8 vật thể lớn nhất trong vũ trụ

Một số loại thiên thể đồ sộ nhất trong vũ trụ, từ hành tinh, ngôi sao tới siêu cụm thiên hà.

Hành tinh lớn nhất: ROXs 42Bb

Mô phỏng hành tinh ROXs 42 Bb. Ảnh: NASA
Mô phỏng hành tinh ROXs 42 Bb. Ảnh: NASA

ROXs 42Bb là hành tinh lớn nhất tìm thấy trong vũ trụ với khối lượng gấp 9 lần và bán kính gấp 1,12 lần sao Mộc, hành tinh lớn nhất hệ Mặt Trời. ROXs 42 Bb cách Trái Đất là 440 năm ánh sáng, thuộc nhóm ngoại hành tinh.

ROXs là hành tinh khí khổng lồ, và mất 1968,3 năm để hoàn thành một vòng quỹ đạo quanh sao chủ.

Ngôi sao lớn nhất: UY Scuti

Mô phỏng ngôi sao UY Scuti. Ảnh: Pixabay/Pexels
Mô phỏng ngôi sao UY Scuti. Ảnh: Pixabay/Pexels

UY Scuti, ngôi sao lớn nhất trong vũ trụ có thể chứa 5 tỷ ngôi sao với thể tích tương đương Mặt Trời. Ngôi sao siêu khổng lồ này cách Trái Đất 9.500 năm ánh sáng, được phân loại là sao biến quang do trải qua biến động về độ sáng sau mỗi 740 ngày.

Hệ sao rộng nhất

Hệ sao rộng nhất trong vũ trụ về mặt quỹ đạo chỉ bao gồm một hành tinh (2MASS J2126) quay quanh ngôi sao TYC 9486-927-1 với khoảng cách 1.000 tỷ km trong không gian. 2MASS J2126 mất gần 900.000 năm Trái Đất để hoàn thành một vòng quỹ đạo.

Hệ sao độc đáo này cách Trái đất 104 năm ánh sáng. Quỹ đạo của 2MASS J2126 rộng gấp 140 lần quỹ đạo sao Diêm Vương trong hệ Mặt Trời.

Thiên hà lớn nhất: IC 1101

IC 1101, thiên hà lớn nhất trong vũ trụ, lớn gấp 50 lần và nặng gấp 2.000 lần dải Ngân Hà.

Các nhà thiên văn học cho rằng, thiên hà này có khoảng 100.000 tỷ ngôi sao, trải rộng 6 triệu năm ánh sáng, trong khi đó dải Ngân Hà chỉ có đường kính khoảng 100.000 năm ánh sáng.

Hố đen lớn nhất: TON 618

TON 618 ước tính có khối lượng lớn gấp 66 tỷ lần Mặt Trời, nằm cách Trái Đất 18,2 tỷ năm ánh sáng.

Vườn ươm sao lớn nhất: Tinh vân Tarantula

Tinh vân Tarantula. Ảnh: NASA
Tinh vân Tarantula. Ảnh: NASA

Tarantula hay còn gọi là 30 Doradus bao phủ khu vực trải rộng 1.800 năm ánh sáng trong vũ trụ, là tinh vân thuộc hàng lớn và sáng nhất trong số các tinh vân đã biết. Tinh vân Tarantula cách Trái Đất 170.000 năm ánh sáng.

Cụm thiên hà lớn nhất: El Gordo

ACT-CLJ0102-4915 có biệt danh El Gordo nghĩa là "gã béo", có khối lượng gấp 3 triệu tỷ Mặt Trời. Đây chính là cụm thiên hà lớn nhất từng được phát hiện.

Thực thể lớn nhất trong vũ trụ: Bức tường lớn Hercules - Corona Borealis

Bức tường lớn Hercules - Corona Borealis. Ảnh: Pablo Carlos Budassi/Wikimedia Commons
Bức tường lớn Hercules - Corona Borealis. Ảnh: Pablo Carlos Budassi/Wikimedia Commons

Bức tường lớn Hercules là cụm thiên hà liên kết với nhau nhờ lực hấp dẫn. Với chiều dài 6 - 18 tỷ năm ánh sáng, ánh sáng mất khoảng 10 tỷ năm để truyền dọc toàn bộ chiều dài của nó, Hercules được cho là thực thể lớn nhất có thể quan sát trong vũ trụ.

Thứ Ba, 21/11/2023 15:50
31 👨 439
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ