Cách khắc phục lỗi IPv6 No Network Access

Lỗi IPv6 No Network Access có thể xảy ra trên bất kỳ máy Mac, PC hoặc thiết bị di động nào, gây khó chịu khi cố gắng kết nối với mạng. Trong hướng dẫn này, Quantrimang.com sẽ cung cấp hướng dẫn để giúp kết nối IPv6 hoạt động trở lại.

Nguyên nhân gây ra lỗi IPv6 No Network Access

Khi một thiết bị kết nối với Internet, thiết bị đó sẽ nhận được một hoặc nhiều địa chỉ trên mạng. Thông thường, một thiết bị nhận được cả địa chỉ IPv4 và địa chỉ IPv6. IPv6 là một tiêu chuẩn mạng mới hơn, nhằm cho phép một mạng thiết bị được kết nối lớn hơn so với giao thức IPv4 cũ, được sử dụng rộng rãi.

Khi được cấu hình đúng, hầu hết các thiết bị hoạt động tốt khi kết nối mạng được thực hiện với ít nhất một trong hai giao thức này. Nhưng đôi khi, một thiết bị kết nối và nhận địa chỉ IPv4 chứ không phải địa chỉ IPv6. Ví dụ, trong Windows, khi bạn xem chi tiết kết nối mạng, thiết bị có thể hiển thị kết nối với mạng IPv4 nhưng hiển thị No Internet access bên cạnh kết nối IPv6.

Có một số lý do tại sao lỗi này xảy ra. Trong hầu hết mọi trường hợp, nguyên nhân được tiết lộ thông qua bước khắc phục sự cố chính xác giúp giải quyết vấn đề.

Mạng mà bạn sử dụng phải hỗ trợ kết nối IPv6. Trong một số trường hợp, quản trị viên mạng có thể đã cấu hình mạng chỉ hỗ trợ các kết nối IPv4. Nếu đúng như vậy, bạn không thể bật kết nối IPv6 với mạng đó, bất kể bạn thực hiện thay đổi nào trên thiết bị.

Lỗi IPv6 No Network Access
Lỗi IPv6 No Network Access

Cách sửa lỗi IPv6 No Network Access

Hãy thử các bước sau để khắc phục sự cố kết nối IPv6.

1. Khởi động lại thiết bị

Khi khởi động lại một thiết bị, bạn cũng khởi động lại các kết nối mạng của thiết bị đó. Nhiều sự cố mạng khó khắc phục có thể được giải quyết bằng cách tắt thiết bị rồi bật lại. Trong quá trình khởi động, hầu hết các thiết bị sẽ tự động tham gia lại các mạng có dây hoặc không dây đã kết nối trước đó.

2. Khởi động lại router và modem

Sự cố với nhà cung cấp dịch vụ Internet hoặc router có thể dẫn đến việc mất kết nối với địa chỉ IPv6. Nếu bạn có hai thiết bị mạng, hãy khởi động lại modem trước, sau đó đợi một hoặc hai phút và khởi động lại router.

Hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ Internet có xu hướng cung cấp cho khách hàng một thiết bị duy nhất đóng cả vai trò modem và router không dây. Nếu đó là những gì bạn có, hãy tắt thiết bị đó đi, đợi một phút rồi bật lại.

3. Cập nhật hệ điều hành của thiết bị

Các bản cập nhật hệ điều hành thường bao gồm bản sửa lỗi cho những sự cố kết nối mạng bất thường.

4. Kiểm tra các bản cập nhật driver thiết bị mạng (Windows)

Các nhà sản xuất máy tính và thiết bị mạng thường cung cấp những bản cập nhật driver mạng cho thiết bị hoạt động với Windows. Kiểm tra trang web hỗ trợ của nhà sản xuất để tìm hiểu về mọi bản cập nhật driver thiết bị có sẵn. Trong một số trường hợp, bạn có thể cần cài đặt nhiều hơn một bản cập nhật driver thiết bị.

5. Nâng cấp firmware router

Các nhà sản xuất router có xu hướng phát hành những bản cập nhật định kỳ để cải thiện hiệu suất và bảo mật của thiết bị, bao gồm cả cách thiết bị xử lý kết nối IPv6.

Các cải tiến thường khắc phục sự cố với kết nối giữa router và nhà cung cấp dịch vụ Internet, cũng như kết nối giữa router và những thiết bị cục bộ trên mạng. Ví dụ, một số router cũ đã thêm hoặc cải thiện hỗ trợ kết nối IPv6 trong các bản cập nhật firmware sau này. Tuy nhiên, một số router cũ không hỗ trợ hoàn toàn IPv6.

6. Chạy Windows Troubleshooter (Windows 10)

Ứng dụng này được sử dụng để sửa các kết nối Internet. Từ menu Start, chọn Settings > Update & security > Troubleshoot. Tiếp theo, chọn Internet Connections, sau đó chọn Run the troubleshooter. Làm theo lời nhắc trên màn hình và cho phép trình khắc phục sự cố xử lý mọi sự cố đã xác định.

7. Tắt và sau đó bật từng kết nối mạng (Windows)

Trong một số trường hợp, điều này có thể giúp xác định sự cố cụ thể với thiết bị hoặc kết nối.

8. Reset lại cài đặt IPv6 từ Command Prompt (Windows)

Đây là cách thực hiện:

- Mở Command Prompt với quyền admin.

- Nhập netsh winsock reset catalog, sau đó nhấn phím Enter.

- Nhập netsh int ipv6 reset reset.log rồi nhấn phím Enter.

- Khởi động lại hệ thống.

9. Reset lại cài đặt mạng trên thiết bị iOS hoặc Android

Thao tác này sẽ xóa cài đặt cho mạng WiFi và reset lại cài đặt mạng di động về mặc định. Đối với thiết bị Google Pixel và các hệ thống Android 9.0 Pie khác, đi tới Settings > System > Reset options > Reset Wi-Fi, mobile & Bluetooth. Điều này sẽ giải quyết mọi sự cố do cấu hình sai kết nối mạng IPv6 theo cách thủ công.

10. Tắt mọi kết nối mạng riêng ảo (VPN) đang hoạt động

Nhiều chương trình và kết nối VPN vô hiệu hóa kết nối IPv6 để giúp bảo mật kết nối mạng. Các chương trình này quản lý và hạn chế việc tiếp xúc thông tin mạng của thiết bị.

Kết nối VPN đang hoạt động cũng có thể tự động tắt bất kỳ kết nối mạng IPv6 nào. Sau khi bạn tắt VPN, thiết bị sẽ kết nối Internet bình thường.

Nếu bạn phát hiện ra rằng cách này giải quyết được sự cố, hãy kiểm tra với nhà cung cấp VPN để xem họ có cung cấp cài đặt thay thế với hỗ trợ IPv6 hay không. Nhiều dịch vụ VPN đã nghĩ ra các phương pháp cho phép kết nối IPv6, đồng thời ẩn dữ liệu IPv6 của thiết bị thực tế. Tuy nhiên, không phải tất cả các dịch vụ VPN đều hỗ trợ kết nối IPv6.

11. Tắt tường lửa trên thiết bị Windows hoặc macOS

Tường lửa được cấu hình không đúng có thể chặn một số hoặc tất cả các kết nối mạng IPv6. Nếu kết nối mạng IPv6 hoạt động khi tường lửa bị vô hiệu hóa, hãy xem lại cài đặt tường lửa hoặc khôi phục cài đặt tường lửa mặc định.

Nhiều ứng dụng bảo mật của bên thứ ba bao gồm tường lửa. Xem trong phần cài đặt để tạm thời vô hiệu hóa tường lửa đi kèm với phần mềm bảo mật trên hệ thống của bạn.

12. Tắt service IP Helper (Windows)

Tính năng này cố gắng quản lý một số khía cạnh của kết nối IPv6. Để vô hiệu hóa nó:

- Nhấn phím Win+R, sau đó nhập services.msc vào hộp Run được hiển thị và chọn OK.

- Thao tác này sẽ mở ra danh sách các service hệ thống Windows. Cuộn qua danh sách và tìm service có tên IP Helper, sau đó nhấp chuột phải vào tên service và chọn Properties.

- Trong danh sách drop-down Startup type, chọn Disabled > OK.

- Khởi động lại hệ thống, sau đó kiểm tra xem kết nối IPv6 hiện có hoạt động như mong đợi hay không.

13. Tạm thời vô hiệu hóa phần mềm bảo mật của bên thứ ba (nếu có)

Giải pháp này yêu cầu bạn vô hiệu hóa hoặc tốt hơn là gỡ cài đặt bất kỳ phần mềm bảo mật nào của bên thứ ba được cài đặt trên PC Windows 10/11, bằng cách sử dụng công cụ gỡ bỏ AV chuyên dụng.

Để vô hiệu hóa phần mềm diệt virus, hãy tìm biểu tượng của nó trong khu vực thông báo hoặc khay hệ thống trên thanh tác vụ (thường ở góc dưới bên phải của màn hình). Nhấp chuột phải vào biểu tượng và chọn tùy chọn để tắt hoặc thoát chương trình.

14. Đặt network adapter thành HT mode

Đặt network adapter thành HT mode
Đặt network adapter thành HT mode

HT mode cho phép bạn chỉ định chế độ nào hỗ trợ High Throughput (802.11n) và/hoặc Very High Throughput (802.11ac).

Giải pháp này yêu cầu bạn đặt network adapter thành HT mode trên PC Windows của mình. Đây là cách thực hiện:

  • Nhấn phím Windows + R để gọi hộp thoại Run.
  • Trong hộp thoại Run, nhập ncpa.cpl và nhấn Enter để mở bảng điều khiển Network Connections.
  • Tiếp theo, nhấp chuột phải vào network adapter đang hoạt động và chọn Properties.
  • Trong cửa sổ Properties, nhấp vào nút Configure.
  • Trong cửa sổ thuộc tính adapter mạng, bấm vào tab Advanced.
  • Chọn HT mode trong phần Property.
  • Bấm OK.
  • Thoát khỏi bảng điều khiển Network Connections.
  • Khởi động lại PC.

Kiểm tra xem bây giờ bạn có thể kết nối với mạng hay không. Nếu không, hãy thử giải pháp tiếp theo.

15. Đặt địa chỉ IP và DNS thành Automatic

 Đặt địa chỉ IP và DNS thành Automatic
Đặt địa chỉ IP và DNS thành Automatic

Hãy làm như sau:

  • Nhấn phím Windows + R để gọi hộp thoại Run.
  • Trong hộp thoại Run, nhập ncpa.cpl và nhấn Enter để mở bảng điều khiển Network Connections.
  • Tiếp theo, nhấp chuột phải vào kết nối mạng bạn đang sử dụng và chọn Properties.
  • Chọn và nhấp đúp vào tùy chọn Internet Protocol Version 4 (TCP/IPv4) để chỉnh sửa các thuộc tính của nó.
  • Trong tab General, đảm bảo chọn Obtain an IP address automaticallyObtain DNS server address automatically.
  • Bấm OK để lưu các thay đổi.
  • Bấm OK một lần nữa để thoát thuộc tính Network Connections.
  • Thoát khỏi Control Panel.
  • Khởi động lại PC.

Nếu bạn vẫn không thể kết nối với mạng bằng giao thức IPv6, hãy thử giải pháp tiếp theo.

16. Truy cập router với quyền admin

Khám phá các tính năng điều khiển để đảm bảo rằng những kết nối IPv6 đã được bật. Chuyển cài đặt thành Auto Detect hoặc Auto-Config, nếu một trong hai tùy chọn khả dụng. Nếu không, hãy đảm bảo rằng service đã được bật.

Sau khi được bật, bạn có thể cần phải khởi động lại router để thiết lập kết nối IPv6. Có thể mất một chút thời gian để kết nối IPv6 hoạt động và khả dụng, vì vậy hãy đợi thêm vài phút sau khi bạn khởi động router để kiểm tra kết nối.

17. Điều chỉnh cài đặt IPv6 tunnel

Bước cuối cùng cần thực hiện là điều chỉnh cách router và mạng gia đình xử lý địa chỉ IPv6. Hãy thử điều này trong khi truy cập router gia đình với quyền admin. Vì IPv6 được thiết kế cho mọi thiết bị để có được địa chỉ có thể truy cập trực tiếp, những cài đặt mặc định cho các router hiện đại kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ Internet hiện nay sẽ hoạt động tốt.

Bạn có thể thử nghiệm với các cài đặt IPv6 khác trên router nếu bạn gặp sự cố. Đầu tiên, chọn 6to4 tunnel trong cài đặt của router để cho phép lưu lượng IPv6 và IPv4, cũng như các thiết bị hoạt động cùng nhau. Một tùy chọn khác là tắt các kết nối IPv6 được chia sẻ.

Ví dụ, một số người báo cáo rằng việc tắt Share IPv6 connection trên router Apple Airport sẽ giải quyết các sự cố kết nối IPv6 cho những thiết bị cục bộ.

18. Sử dụng IPv4

Nếu không có giải pháp nào được liệt kê trong bài đăng này phù hợp với bạn, bạn có thể sử dụng IPv4. Để sử dụng IPv4 trên PC Windows, bạn cần phải tắt IPv6 và sau đó hệ thống sẽ tự động mặc định chuyển thành giao thức IPv4.

19. Liên hệ với nhà sản xuất thiết bị để được hỗ trợ thêm

Nếu các vấn đề truy cập mạng IPv6 của bạn không được giải quyết, phương án cuối cùng là tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia.

Thứ Ba, 11/08/2020 17:30
3,34 👨 21.469
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Mạng LAN - WAN