Chữ viết là một trong những phương tiện giao tiếp, trao đổi tin tức không thể thiếu trong đời sống hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, bên cạnh mục đích chính nêu trên, chữ viết còn giúp tiết lộ nhiều câu chuyện phía sau “hậu trường”, từ việc giúp cảnh sát lần ra manh mối phá án đến nhiệm vụ xác thực tính chính xác của tài liệu… chữ viết đều đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Mỗi người trong số chúng ta đều sở hữu kiểu chữ viết đặc trưng, hay các phông chữ trong từng bản in cũng vậy, tất cả đều chứa đựng những đặc điểm không thể trộn lẫn, và đó chính là tiền đề cho một bộ môn khoa học chuyên nghiên cứu về những đặc điểm cũng như sự khác nhau trong từng loại chữ viết, đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Ở đây, tôi xin được tạm gọi những người tinh thông bộ môn khoa học này là các “thám tử phông chữ”.
Có một “thám tử phông chữ” nổi tiếng đang hoạt động trong lĩnh vực nhận diện cũng như kiểm định tính xác thực của các tài liệu lịch sử quý hiếm, những bản in ấn cổ đại chứa đựng giá trị văn hóa không thể đong đếm, đó chính là người đàn ông có tên Thomas Phinney. Thomas Phinney sở hữu “biệt tài” có thể phát hiện ra những tình tiết lừa đảo hoặc mạo danh nhờ nhìn vào phông chữ và cách bố trí văn bản.Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng “trò chuyện” với Thomas Phinney để tìm hiểu thêm về công việc bí ẩn và cũng đầy thú vị của ông - một thám tử phông chữ chuyên nghiệp.
Năm 2017, một người đàn ông đến từ Canada có tên Gerald McGoey, đã nộp đơn xin phá sản cho công ty của mình. Hồ sơ phá sản được đưa ra nhiều năm sau khi công ty viễn thông có trụ sở tại Ontaria của ông thất bại trong việc kinh doanh. McGoey là một người giàu có, nắm trong tay khá nhiều bất động sản, nhưng công việc kinh doanh thua lỗ đã khiến ông rơi vào cảnh nợ nần, phải bán bớt gia sản để trả nợ và duy trì cuộc sống. McGoey muốn giữ lại ngôi nhà cũng như trang trại ven hồ ở vùng Muskoka, số tài sản này được ủy thác cho các con của McGoey.
Hồ sơ phá sản, bao gồm cả những giấy tờ liên quan đến tài sản sở hữu của Gerald McGoey đã được nộp cho tòa án. Nhận thấy điều bất thường trong số giấy tờ quan trọng trên, phía tòa án đã phải “nhờ cậy” đến sự giúp sức của Thomas Phinney, người có biệt danh "thám tử phông chữ". Phinney khi đó đang là CEO của FontLab, một doanh nghiệp chuyên về thiết kế font chữ có trụ sở tại Portland, Hoa Kỳ.
Linh tính của các luật sư đã đúng, sau một vài ngày nghiên cứu, Thomas Phinney nhanh chóng phát hiện ra điều bất thường trong giấy tờ của McGoey. Theo đó, thông tin trong tài liệu ủy thác quyền sở hữu căn biệt thự tại Muskoka mà McGoey dành cho các con của mình cho thấy yêu cầu này đã được thực hiện vào năm 1995. Tuy nhiên, phông chữ được sử dụng trong tài liệu lại là của Microsoft, vốn được xuất bản vào năm 2007. Như vậy, một tài liệu làm vào năm 1995 nhưng lại sử dụng phông chữ của năm 2007, và đó chính là điểm bất thường mà Thomas Phinney đã tìm ra. Chưa dừng lại ở đó, hồ sơ về quyền sở hữu khu trang trại mà McGoey đệ trình cũng chứa đựng mâu thuẫn khó lý giải khi tài liệu này được cho là đã thực hiện xong vào năm 2004, thế nhưng lại sử dụng phông chữ “Calibri” - mãi cho đến năm 2007 mới được Microsoft phát hành. Rõ ràng có sự gian lận ở đây bởi ngay cả khi ông McGoey có người quen làm việc ở Microsoft và có quyền sử dụng bản phát hành trước của phông chữ này, thì trên thực tế, kiểu chữ Calibri đã trải qua khá nhiều lần sửa đổi, đặc biệt trong đó có lần thay đổi thiết kế chữ số trong năm 2005, như vậy, việc sử dụng phông chữ có thiết kế mới kể từ năm 2004 là điều hoàn không thể xảy ra.
Những sự bất thường mà Thomas Phinney tìm ra sẽ được nêu rõ trong phiên tòa. Tất nhiên, phông chữ không phải là bằng chứng duy nhất được sử dụng trong quá trình tố tụng tại tòa án và đối với trường hợp của doanh nhân McGoey cũng vậy, còn có rất nhiều mâu thuẫn khác phải được tìm ra để làm sáng tỏ vụ việc, tuy vậy, ở vụ án này, sự bất thường trong việc sử dụng phông chữ trên các tài liệu, giấy tờ quan trọng sẽ là một trong những yếu tố quyết định đến kết quả cuối cùng. Đây là một trong nhiều vụ việc liên quan đến giấy tờ, tài liệu mà Phinney đã giúp làm sáng tỏ.
Như vậy có thể thấy rằng đóng góp của các "thám tử phông chữ" là rất quan trọng trong nhiều khía cạnh đời sống, đặc biệt đối với những vấn đề liên quan đến tranh chấp pháp lý. Trên thế giới hiện tại không có nhiều người như Thomas Phinney - những người không chỉ sở hữu đôi mắt tinh tường mà còn mang trong mình một kho tàng kiến thức đồ sộ về những con chữ.
Thomas Phinney từng có thời gian dài làm quản lý tại Adobe. Công việc và cuộc sống của ông cứ thế trôi đi nếu như không có một bước ngoặt xảy đến vào năm 1999. Trong năm đó, Adobe vướng vào một vài bê bối phức tạp liên quan đến pháp lý, và luật sư của Adobe đã đề nghị các nhân viên trong công ty giúp mình nghiên cứu sự bất thường của một số tài liệu, giấy tờ có liên quan đến vụ việc. Trước đề nghị đó, Phinney là cá nhân duy nhất có hứng thú với tính hợp pháp và toàn vẹn của tài liệu thông qua những phông chữ cũng như cách nó được in ấn ra sao. Sau vụ việc trên, Thomas Phinney nhận ra mình có hứng thú đặc biệt với cách thức trình bày của những con chữ và chính điều này đã đem đến cho ông một ngón nghề "tay trái" chẳng giống ai.
Vị "thám tử phông chữ" này hiện sở hữu bằng thạc sĩ về in ấn, đồng thời cũng là bậc thầy trong áp dụng kinh nghiệm thiết kế, làm việc với các loại phông chữ nhằm đánh giá tính hợp pháp của tài liệu. Điều này khiến Thomas Phinney đôi khi làm việc như một nhà văn hóa, chuyên gia sử học giàu kinh nghiệm, có nhiệm vụ đánh giá tính hợp pháp của các tác phẩm nghệ thuật và cổ vật có giá trị lịch sử cao. Đôi lúc lại biến ông thành một chuyên viên hình sự chuyên nghiệp, góp phần quan trọng vào sự thành công của không ít vụ án.
Thêm một ví dụ quan trọng của việc xác thực phông chữ. Bản đồ Waldseemüller, xuất bản năm 1507, được cho là tấm bản đồ đầu tiên lập chính xác vĩ độ và kinh độ của trái đất, đồng thời cũng là bản đồ đầu tiên trên thế giới sử dụng tên gọi “America” cho châu Mỹ. Bản đồ Waldseemüller chỉ được tạo ra 1000 ấn bản duy nhất, một trong số đó là bản sao đặc biệt có giá trị đang được lưu giữ ở bảo tàng Smithsonian. Điều bí ẩn của tấm bản đồ lâu đời này nằm ở chỗ mặc dù tác giả đã được xác định, thế nhưng thông tin về ai đã in nó và in khi nào thì vẫn là một dấu hỏi lớn.
Với hy vọng làm sáng tỏ bí ẩn này, Elizabeth Harris, giám đốc phụ trách viện bảo tàng Smithsonian, đã quyết định mở một cuộc điều tra quy mô lớn. Ông cùng các cộng sự đã nghiên cứu và lên danh sách tất cả các mẫu máy in có sử dụng những ký tự xuất hiện trong bản đồ Waldseemüller, tương đương với 5 phông chữ được sử dụng trong tấm bản đồ này. Nhóm nghiên cứu sau đó đã tiến hành kiểm tra xem phông chữ nào đã được thêm vào bản đồ và thêm vào trong khoảng thời gian nào. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng đã thu thập và phân tích thông tin về thói quen in ấn được sử dụng tại Giorgburg, Đức vào thời điểm bản đồ được tạo ra, cũng như kiểm tra xem có gì bất thường trong cấu trúc văn bản hay không. Sau nhiều tháng trời ròng rã, nhóm nghiên cứu của Elizabeth Harris cũng đã tìm ra được những thông tin vô cùng quý giá, đó là tấm bản đồ Waldseemüller quý hiếm này được tạo dựng từ 2 phần chính, trong đó, nội dung tổng thể của bản đồ đã được in cùng một lúc và xuất bản vào năm 1507, tuy nhiên một số lượng lớn ký hiệu cũng như chú thích lại được in bổ sung khá lâu sau đó, ít nhất là sau năm 1515.
Bên cạnh giá trị lịch sử, các đặc điểm của phông chữ cũng có thể giúp phản ánh tình hình thế giới thực. Ví dụ, tên của nhà viết kịch William Shakespeare có xu hướng được in dưới dạng phông chữ có kích thước lớn hơn qua từng năm khi ông trở nên nổi tiếng hơn. Bên cạnh đó, càng về sau này, kịch bản cho những vở kịch của Shakespeare càng sử dụng phông chữ lớn và rõ ràng hơn, cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng của xã hội đối với các tác phẩm này.
Như vậy, các “thám tử phông chữ” muốn làm rõ được những chi tiết của một tài liệu thông qua phông chữ cần phải có kiến thức sâu sắc về bối cảnh lịch sử cũng như văn hóa - xã hội khi tài liệu đó được viết ra, với cốt lõi vẫn nằm ở việc "nhận dạng đặc điểm của từng con chữ".
Bên cạnh đó, nhiều “thám tử phông chữ” cũng đã hợp tác với cảnh sát điều tra trong các vụ án có liên quan đến chữ viết tay, góp phần quan trọng nhằm tháo gỡ nút thắt của vụ án. Chúng ta thường có câu “nét chữ, nết người”, chữ viết tay có thể tiết lộ rất nhiều thông tin quan trọng về tính cách cũng như trạng thái tâm lý của người cầm bút. Bên cạnh các luật sư, Thomas Phinney là một trong số ít những cá nhân có thể phản biện với tòa án, thuyết phục thẩm phán về tính chính xác của giấy tờ nhờ vào đặc điểm của từng con chữ. Tuy có tầm quan trọng là thế nhưng thẩm định chữ viết là một công việc thực sự phức tạp và khô khan, do đó, không có nhiều người bỏ công sức theo đuổi nghề này một cách nghiêm túc. Vì điều này, công việc của Phinney vẫn đang trở nên bận rộn hơn bao giờ hết, hiện ông phải xử lý ít nhất 4 trường hợp thẩm định phông chữ, chữ viết mỗi tháng.
Bạn có suy nghĩ gì về việc trở thành một “thám tử phông chữ”? Hãy để lại ý kiến ở mục bình luận bên dưới nhé.