*Cập nhật ngày 4/3: ICANN không đồng thuận với yêu cầu từ Ukraine
Sau vài ngày từ chối đưa ra bình luận, ICANN hôm nay đã có thông cáo chính thức về vấn đề này. Theo đó, ICANN từ chối mọi yêu cầu từ phía Ukraine, với lý do đây là những hành động không nằm trong phạm vi nhiệm vụ của tổ chức này, đồng thời việc thực hiện các biện pháp như vậy ở thời điểm hiện tại là không thực sự khả thi.
"Như bạn đã biết, Internet là một hệ thống phi tập trung. Không một tác nhân nào có khả năng kiểm soát hoặc tắt nó", Giám đốc điều hành ICANN Göran Marby viết trong phản hồi với đại diện ICANN Ukraine, Andrii Nabok, và phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng chuyển đổi kỹ thuật số, Mykhailo Fedorov.
"Nhiệm vụ và quyền hạn của chúng tôi sẽ không mở rộng sang việc thực hiện các hành động trừng phạt, ban hành lệnh trừng phạt hoặc hạn chế quyền truy cập vào các phân đoạn của Internet - bất kể lý do là gì", ông Göran Marby cho biết thêm. "Về cơ bản, ICANN được thành lập và hoạt động với sứ mệnh đảm bảo rằng Internet hiện diện xuyên suốt, không gián đoạn trên toàn thế giới, chứ không phải sử dụng vai trò điều phối của mình để ngăn Internet hoạt động ở một quốc gia hay khu vực nào đó".
ICANN hoạt động dựa trên sự đồng thuận của các thành viên gồm các chính phủ, các nhóm xã hội dân sự và các chuyên gia kỹ thuật.
Trước đó vào ngày 28/2, Ukraine đã gửi một bức thư yêu cầu ICANN - tổ chức quản lý tên miền trên toàn thế giới, thu hồi các miền được cấp ở Nga, đồng thời đóng các máy chủ DNS chính ở quốc gia này. Lý do đưa ra là giúp người dùng Internet có thể tiếp cận với nguồn thông tin uy tín, ngăn chặn việc tuyên truyền và phát tán thông tin sai lệch.
Cụ thể, giới chức Ukraine đề nghị ICANN thu hồi các miền ".ru", ".рф" và ".su" của Nga, đồng thời cũng yêu cầu tắt các máy chủ gốc ở Moscow và St. Petersburg. Những động thái này nếu được tiến hành sẽ gần như “cách ly” nước Nga ra khỏi thế giới internet.
Được biết, vùng DNS gốc là vùng DNS cấp cao nhất trong hệ thống không gian tên DNS của Internet, chịu trách nhiệm xử lý các truy vấn tới các miền cấp cao nhất, ví dụ như .com hay các tên miền dành riêng cho các quốc gia như .vn của Việt Nam, .ru của Nga…
Giả sử trường hợp ICANN đáp ứng yêu cầu của Ukraine thì nước Nga sẽ bị tách biệt hoàn toàn khỏi Internet toàn cầu. Khi đó, các trang web của Nga sẽ không thể tải trang chủ, các thiết bị ở Nga sẽ không thể truy cập mạng từ trong nước.
Tuy nhiên, theo Mallory Knodel, Giám đốc công nghệ tại Trung tâm Dân chủ và Công nghệ, điều này sẽ không làm ảnh hưởng tới các tổ chức hệ thống như quân đội và chính phủ Nga, chỉ có người dân Nga chịu ảnh hưởng bị gián đoạn quyền truy cập Internet mà thôi. Thậm chí, nó còn ảnh hưởng tới Internet toàn cầu bởi sẽ phá vỡ một số chức năng xác thực và bảo mật web quan trọng hiện đang được đưa vào Internet.
Một điều quan trọng khác là nếu yêu cầu này được chấp nhận thì nó có thể sẽ tạo một tiền lệ nguy hiểm cho phép các quốc gia khác thực hiện các yêu cầu tương tự.
Trước đó, Nga từng thử nghiệm thành công ngắt kết nối với Internet toàn cầu để thu thập dữ liệu nhằm xây dựng Runet - mạng Internet riêng của Nga. Mục đích việc phát triển mạng Internet độc lập của Nga là nhằm bảo vệ đất nước khỏi những cuộc tấn công được thực hiện bởi tin tặc và các mối đe dọa bên ngoài.