Xử lý thế nào khi Camera WiFi trong nhà bị lỗi, bị hack?

Camera WiFi đã và đang là thiết bị không thể thiếu trong mỗi gia đình, văn phòng nhờ khả năng quan sát và giám sát từ xa. Tuy vậy, trong trường hợp máy gặp các sự cố như không kết nối được mạng, không nhận thẻ nhớ, hình ảnh bị mờ, hay tệ hơn là Camera bị hack, bạn đã có hướng xử trí hiệu quả dành cho mình? Nếu câu trả lời là không, đừng quá lo lắng, vì Quantrimang sẽ trả lời câu hỏi đó giúp bạn thông qua bài viết dưới đây.

1. Camera IP không nhận WiFi

Đây có lẽ là một trong các sự cố mà người sử dụng thiết bị Camera IP không dây thường gặp phải. Nếu không tiếp nhận được tín hiệu không dây, Camera sẽ không thể hoạt động được. Vì thế, bạn cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân và có cách xử trí kịp thời.

Camera không nhận wifi

Một trong những yếu tố có thể là nguyên nhân dẫn tới việc thiết bị ghi hình nhà bạn không kết nối được với WiFi là:

  • Các ăng-ten (hay còn gọi là râu) trên Camera đang bị cố định một cách lỏng lẻo.
  • Vị trí đặt Camera quá xa phạm vi phát sóng của thiết bị WiFi trong nhà.
  • Modem WiFi không tiếp nhận Camera.
  • Bạn điền sai ID và Password WiFi trong quá trình thiết lập kết nối mạng cho Camera.
  • Camera IP không dây không có điện.
  • SSID không giống với SSID của router.
  • Camera không dây nhận sai địa chỉ IP.
  • Router của bạn không hỗ trợ kênh WiFi của camera an ninh.
  • Kênh của router quá đông.
  • Cáp mạng có vấn đề về kết nối (đối với camera an ninh có dây).
  • Nhiễu điện từ các thiết bị như điện thoại không dây hoặc lò vi sóng khiến tín hiệu WiFi bị suy giảm.
  • Camera IP an ninh hoặc điện thoại không kết nối với mạng.
  • Tùy chọn "UID" trên camera IP P2P chưa được bật.
  • Bạn đã bật tường lửa của router và nó chặn các kết nối.
  • Một vài lý do khác như: Firmware của Camera lâu chưa được cập nhật, Camera chưa được cài đặt cấu hình kết nối mạng,...

Khắc phục lỗi Camera không nhận tín hiệu Wifi

Sau khi tìm ra được nguyên nhân, bạn có thể thực hiện một giải pháp như sau:

  • Cố định chắc chắn ăng-ten Camera. Kiểm tra qua phần mềm, ứng dụng kết nối xem ăng-ten hiện có đang hoạt động hay không.
  • Kiểm tra vị trí lắp đặt Camera có nằm quá xa so với thiết bị phát sóng WiFi, hoặc bị vật cản che lấp hay không. Nếu có, bạn nên tính tới việc di chuyển thiết bị camera an ninh tới một vị trí khác thu sóng thuận lợi hơn, hoặc mua bộ kích, khuếch đại sóng WiFi để nâng cao tín hiệu Internet. Bạn cũng có thể tự kiểm tra tín hiệu WiFi như sau:

    • Đăng nhập phần mềm camera an ninh và đi tới WiFi Settings.

    • Nếu tín hiệu WiFi nhỏ hơn một vạch, điều đó có nghĩa là camera IP của bạn ở quá xa router hoặc có thể có quá nhiều rào cản (chẳng hạn như tường) giữa hai router. Chỉ cần đưa camera đến gần router hơn. Xin lưu ý rằng tất cả các camera WiFi an ninh đều cần tín hiệu WiFi mạnh hơn laptop và điện thoại di động.

    • Ngoài ra, bạn có thể mua WiFi booster hoặc extender cho router để mở rộng phạm vi WiFi, để camera IP có thể tiếp cận tốt với tín hiệu WiFi mạnh ngay cả khi nó được đặt ở ngoài trời.

  • Kiểm tra xem modem WiFi nhà bạn có hạn chế (hoặc kén) tiếp nhận các thiết bị thu sóng hay không. Nếu có, bạn nên tìm sự trợ giúp từ chuyên gia, hoặc từ nhà cung cấp thiết bị WiFi để có thêm tư vấn.
  • Trong trường hợp quên ID và mật khẩu WiFi, bạn cần reset lại modem thiết bị phát WiFi, truy cập cổng kết nối modem để điền ID và Pass mặc định. Thông thường, ID và mật khẩu mặc định của WiFi đều là admin. Địa chỉ IP kết nối thiết bị modem WiFi là: 192.168.0.1. Bạn có thể tham khảo thêm tổng hợp cách reset, đổi mật khẩu WiFi tại đây.
  • Kiểm tra xem camera IP có đúng địa chỉ IP không: Trong một số trường hợp, khi bạn kết nối qua cáp LAN, bạn có thể nhận được địa chỉ IP (tức là 192.168.0.99) và kết nối không dây có thể chọn một địa chỉ IP khác (tức là 192.168.0.55). Bạn sẽ không thấy nó nếu bạn đặt camera cho DHCP hoặc bạn có thể bị xung đột địa chỉ IP. Kiểm tra xem địa chỉ IP của camera có vấn đề hay không bằng cách sử dụng các lệnh trong bài: Cách xác định địa chỉ IP thiết bị trên mạng cục bộ.
  • Kiểm tra chắc chắn xem nguồn điện của Camera đã ổn định, Camera đã được cài đặt cấu hình kết nối mạng hay chưa. Trong trường hợp Camera lâu ngày chưa cập nhật Firmware, bạn cần có sự trợ giúp của nhà sản xuất để được hỗ trợ, không nên tự ý cài đặt để tránh những sự cố không mong muốn khác có thể xảy đến.
  • Kiểm tra SSID trong cài đặt WiFi: Thông thường, bạn cần đặt SSID khi lần đầu tiên thiết lập camera không dây mới mua của mình. Hãy đặt nó giống như SSID của router. Để giải quyết vấn đề này, bạn cần có phần mềm camera IP trên máy tính hoặc trên điện thoại di động. Ở đây, bài viết lấy thiết lập WiFi camera IP Reolink làm ví dụ.

    • Kết nối camera IP không dây với router qua cáp Ethernet.
    • Chạy phần mềm Reolink Client miễn phí trên máy tính.
    • Thêm camera vào phần mềm Reolink Client.
    • Đi tới cài đặt WiFi, sau đó thiết lập SSID và mật khẩu.
  • Thay đổi băng tần của router: Mạng không dây bị tắc nghẽn và chậm cũng có thể là lý do tại sao camera IP của bạn không kết nối với WiFi hoặc tiếp tục ngoại tuyến. Vì tần số 2.4GHz được sử dụng rộng rãi bởi nhiều thiết bị gia dụng như điện thoại, máy tính bảng và lò vi sóng, nên tần số này có nhiều khả năng bị nhiễu trong quá trình truyền dữ liệu do quá đông các kênh. Và đó là nơi mà camera an ninh WiFi băng tần kép (2,4GHz & 5GHz) xuất hiện (yêu cầu router băng tần kép để hoạt động). Nếu bạn thấy rằng băng tần 2.4GHz đang quá đông đúc, chỉ cần chuyển băng tần thành 5GHz để có tốc độ truyền dữ liệu cao hơn và do đó, giảm nguy cơ mất tín hiệu và nhiễu.

  • Cập nhật firmware/phần mềm: Kiểm tra trang web của nhà sản xuất hoặc công ty camera IP để xem có firmware nào mới được phát hành hay không. Nếu có, hãy cập nhật lên phiên bản firmware mới nhất cho camera IP không dây của bạn. Firmware mới có thể khắc phục sự cố camera IP WiFi không hoạt động. Đảm bảo rằng bạn đã tải xuống đúng phiên bản cho camera. Đôi khi, bạn không thể tìm thấy camera IP của mình trên mạng hoặc không kết nối được với điện thoại ở xa nhà. Trong trường hợp này, hãy kiểm tra xem phần mềm hoặc ứng dụng giám sát có phải là phiên bản mới nhất hay không.

2. Camera không nhận thẻ nhớ

Khi Camera quan sát không nhận được thẻ nhớ, mọi dữ liệu ghi hình của thiết bị đều sẽ không được lưu lại. Điều này khiến việc theo dõi và giám sát hoạt động trong nhà, trong văn phòng của bạn thông qua Camera gặp nhiều khó khăn.

Camera không nhận được thẻ nhớ

Đầu tiên, nguyên nhân của việc Camera từ chối nhận thẻ nhớ có thể xuất phát từ chính chiếc thẻ nhớ. Bạn nên kiểm tra bằng cách lắp thẻ nhớ vào điện thoại xem thẻ có được tiếp nhận hay không, điện thoại có báo dung lượng và cho phép truy cập vào dữ liệu bên trong hay không?

Nếu máy vẫn tiếp nhận thẻ nhớ nhưng báo lỗi, bạn hoàn toàn có thể format để cấu hình lại thẻ. Cách format thẻ nhớ trên điện thoại rất đơn giản, bạn có thể tham khảo qua bài viết: Cách format thẻ nhớ trực tiếp trên điện thoại Android.

Trong trường hợp Camera báo dung lượng thẻ nhớ vượt quá khả năng đọc và hỗ trợ, bạn nên tìm hiểu và tham khảo thêm ý kiến từ các chuyên gia để có thêm thông tin chi tiết về thiết bị của mình.

Ngoài ra, nguyên nhân khó đọc thẻ nhớ của Camera quan sát an ninh có thể tới từ việc khe cắm thẻ nhớ của Camera đó đã bị hỏng. Bạn cần liên lạc với nhà cung cấp thiết bị để bảo hành và sửa chữa máy kịp thời.

3. Hình ảnh của Camera bị mờ, bị treo

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới việc chất lượng hình ảnh bạn thu được từ Camera IP WiFi không tốt, bị mờ hoặc không đạt được độ phân giải cao nhất:

  • Ống kính Camera bị bám bụi, lâu ngày chưa được vệ sinh, lau chùi.
  • Tín hiệu WiFi mà Camera thu nhận không được ổn định.
  • Camera đã hoạt động lâu năm, chất lượng bị suy giảm theo thời gian.
  • Camera được lắp đặt trong môi trường có nhiều thiết bị gây can nhiễu (như tôn sắt, có nguồn điện công suất lớn chạy qua,...).
  • Camera kém chất lượng, từ những nguồn cung cấp không chính hãng.

Chất lượng hình ảnh của Camera Wifi

Giải pháp xử lý ở đây bao gồm:

  • Thường xuyên vệ sinh cho Camera cả trong lẫn ngoài ống kính bằng vải mềm.
  • Kiểm tra xem Camera có được đặt ở vị trí bị can nhiễu tín hiệu WiFi hay không (như khu vực đông dân cư, có nhiều nhà sử dụng các thiết bị truyền phát sóng Bluetooth, khu vực có nhiều máy móc thiết bị điện công suất lớn hoạt động,...).
  • Nếu Camera đã hoạt động lâu năm, bạn nên cân nhắc thay thế bằng thiết bị mới hơn.
  • Lựa chọn nhà cung cấp Camera WiFi uy tín, đáng tin cậy, cung cấp hàng chính hãng. Thương hiệu Camera phải nổi tiếng, chất lượng.

Để lựa chọn thương hiệu Camera uy tín, bạn có thể tìm hiểu thêm qua bài tổng hợp: Tất tần tật thương hiệu Camera WiFi nổi tiếng, uy tín bạn cần biết đến.

4. Camera WiFi bị hack

Gần đây, sự cố một nữ ca sĩ bị tin tặc tung những hình ảnh nhạy cảm lên mạng trích từ Camera nhà riêng đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo về việc kiểm tra tính bảo mật của các thiết bị giám sát an ninh này. Vì các hacker rất khôn ngoan, bạn phải rất tinh ý mới phát hiện ra những dấu hiệu bất bình thường từ chiếc Camera không dây của nhà mình. Đó có thể là:

  • Tiếng động lạ phát ra từ Camera an ninh.
  • Đèn LED trên Camera IP WiFi nhấp nháy liên tục.
  • Camera xoay, chuyển động bất thường.
  • Cài đặt trong Camera bị thay đổi.
  • Lưu lượng truy cập mạng hoặc lưu lượng dữ liệu di động tăng đột ngột.

>>> Đọc thêm: Cách phát hiện Camera giám sát của gia đình bị hack.

Camera Wifi bị hack

Nguyên nhân của những vụ xâm phạm này có thể xuất phát từ việc gia chủ dùng thiết bị ghi hình không đảm bảo chất lượng, hoặc do hệ thống bảo mật mà người sử dụng thiết lập còn lỏng lẻo, chưa an toàn (như đặt Password quá dễ nhớ, không thay đổi mật khẩu mặc định, tiết lộ thông tin đăng nhập cho quá nhiều người,...).

Bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa cho gia đình mình tránh khỏi nguy cơ bị theo dõi trái phép từ xa thông qua những biện pháp đơn giản sau đây:

  • Không chia sẻ thông tin bảo mật cho quá nhiều người, hoặc với những người không tin tưởng.
  • Kích hoạt xác thực hai bước (nếu Camera hỗ trợ).
  • Không lắp Camera tại những khu vực nhạy cảm.
  • Thường xuyên thay đổi mật khẩu Camera WiFi.
  • Liên tục cập nhật phần mềm, Firmware mới cho thiết bị.

Bạn có thể tham khảo thêm các biện pháp phòng tránh hữu hiệu khác qua bài viết: Những cách đơn giản bảo vệ camera an ninh nhà riêng, tránh bị hack của Quantrimang nhé.

Tổng kết lại, chúng ta có thể khắc phục những sự cố liên quan tới Camera WiFi như sau:

  • Khi Camera không nhận WiFi, bạn cần kiểm tra thiết bị phát WiFi và vị trí lắp Camera.
  • Với thiết bị ghi hình không nhận được thẻ nhớ, xem xét khe đọc thẻ trong máy và chất lượng của thẻ.
  • Khi hình ảnh Camera bị mờ, bị treo, nên vệ sinh máy thường xuyên và kiểm tra khả năng thu sóng WiFi của Camera.
  • Khi Camera có dấu hiệu bị hack, cần xem xét các dấu hiệu bất thường và nâng cao tính bảo mật cho thiết bị.

Hy vọng bài viết trên đây sẽ đem đến cho bạn những thông tin bổ ích về Camera WiFi cũng như cách phòng ngừa và xử lý khi có vấn đề xảy ra với máy. Bạn cũng có thể tham khảo thêm về thiết bị ghi hình này thông qua bài tổng hợp: Camera an ninh không dây - Tất tần tật những điều cần biết.

>>> Tham khảo thêm: Tự chế camera quan sát gia đình từ chiếc smartphone cũ

Thứ Năm, 04/02/2021 14:29
56 👨 3.154
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Thiết bị mạng