Đối với nhiều người trong số chúng ta, Facebook có thể được coi là thế giới thứ hai, với đầy đủ những kỷ niệm buồn, vui qua năm tháng gói gọn trong từng status, những tấm ảnh. Facebook đã rất tinh tế khi mang đến một mục vô cùng thú vị là “ngày này năm xưa”, giúp chúng ta có thể ôn lại những khoảnh khắc đã qua trong quá khứ.
Thế nhưng những kỷ niệm đã qua không phải lúc nào cũng đẹp. Có những tấm ảnh khiến bạn mỉm cười bồi hồi khi xem lại, nhưng cũng có những dòng status gợi lại một ký ức chẳng lấy gì làm vui vẻ, hay chỉ đơn giản là những câu từ của một thời “trẻ trâu” khiến bạn đỏ mặt khi đọc lại. Hiểu được điều này, Facebook đã phát triển một tính năng mới có tên Manage Activity (Quản lý hoạt động), giúp người dùng dễ dàng quản lý tất cả các bài đăng cũ trên trang cá nhân của mình.
Hiện tại, nếu muốn tìm xóa hoặc ẩn một bài đăng cũ, bạn phải sử dụng cách thủ công là cuộn xuống dòng thời gian và lần mò trong số hàng tá bà đăng khác nhau - một quá trình nhàm chán và thực sự mất thời gian. Tính năng Manage Activity mới sẽ tự động được hiển thị khi bạn truy cập hồ sơ cá nhân của mình và cho phép bạn lọc các bài đăng cũ theo nhiều tiêu chí khác nhau như ngày đăng, người bạn đã gắn thẻ, hoặc bài đăng được tải lên từ điện thoại/máy tính. Bên cạnh bộ lọc thông minh, các bài đăng cũng sẽ được hiển thị trong giao diện người dùng trực quan hơn so với trước đây, giúp bạn quản lý lịch sử bài đăng dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Sau khi đã lọc được ra các bài đăng cũ để quản lý, bạn sẽ được cung cấp 2 tùy chọn: Một là lưu trữ các bài đăng đã chọn, để chúng không hiển thị công khai nhưng bạn vẫn có thể nhìn thấy chúng. Hai là di chuyển chúng vào thùng rác, nơi chúng sẽ tiếp tục được lưu trữ trong 30 ngày trước khi bị xóa bỏ vĩnh viễn. Cả hai phần Lưu trữ (Archive) và Thùng rác (Trash) đều có thể truy cập được từ trang quản lý hoạt động. Tất cả đều có thể được thực hiện đồng loạt,cho phép bạn có thể dễ dàng dọn dẹp dòng thời gian của mình.
Tính năng Manage Activity mới sẽ được triển khai trên các ứng dụng di động của Facebook trước tiên, để thử nghiệm, sau đó mới được áp dụng sang nền tảng Lite và web.