Độ phân giải 8K là gì? 8K có bao nhiêu điểm ảnh?

Vâng, khi mà chúng ta còn chưa kịp chuyển sang sử dụng đại trà những chiếc TV 4K thì công nghệ 8K đã manh nha bước vào cuộc đua của kẻ thống trị thị thường màn hình hiển thị. Vậy thì 8K là gì, công nghệ này có đặc điểm như thế nào? Có đáng để chúng ta quan tâm hay không?

Đó đều là những câu hỏi thiết thực, và câu trả lời dành cho chúng đều có tại đây. Trong bài viết này, bạn sẽ được biết mọi thứ cần biết về 8K, và tại sao sự có mặt của 8K lại không hề viển vông như những gì người ta lầm tưởng.

8k là gì? Nó có ưu, nhược điểm nào khi so sánh với 4K và FHD?

8k là gì? Nó có ưu, nhược điểm nào khi so sánh với 4K và FHD?

Nhiều người có thể nghĩ rằng TV 8K sẽ có độ phân giải gấp đôi TV 4K, giống như 4K gấp 2 lần 2K vậy, nhưng do phương pháp đo độ phân giải phức tạp, điều này là không hoàn toàn chính xác. Thuật ngữ 8K dùng để chỉ độ phân giải ngang của TV, nghĩa là có bao nhiêu pixel chạy trên màn hình từ trái sang phải. TV 8K có số pixel ngang gấp đôi TV 4K, nhưng chúng có tổng số pixel gấp bốn lần so với 4K và gấp 16 lần so với 1080p khi bạn nhìn vào toàn bộ diện tích bề mặt. Cụ thể hơn, độ phân giải 8K tương đương với 7.680 x 4.320, hay 33 triệu điểm ảnh (chính xác là 33.117.600) thay vì 3.840 x 2.160 (8.294.400 điểm ảnh) của 4K. Sẽ có rất rất nhiều điểm ảnh, có thể khẳng định như vậy!

Các thuật ngữ khác có thể gây nhầm lẫn như:

  • TV 720p (hoặc HD) được đo ở độ rộng 1280 pixel, cao 720 pixel.
  • TV 1080p (hay còn được gọi là Full HD hoặc FHD) được đo ở kích thước 1920 pixel rộng × 1080 pixel cao.
  • TV 4K (hay còn được gọi là Ultra HD hoặc UHD) được đo ở kích thước 3840 pixel rộng × 2160 pixel cao.
  • TV 8K được đo ở ở kích thước 7680 pixel rộng × 4320 pixel cao.

TV 8K được đo ở ở kích thước 7680 pixel rộng × 4320 pixel cao.

Một điều mà chúng ta rất dễ nhận ra với các độ phân giải này là sau 720p trở đi, với mỗi tiêu chuẩn mới, cả số lượng pixel ngang và dọc đều sẽ tăng gấp đôi. Bởi chúng ta đang nói về không gian 2 chiều, bao gồm các đường ngang và dọc nên sự gia tăng này sẽ dẫn đến một bước nhảy vọt về tổng số pixel.

Có nên mua TV 8K?

Có nên mua TV 8K?

Câu trả lời ngắn gọn: Không! ít nhất là tại thời điểm này.

Ở thời điểm hiện tại, TV 4K cuối cùng đã bắt đầu được sử dụng rộng rãi và có giá cả phải chăng hơn. Công nghệ HDR có thể vẫn đang ở trong một cuộc chiến về tiêu chuẩn, nhưng ngày càng có nhiều TV cung cấp cả hai tùy chọn 4K và HDR. Ngoài ra, HDR vẫn là một yếu tố riêng biệt với độ phân giải, do đó, công nghệ này vẫn sẽ tùy thuộc nhiều vào mỗi nhà sản xuất. Lúc này, nếu bạn mua một một chiếc TV mới thì đó phải là TV 4K HDR. Không có lý do gì để chờ đợi 8K. Công nghệ 8K thực ra đã bắt đầu xuất hiện ngay khi những chiếc TV 4K đầu tiên vừa mới được tung ra thị trường. Dù các tấm nền 8K đã được tiết lộ ngay từ CES 2013 rồi, nhưng khi đó, chẳng mấy ai quan tâm và cũng không ấn tượng với công nghệ này vì câu hỏi muôn thuở “làm gì có nội dung 8K mà xem?”. Và sau 6 năm, câu hỏi này vẫn còn nguyên giá trị. Do đó việc chờ đợi những chiếc TV 8K chỉ khả thi với những người đang sở hữu một model 4K HDR rồi.

Không có nhiều nội dung 8K có sẵn, trừ khi bạn đang sống ở Nhật Bản

Không có nhiều nội dung 8K có sẵn, trừ khi bạn đang sống ở Nhật Bản

Nói sâu hơn một chút về vấn đề “nguyên liệu” cho những chiếc TV 8K. Cũng giống như với TV 4K khi chúng được phát hành lần đầu tiên (và ở một mức độ nào đó cho đến tận ngày nay), có rất ít nội dung 8K có sẵn để chúng ta sử dụng, đặc biệt là khi các nền tảng lớn như Netflix và Amazon vẫn đang tập trung vào nỗ lực để triển khai nội dung 4K sâu rộng hơn. Và hiện tại, không có tiêu chuẩn nào được thống nhất để cung cấp nội dung 8K cho TV.

Thời gian trôi qua, các công ty khác bắt đầu trình diễn những chiếc TV 8K thử nghiệm của riêng họ. Nhật Bản đã giới thiệu một kênh phát sóng dành riêng cho các nội dung 8K và điều này mang đến cho chúng ta một cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng sớm được sử dụng công nghệ này. Đài truyền hình Nhật Bản NHK đã tung ra các chương trình phát sóng vệ tinh 8K đầu tiên vào năm 2016. Cuối năm đó, một phần của Olympics Rio 2016 đã được quay và phát sóng ở độ phân giải 8K bởi NHK, dù vậy những nội dung có độ phân giải siêu cao này cũng chỉ có thể xem ở các nhà hát đặc biệt mà thôi.

Và ngược lại, để thưởng thức bất kỳ một nội dung 8K nào, bạn sẽ cần một TV 8K, một vệ tinh chuyên dụng để nhận đường truyền. Tất cả các yếu tố này góp phần tạo nên một khoản đầu tư quá lớn đối với người bình thường. Còn về phần Nhật Bản, họ vẫn đang là những người đi tiên phong trong công nghệ này với kế hoạch phát sóng Thế vận hội 2020 theo chuẩn 8K.

Chất lượng hiển thị của các nội dung không phải 8K cũng sẽ được cải thiện

Chất lượng hiển thị của các nội dung không phải 8K cũng sẽ được cải thiện

Có một điều đáng chú ý là TV 8K sẽ có thể nâng cấp khả năng hiển thị nội dung độ phân giải thấp hơn lên một chút, nhưng nếu xét về tổng thể thì điều này sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn. Nhiều TV 4K cũng đã làm được điều tương tự, tức là giúp cho các nội dung 1080p trông đẹp hơn so với khi được hiển thị trên một màn hình FHD tiêu chuẩn. Yếu tố này góp phần bù đắp cho việc thiếu hụt các nội dung 4K, và cũng chính vì thế mà bạn không phải xem các bộ phim 1080p với bốn cạnh viền đen khổng lồ bao quanh như trước đây.

Để hiểu rõ hơn, bạn hãy nghĩ đến trường hợp của điện thoại thông minh. Khi những chiếc điện thoại màn hình lớn với độ phân giải cao bắt đầu xuất hiện, chúng gần như gây sốc về chất lượng hiển thị của màn hình, hình ảnh mịn, nét, màu sắc sống động hơn hẳn so với những chiếc điện thoại truyền thống. Các ứng dụng bình thường trông “lờ đờ” trên những màn hình nhỏ, rỗ “chằng chịt” thì nay đột nhiên trông tuyệt đẹp. Hoặc cùng một trang web như vậy nhưng khi bạn truy cập bằng iPhone 6 và iPhone XS Max sẽ trông khác nhau hoàn toàn, mặc dù trang web đó không có bất cứ chỉnh sửa nào.

Và đó cũng là những gì TV 8K cũng sẽ mang đến cho người dùng nếu chúng đi kèm với một thuật toán nâng cấp. Đơn cử như trường hợp của Samsung. Cụ thể, những chiếc TV 8K của Samsung có khả năng “kéo dãn” các nội dung ở độ phân giải thấp hơn lên 8K, qua đó tạo ra được những khác biệt rất lớn trong độ sắc nét của hình ảnh. Theo Samsung, họ đã phát triển một hệ thống gọi là "xử lý hình ảnh ngay trên thiết bị bằng trí tuệ nhân tạo" cho phép các TV 8K Samsung thu nhận hình ảnh từ bất kỳ nguồn nào, từ full HD, 2K đến 4K, rồi “nâng cấp” hình ảnh đó lên độ phân giải 8K. Thêm vào đó, những chiếc TV này còn được tích hợp bộ lọc thông minh nhằm đảm bảo chất lượng hình ảnh tối ưu nhất, giúp xử lý gọn gàng những vết răng cưa xuất hiện khi kéo giãn hình ảnh. Không những vậy, độ tương phản và độ sáng cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế, tính năng trước đây cũng đã được tìm thấy trên một số TV 4K cao cấp, chỉ có điều là lúc đó các mẫu TV này chưa hỗ trợ độ phân giải 8K mà thôi. Nhưng dù sao thì trong khi các nội dung 8K thực thụ vẫn còn quá khan hiếm như bây giờ thì việc nâng cấp hình ảnh từ 4K lên 8K có thể coi là một bước tiến lớn, giúp người dùng sớm có cơ hội trải nghiệm, tiếp cận với những nội dung có chất lượng hiển thị cao.

Việc truyền phát các nội dung 8K sẽ gặp khó khăn

Việc truyền phát các nội dung 8K sẽ gặp khó khăn

Chưa cần phải nói đến 8K, ở thời điểm hiện tại, việc truyền phát các nội dung 4K vốn đã rất khó khăn rồi. Thông thường, bạn phải có ít nhất một kết nối 20Mbps để phát trực tuyến các nội dung 4K, rất tốn kém. Còn đối với chuẩn 8K, với số pixel được nhân lên bốn lần, yêu cầu về đường truyền sẽ còn cao hơn nữa. Các thử nghiệm ban đầu đã chỉ ra rằng để truyền phát một video 8K sẽ yêu cầu tối thiểu là một kết nối 50Mbps - một con số quá lớn, ngay cả ở những nước có tốc độ băng thông tốt cũng khó mà đáp ứng được với quy mô đại trà. Nếu bạn có nhu cầu truyền phát đồng thời nhiều luồng 8K thì ngay cả một kết nối gigabit cũng sẽ khó mà có thể đáp ứng đầy đủ.

Ngay cả khi bạn nắm trong tay một kết nối gigabit đủ mạnh, bạn có thể sẽ cần phải lo lắng thêm về giới hạn dữ liệu. Một giờ truyền phát các nội dung 8K sẽ đốt cháy 75.2GB dữ liệu (đây là ước chừng, tình hình thực tế sẽ còn tùy thuộc vào nén và các yếu tố khác) - không hề dễ “chơi” chút nào.

Xét ở thời điểm hiện tại, Netflix, Amazon và các nhà cung cấp phát trực tuyến khác vẫn còn một chặng đường dài trong việc cung cấp nội dung 4K đến tay người dùng, do đó, khái niệm về cung cấp các luồng 8K dường như vẫn còn là một câu chuyện dài của tương lai. Công nghệ thì chúng ta đã có, nhưng làm thế nào để áp dụng vào quy mô đại trà mới là điều khó. Các công ty đầu ngành sẽ giới thiệu những giải pháp của riêng họ, từ công nghệ cần thiết để phát trực tuyến đến giới hạn của ISP. Giải pháp hiện tại của Nhật Bản thậm chí còn không phải đang hoạt động trên một thiết lập trên mặt đất mà thay vào đó đòi hỏi một cơ sở hạ tầng vệ tinh phức tạp.

Các mẫu TV 8K sẽ có giá thành rất cao

Các mẫu TV 8K sẽ có giá thành rất cao

Như một quy luật bất biến đã tồn tại hàng chục năm nay, các công nghệ TV mới luôn rất đắt lúc mới được ra mắt và giảm giá nhanh chóng theo thời gian. Khi những chiếc TV 4K lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường vào năm 2012, chúng thường nằm trong khoảng giá 20.000 đô la, nhưng cho đến năm 2018 vừa qua, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những chiếc TV 4K kích cỡ 85-inch có giá dưới 5.000 USD, còn những mẫu 50 - 55 inch thậm chí chỉ có giá bán chưa tới 1.000 USD. Tin tốt là các mẫu TV 8K khi mới ra mắt sẽ không đến mức đắt đỏ như trường hợp của 4K, tin xấu là chúng sẽ không thể rẻ hơn 15.000 USD. Do đó, nếu bạn có 15.000 đô la để đầu tư cho TV, giải pháp thông minh sẽ là mua một chiếc TV 4K (hoặc hai) thật xịn, còn đâu ta đầu tư cho hệ thống âm thanh chẳng hạn, sẽ cho trải nghiệm giải trí tốt hơn nhiều.

Tuy nhiên bạn cũng đừng vội mà trách móc các nhà sản xuất tại sao lại nâng giá lên cao chót vót như vậy để rồi lại để nó tụt thê thảm chỉ sau vài năm. Đơn giản là bởi tất cả các công nghệ mới đều rất khó sản xuất ở quy mô thương mại lúc đầu, hay nói cách khác, chi phí đầu tư ban đầu cho một hệ thống dây chuyền, các khâu nghiên cứu và phát triển là rất lớn. Theo thời gian, khi mà quá trình sản xuất đã được cải thiện và đi vào quy trình, tất nhiên chi phí cũng sẽ phải giảm theo. Trong tương lai gần, TV sẽ giống với điện thoại thông minh ở chỗ công nghệ màn hình sẽ là một trong những yếu tố mà người dùng quan tâm nhất, đồng thời quyết định sự thành bại của một sản phẩm.

Với những vấn đề về giá bán nói trên, chúng tôi vẫn khuyên bạn lên chọn mua những chiếc TV 4K, ít nhất là ở thời điểm này cho đến một vài năm tới.

Tóm lại, công nghệ 8K có thể mang lại những lợi ích gì?

Tóm lại, công nghệ 8K có thể mang lại những lợi ích gì?

Trớ trêu thay, những người được hưởng lợi từ TV 8K nhiều nhất có lẽ không phải là những cá nhân giàu có, có thể chi ra 15.000 đô la để mua một chiếc TV, mà đó sẽ là những người sống trong các căn hộ hoặc nhà cũ với một gian phòng khách chật hẹp hơn. Lợi ích của độ phân giải cao hơn là cho phép bạn ngồi gần màn hình hơn nhưng vẫn nhìn được hình ảnh một cách mượt mà, không bị “rỗ", đặc biệt là khi kích thước của màn hình tăng lên.

Hình ảnh hiển thị trên một màn hình 1080p rất lớn (giả sử là 70 inch) sẽ trông rất tệ nếu bạn ngồi xem ở gần. Bạn sẽ cần phải ngồi ở khoảng cách khá xa để ít nhất không còn nhìn thấy các pixel. TV 4K sẽ giúp cải thiện điều này, nhưng nếu bạn có một chiếc TV 4K 70 inch, bạn vẫn nên ngồi cách màn hình ít nhất khoảng 3m để có được trải nghiệm hình ảnh tốt nhất.

Hình ảnh hiển thị trên một màn hình 1080p rất lớn (giả sử là 70 inch) sẽ trông rất tệ nếu bạn ngồi xem ở gần.

Nếu bạn ở trong một ngôi nhà cũ với diện tích phòng khách nhỏ và cách bài trí theo kiểu truyền thống, những chiếc TV 8K 70 inch sẽ giúp giải quyết được vấn đề. Trong trường hợp này, công nghệ 8K sẽ cho phép bạn ngồi gần TV hơn mà vẫn nhìn thấy hình ảnh một cách chi tiết, phong phú, mượt mà. Hơn nữa, sự “gần gũi” này cũng sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm xem truyền hình “đã mắt” hơn rất nhiều.

Nhưng ngay cả với kịch bản như vậy, lời khuyên ở đây là bạn vẫn chỉ nên mua một chiếc TV 4K HDR nhỏ hơn. Nó sẽ có giá bán thấp hơn rất nhiều, trong khi lợi ích mang lại thì không hề thua kém. Nếu bạn có thể chi tiêu thêm, hãy tìm mua một chiếc TV có hỗ trợ cả tiêu chuẩn HDR và có khả năng xử lý nâng cấp tốt. Đồng thời xem xét đến OLED nếu bạn có nhu cầu cao về mức độ chân thực của các dải màu sắc. Còn nếu chiếc TV bạn đang dùng là một trong những sản phẩm tốt nhất trên thị trường hiện nay thì đã có đủ lý do thuyết phục để chờ đợi những chiếc TV 8K.

Các mẫu TV 8K cũng sẽ được trang bị những công nghệ màn hình tốt nhất. Sony hiện đang trình diễn một chiếc TV 8K có thể đạt tới độ sáng 10.000 nits. Nits là một phép đo độ sáng và để so sánh nhanh, những chiếc TV có độ sáng tốt nhất có sẵn trên thị trường hiện đang dừng lại ở mức khoảng 4.000 nits. Đồng thời, chiếc TV này cũng là OLED, vì vậy, trong khi có thể đạt được độ sáng nhất, nó cũng có thể thể hiện những mảng màu tối đến mức tối nhất. Phạm vi thể hiện hình ảnh cực rộng này sẽ tràn vào màu sắc và cung cấp trải nghiệm sống động và chân thực hơn rất nhiều.

Các sản phẩm của Samsung cũng có thể mang lại những ưu điểm tương tự như Sony, đồng thời triển khai thêm các kỹ thuật nâng cấp mới được đề cập trước đó. Nó sẽ bao gồm các tính năng bổ sung như chế độ Ambient điều chỉnh màn hình theo ánh sáng trong căn phòng hoặc cho phép thiết bị “hòa” vào tường khi không sử dụng. Điều này tương tự như một tính năng được tìm thấy trong Google Home Hub, nhưng có kích thước lên tới 85 inch.

8K không đơn thuần là một công nghệ hiển thị mới, nó còn là một bước tiến về tính năng, khả năng và thậm chí là thay đổi xu hướng phát triển của thị trường màn hình trong tương lai. TV 8K thực sự mang lại chất lượng hình ảnh tốt nhất, ngay cả khi bạn không xem những video 8K. Nhưng đối với người tiêu dùng trung bình, những lợi ích trên khó có thể bù đắp lại cho giá bán và các chi phí liên quan, do vậy, 8K hiện thời vẫn là công nghệ của tương lai.

Xem thêm:

Thứ Ba, 15/01/2019 11:30
57 👨 4.397
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tivi