Dế bị gãy chân có mọc lại được không? Những loài vật nào có thể tái tạo lại phần cơ thể đã mất? Hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!
Mọc lại phần cơ thể đã mất? Nghe phi lí nhưng thực tế hoàn toàn có thể trong tự nhiên. Hiện có rất nhiều loài sinh vật làm được điều đó.
Hươu mọc gạc sừng mới hàng năm; sao biển là chuyên gia trong việc mọc lại cánh; và giun dẹp có thể mọc lại mọi loại bộ phận cơ thể. Axolotl, một loài kỳ nhông sống dưới nước, có thể tiếp tục tái tạo các bộ phận đã mất trong suốt cuộc đời của nó. Trong số nhiều loài sinh vật có thể mọc lại các bộ phận cơ thể, con người, mặc dù là những kẻ thống trị Trái đất, không thể tái tạo các phần phụ đã mất. Có vẻ như loài càng tiến hóa thì khả năng mọc lại chân hoặc đầu càng ít.
Thật thú vị phải không? Bạn có tò mò muốn biết trên thế giới có những loài nào có thể tái tạo hoàn hảo phần cơ thể đã mất không? Hãy cùng Quantrimang điểm danh nhé!
Mục lục bài viết
Thằn lằn
Các loài thằn lằn nói chung nổi tiếng với “tuyệt kỹ” chạy trốn kẻ thù độc nhất vô nhị, đó là tự làm rụng đuôi để kẻ thù mất tập trung cũng như đánh lạc hướng kẻ săn mồi trước khi nhanh chóng tẩu thoát bằng tốc độ tuyệt vời. Phần đuôi sau khi rụng đi có thể được mọc lại hoàn toàn trong vòng 3 đến 4 tháng. Tuy nhiên trong khoảng thời gian này, thằn lằn sẽ dễ bị tổn thương hơn.
Sao biển
Hầu hết sao biển có năm cánh tay, tương ứng với 5 cánh sao tượng trưng cho tên gọi của chúng. Nhưng cá biệt cũng có một số loài sao biển có thể sở hữu tới 40 cánh tay như vậy. Bên cạnh hình dáng bên ngoài độc đáo, đặc điểm khác làm nên sự thú vị của sao biển là khả năng tái tạo toàn bộ cơ thể chỉ từ một phần chi bị đứt lìa, vì hầu hết các cơ quan quan trọng của chúng đều nằm ở các cánh tay này.
Giun dẹp
Khả năng tái sinh ấn tượng của giun dẹp luôn là hiện tượng cuốn hút các nhà khoa học trong hàng trăm năm qua. Phần lớn các loài giun dẹp đều có thể phát triển lại tất cả các loại bộ phận cơ thể, bao gồm cả đầu, thông qua một quy trình tế bào gốc. Những sinh vật vô tính này sinh sản bằng cách tự xé làm đôi, và chỉ mất khoảng một tuần để hai mảnh ghép này trở thành hai con giun mới hoàn toàn khác biệt.
Ốc xà cừ
Ốc xà cừ là loài động vật chân bụng chậm chạp sống ở đáy biển. Khi quan sát một con ốc xà cừ đang di chuyển, bạn có thể nhận thấy rằng mắt của sinh vật này nằm lồi cao hẳn lên như 2 chiếc gậy. Điều đáng nói ở chỗ phần mắt của ốc xà cừ có thể tự mọc lại sau khi bị mất. So với các loài chân bụng khác, quá trình tái tạo mắt trong ốc xà cừ diễn ra khá nhanh chóng - chỉ mất vài tuần.
Hươu
Gạc là cơ quan duy nhất trên cơ thể hươu có thể tái tạo hoàn toàn và điều này xảy ra hàng năm. Quá trình tái tạo gạc, được khởi xướng và duy trì bởi các tế bào gốc có nguồn gốc từ mào thần kinh của hươu, đang được các nhà khoa học sử dụng để nghiên cứu và làm mô hình tái tạo cơ quan ở các loài động vật có vú khác.
Con đực tái tạo gạc qua từng năm để tranh giành bạn tình với những con đực khác và tìm kiếm thức ăn trong tuyết. Tốc độ phát triển của gạc hươu cực kỳ nhanh - khoảng 0,6cm mỗi ngày.
Tôm càng xanh
Tôm có thể mọc lại chiếc càng của chúng, giống như các loài động vật chân đốt khác. Quá trình tái tạo lại càng thường mất một lần lột xác thì mới hoàn tất. Tuy nhiên, quá trình này có thể diễn ra nhanh hơn nếu tôm còn non, khi môi trường ấm áp và chúng được cho ăn đầy đủ.
Đặc biệt, những nghiên cứu về não của tôm càng xanh đã khám phá ra nhiều điều thú vị hơn thế. Các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ giữa hệ thống miễn dịch và sự tái tạo tế bào thần kinh ở tôm càng xanh. Quá trình này tương tự như quy trình sản xuất tế bào bạch cầu, dẫn đến hệ thống miễn dịch của con người.
Cá ngựa vằn
Cá ngựa vằn có thể tự tái tạo lại các sọc trên cơ thể và đuôi của nó. Nếu vây đuôi của con cá bị cắn đứt, chẳng hạn như bởi một con cá đói khác, nó có thể mọc một chiếc đuôi mới trong khoảng 2 đến 4 tuần. Vì cá ngựa vằn là những chuyên gia tái sinh nên các nhà nghiên cứu đã sử dụng chúng làm mô hình trong nhiều nghiên cứu tái tạo mô phức tạp.
Axolotl
Axolotl, hay còn được biết đến với biệt danh “khủng long sáu sừng”, “kỳ nhông Mexico”, là loại động vật rất được yêu thích trong cộng đồng thủy sinh vài năm trở lại đây. Bên cạnh vẻ ngoài cực dị, loài kỳ giông sống dưới nước này còn nổi tiếng với khả năng tái sinh không chỉ các chi mà còn cả tủy sống, tim, mắt và các bộ phận của não.
Không giống như các động vật có xương sống khác, axolotl có thể liên tục tái tạo các bộ phận cơ thể trong suốt cuộc đời của nó. Bằng cách giải trình tự bộ gen của axolotl, các nhà khoa học hy vọng sẽ khám phá ra cách thức loài này sử dụng tế bào gốc để tái tạo mô.
Hiện, loài axolotl đang cực kỳ nguy cấp trong tự nhiên.
Đầu ngón tay con người
Sau hàng triệu năm tiến hóa, trong khi nhiều loài động vật đã đạt được những thành công trong khả năng tái tạo các bộ phận cơ thể đã mất, thì chức năng này của con người vẫn còn ở giai đoạn cực kỳ sơ khai.
Dẫu vậy, cũng đã có những thành công trong việc tái tạo đầu ngón tay, đặc biệt là ở trẻ em. Các nghiên cứu trên chuột cho thấy những con còn lại một chút móng sau khi bị cắt cụt có thể mọc lại thành công phần còn lại. Trong một nghiên cứu được thực hiện từ những năm 1970, các nhà khoa học đã phát hiện ra mối liên hệ giữa móng tay của con người và tế bào gốc, điều này giúp giải thích tại sao đầu ngón tay bị cắt cụt vẫn có cơ hội mọc lại tốt hơn nhiều nếu ít nhất một phần móng tay hoặc nền biểu bì còn nguyên vẹn.
Nói theo cách dễ hiểu, đầu ngón tay sẽ có thể mọc trở lại nếu vết cắt chưa đến hết móng tay, đặc biệt là đối với trẻ em. Còn nếu ngón tay bị cụt ở vị trí thấp hơn thì hầu như không thể mọc lại được.
Chúng ta đã biết móng với tóc đều có thể mọc lại dù bị cắt ngắn đi. Lý do là bởi cả hai bộ phận này đều cần một lượng tế bào được cung cấp liên tục để có thể tái tạo những cấu trúc cứng. Do đó, các nhà khoa học tin rằng tế bào gốc móng tay có thể đóng vai trò đặc biệt trong việc kích hoạt quá trình tái tạo bộ phận, kể cả thần kinh lẫn xương.
Đầu ngón tay người có chứa một lượng tế bào gốc có thể biến thành bất cứ loại tế bào nào khác nếu được tiếp nhận tín hiệu thích hợp, nhưng thường điều này chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ. Lí do người lớn không thể mọc lại đầu ngón tay có thể bắt nguồn từ yếu tố, như không đủ tế bào gốc, các điều kiện môi trường chưa phù hợp, hoặc vì không có tín hiệu để bắt đầu quá trình tái tạo. Sẽ cần phải có thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn để đi tới kết luận cuối cùng.