Tại sao nhà sáng lập Telegram khẳng định “WhatsApp sẽ không bao giờ an toàn!”?

Đó chính là lời nhận định của nhà sáng lập Telegram Pavel Durov khi nói về đối thủ cạnh tranh. Trả lời câu hỏi của phóng viên về suy nghĩ của mình trước các vấn đề mà WhatsApp đang gặp phải, ông Pavel Durov ông ngần ngại tuyên bố rằng ứng dụng nhắn tin do Facebook sở hữu này sẽ không bao giờ đạt được sự an toàn cũng như ổn định cần thiết.

Để chứng minh cho luận điểm có phần “thù địch” của mình, ông Pavel Durov đã chỉ ra rằng tin tặc hoàn toàn có thể truy cập vào bất cứ thứ gì - từ ảnh, email, văn bản, v.v. trên bất kỳ điện thoại nào có cài đặt ứng dụng WhatsApp thông qua các lỗ hổng bảo mật “chết người” trong nền tảng này. Nhà sáng lập Telegram thậm chí còn đưa ra đánh giá sâu hơn về vấn đề bảo mật mà WhatsApp gần đây phải đối mặt - đó là một lỗ hổng nghiêm trọng có thể cho phép tin tặc phát tán phần mềm gián điệp từ xa vào điện thoại thông minh chỉ bằng cách… thực hiện một cuộc gọi trên ứng dụng WhatsApp.

WhatsApp

Ông Durov cho rằng: “Sau mỗi lần WhatsApp sửa thành công một lỗ hổng nghiêm trọng trong ứng dụng của họ, dường như một lỗ hổng mới lại xuất hiện và thậm chí còn nguy hiểm hơn”. Ông Pavel Durov ngầm chỉ trích phía đối thủ dường như quá bị động trong khâu ứng phó với lỗ hổng bảo mật.

Bên cạnh đó, chuyên gia công nghệ người Nga cũng chỉ ra rằng trái với Telegram, WhatsApp không phải là một nền tảng nguồn mở và do đó, ứng dụng này không bao giờ cho phép các nhà nghiên cứu bảo mật có thể dễ dàng kiểm tra xem liệu có sự xuất hiện của các backdoor trong cơ sở mã. Thay vì xuất bản cơ sở mã của mình, WhatsApp dường như đang cố tình làm xáo trộn các nhị phân của ứng dụng để không ai có thể nghiên cứu được chúng một cách kỹ lưỡng.

WhatsApp hiện đã được Facebook mua lại

Để củng cố cho luận điểm của mình, Durov giải thích rằng vào năm 2012, khi ông đang trong dự án phát triển Telegram, WhatsApp lúc đó vẫn tiến hành chuyển tin nhắn dưới dạng văn bản đơn giản trong tiến trình, và không chỉ chính phủ hay tin tặc, mà ngay cả các nhà cung cấp dịch vụ di động và thậm chí cả quản trị viên mạng Wi-Fi cũng đều có quyền truy cập vào tất cả các văn bản WhatsApp như vậy.

WhatsApp sau đó đã bổ sung thêm một số mã hóa, tuy nhiên key giải mã tin nhắn bằng cách nào đó đã được cung cấp từ sớm cho các cơ quan chính phủ, do đó, họ có thể giải mã các cuộc hội thoại trên WhatsApp rất dễ dàng, và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền riêng tư của người dùng. “Sau đó, khi Telegram bắt đầu trở nên phổ biến, những người sáng lập WhatsApp đã bán công ty của họ cho Facebook và tuyên bố rằng sự riêng tư của người dùng “là một thứ nằm trong DNA” của họ. Nếu quả đúng là như vậy, có lẽ nó phải là một chuỗi gen lặn”, ông Pavel Durov châm biếm.

Pavel Durov - Nhà sáng lập Telegram

Bình luận về cách thức hoạt động của mã hóa đầu cuối được WhatsApp giới thiệu vào năm 2016, ông Pavel Durov cho rằng: “Sau 3 năm, WhatsApp tuyên bố rằng họ đã triển khai mã hóa đầu cuối để không cho phép bất cứ một bên thứ ba nào có thể truy cập được vào kho tin nhắn của người dùng. Thông báo này như một cú hích mạnh mẽ để WhatsApp khuyến khích tất cả người dùng của mình chấp nhận sao lưu các cuộc trò chuyện của họ trên đám mây. Thế nhưng khi phương án trên được triển khai, WhatsApp đã không nói với người dùng rằng sau khi sao lưu, tin nhắn của họ sẽ không còn được bảo vệ bởi mã hóa đầu cuối nữa và do đó hoàn toàn có thể bị tin tặc cũng như các cơ quan thực thi pháp luật truy cập trái phép. Đây thực sự là một chiến dịch marketing “thông minh” của WhatsApp”.

Bên cạnh đó, ông Durov cũng cho rằng những người không ủng hộ việc sao lưu tin nhắn lên đám mây vẫn có thể bị theo dõi theo nhiều cách. Theo ông chủ Telegram, siêu dữ liệu do người dùng WhatsApp tạo ra trên thực tế đã bị rò rỉ và tiếp cận bởi các cơ quan khác nhau với khối lượng lớn thông qua công ty mẹ Facebook. Đó là còn chưa kể đến những lỗ hổng quan trọng liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau trên nền tảng trò chuyện trực tuyến này.

WhatsApp sở hữu một lịch sử phát triển tương đối nhất quán. Từ việc hoàn toàn không sử dụng mã hóa khi mới thành lập cho đến một loạt các vấn đề về bảo mật phù hợp một cách kỳ lạ đối với mục đích giám sát. "Nhìn lại quá khứ, trong suốt hành trình 10 năm phát triển của WhatsApp, dường như không có lấy dù chỉ một ngày duy nhất ứng dụng này thực sự là một nền tảng an toàn. Đó là lý do tại sao dù muốn nhưng tôi vẫn không thể tin rằng các bản cập nhật mới mà WhatsApp gửi cho người dùng sẽ giúp họ được an toàn hơn.”, ông Pavel Durov nói thêm.

Pavel Durov công khai chỉ trích WhatsApp

Trong nhận định của mình, ông Durov cũng đã giải thích lý do tại sao mọi người dường như không thể đột ngột ngừng sử dụng WhatsApp cho dù ứng dụng này chứa đựng đầy rẫy các vấn đề về bảo mật, một trong những nguyên nhân chính nằm ở việc bạn bè và gia đình họ vẫn tiếp tục sử dụng WhatsApp. “Chúng tôi đã đẩy mạnh việc thuyết phục mọi người chuyển đổi sang sử dụng một nền tảng ổn định hơn là Telegram. Và mặc dù chúng tôi đã đạt được thành công bước đầu khi thu hút được hàng trăm triệu người dùng trong 5 năm qua, nhưng như vậy là chưa đủ. Phần lớn người dùng internet vẫn bị đế chế Facebook - WhatsApp - Instagram bắt giữ làm con tin”. Đặc biệt, có nhiều người sử dụng song song cả Telegram cũng như WhatsApp, điều đó có nghĩa là điện thoại của họ vẫn dễ bị tấn công”.

Nhận xét về “đứa con tinh thần” của mình, Pavel Durov nói thêm: “Trong gần 6 năm tồn tại, Telegram đã không để xảy ra bất kỳ vụ rò rỉ dữ liệu hay lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng nào như trường hợp của WhatsApp. Trong 6 năm đó, chúng tôi tự tin khẳng định mình chưa từng tiết lộ dù chỉ 1 byte dữ liệu người dùng cho các bên thứ ba, trong khi Facebook hay WhatsApp đã chia sẻ khá nhiều thông tin nhạy cảm liên quan đến người dùng của họ, điều này ai cũng biết”.

Pavel Durov giải thích rằng không giống như Facebook, nơi có một bộ phận tiếp thị khổng lồ luôn thường trực, Telegram nói không với bất cứ hình thức tiếp thị nào, và cũng không muốn trả tiền cho các nhà báo hay các nhà nghiên cứu để viết về điều này. Tất cả sẽ được chính tay người dùng tự kiểm chứng.

WhatsApp và Telegram

Đó là tất cả những ý chính mà nhà sáng lập Telegram nhận xét về đối thủ cạnh tranh của mình: WhatsApp. Hãy cùng chờ đợi và xem phía WhatsApp liệu có đưa ra những tuyên bố đáp trả để tự bảo vệ uy tín của mình hay không. Còn bạn, bạn đang sử dụng WhatsApp hay Telegram? Bạn có suy nghĩ thế nào về quan điểm của Pavel Durov? Hãy để lại ý kiến ở mục bình luận bên dưới nhé!

Thứ Năm, 23/05/2019 15:30
54 👨 616
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Bình luận công nghệ