Một tòa án ở Trung Quốc mới đây đã công nhận bản quyền của một hình ảnh được tạo ra thông qua trí tuệ nhân tạo (AI) gây xôn xao trên cộng đồng mạng của quốc gia này.
Vào tháng 11 năm ngoái, Tòa án Internet Bắc Kinh đã công nhận một bức ảnh được tạo ra bằng Stable Diffusion - phần mềm chuyển văn bản thành hình ảnh, được coi là một tác phẩm nghệ thuật và được bảo vệ bởi luật bản quyền vì “tính độc đáo” và hàm lượng trí tuệ từ dữ liệu đầu vào của người sáng tạo ra bức ảnh.
Đây là phán quyết đầu tiên tại Trung Quốc liên quan đến bản quyền nội dung do AI tạo ra. Zhu Ge - chủ tọa phiên tòa cho biết việc coi nội dung do AI tạo ra có tính pháp lý trong một số trường hợp là nhằm mục đích khuyến khích mọi người sáng tạo bằng các công cụ mới và thúc đẩy ngành công nghiệp AI non trẻ.
Phán quyết trên đã khiến cộng đồng mạng nổi lên tranh cãi về việc nội dung do AI tạo ra có nên được bảo vệ bởi luật bản quyền hay không.
Theo Tòa án Internet Bắc Kinh, trong lương lai các vụ tranh chấp về sự thể hiện cá nhân của tác giả trong các hình ảnh được tạo ra với sự trợ giúp của AI nên được xét xử theo từng trường hợp cụ thể.
Vụ kiện vi phạm sở hữu trí tuệ do Tòa án Internet Bắc Kinh xét xử với nguyên đơn họ Li và một blogger tên Liu. Li đã sử dụng chương trình Stable Diffusion của công ty khởi nghiệp StabilityAI (Mỹ) để tạo ra hình ảnh một phụ nữ trẻ châu Á và đăng nó lên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc. Sau đó, Liu đã sử dụng hình ảnh đó trong một bài đăng trên Baijiahao, một nền tảng chia sẻ nội dung của Trung Quốc thuộc sở hữu của Baidu mà không được phép.
Tòa án cho rằng, hình ảnh do AI tạo ra của Li là một tác phẩm nghệ thuật, anh ấy đã liên tục thêm yêu cầu cho AI và liên tục điều chỉnh các thông số để tạo ra một bức ảnh phản ánh “sự lựa chọn thẩm mỹ và đánh giá cá nhân hóa” của mình.
Vì vậy, tòa án đã yêu cầu bị cáo Liu phải đưa ra lời xin lỗi công khai đồng thời bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn 500 nhân dân tệ (khoảng 1,8 triệu đồng) và 50 nhân dân tệ án phí (170.000 đồng).