Hệ thống Kính viễn vọng Khảo sát VLT vừa tiếp tục mang về cho cộng đồng yêu thích thiên văn một hình ảnh mới tuyệt đẹp, cho thấy sự kì vĩ của một khu vực cũng có tên gọi rất thú vị: Running Chicken Nebula (Tinh vân Gà Chạy bộ).
Nằm cách Trái đất khoảng 6.500 năm ánh sáng, Running Chicken Nebula còn được các nhà khoa học biết đến với “bí danh” IC 2944, thuộc chòm sao Bán Nhân Mã và có đường kính rộng khoảng 100 năm ánh sáng. Khu vực này là nơi tập trung rất nhiều ngôi sao trẻ sáng, tạo nên những đám mây bụi và khí khổng lồ và hình thành những cấu trúc phức tạp, chẳng hạn như tinh vân Running Chicken Nebula được nhìn thấy ở đây.
Cấu trúc đặc biệt này được liên tưởng trông giống một chú gà. Vùng sáng nhất trong tinh vân được gọi là IC 2948, khá giống với phần đuôi gà sặc sỡ màu sắc. Các đường viền màu phấn mỏng manh là những luồng khí và bụi mỏng. Nổi bật ở trung tâm của hình ảnh là những cấu trúc sáng, thẳng đứng, gần giống như cây cột, là IC 2944. Điểm lấp lánh sáng nhất trong khu vực cụ thể này là Lambda Centauri, một ngôi sao có thể nhìn thấy bằng mắt thường và ở gần Trái đất hơn nhiều so với chính tinh vân chứa nó.
Trên thực tế, bức ảnh trên của Kính viễn vọng Khảo sát VLT được ghép lại từ nhiều hình ảnh nhỏ khác nhau. VLT được tích hợp một thiết bị camera có tên OmegaCAM, hoạt động ở bước sóng ánh sáng khả kiến và quan sát bầu trời phía nam từ vị trí của hệ thống ở Nam bán cầu. Các hình ảnh được chụp bằng nhiều bộ lọc khác nhau, mỗi bộ lọc đi vào một bước sóng ánh sáng cụ thể, cho phép các nhà khoa học thu thập thông tin chi tiết về những mục tiêu ở xa như tinh vân này.
Tinh vân “Gà Chạy bộ” hiện đang được quan sát như một phần của dự án nghiên cứu vòng đời các ngôi sao. Khi ngôi sao được sinh ra từ các đám mây bụi và khí, chúng thường phát ra một lượng lớn bức xạ khi còn trẻ. Bức xạ này khắc hình dạng vào bụi và khí, tạo thành các hình dạng và làm cho nó phát sáng.