Tìm thấy hành tinh thứ 2 của Proxima Centauri, ngôi sao gần mặt trời nhất

Các nhà thiên văn học mới đây đã phát hiện ra dấu hiệu về sự tồn tại của một ngoại hành tinh thứ hai trên quỹ đạo quanh ngôi sao đang đứng gần nhất với mặt trời của chúng ta: Proxima Centauri (Cận Tinh), theo báo cáo của Universe Today.

Hành tinh này có tên gọi Proxima c, và đang được các nhà khoa học theo dõi sát sao. Khối lượng của nó chỉ bằng một nửa so với sao Hải Vương, và quay quanh ngôi sao chủ của mình (Proxima Centauri) ở khoảng cách lớn hơn 1,5 lần so với khoảng cách giữa Trái đất và mặt trời. Với đặc điểm này, các nhà thiên văn học cho rằng nhiệt độ trên Proxima c sẽ không cao, thậm chí là cực kỳ lạnh. Nếu không có bầu khí quyển để giữ ấm, nhiệt độ bề mặt của Proxima c có thể xuống dưới -200°C (-328°F).

Bằng chứng đầu tiên về sự tồn tại của Proxima c xuất hiện vào năm ngoái, khi các nhà thiên văn học đến từ Đại học Turin, Ý và Đại học Crete, Hy Lạp, đã sử dụng một công cụ gọi là High Accuracy Radial velocity Planet Searcher (HARPS) để quan sát hệ thống Proxima Centauri, và tìm thấy dấu vết của một hành tinh đang “lắc lư” quanh quỹ đạo của Proxima Centauri do bị tác động bởi lực hấp dẫn của ngôi sao này. Tuy nhiên tại thời điểm đó, các nhà khoa học vẫn chưa thể chắc chắn về những gì họ đang quan sát.

Hệ thống Proxima Centauri
Hệ thống Proxima Centauri

Để xác thực sự hiện diện của hành tinh mới này với độ chính xác cao hơn, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ khắp nơi trên thế giới cùng hợp tác, phân tích ánh sáng phát ra từ Proxima Centauri, quan sát kỹ phổ Spectra của nó và biến đổi ánh sáng thành các bước sóng khác nhau. Với kỹ thuật này, các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu kỹ hơn về nguồn gốc của ngôi sao, và tìm ra những chuyển động nhỏ của sự chao đảo nhằm khẳng định đó là tác động từ lực hấp dẫn của ngôi sao chủ. Từ những dữ liệu mới thu được kết hợp với kiến thức đã biết, nhóm nghiên cứu đã có thể xác định bằng chứng cho thấy sự tồn tại của một hành tinh thứ hai đang quay quanh Proxima Centauri.

Proxima Centauri không thuộc hệ mặt trời, nhưng nó nằm rất gần với mặt trời của chúng ta, chỉ xấp xỉ 4,2 năm ánh sáng. Tháng 8 năm 2016, các nhà thiên văn học thông báo phát hiện ra Proxima b, một hành tinh kích thước cỡ tương đương Trái Đất quay quanh Proxima Centauri ở khoảng cách 0,05 AU (7.500.000 km) và có chu kỳ quỹ đạo xấp xỉ bằng 11,2 ngày Trái Đất. Với phát hiện nêu trên, Proxima c sẽ là hành tinh thứ 2 của Proxima Centauri.

Thứ Ba, 18/02/2020 23:38
32 👨 930
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ