Bản đồ sao Hỏa cho thấy vị trí của băng bên dưới bề mặt hành tinh

Một trong những thách thức lớn nhất của việc đưa các nhà thám hiểm lên Sao Hỏa là tính chất hậu cần phức tạp của cuộc hành trình. Các nhà nghiên cứu sẽ phải ở trên bề mặt hành tinh này lâu hơn đáng kể so với những sứ mệnh thám hiểm mặt Trăng vốn chỉ kéo dài vài ngày mà chúng ta đã quen thuộc. Điều đó có nghĩa là họ sẽ cần tiếp cận với các tài nguyên như thực phẩm, nước và oxy lớn hơn. Và thay vì phải mang theo nguồn cung cấp trị giá hàng tháng trong không gian, việc tìm cách “sản xuất” những tài nguyên đó trên chính Sao Hỏa sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Đó là ý tưởng đằng sau việc tìm kiếm các mỏ băng chứa nước trên sao Hỏa. Trên thực tế, sao Hỏa là một trong những thế giới giống với Trái đất nhất trong hệ mặt trời. Hành tinh này có một ngày 24,5 giờ, các chỏm băng ở vùng cực mở rộng/co lại theo mùa, và đặc biệt là hàng loạt những đặc điểm bề mặt được tạo nên bởi nước trong suốt lịch sử kiến tạo của hành tinh.

Sao Hỏa đã từng là một hành tinh ẩm ướt, nhưng hiện tại hành tinh này đã mất phần lớn nước trên bề mặt thông qua các phản ứng tạo ra hydro, và giờ chỉ còn là một hoang mạc cằn cỗi. Trên thực tế, vẫn còn rất nhiều băng trên bề mặt xung quanh hai cực của hành tinh, nhưng các sứ mệnh gần đây thường tập trung hơn vào vùng xích đạo. Tin tốt là băng cũng hiện diện ở những khu vực này, nhưng tin xấu là băng chủ yếu nằm bên dưới bề mặt và do đó rất khó xác định vị trí.

Dự án mới của NASA có tên Subsurface Water Ice Mapping (SWIM) đã phát hành một bộ bản đồ sao Hỏa mới, hiển thị vị trí của băng dưới bề mặt hành tinh. Tiến sĩ Sydney Do, giám đốc dự án SWIM tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA, cho biết: “Đối với một sứ mệnh đưa con người lên sao Hỏa, vị trí hạ cánh lý tưởng nhất sẽ là gần xích đạo nhất có thể, sẽ tiêu tốn ít năng lượng hơn để giữ ấm cho các phi hành gia và thiết bị hỗ trợ của họ”.

Các phiên bản bản đồ trước đây sử dụng kết hợp dữ liệu từ nhiều sứ mệnh nghiên cứu sao Hỏa khác nhau trong quá khứ, kết hợp dữ liệu như chỉ số radar và dấu hiệu của hydro. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu xác định được những vùng băng có khả năng tồn tại nhất bên dưới bề mặt hành tinh. Bản đồ mới nhất sử dụng camera có độ phân giải cao trong sứ mệnh Mars Reconnaissance Orbiter để xem xét các khu vực nơi thiên thạch va chạm với bề mặt hành tinh và tạo ra các miệng hố làm lộ lớp băng bên dưới tương đối rõ ràng.

Các khu vực màu xanh lam trên bản đồ này là những khu vực mà các sứ mệnh của NASA đã phát hiện ra băng nước dưới bề mặt (từ xích đạo đến vĩ độ 60 độ Bắc). Các nhà khoa học có thể sử dụng bản đồ – một phần của dự án Subsurface Water Ice Mapping – để quyết định nơi các phi hành gia đầu tiên đặt chân lên Hành tinh Đỏ sẽ hạ cánh.
Các khu vực màu xanh lam trên bản đồ này là những khu vực mà các sứ mệnh của NASA đã phát hiện ra băng nước dưới bề mặt (từ xích đạo đến vĩ độ 60 độ Bắc). Các nhà khoa học có thể sử dụng bản đồ – một phần của dự án Subsurface Water Ice Mapping – để quyết định nơi các phi hành gia đầu tiên đặt chân lên Hành tinh Đỏ sẽ hạ cánh.

Ngoài vai trò quan trọng đối với các sứ mệnh của phi hành đoàn trong tương lai, sự hiện diện của băng còn có liên quan đến việc tìm kiếm sự sống cổ xưa tiềm năng trên hành tinh này. Sao Hỏa thời kỳ đầu là một hành tinh hoạt động rất tích cực về mặt địa chất. Nó sở hữu đầy đủ các điều kiện cần thiết để hỗ trợ sự hiện diện của nước lỏng trên bề mặt - tương tự như trên Trái đất, nơi có nước, có sự sống. Vì vậy, quan điểm cho rằng sao Hỏa ban đầu là một hành tinh có thể sinh sống được là hoàn toàn hợp lý. Câu hỏi đặt ra là sự sống đó đã từng tồn tại và phát triển như thế nào trước khi diệt vong.

Thứ Hai, 20/11/2023 23:57
31 👨 165
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ