Bỏ ra vài chục triệu cho một chiếc tai nghe nhét tai thay vì headphone hay loa, liệu có đáng?

Khi mới bước chân vào thế giới audio, lần đầu chạm mặt với những thiết bị âm thanh cao cấp, tôi thường tự nhủ rằng mình hoàn toàn có thể chọn mua được một thiết bị có chất lượng đạt 90-95% nhưng lại rẻ hơn đến 50, 60%. Nhưng khi đi sâu vào thế giới này, tôi mới nhận thấy rằng 5% trong âm thanh là cả một vấn đề và có không ít audiophile sẵn sàng móc hầu bao không tiếc tay để theo đuổi cái 5% đó.

Có thể nói trong thế giới âm thanh, có một khu vực "nguy hiểm" nằm ở ranh giới giữa khoa học và sự chủ quan, và cuộc đấu tranh cho kết quả cuối cùng có thể dẫn đến sự khác biệt đáng kể giữa các con số trong giá bán.

Hầu hết mọi người đều nhận thức được rằng âm thanh cao cấp là một thị trường xa xỉ, nhưng nhiều người vẫn nói với tôi rằng họ gặp nhiều khó khăn trong việc cố gắng hiểu tại sao người ta có thể trả một số tiền lớn đến như vậy cho một chiếc tai nghe nhét tai ưa thích (còn được gọi là earbud và In-Ear Monitor trong thế giới âm thanh). Bỏ ra 20 triệu cho một chiếc loa? Không rẻ nhưng cũng rất bình thường, không hề hiếm gặp. Nhưng 20 triệu cho một chiếc tai nghe nhét tai? (IEM - In-Ear Monitor) nghe bắt đầu có vẻ hơi “dị” rồi!

Tôi dám cá rằng nếu bạn hỏi một người bình thường, nghe nhạc bằng tai nghe iPhone rằng có những chiếc IEM có giá bán lên đến 40, 50 triệu, chắc chắn sự sửng sốt là phản ứng đầu tiên mà bạn bắt gặp. Xung quanh bạn có bao nhiêu người sử dụng những chiếc tai nghe nhét tai trên một triệu? Chắc không nhiều, nhưng ai dám khẳng định rằng họ không thể “phiêu” được với những chiếc IEM chỉ 2-300 nghìn? Vậy thì đối tượng sẽ chi ra vài chục triệu cho những chiếc tai nghe bé xíu này là những ai?

Shure KSE1500

Dường như có không nhiều người nhận ra, hay nói đúng hơn là quan tâm đến việc thị trường tai nghe nhét tai đang phát triển bùng nổ và giá trị thị trường thì vẫn tiếp tục tăng từng giờ. Cũng giống như smartphone hay bất cứ sản phẩm nào khác, thị trường IEM cũng có hàng tá các công ty khác nhau, đánh chiếm mọi phân khúc từ “nhập môn” đến “chuyên nghiệp”. Điểm qua một số thương hiệu cũng như sản phẩm hàng đầu trong thị trường IEM thì có thể kể đến Shure KSE1500 $2.500, Campfire Audio Solaris $ 1.500, Hifiman RE2000 $1.500, RHA CL2 $900, Sony IER-Z1R $2300, AKG N5005 $6400…

Xin lưu ý, thị trường IEM vẫn đang bùng nổ và phát triển bất chấp sự “tuyệt chủng” của giắc cắm tai nghe trên thiết bị di động mà “kẻ cầm đầu” cho xu hướng này chính là iPhone. Hầu hết các IEM cao cấp này hoàn toàn không có bất cứ tính năng thông minh nào, thậm chí không có cả micro, nhưng chẳng sao cả, với những sản phẩm này, âm thanh mới là thứ tồn tại duy nhất, những thứ khác có hay không không quan trọng!

Campfire Audio Solaris

Vậy tại sao mọi người sẵn sàng trả nhiều như vậy trong khi tai nghe nào mà chả phát nhạc được? Trước tiên xin nhắc đến tính linh hoạt. IEM đơn giản là cho khả năng sử dụng linh hoạt hơn bất kỳ thứ gì khác trong thế giới âm thanh, và với cuộc sống bận rộn, phải di chuyển nhiều như của chúng ta ngày nay, chi một số tiền lớn cho một chiếc IEM tốt trước khi móc hầu bao cho cho hoặc headphone xem ra có vẻ hợp lý hơn.

Không, IEM hoàn toàn không thể sao chép được một chất âm giống như chúng ta bắt gặp trên loa, ít nhất là nếu không có các kỹ thuật ghi âm đặc biệt hoặc thuật toán phù hợp. Ngoài ra IEM cũng không thể cho âm trường rộng rãi, thoáng đãng được như headphone. Và cuối cùng, IEM chắc chắn không dành cho tất cả mọi người, nói như vậy là bởi một số người chỉ đơn giản là không thể chịu được cảm giác gắn một cục kim loại hay nhựa nhỏ vào trong lỗ tai của mình.

Nhưng đối với những người không bị làm phiền bởi những điều vừa nêu, việc rót trực tiếp âm thanh vào màng nhĩ của bạn như cái cách mà IEM vận hành hoàn toàn có thể tạo ra một trải nghiệm âm thanh độc đáo nhưng không kém phần hiệu quả. Nhìn chung, một chất âm chi tiết hơn là thứ đầu tiên mà chúng ta có thể thấy rõ khi sử dụng IEM so với loa hay thậm chí là headphone, dù ở bất kỳ phân khúc giá nào. Nhưng như đã nói, âm trường sẽ là một điểm yếu của IEM so với loa và headphone. Theo kinh nghiệm của tôi, bạn không cần phải chi đến vài chục triệu như vậy để tìm kiếm một chiếc loa mang lại cho mình một âm trường trung thực - lợi thế chính của loa, nhưng bạn phải mất khá nhiều “lúa” trước khi có thể tìm thấy cho mình một chiếc IEM có âm trường “ngon” bằng một phần nhỏ của loa, đó là điều chắc chắn.

Hifiman RE2000

Yếu tố thứ hai mà chúng ta phải nhắc đến trên những chiếc IEM là khả năng cách ly tiếng ồn tốt hơn, và nếu làm tốt được khâu chống ồn, đương nhiên chất âm, hay nói cụ thể hơn là chi tiết và sắc thái trong các bản nhạc của bạn cũng sẽ được cải thiện đáng kể.

Nói về khả năng cách ly tiếng ồn, bạn cũng có thể nhận được khả năng cách âm tuyệt vời đến từ tai nghe chống ồn chủ động (adaptive noise cancellation). Và mặc dù tai nghe chống ồn chủ động đã được cải thiện đáng kể trong vài năm qua, nhưng ngay cả những chiếc tốt nhất trên thị trường như Sony WH1000 xm3 hay Bose QC35ii vẫn khá mờ nhạt so với những chiếc IEM cao cấp khi nói về độ chi tiết và tính trung thực của âm thanh.

RHA CL2 $900

Một điểm khác đáng chú ý cần phải nhắc đến ở đây là tôi đã từng được “rửa tai” với những dàn loa và headphone có giá lên đến hàng chục nghìn đô la, nhưng không có một hệ thống nào có thể cho độ chi tiết cao như trên một cặp IEM tốt.

Tuy nhiên, lợi ích quan trọng nhất và rõ ràng nhất trên những chiếc IEM là nó rất nhỏ. Loa thì bạn phải đặt ở nhà, hoặc nếu là loa di động thì vẫn mang theo bên mình được nhưng chắc bạn sẽ không mất lịch sự đến mức mở loa để nghe nhạc ở nơi công cộng như trên xe bus hay trong phòng làm việc đúng không? Còn các headphone HI-FI, cao cấp cũng thường có kích thước rất lớn, nặng, và quan trọng là điện thoại di động của bạn khó có thể “kéo” nổi những chiếc headphone kiểu này, cho dù có kéo được thì cũng sẽ không thể cho ra được hết chất âm, mà bạn phải cần đến những bộ amplifier (amp - âm ly) tương đối cồng kềnh. Nhưng với các IEM, bạn luôn có thể mang theo bên mình - ngay cả khi những thiết lập di động của nó có thể hơi lộn xộn (ví dụ như trường hợp của Shure KSE1500). Còn gì tuyệt vời hơn việc có thể mang theo bên mình một hệ thống âm thanh đẳng cấp thế giới đến bất cứ nơi nào - có thể là phòng tập thể dục, máy bay, phòng tắm hoặc trên xe bus, ga tàu để giải trí và thư giãn mọi lúc, mọi nơi. Như đã nói, có rất ít mẫu headphone đầu bảng có khả năng di động tốt bởi chúng yêu cầu một nguồn phát đủ mạnh, trong khi đó những bộ amp đủ mạnh lại ko hề nhỏ, nhẹ.

Audeze LCD

Hơn nữa, một điều quan trọng khác là nếu xét ở trên cùng một mức giá bán, IEM thường sẽ cho chất âm tốt hơn một chút so với headphone. Trong khi đó, như đã nói, “chất âm tốt hơn một chút” trong âm thanh, và đặc biệt là trên những sản phẩm cao cấp có nghĩa là bạn phải chi thêm rất rất nhiều tiền, vậy nên hãy cân nhắc kỹ sự lựa chọn của bạn.

Khi nói về chất lượng âm thanh Hi-Fi, nó không phải là nhu cầu hoặc khả năng tiếp cận mà là những mong muốn và khát vọng. Hầu hết mọi người sẵn sàng vung tiền vào thứ mà họ thực sự cần bởi vì chúng làm họ hạnh phúc - có thể là quần áo hàng hiệu, đồng hồ đẳng cấp, xe hơi sang trọng, và âm thanh cũng không phải ngoại lệ. Nó không làm cho chúng ta ngầu hơn hay sang hơn, nhưng lại giúp chúng ta có được những giây phút thư giãn thoải mái hơn, và những chiếc IEM tốt là điều kiện cần để làm được điều này.

AKG N5005

Bạn có thể coi âm thanh là một thú chơi hay đam mê đều được. Nếu là một người yêu thích âm thanh, hãy ra một cửa hàng audio và trải nghiệm, bạn sẽ nhận thấy giá trị của một chiếc IEM đắt tiền, đặc biệt là nếu bạn sở hữu một đôi tai “nhạy cảm”, sẽ rất đáng tiếc khi không đầu tư thêm “đồ ngon”. Lời cuối cùng, nếu chúng ta có thể gán giá trị của một thiết bị cho sự hạnh phúc thì việc chi 1.000 đô la cho một cặp tai nghe ưa thích gần như là một món hời, tin tôi đi!

Xem thêm:

Thứ Bảy, 09/01/2021 21:23
55 👨 2.576
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Loa, tai nghe