9 dấu hiệu nhận biết bạn đang căng thẳng quá mức

Ai cũng phải biết.

Stress hay căng thẳng là lý do cơ bản dẫn tới ốm đau bệnh tật. Theo các nhà khoa học, căng thẳng có thể làm giảm chức năng của hệ miễn dịch, khiến chúng ta dễ bị cảm cúm và đau mỏi khắp cơ thể. Mặc dù một số nghiên cứu cho thấy stress ở cấp độ nhẹ sẽ mang lại một số lợi ích cho sức khỏe nhưng ở mức độ năng hơn, nó có thể làm xuất hiện những triệu chứng hết sức nguy hiểm.

Tạp chí sức khỏe nổi tiếng WebMD giải thích về căng thẳng như sau: "... bất kỳ một sự thay đổi trong môi trường buộc cơ thể phải phản ứng và điều chỉnh hành vi. Cơ thể phản ứng với những thay đổi này cả về thể chất, tinh thần lẫn cảm xúc. Căng thẳng là một phần của cuộc sống. Nhiều tình huống xảy ra với bạn và xung quanh bạn – và nhiều thứ là do tự bản thân bạn gây ra – khiến cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng. Mỗi người có thể phải trải qua những dạng stress có lợi hoặc có hại do tác động của môi trường, cơ thể và suy nghĩ của chính mình".

Vậy mỗi khi căng thẳng quá mức thì làm thế nào để phát hiện ra? Dưới đây là 9 dấu hiệu giúp bạn nhận biết.

1. Đau mỏi khắp người

Chúng ta thường không lắng nghe "tiếng thì thầm" của cơ thể cho tới khi các cơn đau bắt đầu "lên tiếng". Khi căng thẳng quá mức, cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện những triệu chứng bị "hủy hoại", chẳng hạn như đau bụng, tiêu chảy, mụn nhọt, đau mỏi các cơ, đau ngực và tim đập nhanh hơn bình thường.

Căng thẳng

Thậm chí, bạn còn cảm thấy đau mỏi toàn thân, chứng viêm khớp hoành hành và cảm giác cơn đau đầu còn dữ dội hơn trước khiến bạn không thể nào làm ngơ được.

Bất cứ khi nào mắc phải những triệu chứng như vậy thì hãy cẩn thận, đặc biệt là nếu xảy ra trong nhiều ngày. Bởi lẽ, lúc này, giải pháp không còn chỉ dừng lại ở việc kiểm soát căng thẳng nữa mà cơ thể của bạn đã bị tổn thương và buộc phải có những phương pháp chăm sóc phù hợp thì mới có thể nhanh chóng hồi phục.

Chấp nhận và nhận thức những thay đổi của cơ thể, sau đó, cam kết thay đổi chính là bước đầu tiên để bạn có thể kiểm soát stress.

2. Ngủ không ngon

Mọi sự biến động trong chu kỳ giấc ngủ, bao gồm ngủ quá nhiều do kiệt sức hay buồn ngủ đều cần phải được quan tâm đúng mức. Thiền, tập thể dục và một chế độ ăn uống lành mạnh là những giải pháp phù hợp.

Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là bạn cần tìm ra gốc rễ của vấn đề. Có phải bạn lo lắng quá nhiều vào buổi tổi? Khi ngủ, bạn có thường xuyên gặp ác mộng? Hay những gì xảy ra trong ngày lại được tái hiện trong tiềm thức của bạn?

Liên tục buồn ngủ hoặc thiếu ngủ đều có những tác động không tốt đối với sức khỏe, đặc biệt là làm mất đi trạng thái yên bình của tâm trí. Đồng thời đây cũng là một trong những thứ đầu tiên bị ảnh hưởng nếu bạn bắt đầu bị stress.

3. Cân nặng không ổn định

Bạn có thường xuyên bỏ bữa hay ăn quá nhiều?

Sự thay đổi trong khẩu vị ăn uống chính là tín hiệu cho thấy con người bạn, cả thể xác, tinh thần và cảm xúc đang thay đổi. Khi rơi vào trạng thái căng thẳng, nó sẽ khiến cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể bị chậm lại và một số người sẽ bắt đầu tăng cân rất nhanh. Trong khi đó, nhiều người khác lại bị giảm cân đáng kể nếu quá lo lắng.

Stress

Theo các nhà khoa học, khi bị stress, các tế bào không nhận đủ lượng oxy cần thiết. Bên cạnh đó, do thực phẩm chính là nguồn cung cấp năng lượng nên bất cứ thứ gì bạn đưa vào cơ thể cũng phản ánh cách mà cơ thể sẽ thực hiện các chức năng của mình. Minh chứng là khi ăn quá nhiều đồ ngọt hay thiếu chất dinh dưỡng thì cơ thể đều có những thay đổi rõ rệt.

Cơ thể cũng giống như một cỗ máy vậy và cách mà chúng ta đối xử với nó đều được dựa trên năng lực tinh thần trong việc kiểm soát các vấn đề cảm xúc.

4. Suy nghĩ nhiều và không thể dừng lại

Nếu không thể dừng suy nghĩ về công việc, tài chính và các vấn đề khác trong một khoảng thời gian nhất định để tìm kiếm sự cân bằng thì điều này chứng tỏ, bạn đang để cho căng thẳng kiểm soát cuộc sống của mình.

Mark Twain đã từng nói: "Lo lắng giống như việc phải trả một khoản nợ mà bạn không hề nợ". Bạn không thể nào tìm ra giải pháp cho tới khi bạn tách mình ra khỏi vấn đề.

Nếu cứ mãi để cho căng thẳng lấn át thì tình trạng này kéo dài có thể khiến bạn mắc phải những vấn đề về tâm lý và gây tổn hại tới cơ thể.

5. Mất kiên nhẫn

Một trong những triệu chứng đầu tiên của việc bị căng thẳng quá mức đó là không thể kiên nhẫn hay tha thứ cho người khác. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp sẽ phải gánh chịu cơn thịnh nộ của bạn. Tuy nhiên, sau cùng thì chính bạn mới là người bị cảm xúc của mình giày vò nhiều nhất.

Quá khó để gánh vác tất cả những chuyện xảy ra trên thế giới chỉ bằng đôi vai của bạn. Do vậy, hãy chấp nhận bị tổn thương và yêu cầu sự giúp đỡ. Mất kiên nhẫn với chính mình và với người khác chính là dấu hiệu cho thấy bạn cần sống chậm lại.

6. Tâm trạng thất thường

Sức khỏe tinh thần của chúng ta bị tác động khi căng thẳng dâng cao. Nếu có lúc thấy vui, thi thoảng lại khóc hoặc nổi giận đột ngột, rồi lại trầm ngâm, suy nghĩ thì chứng tỏ hormone trong cơ thể bạn đang thay đổi do stress quá mức.

Tâm trạng

Đừng dồn nét cảm xúc vào bên trong và ôm đồm mọi thứ vì chính bạn sẽ làm tổn thương bạn. Thay vì như vậy, hãy mở lòng, trò chuyện với những người khác và dành thời gian tìm hiểu điều gì thực sự đang khiến mình có cách cư xử như vậy.

Căng thẳng không đơn giản chỉ hủy hoại cơ thể mà nó còn gây tổn hại tới các mối quan hệ của bạn với gia đình, bạn bè; gia tăng các triệu chứng rối loạn lo âu (anxiety disorder), rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive compulsive disorder), khiến chúng ta dễ rơi vào nghiện ngập (rượu, các chất kích thích, tình dục hay fast-food) và những vấn đề về sức khỏe tinh thần khác.

7. Đứng ngồi không yên

Không thể ngồi yên một chỗ là dấu hiệu rõ ràng của việc bạn đang bị căng thẳng. Bạn nói nhiều, liên tục vò đầu bứt tai, xoa tay, đi đi lại lại hay đầu óc rối bời bởi rất nhiều suy nghĩ.... Phải dừng lại ngay nếu không, căng thẳng sẽ kiểm soát bạn.

Thi thoảng, tâm trí là kẻ thù đáng sợ nhất. Bởi lẽ, khi mang tâm trạng lo lắng và bản thân không thể tự thư giãn bằng việc đọc một cuốn sách, đi dạo hay nghe nhạc thì chứng tỏ rằng, nỗi sợ và lo âu đang bao trùm toàn bộ tâm trí của bạn.

Stress sẽ khiến cho cảm xúc của chúng ta bị xáo trộn và dần dần sẽ gây tác động xấu tới những bộ phận khác trên cơ thể.

8. Rụng tóc

Theo bác sĩ y khoa Carolyn Jacob, đồng thời cũng là nhà sáng lập và giám đốc của bệnh viện da liễu và phẫu thuật thẫm mỹ Chicago thì "chúng ta thường rụng 100 sợi tóc mỗi ngày. Đa phần không ai nhận ra điều này cả. Thi thoảng, căng thẳng ở một mức độ nào đó có thể gây ra một sự thay đổi trong các chức năng sinh lý học hàng ngày của cơ thể và khiến tóc rụng nhiều hơn. Sau đó, khoảng 3 đến 4 tháng (có thể lâu hơn) thì hiện tượng này càng trở nên nghiêm trọng (tóc rụng nhiều hơn hẳn). Đây là một vấn đề đáng báo động".

Rụng tóc

Thế nên, nếu một khoảng thời gian nào đó, tóc của bạn bị rụng nhiều một cách bất thường thì đã đến lúc bạn cần chăm sóc kỹ hơn cho sức khỏe thể chất và tinh thần của mình.

9. Suy giảm ham muốn tình dục

Suy giảm ham muốn tình dục là một trong những vấn đề mà rất nhiều người mắc phải nếu quá căng thẳng. Thậm chí, họ không còn cảm giác hay các hành động quan tâm thường ngày tới bạn đời nữa.

Hãy chịu trách nhiệm cho những cảm xúc của bạn chứ đừng để những người xung quanh bị ảnh hưởng bởi điều đó. Hãy chia sẻ các vấn đề mà bạn gặp phải cho người thân để nhận được sự cảm thông và cùng tìm cách giải quyết. Một khi bạn cởi mở vấn đề thì sẽ không còn bất cứ áp lực nào có thể lấn át bạn.

Cuộc sống thi thoảng sẽ thử thách chúng ta ở một mức độ nào đó và chúng ta cũng liên tục đặt ra những đòi hỏi hết sức khắc nghiệt đối với thể xác, đời sống cảm xúc và tinh thần của mình. Thế nên, nhiệm vụ của bạn đó là hãy tự kiểm soát bản thân và nhận biết đâu mới là điều quan trọng thật sự.

Hãy lắng nghe những thay đổi của cơ thể và tìm cách kiểm soát vấn đề ngay khi chúng mới xuất hiện. Cuộc đời ngắn lắm nếu cứ mãi chìm đắm trong mớ hỗn độn kéo dài.

Thứ Tư, 14/09/2016 07:48
3,73 👨 2.913
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng sống