai và bụi bẩn. Vậy, lấy nước chảy vào trong tai như thế nào là đúng và an toàn nhất?
- Thuộc lòng 8 bí kíp này trước khi đi bơi để đảm bảo an toàn tính mạng
- Điều gì xảy ra trong cơ thể khi bạn nhịn tiểu
Khi bị nước vào tai, chúng ta không nên đưa vật lạ như ngón tay, tăm bông, hay cây ngoáy tai vào trong ống tai, làm như vậy dễ gây tổn hại lớp niêm mạc. Ngoài ra, việc đưa tăm bông vào tai khiến cho ráy tai, vi khuẩn, nước... đang trên đường thoát ra ngoài bị đẩy trở lại và vào sâu trong ống tai hơn, tăng nguy cơ nhiễm trùng tai.
Một số cách giúp đẩy nước ra khỏi tai sau khi tắm gội hoặc bơi lội
- Nghiêng đầu sang một bên tai có nước và nhảy lò cò một chân trong khi đầu vẫn nghiêng.
- Nghiêng đầu sang một bên sau đó mở và đóng hàm như khi đang ngáp. Thực hiện động tác này trong vài phút, nước sẽ chảy ra từ ống tai.
- Kéo hoặc giật dái tai trong khi nghiêng đầu về phía có nước để nước chảy ra dễ dàng.
- Nằm nghiêng, áp tai bị kẹt nước xuống gối trong khoảng 30 phút sẽ giúp loại bỏ nước đọng trong tai.
- Áp vải ấm vào tai khoảng 30 giây, thực hiện khoảng 4 hoặc 5 lần, mỗi lần cách nhau một phút.
- Pha dung dịch giấm trắng và cồn với tỷ lệ 1:1. Nhỏ 3 - 4 giọt dung dịch này hoặc nước oxy già pha loãng với nước vào tai. Cồn giúp làm bay hơi nước, giấm ngăn ngừa vi khuẩn phát triển nên sau 30 giây, bạn nghiêng đầu sang 1 bên để phần dung dịch còn thừa thoát ra ngoài.
Nếu bạn đã thực hiện nhiều cách mà nước đọng trong tai vẫn không ra ngoài sau nhiều ngày, bạn nên đến gặp bác sĩ tai mũi họng để được giúp đỡ.
Cách phòng tránh nước vào tai khi tắm gội, bơi lội
- Nút ống tai ngoài khi tắm gội hoặc khi bơi.
- Khi tắm cho trẻ, để đầu của trẻ hơi ngửa ra sau, xối nước dần vào từng bên đầu khi gội để tránh nước vào ống tai.