10 thông tin quan trọng bạn nên biết về máy tính Windows

Đã bao giờ bạn cảm thấy lúng túng khi có ai đó hỏi về phiên bản Windows bạn đang sử dụng? Bạn có biết dung lượng RAM cài đặt trên máy của mình không? Những thông tin như thế này rất quan trọng đối với người dùng khi khắc phục sự cố. Do đó, bài viết này sẽ xem xét một số thông tin người dùng cần biết về máy tính Windows.

1. Phiên bản Windows

Người dùng Windows lâu năm có thể dễ dàng biết các phiên bản Windows bằng cách nhìn vào menu Start. Ví dụ, nút Start tròn là Windows 7, trong khi Start toàn màn hình là một tính năng của Windows 8. Tuy nhiên nếu bạn không biết những đặc điểm đặc trưng này, có một cách dễ dàng để biết chính xác phiên bản Windows đang sử dụng.

Trên tất cả các phiên bản Windows, chỉ cần nhấn Windows + R để mở hộp thoại Run, gõ lệnh winver để mở cửa sổ thông tin về Windows. Nó cung cấp thông tin về phiên bản chính, cũng như phiên bản chính xác và số hiệu bản tạo (build number). Microsoft thường xuyên cập nhật Windows 10 và thêm các tính năng mới, do đó biết được số hiệu bản tạo đang dùng là rất hữu ích.

Phiên bản Windows

Trên Windows 10, bạn cũng có thể truy cập Settings > System > About và cuộn xuống Windows specifications để tìm thông tin tương tự.

2. Thông tin ổ cứng

Người dùng nên biết về dung lượng còn trống trên ổ cứng, loại ổ cứng đang sử dụng là SSD hay HDD. Để xem lượng không gian còn trống, hãy mở cửa sổ File Explorer và điều hướng tới This PC, bạn sẽ thấy một danh sách Devices and drives. Ổ cứng máy tính sẽ có nhãn như C: và có tên Local Disk. Nếu dung lượng thấp sẽ đem đến trải nhiệm hiệu suất thấp, bạn nên xem xét giải phóng không gian ổ cứng, xem bài Một số thủ thuật giải phóng không gian ổ cứng máy tính Windows 10.

Để xem loại ổ cứng, bạn có thể sử dụng tiện ích sẵn có của Windows bằng cách gõ defrag vào menu Start để mở công cụ Defragment and Optimize Drives. Tìm ổ C: và bạn sẽ thấy một trong hai loại: ổ cứng trạng thái rắn hoặc ổ đĩa cứng bên cạnh nó.

Thông tin ổ cứng

3. RAM được cài đặt sẵn

Khi biết được dung lượng RAM, người dùng có thể xem xét nên sử dụng bao nhiêu chương trình cùng một lúc để tránh tình trạng hiệu suất chậm hoặc có nên mua RAM bổ sung hay không. Để kiểm tra dung lượng, chỉ cần nhấn Ctrl + Shift + Esc để mở Task Manager. Nếu chỉ nhìn thấy một vài chương trình, hãy click vào More details và chuyển sang tab Performance.

Thông tin về RAM cài đặt sẵn

Ở đây, bạn sẽ thấy RAM đã cài đặt trong tab Memory. Nó cũng cung cấp thông tin dung lượng đã sử dụng, để người dùng biết có nên mua thêm RAM hay không. Ở dưới cùng góc bên phải, có thông số về Slots used, cho biết số lượng khe trống trên bo mạch chủ có thể thêm RAM.

4. Card đồ họa

Thông tin này không mấy quan trọng nếu bạn không chơi game trên PC, nhưng đối với game thủ điều này đặc biệt cần thiết.

Thông tin card đồ họa

Để biết thông tin về card đồ họa, mở Task Manager và nhấp vào tab GPU trên Performance, bạn sẽ thấy tên card đồ họa và các thông số kỹ thuật của nó. Ngoài ra, bạn cũng có thể gõ Device Manager vào menu Start để mở tiện ích này, sau đó mở rộng tab Display adapters.

5. Số serial

Số serial của máy tính là số nhận dạng duy nhất, nó rất hữu ích trong trường hợp kiểm tra tình trạng bảo hành, cập nhật driver vì một số hãng sản xuất máy tính như Dell và HP yêu cầu số serial trên website của họ để thực hiện những công việc như thế này.

Để tìm số serial, bạn cần mở Command Prompt bằng cách nhấn Windows + R để mở trình đơn Run, sau đó gõ cmd. Tại Command Prompt, nhập lệnh sau:

wmic bios get serialnumber

Tìm số serial

Nếu không tìm thấy số serial khi thực hiện lệnh trên có thể là do nhà sản xuất máy tính không thêm số này đúng cách hoặc máy tính tự lắp. Trong trường hợp này, bạn có thể tìm thấy số serial trên một nhãn dán gắn trên máy tính. Nếu tự build máy tính, bạn có thể tìm thấy số serial ở trên mỗi thành phần trên bao bì của nó.

6. Số chu kỳ pin

Bạn nên biết rằng qua một thời gian sử dụng, pin thiết bị sẽ dần cạn kiệt và ngừng hoạt động. Tuổi thọ pin sẽ không được lâu nếu bạn sử dụng và sạc chúng quá nhiều lần. Nếu muốn biết về tình hình sức khỏe của pin laptop thì bạn có thể kiểm tra chu kỳ pin của nó.

Mở Command Prompt, sau đó gõ lệnh sau:

powercfg /batteryreport

Sau đó, truy cập vào thư mục người dùng tại C:\Users\USERNAME và tìm kiếm battery report.html. Click đúp vào nó để mở trong trình duyệt và tìm mục Installed Batteries.

Design Capacity là công suất nạp tối đa ban đầu, trong khi Full Charge Capacity là công suất nạp hiện tại. Cycle Count là số chu kỳ pin đã sử dụng, con số này càng thấp thì pin càng khỏe.

7. Địa chỉ IP

Địa chỉ IP nội bộ của máy tính nhận dạng nó trên mạng gia đình. Do đó, người dùng nên biết cách kiểm tra địa chỉ IP đề có thể sử dụng khi khắc phục sự cố mạng.

Tìm địa chỉ IP

Để kiểm tra địa chỉ IP, mở Command Prompt và nhập lệnh ipconfig. Tìm địa chỉ IPv4 ở dưới Ethernet adapter cho kết nối có dây hoặc Wireless LAN adapter cho kết nối không dây.

8. Trạng thái mã hoá

Mã hóa máy tính để bảo vệ dữ liệu là rất quan trọng trong thời đại giám sát liên tục này, do đó, bạn nên mã hóa ổ cứng của mình.

Nếu sử dụng Windows 10 Professional, người dùng có quyền truy cập vào BitLocker, đây là công cụ mã hóa của Microsoft. Bạn có thể kiểm tra xem nó đã được kích hoạt hay chưa bằng cách tìm kiếm BitLocker trong Start Menu và mở tùy chọn Manage BitLocker, nếu thấy BitLocker off có nghĩa bạn chưa bật tính năng này.

Bật tính năng mã hóa BitLocker

Nếu sử dụng Windows 10 Home, bạn không cần phải trả phí để sử dụng BitLocker vì có rất nhiều công cụ mã hóa khác để lựa chọn và VeraCrypt là lựa chọn miễn phí tốt nhất.

9. Độ phân giải màn hình

Để biết độ phân giải màn hình, click chuột phải vào desktop và chọn Display Settings. Trên Windows 10, bạn sẽ xem thông tin này trên tab Display trong System, cuộn xuống Resolution để thấy độ phân giải màn hình.

Độ phân giải màn hình

Nếu thấy Recommended bên cạnh mục độ phân giải, thì có nghĩa là bạn đang sử dụng độ phân giải đúng cho màn hình. Nói chung, độ phân giải 1920 × 1080 (1080p HD) là tiêu chuẩn. Độ phân giải thấp hơn, như 1366 × 768 phổ biến trên máy tính xách tay giá rẻ, không được sắc nét và nhiều yếu tố sẽ không phù hợp.

10. Mật khẩu quản trị Windows

Điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn, đặc biệt nếu bạn là người dùng quản trị duy nhất trên máy tính của mình. Nhưng khôi phục mật khẩu quản trị Windows là công việc không hề dễ dàng khi bạn lỡ quên nó. Nếu sử dụng một tài khoản Microsoft để đăng nhập, việc khôi phục mật khẩu sẽ dễ dàng hơn sử dụng tài khoản trên máy tính, nhưng tốt nhất là bạn không nên quên nó. Hãy xem xét giữ mật khẩu quản trị viên ở nơi an toàn, chẳng hạn như két an toàn chống cháy hoặc trong trình quản lý mật khẩu.

Dành thời gian để biết 10 thông tin máy tính này rất hữu ích đặc biệt khi khắc phục sự cố.

Xem thêm:

Thứ Sáu, 23/03/2018 16:07
44 👨 12.736
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản