Radeon VII vs RTX 2080: Nên mua GPU nào trong phân khúc 700 USD?

Như chúng ta điều biết, thị trường GPU cao cấp trong vài năm qua thực sự rất tẻ nhạt do sự độc tôn của Nvidia. Đồng ý rằng Nvidia cũng đã chăm chút rất nhiều cho các sản phẩm flagship của mình, nhưng cũng không thể kể đến sự hụt hơi đáng thất vọng của AMD, thế nên việc Nvidia trở thành cái tên độc quyền trong thị trường GPU cao cấp cũng là điều dễ hiểu. Thực tế này đồng thời cũng đã cho phép Nvidia nâng giá bán và tập trung vào các tính năng mới, vượt xa cuộc “chạy đua vũ trang” về cấu hình tiêu chuẩn với đối thủ truyền kiếp.

Nvidia vs AMD

Tất nhiên là AMD chẳng thể vui vẻ nổi khi mà tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra, khiến cho danh tiếng của hãng bị sụt giảm nghiêm trọng. Một loạt những sự thay đổi, đầu tư đúng đắn đã được tiến hành, và hiệu quả bước đầu cũng đã xuất hiện. Trong năm nay AMD đã chính thức sẵn sàng để quay trở lại cuộc chơi với quân bài chiến lược Radeon VII trong phân khúc cao cấp. GPU này hiện có giá bán 700 đô la, tức là sẽ cạnh tranh trực tiếp với GeForce RTX 2080 của Nvidia cũng có giá bán tương đương. Vậy thì liệu Radeon VII có thể hạ gục được RTX 2080 về giá cả lẫn hiệu năng và lấy lại “thể diện” cho nhà sản xuất này ở phân khúc cao cấp?

Radeon VII được đặt tên như vậy bởi vì sản phẩm này phát triển dựa trên Vega card thế hệ thứ hai (Radeon Vega 2), và được sản xuất trên tiến trình 7nm mới (Radeon 7). Điều này cho thấy rằng AMD Radeon VII đang mang trong mình những công nghệ hàng đầu của nhà sản xuất Hoa Kỳ, tạo ra ít nhiệt hơn và mức tiêu thụ điện năng cũng hoàn toàn sẽ được đảm bảo. Các công nghệ mới được áp dụng vào dây chuyền sản xuất cho phép AMD có thể cạnh tranh sòng phẳng với Nvidia ngay bây giờ. Nhưng khi nói đến những cuộc đấu công nghệ của 2 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới ở phân khúc cao cấp trong tương lai, Nvidia vẫn đang là kẻ có nhiều lợi thế hơn với kinh nghiệm dạn dày cũng như các công nghệ hàng đầu đã được cộng đồng kiểm chứng, trong khi đó, nhiều khả năng quân bài chiến lược của AMD chỉ là bộ nhớ băng thông cao thế hệ thứ hai (HBM2), cùng với tiến trình 7nm mà thôi.

Nvidia

Tất nhiên chúng ta sẽ không bàn nhiều về tương lai ở đây. Trong bài viết này, tôi và bạn sẽ cùng tìm hiểu xem ở thời điểm hiện tại, Radeon VII có đáng để sở hữu không? Nó có tốt hơn RTX 2080 không? Và bạn có cần thêm các tính năng như RAM video hoặc dò tia và DLSS không? Hãy cùng đi vào vấn đề ngay bây giờ.

Hiệu suất chơi game

Về lý thuyết, Radeon VII và RTX 2080 gần như ngang tài ngang sức khi xét về hiệu suất tổng thể. Sự khác biệt sẽ chỉ xuất hiện ở một số tình huống cụ thể. Đại khái là RTX 2080 sẽ cho tốc độ nhanh hơn đáng kể ở một số game, trong khi Radeon VII lại có thể “outplay” đối thủ ở những tựa game khác. Kết quả này được đưa ra sau những bài so sánh thực tế và phân tích dựa trên điểm benchmark. Nhìn chung thì bạn hoàn toàn có thể tin tưởng vào khả năng hoạt động tốt của cả 2 model với các trò chơi hàng đầu ở độ phân giải 4K và ultra settings.

Hiệu suất chơi game

Cụ thể, Radeon VII và RTX 2080 đã được thử nghiệm với cấu hình phần cứng sau:

  • CPU: AMD Ryzen 2 2700X
  • Bo mạch chủ: Aorus X470 Ultra Gaming
  • Ram: Kingston HyperX Fury 16GB DDR4-3200
  • Ổ cứng: 970 Evo 500GB

Kết quả không có gì đáng ngạc nhiên, Radeon VII cho tốc độ nhanh hơn đối với các trò chơi được đóng logo AMD. RTX 2080 cũng tương tự, cho tốc độ tốt hơn trong các trò chơi được thiết kế để hỗ trợ cho sản phẩm của Nvidia. Đối với các tựa game trung tính hơn, kết quả cho thấy RTX 2080 gánh Grand Theft Auto V và Hitman nhanh hơn khoảng 10% so với Radeon VII. Tuy nhiên Radeon VII lại thể hiện tốt hơn trong The Division và Monster Hunter: World.

Dưới đây là tốc độ khung hình trung bình của RTX 2080 và Radeon VII trong 7 tựa game khác nhau. Các game này đều chạy ở độ phân giải 4K với cài đặt cao nhất, ngoại trừ các tính năng dành riêng cho nhà cung cấp (như Nvidia Hairworks hoặc HBAO +):

Tốc độ khung hình trung bình của RTX 2080 và Radeon VII trong 7 tựa game khác nhau

Và đây là tốc độ trung bình cho cả 7 tựa game:

Tốc độ trung bình cho cả 7 tựa game

Các yếu tố bên cạnh tốc độ khung hình

Thông thường, nếu chỉ xét đến hiệu suất tổng thể thì sẽ rất khó để nói chính xác được GPU nào là tốt hơn. 2 sản phẩm này cũng không phải là ngoại lệ, thế nhưng tin tốt là cả hai đều là những model cao cấp nên sẽ còn rất nhiều yếu tố đáng chú ý khác mà chúng ta có thể lôi ra để cân đo đong đếm.

Trong khi Nvidia chú trọng tuyệt đối vào tiềm năng trong các công nghệ chiến lược của mình như dò tia thời gian thực (real-time ray tracing) và học sâu siêu lấy mẫu (deep-learning super-sampling - DLSS), thì AMD lại đang tập trung vào tiến trình sản xuất và bộ nhớ siêu nhanh. Vậy thì có gì để mà so sánh giữa những thứ tưởng chừng như chẳng hề liên quan như vậy? Tất nhiên là có, nhưng sẽ còn phải phụ thuộc nhiều vào mục đích cũng như nhu cầu sử dụng của bạn trong thực tế, bởi đơn giản mỗi tính năng sẽ đều hướng đến một mục đích khác nhau.

RTX

Vấn đề với RTX là có rất ít trò chơi hỗ trợ các công nghệ mà nó đang sở hữu. Đơn cử như việc một số tựa game đình đám như Battlefield V, Metro Exodus và Final Fantasy XV đều không hỗ trợ ray tracing hoặc DLSS, vậy thì việc bỏ thêm tiền cho các tính năng này trong khi lại chẳng thể sử dụng được rõ ràng là một sự lãng phí không hề nhẹ.

Final Fantasy XV

Tin tốt cho Nvidia là tác dụng mà ray tracing mang lại rất ấn tượng, ngay cả khi nó làm tổn hại một chút đến hiệu suất tổng thể. Bên cạnh đó, DLSS cũng không gây ảnh hưởng đến hiệu suất trong khi vẫn giúp duy trì hình ảnh sắc nét trong Final Fantasy XV.

Khi tắt tất cả các tính năng dành riêng cho Nvidia để chấm điểm benchmark của RTX 2080 đối với Final Fantasy XV, lợi thế của model này so với Radeon VII cũng đã mất đi đôi chút. Tuy nhiên, nhìn chung thì Final Fantasy XV vẫn hỗ trợ DLSS và khi bật tính năng này, RTX 2080 có điểm benchmark tốt hơn 45% so với Radeon VII, đây là một con số rất đáng cân nhắc.

Final Fantasy XV vẫn hỗ trợ DLSS và khi bật tính năng này, RTX 2080 có điểm benchmark tốt hơn 45% so với Radeon VII

Nhưng cho đến khi các nhà phát triển tiến hành đưa công nghệ của RTX vào nhiều trò chơi khác hơn thì chúng ta cũng chưa thể khẳng định được rằng liệu công nghệ này có đóng vai trò quan trọng trong tương lai hay không.

HBM2

Về phần mình, AMD đang kỳ vọng tốc độ bộ nhớ sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc xử lý các trò chơi trong tương lai, như chúng ta có thể thấy Radeon VII được trang bị rất nhiều RAM video tốc độ cực cao. Bộ nhớ 16GB này có khả năng xử lý và thông qua hơn 1TB dữ liệu mỗi giây. Vậy thì con số này nói lên điều gì? Chà, nó sẽ cho phép các nhà phát triển xử lý được số lượng đáng kinh ngạc các kết cấu khung hình 4K hoặc thậm chí là 8K.

HBM2

Tuy nhiên, hầu như không có trò chơi nào có thể ngốn bộ nhớ đến mức phải dùng hết cả 16GB, ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại. Điều này cho thấy rằng các nhà phát triển đã có thể bắt đầu tạo ra những trò chơi đạt đến giới hạn ngay từ bây giờ, với một GPU đủ mạnh như Radeon VII. Những tựa game thế giới mở của Ubisoft dường như là ứng cử viên hàng đầu và AMD tuyên bố rằng có rất nhiều phân cảnh trong Far Cry 5 đã được hưởng lợi từ công nghệ HBM2 của họ.

Tuy rằng cũng có một số trò chơi có thể tận dụng hết tiềm năng của Radeon VII, nhưng hầu hết chúng sẽ cố gắng duy trì và sử dụng lượng RAM video khiêm tốn hơn nhiều để đảm bảo tính ổn định cho hệ thống. Vì vậy, giống như RTX, chúng ta phải chờ xem liệu công nghệ này có tạo ra sự khác biệt lớn trong sử dụng thực tế hay không.

Năng suất làm việc

Có một yếu tố rất quan trọng với GPU nhưng lại ít khi được đề cập đến đó là năng suất trong làm việc. Trong trường hợp của Radeon VII vs RTX 2080, cả hai model này đều chứa đựng những tính năng tuyệt vời khiến chúng trở thành sự lựa chọn lý tưởng trong một số loại hình công việc sáng tạo nhất định.

Radeon VII

Radeon VII sẽ là sự lựa chọn nổi bật trong các nhiệm vụ OpenCL như Blender - ít nhất là bạn cũng có thể khiến Blender hoạt động ngon lành. Nhìn chung, Radeon VII sẽ đóng vai trò là một lựa chọn tuyệt vời cho các kỹ sư thiết kế đồ họa, những người muốn làm việc với các công cụ OpenCL, đó là kết luận được thu về từ trải nghiệm thực tế chứ không phải là lời nói suông.

Cả hai GPU này đều không có nhiều khác biệt cũng như lợi thế đáng kể trong sản xuất video - đặc biệt là khi làm việc với một phần mềm như Adobe Premiere. Tuy nhiên RTX 2080 lại được trang bị một bộ mã hóa video mới nhất, giúp mang lại hiệu quả tuyệt vời hơn trong việc record trò chơi hoặc phát trực tiếp. Phiên bản mới nhất của NVENC (bộ mã hóa Nvidia) hiện chỉ có sẵn trong các card RTX và nó có khả năng loại bỏ yêu cầu phải thiết lập 2 PC đối với các streamer như hiện nay.

NVENC

Với NVENC, bạn có thể chơi một trò chơi và sau đó mã hóa nó trên GPU mà không ảnh hưởng đến hiệu suất trò chơi cũng như CPU. Trong quá khứ, NVENC có vẻ không được hiệu quả cho lắm và bị nén khá nhiều so với mã hóa x264 do CPU cung cấp ở cùng tốc độ bit. Tuy nhiên, NVENC mới này lại đặc biệt phù hợp với chất lượng x264 ở tốc độ bit thấp hơn và nó làm cho card RTX trở thành thiết bị lý tưởng cho những người thường xuyên phát trực tuyến, các streamer.

Nhiệt độ và độ ồn

Cũng như hiệu năng chơi game, RTX 2080 và Radeon VII cho kết quả khá giống nhau khi nói đến nhiệt độ và độ ồn trong lúc vận hành. Không có sản phẩm nào vượt quá 80 độ C ngay cả khi được load với các tác vụ nặng nhất.

RTX 2080 và Radeon VII cũng cho kết quả khá giống nhau khi nói đến nhiệt độ và độ ồn trong lúc vận hành

Tuy nhiên khi xét đến độ ồn, RTX 2080 sẽ yên tĩnh hơn một chút. Khi cả hai thiết bị đều chạy với tốc độ quạt cao nhất, chúng phát ra độ ồn khá tương đương nhau. Nhưng tốc độ quạt của Radeon VII lại tăng nhanh hơn và thường xuyên đạt mức cực đại hơn, vì vậy trong sử dụng thực tế, tiếng ồn mà Radeon VII phát ra nhìn chung là to hơn và thường xuyên hơn so với model của Nvidia. Tuy nhiên, độ ồn mà Radeon VII gây ra không hề tạo ra sự khó chịu và hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Vậy bạn nên chọn sản phẩm nào?

Suy cho cùng thì bạn nên gia nhập team đỏ (AMD) hay team xanh (Nvidia)? Đừng vội, câu trả lời sẽ còn phải phụ thuộc thêm vào một vài yếu tố nữa.

Đầu tiên, đừng mua cả hai model này nếu bạn không chơi game ở chế độ 4K bởi đó sẽ là một sự lãng phí khủng khiếp. Ngay cả khi bạn muốn có độ phân giải 1440p ở 144Hz, chiếc RTX 2060 350 USD vẫn thừa sức “cân” tốt (đặc biệt là nếu bạn ép xung cho nó).

Bạn nên lựa chọn Radeon VII nếu phải làm việc thường xuyên với các ứng dụng thiết kế đồ họa, 3D

Thứ hai, bạn nên lựa chọn Radeon VII nếu phải làm việc thường xuyên với các ứng dụng thiết kế đồ họa, 3D như Blender. Cũng như nên về team RTX 2080 nếu bạn muốn livestream lên Twitch hoặc quay video trực tiếp trên YouTube, nhìn chung là các công việc liên quan đến phát video trực tuyến.

Cuối cùng, hãy chọn một sản phẩm có thể hỗ trợ tốt cho các công nghệ của tương lai. Bạn có nghĩ rằng các tính năng như ray tracing và DLSS sẽ là tiêu chuẩn của tương lai hay bộ nhớ dung lượng cao cực nhanh mới là xu hướng của thị trường? Hãy chú ý đến sự ra mắt của các tựa game mới và thị hiếu của những người dùng khác để đưa ra cho mình một lựa chọn hợp lý.

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng cả 3 công nghệ kể trên đều sẽ phát triển rất mạnh trong tương lai nhưng để mà cân nhắc thật kỹ thì việc đầu tư trước cho DLSS có lẽ sẽ an toàn hơn bởi công nghệ này đang được đánh giá rất cao và có dấu hiệu bùng nổ chỉ trong vài năm tới.

Trong khi đó, các nhà phát triển lại có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến bộ nhớ video tốc độ cao, nhưng họ sẽ phải tiếp tục tạo ra các trò chơi hoạt động với game console và các thiết bị RTX 2060 chỉ có 6GB RAM video. Điều đó sẽ gây khó khăn cho việc làm thế nào một trò chơi có thể tận dụng được lợi thế từ Radeon VII. Trong bốn hoặc 5 năm tới, khi mà RTX 2080 bắt đầu trở nên chậm chạp hơn, có lẽ DLSS sẽ là nhân tố khiến RTX 2080 tạo ra lợi thế về tốc độ so với Radeon VII.

Trên đây là những so sánh cơ bản về 2 mẫu GPU đình đám trên thị trường hiện nay là Radeon VII vs RTX 2080. Bạn có suy nghĩ gì về các sản phẩm này? Hãy để lại ý kiến ở mục bình luận bên dưới nhé. Chúc các bạn lựa chọn được cho mình một sản phẩm phù hợp!

Thứ Hai, 04/03/2019 08:26
44 👨 1.666
0 Bình luận
Sắp xếp theo